Chủ nghĩa Vị lai (Phần 1)

Chủ nghĩa Vị lai (Futurism), thể hiện ngay trong tên gọi của nó – hoàn toàn hướng về thời đại hiện đại, ca tụng nó, say mê nó (“một chiếc ô tô gầm rú giống như thể là chạy bằng súng máy, thì còn đẹp hơn cả tượng Thần Chiến thắng Samothrace!” – Marinetti, người tiên phong của Vị lai). Những nghệ sĩ Vị lai sẵn sàng cực đoan tới mức ủng hộ bạo lực và chiến tranh như những hình thức thanh tẩy cái cũ và thúc đẩy cái mới, cái tiến bộ. Nghệ sĩ Vị lai Ý ủng hộ Phát-xít.

Trong loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Vị lai, ta tìm hiểu một trào lưu cực đoan nhưng đầy say mê, một trong những “tiếng hô xung trận của chủ nghĩa Hiện đại”, cùng với chủ nghĩa Siêu việt và chủ nghĩa Kiến tạo.

  • Chúng tôi muốn chiến đấu một cách quyết liệt chống lại thứ tôn giáo cuồng tín, vô minh, và hợm hĩnh của quá khứ, thứ được nuôi dưỡng bởi ảnh hưởng ma quỷ của các viện bảo tàng. Chúng tôi nổi dậy chống lại sự tán dương lười nhác đối với những tranh cũ, tượng cũ, vật cũ, và chống lại sự nhiệt tình đối với những gì bị sâu mọt, dơ bẩn, và bị ăn mòn bởi thời gian; chúng tôi tin rằng sự khinh rẻ thường thấy dành cho tất cả những gì trẻ, mới, và hừng hực nhịp đập cuộc sống là bất công và là một tội ác.” – Filippo Marinetti
  • Đặc biệt là đối với người Ý chúng ta, mọi thứ hiện đại đều đồng nghĩa với xấu xí… Với một người Venice, Florence, hay Rome, trào lưu hiện đại là một sự sai trái lệch lạc cần phải bị loại bỏ sau khi trước nhất là chế nhạo và phản đối nó kịch liệt… Chính sự đối kháng liên tục đáng hổ thẹn này giữa quá khứ và hiện tại là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém về chính trị, xã hội, và nghệ thuật của chúng ta.” – Umberto Boccioni.

Sơ lược về Vị lai (1909-1944)

Tập trung vào sự tiến bộ và hiện đại, những người theo chủ nghĩa Vị lai đã tìm cách xóa bỏ những quan niệm nghệ thuật truyền thống và thay thế chúng bằng sự tán dương đầy nhiệt thành cho thời đại máy móc. Vị lai chú trọng vào việc tạo ra một tầm nhìn năng động (dynamic) và độc đáo về tương lai. Các nghệ sĩ đã kết hợp những khắc họa cảnh quan đô thị cũng như các công nghệ mới như xe lửa, ô tô, máy bay… vào các bức vẽ của họ. Tốc độ, bạo lực và các tầng lớp lao động đều được nhóm nghệ sĩ này tôn vinh như những cách để thúc đẩy sự thay đổi. Tác phẩm của họ trải trên nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có bao gồm kiến trúc, điêu khắc, văn học, sân khấu, âm nhạc và thậm chí cả ẩm thực.

Ảnh chụp Filippo Tommaso Emilio Marinetti, nhà thơ người Ý, nhà lý thuyết nghệ thuật, người sáng lập của chủ nghĩa Vị lai.

Chủ nghĩa Vị lai được phát minh và chủ yếu có trụ sở tại Ý, do nhà thơ Marinetti đầy lôi cuốn lãnh đạo. Nhóm có ảnh hưởng lớn nhất và hoạt động tích cực nhất trong khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1914 nhưng cũng được Marinetti tái khởi động sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Sự phục hồi này đã thu hút các nghệ sĩ mới và được biết đến như là chủ nghĩa Vị lai thế hệ thứ hai. 

Mặc dù nổi bật nhất ở Ý, những ý tưởng của chủ nghĩa Vị lai đã được sử dụng bởi các nghệ sĩ ở Anh (theo chủ nghĩa Vòng xoáy), Mỹ, và Nhật Bản. Các tác phẩm Vị lai cũng đã được trưng bày ở khắp châu Âu. Chủ nghĩa Vị lai Nga thường được coi là một phong trào riêng biệt, mặc dù một số người theo chủ nghĩa Vị lai Nga đã tham gia vào phong trào Ý trước đó. Chủ nghĩa Vị lai đã dự liệu trước tính thẩm mỹ của Art Deco cũng như có ảnh hưởng tới chủ nghĩa Dada và Chủ nghĩa Biểu hiện Đức.

