Bậc thầy cổ điển (Phần 3)

Trong phần cuối của loạt bài về các Bậc thầy cổ điển, ta đã tìm hiểu 8 tác phẩm có năm sáng tác rải rác từ thế kỷ 15 cho tới thế kỷ 17. Các tác phẩm này trong thời của nó đều đã cải tiến nghệ thuật ở nhiều khía cạnh khác nhau: cách miêu tả đối tượng, kỹ thuật vẽ, chủ đề sáng tác… tiếp tục tạo ảnh hưởng tới các thế hệ nghệ sĩ trong nhiều thế kỷ sau đó và cho tới tận ngày nay. Tác giả của chúng, những Bậc thầy cổ điển đều là những người mà nếu không có họ thì lịch sử nghệ thuật đã diễn biến theo cách hoàn toàn khác.

1426 – 1427: Trục xuất khỏi vườn Địa đàng của Masaccio

Trước và sau phục chế. Bích hoạ – Nhà thờ Santa Maria Novella, Florence, Ý

Tác phẩm của Bậc thầy Cổ điển thuở ban đầu này, một phần của vòng tranh bích hoạ Masaccio ở nhà nguyện Brancacci, miêu tả hình tượng Adam và Eva khoả thân, ngôn ngữ hình thể và biểu cảm khuôn mặt của họ thể hiện sự xấu hổ và đau đớn, khi họ đang bị đuổi khỏi vườn Địa đàng.

Từ vòm cửa đằng sau họ có những đường đen miêu tả tiếng nói của Chúa. Phía trên vòm có một vị thiên thần mặc đồ màu đỏ và mang thanh gươm đen, xông xáo đẩy họ tiến về trước. Cả những đường miêu tả tiếng nói của chúa và thanh kiếm đều được làm bằng bạc, mặc dù đã bị hoen ố đi theo thời gian. Sự ảnh hưởng của điêu khắc cổ điển thể hiện rõ ở tỉ lệ của cả hai hình tượng, trong khi cánh tay của Eva che lấy ngực cùng mu của nàng, gợi lên tư thế Venus Pudica và tư thế ấy đã được sử dụng rộng rãi bởi các nghệ sĩ sau này. Trong sự miêu tả của mình về Adam, Masaccio cũng đã chịu ảnh hưởng bởi Chúa đóng đinh (Crucifix) (1412 – 13) của Donatello ở nhà thờ Santa Croce, được biết tới bởi sự miêu tả mang tính hiện thực cao của nó.

Masaccio đã vẽ những hình tượng khoả thân đầu tiên kể từ thời kỳ La Mã cổ đại. Những đổi mới – sự miêu tả hình tượng mang tính hiện thực và phối cảnh tuyến tính của ông đã tạo ra một thẩm mỹ mới. Là một hoạ sĩ thế kỷ 16, Giorgio Vasari viết rằng:”Masaccio mang ra ánh sáng phong cách hiện đại đã được theo đuổi từ đó bởi mọi nghệ sĩ”. Sự ảnh hưởng trực tiếp có thể nhìn thấy trong tác phẩm của Fra Filippo Lippi, Sandro Botticelli, da Vinci (người đã gọi những hình tượng của Masaccio là “hoàn hảo”), và Michelangelo cũng như những tên tuổi sau đó bao gồm John Ruskin, Joshua Reynolds và nhà điều khắc Henry Moore.

Như nhà sử học đương đại Keith Christiansen viết: “Những phương pháp Masaccio thể hiện trên những bức tường nhà nguyện Brancacci quả đã trở thành nền tảng của đào tạo nghệ thuật khắp châu Âu.”

1503 – 1507: Mona Lisa (La Gioconda) của Leonardo da Vinci

Sơn dầu trên phản gỗ – Louvre, Paris, Pháp

Có lẽ đây là tác phẩm nổi tiếng nhất và dễ nhận biết nhất của da Vinci, tác phẩm Phục hưng này miêu tả một người phụ nữ có nụ cười và danh tiếng bí ẩn đã khiến bao nhiêu học giả và người xem phấn khích suốt hàng thể kỷ. Về kỹ thuật và cách xử lý chủ thể chủ đề, tác phẩm của Leonardo là hoàn toàn đổi mới.

Những bức chân dung phụ nữ trước đó thường do các thành viên nam trong gia đình đặt hàng, mô tả nhân vật ở góc nghiêng và nhấn mạnh vào địa vị xã hội, cũng như sự phù hợp trong tư cách người vợ, bằng việc chú ý tới trang sức và đồ đá quý của cô ta.

