Caspar David Friedrich (Phần 1) - Tóm lược, những thành tựu chính và tiểu sử

Caspar David Friedrich là một hoạ sĩ phong cảnh Lãng mạn Đức vào thế kỷ 19 và thường được coi là nghệ sĩ Đức quan trọng nhất trong thế hệ của mình. Nếu Goethe đã là nhà thơ và nhà văn của văn học Lãng mạn Đức, thì Caspar David Friedrich là hoạ sĩ của hội họa Lãng mạn Đức, là người Lãng mạn của chủ nghĩa Lãng mạn. Ông đã tiên phong khắc hoạ cái trác tuyệt của thiên nhiên, hướng “cái nhìn của người xem về chiều kích siêu hình của họ” (theo lời nhà sử học Christopher John Murry), tìm cách chạm tới nơi sâu thẳm con người và vươn ra khỏi giới hạn của nhận thức.

  • “Tất cả nghệ thuật chân chính đều được hình thành trong một giờ khắc thiêng liêng và được nuôi dưỡng trong một khoảng phước lành; một thúc đẩy nội tại tạo ra nó, thường là ngoài sự nhận thức của người nghệ sĩ.”
  • “Mọi tác phẩm nghệ thuật thực sự đều phải bày tỏ một cảm giác trực giác.”
  • “Những cảm xúc thuần khiết, thẳng thắn mà chúng ta giữ trong trái tim mình là những nguồn chân thực duy nhất cho nghệ thuật.”
  • “Một bức tranh mà không lấy cảm hứng từ trái tim thì không là gì khác hơn một trò tung hứng vô ích.”
  • “Tôi không có bất cứ chủ đích nào là làm việc chống đối lại những chỉ thị của hiện tại, hay bơi ngược dòng của cái đương thời, khi mà những chỉ thị đó chỉ đơn thuần là một thứ xu hướng. Thay vào đó tôi thà trú ngụ trong niềm hi vọng rằng thời gian sẽ tự huỷ diệt những hậu quả của nó và nó sẽ làm việc ấy nhanh chóng. Nhưng tôi cũng không yếu tới mức phải tuân theo những đòi hỏi của thời đại khi chúng đi ngược lại niềm tin của tôi. Tôi quay về với những cái kén của tôi, để những người khác cũng làm như thế; và tôi kệ cho thời gian quyết định rằng điều gì sẽ ra đời từ đó, dù là một con bướm lộng lẫy hay một con giòi.”

Tóm lược về Caspar David Friedrich

Trong quá trình tìm cách nắm bắt trải nghiệm về sự vô hạn, Caspar David Friedrich đã tạo ra các tác phẩm đẩy người xem trực tiếp đối diện với sự kinh ngạc. Friedrich đã chọn thể loại tranh phong cảnh, thể loại không được truyền thống coi trọng, và truyền vào nó ý nghĩa tôn giáo và tâm linh sâu sắc.

Với niềm tin rằng sự hùng vĩ của thế giới tự nhiên chỉ có thể phản ánh sự diệu vợi của Thượng đế, ông đã làm nổi bật những khung cảnh trải dài dưới ánh sáng mặt trời và những khoảng rộng mù sương để truyền tải sức mạnh tuyệt đẹp của thánh thần.

Caspar David Friedrich sinh ngày 05/09/1774 tại Greifswald, Pomerania thuộc Thuỵ Điển (mà nay thuộc Đức) và mất ngày 07/05/1840 ở Dresden, Đức

