Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng

Trong phần đầu tiên của loạt bài về Art Nouveau, chúng ta đã tìm hiểu phần tóm lược của trào lưu, các ý tưởng và thành tựu chính, cũng như dòng chảy lịch sử sơ bộ của phong cách này. Trong phần thứ hai, chúng ta tiếp tục đi sâu vào các khái niệm, các đặc điểm của phong cách, các xu hướng cụ thể trong các loại hình nghệ thuật và thiết kế khác nhau.

Đồ họa và thiết kế theo trường phái Art Nouveau

Cây anh thảo (Cyclamen)(1895) – Một mẫu thêu trên vải nổi tiếng của Hermann Obrist
thể hiện những đường nét xoáy “whiplash” đặc trưng của Art Nouveau

Một phần lý do mà Art Nouveau được phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỷ 19 chính là vì nhiều nghệ sĩ sử dụng sẵn các hình dạng phổ biến và dễ sao chép của nghệ thuật đồ họa. Ở Đức, các nghệ sĩ Jugendstil như Peter Behrens và Hermann Obrist đã in tác phẩm của họ trên các bìa sách và danh mục triển lãm, phần quảng cáo trên tạp chí, và áp phích quảng cáo. 

Nhưng xu hướng này hoàn toàn không chỉ bị bó hẹp tại Đức. Minh họa gia người Anh Aubrey Beardsley, có lẽ nghệ sĩ của Art Nouveau bị gây tranh cãi nhất do những tác phẩm của ông có chứa sự kết hợp yếu tố khiêu dâm và rùng rợn. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, ông đã sáng tác nên một lượng áp-phích sử dụng những đường nét tao nhã và nhịp nhàng. Các bản in của Beardsley, ví dụ như Chiếc váy con công (The Peacock Skirt) (1894), vừa suy đồi lại vừa đơn giản, và thể hiện rất rõ nét mối liên kết trực tiếp giữa Art Nouveau và các bản in Nhật Bản/Ukiyo-e. 

Chiếc váy con công của Aubrey Beardsley

Ở Pháp, các áp-phích và ấn phẩm đồ họa của Jules Chéret, Henri de Toulouse-Lautrec, Pierre Bonnard, Victor Prouvé, Théophile Steinlen, và kha khá tác giả khác đã khắc hoạ lối sống xa hoa, suy đồi của Thời kỳ tươi đẹp (La Belle Époque) (khoảng thời gian từ 1890-1914), thường gắn liền với khu phố Montmartre tơi tả đầy những cabaret nằm ở phía bắc Paris. Những tác phẩm đồ họa của họ đã dùng kỹ thuật in thạch bản có màu mới để quảng bá về sự phát triển công nghệ như điện thoại và đèn điện dùng cho các quán bar, nhà hàng, hộp bộ đêm và thậm chí cho cả cá nhân các nghệ sĩ biểu diễn, làm bật lên năng lượng và sức sống của cuộc sống hiện đại. Trong suốt quá trình đó, họ đã sớm nâng tầm những tấm áp phích quảng cáo cho khách bộ hành lên thành một thứ nghệ thuật cao cấp.


Kiến trúc Art Nouveau

Tòa Vienna Secession ngày nay

Ngoài nghệ thuật đồ họa và nghệ thuật thị giác, bất cứ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về Art Nouveau đều phải suy xét tới kiến trúc và sức ảnh hưởng lớn của nó lên nền văn hóa châu Âu. Ở các thành phố lớn như Paris, Brussels, Glasgow, Turin, Barcelona, Antwerp và Vienna, cũng như các thành phố nhỏ hơn như Nancy và Darmstadt, cùng các vùng khác ở Đông Âu như Riga, Prague và Budapest, kiến trúc Art Nouveau rất thịnh hành ở quy mô lớn, cả về kích thước lẫn diện mạo, và cho đến ngày nay vẫn còn hiện diện ở các dãy nhà nhỏ cho đến các viện và tòa nhà thương mại lớn. 

Art Nouveau đặc biệt thể hiện được sự đa ngôn ngữ trong kiến trúc. Nhiều tòa nhà kết hợp sử dụng đất nung và ngói đầy sắc màu một cách phi thường. Thí dụ như nhà gốm sứ người Pháp Alexandre Bigot, ông đã làm nên tên tuổi của mình bằng việc sản xuất các vật trang trí bằng đất nung cho mặt tiền và lò sưởi của các dinh thự và tòa nhà chung cư ở Paris. Các cấu trúc Art Nouveau khác, đặc biệt là ở Pháp và Bỉ (nơi Hector Guimard và Victor Horta là nhà thực hành quan trọng), phô bày được những khả năng mang tính công nghệ về một cấu trúc bằng kim loại ghép bằng các tấm kính.