Da Vinci tiên phong sử dụng sfumato, kỹ thuật phủ nhiều lớp mỏng men màu, tạo ra sự chuyển tông màu, độ sáng và tối mềm mại. Điều này cùng với hiểu biết của ông về giải phẫu và khả năng phối cảnh bậc thầy, tạo nên tính hiện thực cho tác phẩm. Như Giorgio Vasari viết: “Bởi nghệ thuật có thể bắt chước được tự nhiên, cô ấy không trông như thể được vẽ ra, mà thực sự được tạo nên bằng xương bằng thịt. Bằng cách ngắm thật gần phần cổ họng của cô, người ta có thể thề rằng những mạch máu đang đập.”

Phong cảnh trở thành một trọng tâm của tác phẩm, thay bằng phông nền đơn thuần, với các đặc điểm được thể hiện từ góc nhìn trên không, trông giống những dạng phong cảnh thực tế, tất cả đã gợi lên một thế giới tưởng tượng. Như giám tuyển của Louvre là Jean-Pierre Cuzin viết: “Bối cảnh này có thể là một sự đại diện của vũ trụ, với núi, đồng bằng, và những dòng sông. Hoặc cũng có thể đó vừa là hiện thực vừa là thế giới của giấc mơ. Người ta có thể cho rằng phong cảnh ấy không tồn tại, rằng đó là thế giới mơ ước của riêng cô gái trẻ.”

Mặc dù hầu hết các học giả tin rằng da Vinci đã bắt đầu thực hiện tác phẩm ở Florence vào khoảng năm 1500, nhưng sau đó, ông đã mang theo tác phẩm đến Pháp và làm việc với nó cho đến khi qua đời. Như Cuzin đã viết: “Toàn bộ lịch sử của việc họa chân dung sau đó phụ thuộc vào bức Mona Lisa. Nếu bạn nhìn vào tất cả các bức chân dung khác – không chỉ Phục hưng Ý, mà còn toàn bộ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 19; nếu bạn nhìn vào Picasso, vào tất cả những ai muốn kể tên ra, thì tất cả bọn họ đều được truyền cảm hứng bởi bức hoạ này. Vì vậy, nó gần như là gốc rễ của hội hoạ chân dung phương Tây.”

Những kỹ thuật chiaroscuro, sfumato, phối cảnh tuyến tính, phối cảnh nhìn từ trên cao và cách sử dụng bố cục của ông đã trở thành nền tảng cho các nghệ sĩ sau này. Những khám phá khoa học, phát minh, và quan sát (ghi chép lại trong sổ tay của ông) cũng được hoan nghênh không kém, da Vinci được nhìn nhận như một người Phục hưng mẫu mực, một bậc thầy trong tất cả những lĩnh vực ông thử sức.

1508 – 1512: Chúa tạo ra Adam của Michelangelo

Bích hoạ – Nhà nguyện Sistine, thành phố Vatican, Ý

Tác phẩm mang tính biểu tượng này, một phần của loạt bích hoạ mà Michelangelo vẽ trên tường nhà nguyện Sistine, miêu tả khoảnh khắc khi Chúa hiện ra trong một đám mây, những thiên thần và các tiểu thiên sứ ở phía bên phải, truyền ngọn lửa cuộc sống cho Adam, người khoả thân và nằm nghiêng ở bên trái. Chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm điêu khắc cổ điển của Hy Lạp và La Mã, các nhân vật của Michelangelo đều được lý tưởng hoá và mang tính điêu khắc, nâng tầm hình tượng khoả thân – điều mà trong nghệ thuật Cơ đốc giáo trước đây chỉ được sử dụng để miêu tả Adam và Eva trong nỗi xấu hổ khi bị đuổi khỏi thiên đường.

Ở đây, ông tạo ra một hình ảnh đầy quyền lực của cái đẹp nam tính, điều đã ảnh hưởng tới cả phương thức xử lí trong nghệ thuật là tín ngưỡng văn hoá, được phản ánh vào thế kỷ 20 qua bình luận của Giáo hoàng John Paul II rằng: “Nhà nguyện Sistine chính xác là thánh địa của thần học cơ thể con người.”