Những thành tựu

  • Những khung cảnh đầy tâm trạng của Friedrich, thứ thường đẩy người xem vào sự hoang dã của tự nhiên, đã tạo ra một kết nối cảm xúc với người xem hơn là tương tác với cảnh vật theo nghĩa đen. Việc tích hợp ý nghĩa tâm linh này vào tranh phong cảnh đã giúp ông có được một thành công vang dội.
  • Trong khi những người đương thời bảo thủ thách thức những khung cảnh giàu tính tôn giáo và ngụ ngôn của Friedrich, nghệ sĩ vẫn khẳng định rằng tác phẩm của ông không bao giờ chỉ đơn giản là sao chép một góc nhìn, mà hơn cả là tạo cơ hội để chiêm ngưỡng sự hiện diện của Chúa trên thế giới. Sử dụng những phối cảnh đầy kịch tính và những dải đất rộng lớn bất trị, đầy sương khói, khiến bất cứ hình tượng nhân vật nào cũng trở nên nhỏ bé, Friedrich khuyến khích người xem chấp nhận sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên như bằng chứng của thần linh.
  • Từ bỏ những truyền thống đẹp diễm lệ của tranh phong cảnh, Friedrich đi theo ý niệm của Lãng mạn về cái trác tuyệt. Thông qua những miêu tả đầy nhạy cảm về sương khói, sương mù, bóng tối và ánh sáng, nghệ sĩ đã truyền tải được sức mạnh vô hạn và tính trường tồn của thiên nhiên; người xem như được nhắc nhở về sự yếu đuối và nhỏ bé của mình.
  • Bảng màu tinh tế của Friedrich và sự nhấn mạnh vào ánh sáng thường tạo ra một cảm giác trống trải bao trùm rồi sẽ ảnh hưởng đến Nghệ thuật Hiện đại. Sự tối giản về mặt hình ảnh trong các bức tranh của ông quá bất thường đến mức khiến khán giả của ông thường bị bối rối; người ta kể rằng có một nhóm những người đam mê nghệ thuật đến thăm xưởng vẽ của ông đã xem một tác phẩm bị lộn ngược trên giá vẽ, tin rằng mây là sóng và nước là bầu trời. Những nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại rồi sẽ học hỏi từ cách ông sử dụng màu sắc nhẹ nhàng và sự đơn giản trong các bố cục của ông mà vẫn truyền tải được những ý tưởng sâu sắc.
Caspar David Friedrich ở trong xưởng của mình (1819), một bức chân dung do Georg Friedrich Kersting vẽ

Tiểu sử của Caspar David Friedrich

Thời thơ ấu và giáo dục

Caspar David Friedrich sinh ra trong một gia đình Lutheran hà khắc và là đứa con thứ sáu trong mười người con. Ông đã sớm quen với những bi kịch ngay từ khi còn nhỏ, mất mẹ khi mới bảy tuổi và mất hai chị gái do bệnh tật. Có lẽ sự mất mát tác động nhiều nhất tới ông là sự ra đi của em trai ông, Johann, người đã chết đuối vì cứu Caspar, lúc đó mười ba tuổi, khi ông rơi xuống sông băng.

Nhận sự chỉ dạy của các gia sư, Friedrich bắt đầu học vẽ vào năm 1790 từ giáo sư đại học Johann Gottfried Quistorp. Niềm yêu thích nghệ thuật ban đầu của ông đã được khích lệ và ở tuổi hai mươi, ông nhập học tại Học viện Copenhagen. Ngoài việc học tập nghiên cứu các bậc thầy, ông đã phát triển niềm yêu thích sẽ kéo dài suốt đời của mình đối với thiên nhiên và phong cảnh. Điều quan trọng là ông cũng chìm đắm trong thơ ca tâm linh và thần bí, thứ rồi sẽ là nguồn ảnh hưởng tới tác phẩm sau này của ông và tạo nền tảng cho vai trò của ông như một trong những nhà lãnh đạo của chủ nghĩa Lãng mạn Đức.

Một phác hoạ tự hoạ của Caspar David Friedrich thực hiện khi ông 26 tuổi trong lúc học tập tại Học viện Hoàng gia Copenhagen

Khởi đầu sự nghiệp

Năm 1798, nghệ sĩ hoàn thành việc học của mình và chuyển đến Dresden, nơi tác phẩm của ông được khán giả mến mộ. Từ những bức tranh đầu tiên này, Friedrich đã tán tụng những lý tưởng Lãng mạn, bao gồm tiềm năng tâm linh của nghệ thuật và việc thể hiện tình cảm tôn giáo thông qua sức mạnh của thiên nhiên. Theo nghệ sĩ, “Mục tiêu tuyệt đối của con người không phải là con người, mà là thần thánh, cái vô hạn. Anh ta phải phấn đấu hướng tới nghệ thuật, không phải bản thân nghệ sĩ! Nghệ thuật là vô hạn, kiến ​​thức và khả năng của nghệ sĩ là giới hạn.”

Đối với Friedrich, phong cảnh đã trở thành phương tiện chính để thể hiện các hiện thân bằng hình ảnh của cái trác tuyệt, như có thể thấy trong các tác phẩm Thập tự giá trên đỉnh núi (The Cross in the Mountains) (1807 – 08) và Sương sớm trên núi (Morning Mist in the Mountains) (1808).