Cái đầu thần quyền của Ezra Pound (Hieratic Head of Ezra Pound) (1914) – Henri Gaudier-Brzeska. Ezra Pound là một nhà thơ và nhà phê bình gốc Mỹ nổi tiếng, một nhân vật lớn của trào lưu thi ca hiện đại đầu thế kỷ 20. Ông là người đưa ra khái niệm ‘vòng xoáy’ (‘the vortex’) để nói về thơ và nghệ thuật hiện đại đương thời, vào năm 1914. Wyndham Lewis, người thành lập trào lưu chủ nghĩa Vòng xoáy ở Anh, đã dựa vào đó mà đặt tên cho trào lưu – Vorticism – và cho rằng nó đủ thú vị nhưng cũng đủ mơ hồ, và do vậy là phù hợp với sự cởi mở và chấp nhận chủ nghĩa cá nhân của những nghệ sĩ nổi loạn nhất.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Trọng tâm của những người theo chủ nghĩa Vị lai là mô tả sự chuyển động, hay sự năng động. Nhóm đã phát triển một số kỹ thuật mới để thể hiện tốc độ và sự chuyển động, bao gồm việc làm mờ, sự lặp lại, và việc sử dụng các đường lực (line of force: một đường tưởng tượng biểu thị cường độ và hướng của từ trường, trọng trường hoặc điện trường tại bất kỳ điểm nào). Phương pháp cuối cùng nói trên đã phỏng theo tác phẩm của chủ nghĩa Lập thể và việc bao gồm những đường nét như vậy đã trở thành một đặc điểm nổi bật cho hình tượng Vị lai.
  • Những người theo Chủ nghĩa Vị lai đã xuất bản một số lượng lớn các bản tuyên ngôn khác nhau, sử dụng chúng để truyền đạt lý tưởng thẩm mỹ, chính trị và xã hội của họ. Mặc dù cả những người theo chủ nghĩa Hiện thực và những người theo chủ nghĩa Biểu tượng trước đây đã tạo ra những tài liệu tương tự, nhưng quy mô đại chúng mà những người theo chủ nghĩa Vị lai tạo ra và phổ biến bản tuyên ngôn của họ là chưa từng có tiền lệ, cho phép truyền tải ý tưởng đến nhiều đối tượng hơn. Để hỗ trợ về mặt hậu cần trong việc phân phối ấy, nhóm đã sử dụng một số công nghệ mới mà đã được mô tả trong nghệ thuật của họ, bao gồm những tiến bộ trong phương tiện truyền thông đại chúng, in ấn, và vận chuyển.
  • Nhiều người theo chủ nghĩa Vị lai của Ý đã ủng hộ chủ nghĩa Phát xít, và những điểm tương đồng có thể được chỉ ra giữa hai phong trào này. Giống như những người theo chủ nghĩa Phát xít, những người theo chủ nghĩa Vị lai rất yêu nước, bị kích động bởi bạo lực và phản đối nền dân chủ nghị viện. Việc Mussolini lên nắm quyền vào năm 1922 đã mang lại cho chủ nghĩa Vị lai sự chấp nhận chính thức, nhưng sau đó, điều này đã ảnh hưởng xấu đến nhiều nghệ sĩ vì họ đã trở nên suy đồi bởi hiệp hội.
Bức tượng Chiến thắng của Samothrace (Winged Victory of Samothrace) hay Nike của Samothrace, kiệt tác của điêu khắc Hy Lạp cổ đại có niên đại từ khoảng đầu thế kỷ thứ 2 TCN. Bức tượng mà Marinetti lấy để so sánh với vẻ đẹp của ô tô – biểu tượng của xã hội hiện đại đầu thế kỷ 20. Tác phẩm cao 5,57m (bao gồm bục), được tìm thấy ở đảo Samothrace và hiện đang trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris.

Những khởi đầu của chủ nghĩa Vị lai

Chủ nghĩa Vị lai bắt đầu cuộc biến đổi văn hóa Ý vào tháng 2 năm 1909, với việc xuất bản Tuyên ngôn Vị lai (Futurist Manifesto), do nhà thơ Filippo Tommaso Marinetti chắp bút. Mặc dù ban đầu được in trên tờ La gazzetta dell’Emilia (một tờ báo chính trị địa phương) ở Ý, nó đã được tái bản vài tuần sau đó trên trang nhất của Le Figaro, là tờ báo mà khi đó có lượng phát hành lớn nhất ở Pháp. Bản tuyên ngôn kêu gọi niềm ngợi ca sự tiến bộ, công nghiệp, và sự cơ giới hóa và xóa bỏ những ý tưởng cùng thể chế cũ. Đây là bản tuyên ngôn đầu tiên trong số nhiều bản tuyên ngôn mà nhóm đã xuất bản. 