Giáo hoàng Julius II đã đặt hàng vẽ trần nhà nguyện Sistine vào năm 1507. Kết quả ngay lập tức được ca ngợi là kiệt tác xác định thời đại và là một điển hình sớm của hội hoạ lịch sử. Michelangelo cũng được chú ý vì những bố cục sáng tạo của mình, bao gồm việc sử dụng kỹ thuật vẽ rút gọn lại trong tương quan xa – gần, một bảng màu sống động và chuyển động năng động. Vào thế kỷ 17, các học viện nghệ thuật xuất hiện đã định nghĩa hội hoạ lịch sử như một trong các hình thức cao nhất của nghệ thuật. Việc sao chép các tác phẩm của Bậc thầy cổ điển ở thể loại này đã được nhấn mạnh trong quá trình giáo dục và rất nhiều nghệ sĩ đã du hành tới Rome để nghiên cứu tác phẩm. Sự miêu tả của Michelangelo về hình dạng con người đã ảnh hưởng lớn tới Titian, Bernini, Rubens, Rodin và Paul Cézanne, bên cạnh những người khác.

1513: Hiệp sĩ, Thần Chết, và Ác quỷ của Albrecht Dürer

Chạm khắc – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Bản in lớn này, cùng với Thánh Jerome trong thư phòng của ngài (Saint Jerome in His Study) (1514) và Sầu muộn I (Melancholia I) (1514), là một trong những Meisterstiche, hay bản khắc bậc thầy của Dürer.

Một hiệp sĩ cưỡi ngựa, mặc áo giáp và mang theo một cây thương, đầu của nó được quấn trong lông đuôi cáo, lấp đầy bức tranh khi anh ta cưỡi ngựa một cách kiên quyết trong khung cảnh hiểm trở và hoang vắng. Anh ta nghiêm nghị nhìn về trước, không nhìn vào Thần Chết, cưỡi trên một con ngựa đi bên phải anh ta, đang khuyên nhủ anh ta. Anh cũng không nhìn vào Ác quỷ mang chiếc đầu dê đang đi theo anh ta. Chú chó trung thành của anh chạy cạnh anh.

Tác phẩm mang tính ngụ ngôn sâu sắc, từ hộp sọ trên mặt đất phía trước con ngựa cho đến chiếc đồng hồ cát mà Thần chết cầm, và có lẽ dựa trên Hướng dẫn cho những chiến binh Cơ đốc của Erasmus Nhân văn Phục hưng (Renaissance Humanist Erasmus’s Instructions for the Christian Soldier) (1504), mà nói rằng: “Để có thể không bị cản trở khỏi con đường nhân đức bởi nó có vẻ gồ ghề về thê lương và bởi vì ngươi phải liên tục chiến đấu với ba kẻ thù không cân sức – xác thịt, ác quỷ, và thế giới; đừng nhìn lại đằng sau mình.” Tên của Dürer đặt cho tác phẩm đơn giản là Reuter (Kỵ sĩ), phản ánh sự nhấn mạnh của ông vào người hiệp sĩ như một hình tượng anh hùng.

1556: Những thợ săn trong tuyết của Pieter Bruegel Già

Phong cảnh trong bức tranh Những người thợ săn trong tuyết (The Hunters in the Snow) cho thấy ba người thợ săn cùng với những con chó săn của mình, họ đang di chuyển cực nhọc trên tuyết ở một đỉnh đồi nhìn xuống ngôi làng nhỏ, nơi trên dòng sông và những cái ao lớn bị đóng băng, những người dân làng cũng đang đóng băng.

Thể hiện cái nhìn hấp dẫn về cuộc sống nông thôn, tác phẩm sử dụng cảm nhận bậc thầy về bố cục, khi đường chéo tạo ra bởi những hình tượng màu tối và rõ viền của những người thợ săn được lặp lại trong đường chéo tạo ra bởi những thân cây màu đen đổ xuống dọc thân đồi. Đường này có thể nhìn thấy tiếp tục băng qua dải màu trắng của đất giữa các cái ao, cho tới tận những đỉnh núi hiểm trở nơi xa.

Tác phẩm này nằm trong loạt tranh Breughel vẽ để miêu tả các mùa, nhưng như nhà sử học nghệ thuật Jacob Wisse viết: “Sự nhấn mạnh của Brueghel không nằm ở công việc lao động đánh dấu mỗi mùa mà ở bầu không khí và sự thay đổi của chính cảnh quan. Những bố cục toàn cảnh này gợi ra một tầm nhìn sâu sắc và phổ quát về thế giới.”