Thập tự giá trên đỉnh núi là một bức tranh thờ, hiện đang trưng bày tại Galerie Neue Meister (Phòng trưng bày những Bậc thầy Mới), Dresden, Đức.
Sương sớm trên núi hiện thuộc bộ sưu tập của Thüringer Landesmuseum Heidecksburg, Rudolstadt, Đức

Trong những năm này của Đế chế Napoléon, việc Friedrich đầu tư vào phong cảnh cũng mang ý nghĩa chính trị khi ông mô tả các địa điểm điển hình của Đức với cảm giác tự hào và quyền lực thực tế vượt quá giới hạn trần tục. Cho đến khi Napoléon sụp đổ vào năm 1815, nhiều người cùng thời với Friedrich đã diễn giải các bức tranh của ông qua lăng kính về quyền tự quyết chính trị và di sản văn hóa, tin rằng chúng hứa hẹn về sự độc lập trong tương lai khỏi sự cai trị của ngoại bang.

Thời kỳ trưởng thành

Nhanh chóng được công nhận là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Chủ nghĩa lãng mạn ở Đức, việc Friedrich được bầu vào Học viện Dresden năm 1816 giúp ông có được một mức lương ổn định. Điều này tạo điều kiện cho cuộc hôn nhân năm 1818 của ông ở tuổi bốn mươi, với Caroline Bommer, người sẽ cùng ông sinh ba đứa con; hai gái và một trai. Mặc dù nổi tiếng là nhân vật cô độc, người đã từng tuyên bố “để không ghét mọi người, tôi phải tránh xa sự kề cận của họ”, cuộc hôn nhân đã ảnh hưởng ngay lập tức đến sự nghiệp của ông. Ông bắt đầu vẽ vợ mình trong một số bức tranh của mình, chuyển đổi mô-típ đã có từ lâu về một nhân vật đơn độc đắm chìm trong cảnh vật sang thi thoảng khắc họa một cặp đôi.

Người lữ hành phía trên biển sương mù (Wanderer above the Sea of Fog) ắt hẳn là bức tranh phổ biến nhất ngày nay của Caspar David Friedrich. Nhiều người tin đây là chân dung tự hoạ của người nghệ sĩ. Và chắc chắn nó là một bức tranh đặc biệt tươi sáng và dễ xem của ông. Hiếm hoi và khác lạ, hình tượng người được vẽ với một tỉ lệ đặc biệt lớn, ở một vị trí nằm ngang và có phần cao hơn cảnh trí của thiên nhiên. Ẩn dụ rằng đời sống là một hành trình bất tường đầy hiểm nguy vào chốn chưa biết vẫn xuất hiện, nhưng sức mạnh của người lữ hành cũng được khẳng định và tôn vinh.

Người đàn ông và người phụ nữ chiêm ngưỡng mặt trăng (Man and Woman Contemplating the Moon) (1824) – Alte Nationalgalerie, Berlin, Đức
Mặt trăng mọc trên biển (Moonrise over the Sea) – Alte Nationalgalerie, Berlin. Từ khoảng những năm 1820, hình tượng người xuất hiện và thường xuyên hơn hẳn trong các phẩm của Caspar David Friedrich, thể hiện việc tầm quan trọng của đời sống con người, đặc biệt là gia đình, án ngữ trong suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiều hơn và nhiều hơn.

Người lữ hành phía trên biển sương mù (Wanderer above the Sea of Fog) ắt hẳn là bức tranh phổ biến nhất ngày nay của Caspar David Friedrich. Nhiều người tin đây là chân dung tự hoạ của người nghệ sĩ. Và chắc chắn nó là một bức tranh đặc biệt tươi sáng và dễ xem của ông. Hiếm hoi và khác lạ, hình tượng người được vẽ với một tỉ lệ đặc biệt lớn, ở một vị trí nằm ngang và có phần cao hơn cảnh trí của thiên nhiên. Ẩn dụ rằng đời sống là một hành trình bất tường đầy hiểm nguy vào chốn chưa biết vẫn xuất hiện, nhưng sức mạnh của người lữ hành cũng được khẳng định và tôn vinh.

Friedrich nhận được sự quan tâm và bảo trợ của các nhân vật quan trọng của quốc tế. Sự công nhận mà ông nhận được khi Nhà sư bên bờ biển (The Monk by the Sea) (1808 – 10) và Tu viện trong rừng sồi (Abbey in an Oak Forest) (1809 – 10) được triển lãm tại Học viện Berlin đã đưa ông đến gần Hoàng tử Friedrich Wilhelm Ludwig của nước Phổ, người đã mua cả hai bức tranh.