Những ý tưởng của Marinetti đã thu hút sự ủng hộ của các nghệ sĩ bao gồm Umberto Boccioni, Giacomo Balla, Gino Severini và Carlo Carrà, những người tin rằng chúng có thể được chuyển thành một thứ nghệ thuật tượng hình, hiện đại, mà khám phá các đặc tính của không gian và chuyển động. Ban đầu nhóm có trụ sở tại Milan, nhưng phong trào nhanh chóng lan sang Turin và Naples, và trong những năm sau đó, Marinetti đã quảng bá nó một cách mạnh mẽ ra nước ngoài.

Ảnh chụp những người Ý theo chủ nghĩa Vị lai bao gồm Luigi Russolo, Carlo Carrà, Filippo Tommaso Marinetti, Umberto Boccioni và Gino Severini đứng trước tòa soạn Le Figaro, Paris, ngày 9 tháng 2 năm 1912 (theo thứ tự từ trái sang phải).

Trong khi Marinetti là nhà văn, nhà lý thuyết và nhà quảng bá hàng đầu của Vị lai, thì Umberto Boccioni là nhà lãnh đạo nghệ thuật. Năm 1910, cùng với Balla, Carrà, Severini và Luigi Russolo, ông đã viết nên Tuyên ngôn của họa sĩ Vị lai (Manifesto of Futurist Painters), khẳng định mong muốn của họ là “chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của chúng ta chống lại tôn giáo cuồng tín, vô tri và hợm hĩnh của quá khứ” và “nâng cao mọi nỗ lực cho sự độc đáo, dù có táo bạo, dù có bạo lực đi nữa… [cho tới] sự ủng hộ và vinh quang trong thế giới hàng ngày của chúng ta, một thế giới sẽ được biến đổi một cách liên tục và huy hoàng bởi Khoa học vinh quang.” Tuyên ngôn Kỹ thuật của Hội họa Vị lai (Technical Manifesto of Futurist Painting) (1910) theo sau đó, đã bác bỏ “các sắc thái màu như nhựa đường“, “kỹ thuật tuyến tính“, và chủ đề khỏa thân, ủng hộ “hội họa như một cảm thức năng động“.

Năm 1911, nhóm lần đầu tiên trưng bày tác phẩm của mình một cách công khai, tại Triển lãm Nghệ thuật Tự do (Esposizione di Mostra d’Arte Liberta) ở Milan. Họ không chỉ muốn thúc đẩy phong trào mới, mà còn muốn gây quỹ cho Trại Tế bần (Casa di Lavoro), nơi hỗ trợ người nghèo và người thất nghiệp của thành phố. Triển lãm mở rộng lời mời gửi tác phẩm tới “tất cả những ai muốn khẳng định một điều gì đó mới mẻ, mà tránh xa sự bắt chước, sự phái sinh và sự xuyên tạc“. Nhiều bức tranh được trưng bày sử dụng những nét vẽ giống như sợi chỉ và màu sắc tươi sáng. Các hình ảnh mô tả không gian là bị phân mảnh và đứt gãy còn các chủ đề thì tập trung vào công nghệ, tốc độ, và bạo lực. 

Một trong số các tác phẩm này là Thành phố vươn lên (The City Rises) (1910) của Boccioni, được trưng bày dưới tựa đề ban đầu là Lao động (Il lavoro). Bức tranh này có thể được coi là bức tranh theo chủ nghĩa Vị lai đầu tiên nhờ vào phong cách tiên tiến chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Lập thể của nó. Phản ứng của công chúng khá lẫn lộn. Các nhà phê bình Pháp thuộc giới văn học và nghệ thuật bày tỏ thái độ thù địch, trong khi nhiều người lại khen ngợi nội dung đổi mới.

Các ảnh hưởng lên Chủ nghĩa Vị lai

Nhóm nghệ sĩ từ Ý tiến triển chậm trong việc phát triển một phong cách riêng biệt. Trong những năm trước khi xuất hiện phong trào, các thành viên trong nhóm đã làm việc trong khi sử dụng một loạt các phương pháp mang tính chiết trung lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Hậu Ấn tượng, và họ đã tiếp tục làm như vậy. 

Trong khi học ở Rome vào năm 1901, Severini và Boccioni đã đến thăm xưởng vẽ của Balla, nơi ông giới thiệu cho họ về bút pháp Phân chia màu (Divisionism). Được phát triển từ lý thuyết màu sắc và bút pháp Điểm chấm (Pointillism) của Georges Seurat, bút pháp Phân chia màu cho thấy hình ảnh được tách thành các chấm và sọc có màu sắc nguyên bản (không pha trộn) và chúng tương tác với nhau về mặt quang học để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh. Việc sử dụng màu mạnh bạo trở nên rất quan trọng đối với những người theo chủ nghĩa Vị lai, như nhà phê bình nghệ thuật Henry Adam đề cập, các nghệ sĩ “để tiếp nối các tiền nhân của trường phái Hậu Ấn tượng, đã sử dụng màu sắc tán sắc, đầy năng lượng, rực rỡ“.