Công trình của Victor Horta

Ở nhiều vùng trên khắp châu Âu, đá địa phương thường là đá vôi màu vàng hoặc những tảng đá với các hình thù khác nhau đặc trưng cho từng vùng nông thôn phối hợp cùng với cách trang trí bằng gỗ là kiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng của Art Nouveau. Có một vài trường hợp sử dụng điêu khắc vữa trắng, đặc biệt là trên các tòa nhà triển lãm Art Nouveau, chẳng hạn như các chòi nghỉ trong khuôn viên Exposition Universelle ở Paris năm 1900 hay toà Vienna Secession. Ngay cả ở Mỹ, phần hoa lá trang trí trên các tòa nhà chọc trời do Louis Sullivan thiết kế như Tòa nhà Wainwright và Sở giao dịch chứng khoán Chicago thường được cho là những ví dụ điển hình về phạm vi kiến trúc rộng lớn của Art Nouveau.

Toà Casa Calvet tại Barcelona thiết kế bởi Antoni Gaudí năm 1899
Tòa nhà Wainwright

Thiết kế nội thất theo trường phái Art Nouveau

Giống như các cuộc phục hưng phong cách thời Victoria và phong trào Nghệ thuật và Thủ công, Art Nouveau và trang trí nội thất có mối quan hệ mật thiết ít nhất là đến mức có thể dễ dàng nhận thấy ở các mặt tiền. Cũng như những phong cách khác của thế kỷ 19, nội thất Art Nouveau cũng cố gắng tạo ra một tổng thể hài hòa, mạch lạc mà không bỏ qua bất cứ bề mặt nào. Về khía cạnh này, thiết kế đồ nội thất chiếm vị trí trung tâm, đặc biệt là trong sản xuất gỗ chạm khắc có đường nét sắc cạnh và bất thường mà chủ yếu được làm thủ công nhưng đôi khi được sản xuất bằng máy móc. 

Các nhà sản xuất đồ nội thất đã tạo ra những món đồ cho mọi nhu cầu sử dụng ta có thể tưởng tượng ra: giường, ghế dài, bàn ghế trong phòng ăn, tủ quần áo, tủ búp phê, và chân đèn. Các đường cong uốn lượn của các thiết kế thường tạo ra từ các thớ gỗ tự nhiên và thường được lắp đặt cố định làm tấm ốp tường và khuôn.

Tại Pháp, các nhà thiết kế theo trường phái Art Nouveau bao gồm Louis Majorelle, Emile Gallé, và Eugène Vallin, tất cả đều có sống và làm việc tại Nancy; và, Tony Selmersheim, Édouard Colonna và Eugène Gaillard làm việc ở Paris và cho cửa hàng L ’Art Nouveau của Siegfried Bing (nguồn gốc của cái tên phổ biến nhất cho phong cách này). 

Tại Bỉ, những đường cong whiplash và những đường viền góc cạnh và kín đáo hơn có thể được nhìn thấy trong các thiết kế của Gustave Serrurier-Bovy và Henry van de Velde, cả hai đều ngưỡng mộ các tác phẩm của các nghệ sĩ Nghệ thuật & Thủ công Anh. Alberto Bugatti và Augustino Lauro, người Ý, nổi tiếng với những bước đột phá trong phong cách. Nhiều nhà thiết kế làm việc với đa dạng các hình thức nên khó để phân loại: ví dụ như Majorelle tự sản xuất các thiết kế đồ nội thất gỗ của mình và cũng mở xưởng đúc đồ sắt, nơi sản xuất nhiều phụ kiện kim loại cho đồ thủy tinh của anh em nhà Daum.

Tủ đựng bát đĩa (1899-1900) của Hector Guimard.
Giường Bình minh và hoàng hôn (1904) của Emile Gallé

Hội họa và “Nghệ thuật cao cấp”

Có rất ít phong cách có thể nhận rằng đã được thể hiện trên gần như tất cả các hình thức nghệ thuật thị giác một cách triệt để như Art Nouveau. Ngoài những nghệ sĩ làm việc chủ yếu với đồ họa, kiến trúc, và thiết kế, Art Nouveau còn có một số đại diện nổi bật trong hội họa, chẳng hạn những nghệ sĩ ly khai Vienna như Gustav Klimt là tác giả của Hy vọng II (Hope II)Nụ hôn (The Kiss) (1907-08) và Victor Prouvé ở Pháp. 

Tuy nhiên các họa sĩ của Art Nouveau rất hiếm hoi và xa cách: Klimt hầu như không có học trò nào (có Egon Schiele nhưng lại đi thẳng theo hướng Chủ nghĩa Biểu hiện), và Prouvé nổi tiếng ở vai trò nhà điêu khắc và nhà thiết kế đồ nội thất ở mức độ như nhau. Thay vào đó người ta cho rằng Art Nouveau chịu trách nhiệm hơn bất kỳ phong cách nào trong lịch sử trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật trang trí hoặc nghệ thuật ứng dụng (với các đồ vật tiện dụng) và mỹ thuật hay nghệ thuật thuần túy như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, là những bộ môn vẫn được xem là biểu hiện quan trọng và thuần khiết hơn cho tài năng và kỹ thuật của nghệ sĩ. (Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại tranh cãi về việc liệu khoảng cách đó đã bao giờ được thu hẹp hoàn toàn hay chưa.)