Gia đình cầm quyền này sẽ tiếp tục ủng hộ nghệ sĩ cho đến khi quan điểm chính trị tự do của ông khiến ông không được yêu mến nữa. Nghệ thuật của ông cũng được đón nhận ở Nga khi Sa hoàng Nicholas I đã mua một số tác phẩm của ông cho triều đình của mình. Vào năm 1830, Hoàng tử Alexander của Nga đã thuê nghệ sĩ vẽ một loạt các bức tranh trong suốt (hiện đã bị thất lạc) để được triển lãm chiếu sáng từ phía sau trong một căn phòng tối kết hợp với âm nhạc.

Tu viện trong rừng sồi (Abtei in Eichwald) là một trong khoảng hai tá tranh của Friedrich có bao gồm hình ảnh của những nghĩa trang hay các nấm mộ

Tính đa sầu đa cảm rất Lãng mạn của Friedrich đã tìm thấy tâm hồn đồng điệu ở nhà thơ Đức nổi tiếng Johann Wolfgang von Goethe, người có các tác phẩm là mẫu mực của phong trào ở mảng văn học (Goethe thực tế là lớn tuổi hơn Friedrich rất nhiều và đã là một ngôi sao vào thời điểm họ gặp nhau).

Tuy nhiên, công trình có hệ thống của Goethe với lý thuyết màu sắc gợi ý một cách tiếp cận khách quan và có phương pháp luận hơn đối với nghệ thuật thị giác, điều đặt ra nền tảng cho sự chia tách năm 1816 của họ. Goethe gợi ý rằng Friedrich nên vẽ các đám mây như một cách để ghi chép lại các loại hình khác nhau của chúng; Friedrich không đồng ý, cho rằng những nghiên cứu như vậy không phù hợp với những lý tưởng Lãng mạn về tính thần thánh của tự nhiên và sẽ chỉ là một bài tập khoa học.

Biển băng (The Sea of Ice) (1823 – 24) – Kunsthalle Hamburg. Những tác phẩm của Caspar David Friedrich thường xuyên thể hiện và chứng minh rằng ông có khả năng quan sát và tái hiện cũng như biểu hiện cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời, ông là một hoạ sĩ có kỹ thuật xuất sắc

Giai đoạn sau

Những mất mát mà Friedrich phải trải qua trong những năm đầu đời của ông đã lặp lại một lần nữa trong cuộc sống sau này. Năm 1820, vụ việc người bạn và nghệ sĩ đồng nghiệp Gerhard von Kügelgen bị sát hại đã gây ra cho ông chứng trầm cảm nghiêm trọng, trong thời gian đó ông chuyển sang dạy học như một phương thức để giải khuây và tìm sự an ủi.

Trong suốt thập kỷ này, sự nghiệp của ông bị ảnh hưởng bởi mối quan tâm ngày càng tăng đối với Chủ nghĩa Hiện thực và Chủ nghĩa Tự nhiên trong nghệ thuật Đức; lòng trung thành của Friedrich đối với những khung cảnh Lãng mạn trở nên lỗi thời. Điều này góp phần dẫn đến việc ông bị từ chối vị trí chủ nhiệm hội họa phong cảnh tại Học viện Dresden vào năm 1824. Một thời gian ngắn sau ông bị ốm, không đủ sức để vẽ tranh sơn dầu cho đến năm 1826.

Chân dung của Caspar David Friedrich do Caroline Bardua vẽ năm 1840, cũng là năm cuối đời ông

Đến năm 1830, nhân vật vốn đã đơn độc này ngày càng xa lánh cuộc sống cộng đồng. Ông ngày càng trở nên u uất và ngờ vực bạn bè và người vợ mà ông đã sai lầm cho là không chung thủy. Chọn ở trong sự riêng tư tại xưởng của mình và chỉ giải khuây với những người bạn thân thiết nhất và gia đình của mình, một số học giả đã giải thích các tác phẩm sau này của ông là những suy ngẫm u ám về cái chết và sự chảy trôi của thời gian. Tuy nhiên, những năm cuối đời ông vẫn làm việc năng suất, bằng chứng là việc tạo ra các tác phẩm quan trọng như Những giai đoạn của cuộc đời (The Stages of Life) (1835).

Vào ngày 26 tháng 6 năm 1835 Friedrich bị đột quỵ khiến ông bị liệt một phần và một lần nữa giới hạn tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ trong các bức vẽ phác. Trước khi qua đời vào tháng 5 năm 1840, ông bị đột quỵ lần thứ hai và trở nên nghèo khó.