Tuy nhiên thì, chính chủ nghĩa Lập thể mới có tác động lớn nhất đến nghệ thuật của chủ nghĩa Vị lai, mặc dù những người theo chủ nghĩa Vị lai cảm thấy nó quá tĩnh trong cách xử lý và chủ đề. Năm 1911, một số người theo Chủ nghĩa Vị lai đã đến Paris, nơi Severini đã giới thiệu Boccioni, Carrà và Russolo với các nghệ sĩ hàng đầu của thành phố, bao gồm cả Picasso và Braque. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là những người theo Chủ nghĩa Vị lai bắt đầu đưa những mặt phẳng vỡ/gãy vào tác phẩm của họ. Boccioni đã sửa lại ba bức trong loạt tranh Những trạng thái của tâm trí (States of Mind) (1911). Còn Carrà thì kết hợp kiểu vỡ/gãy này vào bức Tang lễ của kẻ vô chính phủ Galli (Funeral of the Anarchist Galli) (1910-11).

Tác phẩm Những trạng thái của tâm trí II: Những người đi du lịch (States of Mind II: The Wayfarers) của Umberto Boccioni nằm trong loạt tranh năm 1911 bao gồm Những trạng thái của tâm trí I: Những lời từ biệt (States of Mind I: The Farewells) và Những trạng thái của tâm trí III: Những người ở lại (States of Mind III: Those Who Stay), tất cả đều mô tả những khoảnh khắc trong một nhà ga xe lửa.
Tang lễ của kẻ vô chính phủ Galli (Funeral of the Anarchist Galli) (1910-11) của Carlo Carrà. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan.

Các phát triển trước chiến tranh

Chủ nghĩa Vị lai thu hút sự chú ý của công chúng hơn vào năm 1912 với Triển lãm Đầu tiên về hội hoạ Vị lai (First Exhibition of Futurist Painting) tại phòng trưng bày Bernheim-Jeune ở Paris. Tại đó, nhóm đã trưng bày một số tác phẩm thuở ban đầu. Như nhà sử học nghệ thuật Lawrence Raney ghi lại, phong cách này “đã thúc đẩy cuộc thảo luận kéo dài qua mọi cấp độ của văn hóa đô thị, từ các tờ phê bình văn học ưu tú đến các tờ báo phát hành đại chúng, ở Pháp, Anh, Đức và Nga“. Triển lãm sau đó đã được mang đi khắp nơi, đến London, Berlin và Brussels.

Những năm 1913-14 được đánh dấu bằng sự mở rộng của chủ nghĩa Vị lai sang điêu khắc, kiến trúc và âm nhạc. Năm 1913, Boccioni sử dụng nghệ thuật điêu khắc để tiếp tục thể hiện tính năng động của Vị lai với tác phẩm Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian (Unique Forms of Continuity in Space) (1913), nhằm tìm cách trình bày hành động mạnh mẽ cũng như ý tưởng về cơ thể được cơ giới hóa. Ở một diễn biến khác, Luigi Russolo chuyển từ vẽ tranh sang sáng tạo nhạc cụ, và sau đó viết bản tuyên ngôn Nghệ thuật của tiếng ồn (The Art of Noises) (1913). Năm 1914, nhà sáng tạo Antonio Sant’Elia trở thành kiến trúc sư đầu tiên tham gia phong trào và Marinetti đã xuất bản bài thơ Vị lai Zang Tumb Tuuum: Adrianople tháng 10 (Zang Tumb Tuuum: Andrianople October) (1914).

Bìa ấn bản tạp chí ra hàng tháng của Vị lai Stile Futurista, số thứ 5, tháng 12/1934
Tác phẩm Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian (Unique Forms of Continuity in Space) (1913) của Boccioni tích hợp quỹ đạo của tốc độ và lực vào việc mô tả hình dáng của bước sải chân.

Bất chấp tất cả các hoạt động này, nhóm đã bắt đầu phân tách và tan rã, báo hiệu sự kết thúc của nó như một phong trào thống nhất. Mặc dù Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Ý vẫn trung lập cho đến năm 1915. Trong khoảng thời gian đó, trọng tâm được chuyển từ nghệ thuật sang chiến tranh, khi Marinetti, Boccioni và những người theo Chủ nghĩa Vị lai khác sử dụng các sự kiện và buổi biểu diễn của họ để kích động đám đông tới quan điểm chống-Áo và nêu lên những lời kêu gọi can thiệp đầy nhiệt huyết.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa vị lai Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa vị lai

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…