Hy vọng II (Hope II) (1907–1908) của Gustav Klimt
Nụ hôn (The Kiss) (1907–1908) của Gustav Klimt

Đồ trang sức và thủy tinh phong cách Art Nouveau

Bức chân dung của nhà thiết kế thuỷ tinh Emile Gallé theo trường phái Art Nouveau (1892) của Victor Prouvé


Art Nouveau nổi danh về tính sang trọng là nhờ một số nghệ nhân thủy tinh có tiếng nhất trong lịch sử. Emile Gallé, anh em nhà Daum, Tiffany, và Jacques Gruber lần đầu tiên được biết đến ít nhiều thông qua những tác phẩm Art Nouveau bằng thuỷ tinh của họ và ứng dụng của chúng lên các hình thức có công năng. 

Các doanh nghiệp của Gallé và Daum đã tạo dựng được tiếng tăm của mình qua các thiết kế bình hoa và thủy tinh nghệ thuật, tiên phong các kỹ thuật mới trong việc khắc axit lên các bề mặt cong và góc cạnh chuyển mượt mà giữa các màu trong mờ. Anh em nhà Daum và Tiffany cũng áp dụng khả năng nghệ thuật của thủy tinh lên các sản phẩm thường ngày như chụp đèn và đồ dùng để bàn. Cả Tiffany và Jacques Gruber, người từng được đào tạo ở Nancy cùng với anh em nhà Daum, đều trở thành chuyên gia thuỷ tinh màu, làm tôn vinh vẻ đẹp của thế giới tự nhiên qua các tấm kính rực rỡ có kích thước lớn.

Bình Favrile (1895) thiết kế bởi Louis Comfort Tiffany, sản xuất bởi Stourbridge Glass Co.


Bình hoa (1900) thiết kế bởi Emile Gallé, sản xuất bởi Cristallerie de Gallé
Decanter Niepoort cura Lalique (1863) đạt kỉ lục Guiness về bình rượu vang đắt nhắt từng được bán trong phiên đấu giá – 134,000 USD ở nhà Sotheby’s năm 2019

Trong lĩnh vực đồ trang sức, René Lalique, Louis Comfort Tiffany và Marcel Wolfers đã chế tác ra những sản phẩm đắt tiền nhất trong giai đoạn chuyển giao thế kỉ 19 và thế kỉ 20, sản xuất mọi thứ từ hoa tai đến dây chuyền, vòng tay đến trâm cài, nhờ vậy lại càng đảm bảo rằng Art Nouveau luôn gắn liền với sự xa xỉ của giai đoạn cuối thế kỉ 19, bất chấp hy vọng rằng sự phổ biến của nó sẽ giúp phong cách được tiếp cận bởi mọi tầng lớp.

Bán lẻ và Nhận dạng Doanh nghiệp

Art Nouveau nổi lên cùng lúc thị trường bán lẻ mở rộng để thu hút khách hàng đại chúng. Nhiều cửa hàng bách hóa đô thị lớn được thành lập vào cuối thế kỷ 19, bao gồm La Samaritaine ở Paris, Wertheim’s ở Berlin và Magasins Reunis ở Nancy, đều đặc biệt trưng bày đồ theo phong cách Art Nouveau. Hơn nữa, nó cũng được tiếp thị mạnh mẽ bởi một số cửa hàng thiết kế có tiếng nhất thời kỳ đó, bắt đầu với cửa hàng L’Art Nouveau của Siegfried Bing ở Paris vốn là pháo đài vững chắc của phong cách cho đến khi đóng cửa vào năm 1905,  sau khi Bing qua đời ít lâu. Cửa hàng này không phải là tiệm duy nhất trong thành phố chuyên bán đồ nội thất Art Nouveau.

Chân dung Peter Behrens

Trong khi đó, Liberty & Co. là nhà phân phối chính của những đồ vật Art Nouveau tại Anh và Ý, nơi mà cái tên Liberty đã gần như trở thành cái tên của phong cách này. Nhiều nhà thiết kế Art Nouveau trở nên nổi tiếng trong lúc làm việc độc quyền cho những nhà bán lẻ này trước khi rẽ sang các hướng khác. Ví dụ, kiến ​​trúc sư Peter Behrens đã thiết kế hầu hết mọi thứ trên đời, từ ấm pha trà đến bìa sách, từ áp phích quảng cáo cho đến nội thất của gian hàng triển lãm, đồ gia dụng và đồ nội thất. Đến năm 1907, ông trở thành nhà thiết kế công nghiệp đầu tiên khi được bổ nhiếp phụ trách tất cả công việc thiết kế tại AEG (Allgemeine Elektrisitats-Gesellschaft, Doanh nghiệp điện Trung ương của Đức).

Người dịch: CM Ngô
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!


Cùng tác giả

#Tag

Art nouveau Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế Series Lịch sử thiết kế đồ họa tân nghệ thuật

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…