Tác phẩm của Breughel đã giúp hình thành sự phát triển của cả nghệ thuật phong cảnh lẫn cảnh sinh hoạt, bởi những khung cảnh ông miêu tả cuộc sống thông thường đã được nghiên cứu bởi việc sử dụng phối cảnh tuyến tính, những đường viền mạnh bạo và sự lặp lại của những dạng hình tam giác. Ông đã tạo ảnh hưởng lên những nghệ sĩ Phục hưng Bắc Âu và Thời kỳ Hoàng kim Hà Lan, cũng như những nghệ sĩ sau đó nữa như Camille Pissarro và Vincent Van Gogh. Nhà phê bình nghệ thuật đương đại Jonathan Jones viết: “Những cảnh trí như Những người thợ săn trong tuyết có vẻ như khái quát bản chất của cuộc sống trên trái đất trong phạm vi địa lý và nhân chủng học của chúng. Như Shakespeare, ông ấy có thể nắm bắt được sân khấu của cuộc đời.”

1601: Bữa ăn ở Emmaus của Caravaggio

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày quốc gia (National Gallery), London

Tác phẩm này miêu tả khoảnh khắc khi Đấng Ki-tô phục sinh tiết lộ danh tính của mình cho hai trong số những môn đồ của Ngài tại Emmaus. Được đặt trong một quán rượu nhỏ, dưới ánh nến, khung cảnh nhấn mạnh khoảnh khắc mặc khải. Chúa Ki-tô, khuôn mặt và cơ thể bừng sáng, được miêu tả với những cử chỉ hướng về phía người xem, trong khi những môn đồ phản ứng một cách thể chất, một người dang rộng cánh tay trong sự kinh ngạc và người kia như thể sắp đứng dậy khỏi ghế.

Mặc dù không phát minh ra kỹ thuật chiaroscuro, nhưng Caravaggio đã làm chủ và phổ biến nó rộng rãi, biến kỹ thuật ấy trở thành một yếu tố phong cách chủ đạo trong tranh của ông và dùng nó để gia tăng sự kịch tính và chuyển động của tác phẩm. Ông cũng tập trung vào việc tạo ra những hình tượng mang tính hiện thực, thay vì lý tưởng hoá chúng, một kỹ thuật mà đã khiến ông trở nên gây tranh cãi trong một số nhóm tôn giáo.

Các nhóm nghệ sĩ, chẳng hạn như Utrecht Caravaggisti, đã bắt chước cách sử dụng chiaroscuro của Caravaggio và sự nhấn mạnh của ông vào những khoảnh khắc kịch tính và ông đã tạo ảnh hưởng tới Rubens, Vermeer, Rembrandt và Velázquez. Như nhà sử học nghệ thuật Bernard Berenson viết: “Trừ Michelangelo ra thì không có hoạ sĩ Ý nào lại tạo ra nhiều ảnh hưởng tới vậy cả.” Nhà phê bình nghệ thuật hiện đại Roberto Longhi cũng viết rằng: “Ribera, Vermeer, La Tour và Rembrandt đều không thể tồn tại mà không có ông ấy. Và nghệ thuật của Delacroix, Courbet, và Manet đã là hoàn toàn khác.”

1656: Las Meninas của Diego Velázquez

Bố cục phức tạp này mô tả Infanta Margaret Theresa được phục dịch bởi đoàn tuỳ tùng, bao gồm hai tuỳ nữ danh tự, một cận thần, một vệ sĩ, hai người lùn, và một chú chó giữ nhà lớn. Ở bên trái, Velázquez vẽ chính mình đang vẽ lên một tấm toan khổ lớn. Ở hậu cảnh, một tấm gương phản chiếu hình ảnh Vua và Hoàng hậu có vẻ như đứng cùng vị trí với người xem. Ngoài ra, người ta cũng cho rằng hình phản chiếu là của chính bức tranh mà Velázquez đang vẽ.

Trên danh nghĩa là bức chân dung của Infanta, tác phẩm này là một khám phá phức tạp về hiện tượng của nhận thức thị giác, đặt ra câu hỏi về hiện thực và ảo ảnh trong nghệ thuật.

Nghệ sĩ Baroque Luca Giordano mô tả tác phẩm là đại diện cho “thần học của hội hoạ”, trong khi, vào năm 1827, hoạ sĩ Thomas Lawrence nói rằng nó gợi lên “triết học thực sự của nghệ thuật”. Tác phẩm này đã tiếp tục gây bận tâm và kích động những suy tưởng đương đại. Nhà triết học nổi tiếng Michel Foucault đã viết: “Chúng ta đang nhìn vào một bức tranh mà nơi đó hoạ sĩ cũng nhìn lại chúng ta. Một cuộc đối đầu đơn thuần, những ánh mắt bắt lấy nhau, những cái nhìn trực diện chồng lên nhau khi chúng giao nhau. Và chỉ dòng tầm nhìn tương hỗ mỏng manh này bao hàm cả một mạng lưới phức tạp những sự không chắc chắn, những trao đổi và những hoang mang.” Foucault nhìn nhận tác phẩm như dự giác một hướng tư tưởng mới, chiếm giữ một điểm giữa cổ điển và hiện đại, như khi ông nói: “Sự đại diện cuối cùng được giải phóng khỏi mối quan hệ đang cản trở nó, có thể tự đưa mình ra như là sự đại diện ở dạng thuần khiết.”