Những giai đoạn của cuộc đời – Bảo tàng Hội hoạ, Leipzig. Một bức tranh mang tính chất của chủ nghĩa Biểu tượng hoặc là một bức tranh tự thuật giàu tình cảm, chúng ta nghĩ thế nào cũng đúng. Những người trong tranh có thể là gia đình ông, với ông và các con và cháu của ông, ba độ tuổi khác nhau – tuổi thơ, tuổi trẻ, và tuổi già. Một khung cảnh hiếm hoi mở ra một chân trời bừng sáng, nơi tiếp tục xuất hiện những biểu tượng của đời sống con người là những con tàu và thuyền nhỏ. Con tàu và 2 con thuyền nhỏ ở gần thì vừa cập bến. Nhưng đàng xa là hai con tàu lớn đang biến mất dần vào chân trời vô định…

Di sản của Caspar David Friedrich

Là một phần của làn sóng Lãng mạn Đức thứ hai, Friedrich đã vươn xa hơn những ý niệm về biểu tượng được người Nazarenes chấp nhận để tạo ra một ngôn ngữ thưa thớt mới về sự gợi mở hơn là minh họa. Cống hiến của ông cho tranh phong cảnh như một sự thay thế cho tranh tôn giáo hoặc lịch sử truyền thống, khuyến khích những người đương thời của ông xem xét lại thể loại này.

Sự nâng cao của định dạng phong cảnh này sẽ có tác động trong và ngoài nước. Nhiều nghệ sĩ Mỹ đã học ở Dresden, Đức trong thế kỷ 19 và học hỏi từ tấm gương của Friedrich. Đặc biệt, các nghệ sĩ của trường phái Hudson River cũng đã tạo ra những cảnh quan đầy cảm hứng với ý nghĩa chính trị và tâm linh.

Ở giữa Sierra Nevada, California (Among the Sierra Nevada, California) (1868) của Albert Bierstadt – Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington. Những cảnh quan hùng vĩ đặc sắc có sẵn tại châu Mỹ và những niềm cảm hứng từ Caspar David Friedrich đã tạo nên một nền nghệ thuật Lãng mạn Mỹ tuyệt vời.

Việc Friedrich sử dụng gợi ý các biểu tượng để bao hàm những ý nghĩa sâu sắc hơn cũng là một ví dụ quan trọng cho những người theo chủ nghĩa Biểu tượng thế kỷ 19 và những người theo chủ nghĩa Siêu thực thế kỷ 20, những người tiếp nhận việc tạo ra tâm trạng giàu chất thơ của ông. Đi xa hơn nữa, chủ nghĩa tối giản và các trường màu sắc rộng của ông là nền tảng cho chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và Hội họa Trường Màu (Color Field Painting). Điều này đã được xác nhận trong một bài báo năm 1961, nơi nhà phê bình nghệ thuật Robert Rosenblum trực tiếp thiết lập mối liên hệ giữa phong trào Tranh Trường màu đang phát triển ở Mỹ khi đó với bức tranh Nhà sư bên bờ biển (1808 – 10) của Friedrich.

PH-950 (1950) của Clyfford Still – Bảo tàng Clyfford Still, Denver, Mỹ. Still là một trong những hoạ sĩ tiên phong và quan trọng nhất của tranh trường màu.

Ở Đức, Friedrich được coi là linh hồn của sự sáng tạo chiến thắng và đấu tranh tinh túy, đến mức Nietzsche được cho là đã nghĩ đến ông như con người nguyên mẫu đã truyền vào các lý thuyết triết học của mình về một sự tồn tại đầy nhiệt huyết và năng suất. Tai tiếng hơn, Hitler đã sử dụng những sáng tạo của nghệ sĩ như một bằng chứng về sự vượt trội của người Đức so với các chủng tộc khác.

Trong những năm gần đây, việc phục hồi tác phẩm của Friedrich khỏi sự lạm dụng của các nhà tuyên truyền Đức Quốc xã đã ảnh hưởng đến các thế hệ mới của những nghệ sĩ Đức hiện đại mới như Anselm Kiefer và Gerhard Richter. Ông cung cấp một ví dụ về di sản Đức mạnh mẽ trong khi cũng cho thấy những gợi nhớ lặng lẽ về sự vắng mặt và mất mát, những chủ đề quan trọng trong hội họa châu Âu thời hậu chiến.

Quảng trường Nhà thờ, Milan (Domplatz, Mainland) (1968) của Gerhard Richter là một bức tranh sơn dầu siêu thực với giá gõ búa 37.1 triệu USD năm 2013 ở nhà Sotheby’s và là một trong những tác phẩm nghệ thuật đắt nhất thế giới của một nghệ sĩ còn sống từng được bán.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Caspar David Friedrich Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…