Tác phẩm đã tạo ảnh hưởng tới những nghệ sĩ kế tiếp, trong đó bao gồm Francisco Goya, John Singer Sargent, Pablo Picasso, Salvador Dalí, Richard Hamilton, cũng như nghệ sĩ video đương đại Eve Sussman, người đã giải ngữ cảnh nó. Édouard Manet gọi Velázquez là “hoạ sĩ của các hoạ sĩ”, và Picasso đã vẽ 58 diễn giải về Las Meninas trong một loạt tranh năm 1957, khi ông nghiên cứu kỹ lưỡng về hình thức, chuyển động và màu sắc của nó.

1669: Chân dung tự hoạ ở tuổi 63 của Rembrandt van Rijin

Bức chân dung tự hoạ này miêu tả nghệ sĩ góc ba phần tư, khuôn mặt hướng tới người xem. Trên một khung nền tối, chỉ có khuôn mặt già nua, nhăn nheo của ông được chiếu sáng, để lộ những nếp nhăn phía dưới đôi mắt ông và những vết thâm trên vầng trán. Như nhà phê bình nghệ thuật Hilton Cramer đã viết, “bề mặt được sơn vẽ dày này… là tương quan hình ảnh hoàn hảo” cho “sự thẳng thắn tồn tại” của ông. Sử dụng chiaroscuro sâu, ánh sáng và bóng tối trên khuôn mặt được phân chia bởi sống mũi, một đặc điểm nhận dạng của phong cách Rembrandt.  

Là một nghệ sĩ Baroque hàng đầu của thời kỳ Hoàng kim Hà Lan, Rembrandt được tung hô bởi những bức chân dung của mình, những khung cảnh trong kinh thánh và cổ điển, những ngụ ngôn, phong cảnh, tranh sinh hoạt, những bức tranh chạm khắc và khắc a-xít mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, nhà sử học nghệ thuật Mark Hudson viết: “Trong gần 200 năm, không một ai có nhiều quan tâm tới nghệ thuật của Rembrandt. Chính những phẩm chất mà chúng ta ngưỡng mộ ở ông – sự thật trần thế đối với thực tại vật chất, sự trực tiếp với hiện diện của con người được đặt rước mặt chúng ta, cảm giác gần như có thể chạm vào được ánh sáng và bóng râm của ông – đã đối lập hoàn toàn với sự sàng lọc cổ điển tự giác đã thống trị những giá trị phê bình cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18.”

Rembrandt đã được tái phát hiện vào cuối những năm 1800, kết quả ông trở thành một trong những Bậc thầy cổ điển nổi tiếng có ảnh hưởng tới kỷ hiện đại. Bức chân dung của ông đặc biệt có ảnh hưởng, do số lượng đáng kể của chúng mà ông đã tạo ra xuyên suốt cuộc đời mình.

Cézanne phác hoạ lại bức Bathsheba trong phòng tắm của nàng (Bathsheba in Her Bath) (1654), Vincent van Gogh gọi ông là “một ảo thuật gia”, Auguste Rodin miêu tả ông là “một tượng đài của nghệ thuật”, và Pablo Picasso nói “mọi hoạ sĩ đều so mình với Rembrandt”. Những nghệ sĩ sau này, bao gồm Frank Auerbach và Francis Bacon chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cái mà Auerbach gọi là “sự thật thô ráp” và các xử lý màu của ông, sử dụng impasto dày và nét vẽ lỏng. Như Hudson viết: “Tuy nhiên, đó cũng là quỹ đạo mà chúng ta mong nghệ thuật đạt được: thoát khỏi sự chặt chẽ, trật tự và sự kiểm soát, hướng tới sự thể hiện và trừu tượng. Như cách mà Rembrandt phát minh ra chính mình trong hội hoạ, ông đã phát minh ra Nghệ thuật Hiện đại.”

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Bậc thầy cổ điển Bữa ăn ở Emmaus Chân dung tự hoạ ở tuổi 63 Chúa tạo ra Adam Hương Mi Lê Las Meninas Lê Hương Mi may mona lisa Những thợ săn trong tuyết Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trục xuất khỏi vườn Địa đàng

iDesign Must-try

Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…