/Chúng ta và Mỹ thuật Việt Nam/: Mai Trung Thứ

/Chúng ta và Mỹ thuật Việt Nam/ là sê-ri giới thiệu bốn gương mặt nổi bật đại diện cho nền mỹ thuật Việt Nam giai đoạn những năm thuộc thế kỷ XX bao gồm Lê Phổ,Mai Trung Thứ, Lê Thị LựuVũ Cao Đàm.

Trong bốn họa sỹ, Mai Trung Thứ là người tụ hội nhiều ảnh hưởng Đông phương nhất, mà cũng lưu giữ nhiều chất liệu thuần Việt nhất. Tranh Mai Thứ không giống bất cứ điều gì đã thấy về xã hội Việt Nam tan nát vì chiến tranh, thù hận. Tranh ông cho ta một thế giới khác về con người, con người Việt Nam yêu thương, trong sáng, nguyên thủy.

Tiểu sử

Mai Trung Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng trong một gia đình quan lại.

Chân dung họa sĩ Mai Trung Thứ

Ông nội là Mai Trung Quế, tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền tri phủ phủ Điện Biên, tỉnh Sơn La (cũ) được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự Sử. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh, được gia phong hàm Thái tử Thiếu bảo Đông Các Đại học sĩ, tước Văn Tân nam và chính quyền Pháp phong tước hiệu Nam tước (Baron).

Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương do Victor Tardieu làm Hiệu trưởng. Tardieu là một nghệ sĩ đồng thời là một nhà sư phạm giỏi, một trí thức Pháp tiến bộ. Lúc này, Mai Trung Thứ  học cùng lớp với Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ… 

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi) cùng các học viên khoá I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Từ trái sang: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Chung, Lê Văn Đệ) – ảnh tư liệu. 
Nguồn: cgvdt.vn

Trong những năm theo học, lúc đầu Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh của Mai Trung Thứ nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này.

Ra trường năm 1930, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ ở Trường Quốc học Huế. Tại đây, hàng loạt các tác phẩm lụa của ông ra đời. Nhân vật trong tranh ông thường là những cô gái Huế dịu dàng, khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, hay những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam. Trong thời gian này ông học thêm nhạc cung đình, chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh.

Trong thập niên 1930, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp nơi ông đến định cư sau này.

Năm 1937, Mai Thứ đi Pháp dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa và ở lại. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài…

Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong đó có nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông) theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó.

Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. 

Đặc trưng trong phong cách

Đề tài yêu thích của Mai Trung Thứ thường là về phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Sự mong manh, mềm mại, uyển chuyển trong tranh phụ nữ và ngây thơ, hồn nhiên trong tranh trẻ thơ của ông đều đạt mức tuyệt đỉnh. 

Bức “Trẻ tắm”, 1971, mực và gouache trên lụa, 54,5cm x 46 cm
Bức “Thưởng trà” 

Ông thường vẽ tranh trên vải lụa (étoffe de soie), dùng màu nước trộn keo (gouache) rồi lấy bút cùn chấm mực mài, chà, tạo chiều sâu, vẽ chân dung bằng than màu (pastel) hay than chì.

Trong bốn họa sỹ, Mai Trung Thứ là người tụ hội nhiều ảnh hưởng Đông phương nhất, mà cũng lưu giữ nhiều chất liệu thuần Việt nhất. Tranh Mai Trung Thứ không giống bất cứ điều gì đã thấy về xã hội Việt Nam tan nát vì chiến tranh, thù hận. Tranh ông cho ta một thế giới khác về con người, con người Việt Nam yêu thương, trong sáng, nguyên thủy.

Những cột mốc trong sự nghiệp 

Sau khi định cư tại Pháp, năm 1938, ông bắt đầu trưng bày tranh cùng với các bạn là Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, nhưng bán được rất ít, mỗi lần chỉ một hai bức, cuộc sống cực kỳ khó khăn nên “cả ba đều phải làm nghề phụ để mưu sống: Đàm khéo tay làm nghề gọt rũa móng chân, móng tay. Phổ và Thứ được thuê lên sân khấu, khăn đóng áo dài…”, đàn hát phụ diễn âm nhạc cho La table du Mandarin, nhà hàng Việt sang trọng tại Paris. Lê Thị Lưu kể lại: “Có khi Mai Thứ (tức Mai Văn Thứ) phải ra chợ xin đầu cá ở hàng cá, đem về kho ăn với dưa chua”. Bà có làm thơ về việc này.

Thế Chiến II bùng nổ, đầu năm 1939, Mai Trung Thứ cùng Lê Phổ, Phạm Duy Khiêm và Bửu Hội đầu quân đánh Đức. Cuối năm 1939, Pháp đầu hàng. Giải ngũ, Mai Thứ và Lê Phổ xuống Nice (vùng tự do) triển lãm tranh, tại đây được một nhà bán tranh mời sang Alger, cùng Lê Phổ, mở cuộc triển lãm lớn tại Alger, năm 1941, rất thành công.

Năm 1942, hai ông trở về Nice, vô cùng mừng rỡ khi gặp lại Lê Thị Lựu và Ngô Thế Tân, từ Việt Nam sang từ năm 1940. Rồi Lê Thị Lựu đi Phi châu cùng chồng, Lê Phổ ở lại Nice một thời gian, Mai Thứ lên Paris, dừng lại ở Mâcon, một tỉnh miền trung nước Pháp, được gia đình Combaud, có tiếng ở đây nâng đỡ. Thời điểm này Mai Trung Thứ vẽ nhiều chân dung nhân vật trong tỉnh và trang trí tiểu giáo đường (chapelle) trong nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon.

Bức “Năm cô gái” (Mai Thứ), 1973, mực và gouache trên lụa, 34,5cm x 92cm 

Từ 1943, tình trạng tài chính tạm ổn định, Mai Trung Thứ mua nhà, số 16 avenue du Parc, Vanves, ngoại ô phía nam Paris. Vẽ và triển lãm tranh thường xuyên ở galerie Jolly-Hessel (rue de la Boétie) cùng với Lê Phổ và Pavillon de Madagascar (Champs-Élysées). Năm 1946, ông thực hiện phim về chuyến đi Pháp của chủ tịch Hồ Chí Minh và hội nghị Fontainebleau. Năm 1948, ông làm loạt phim tài liệu Tranh lụa. Năm 1954, Mai Thứ kết hôn với bà Jeanne Sineray tức Sao, họa sỹ, nhà trang trí, sinh con gái vào năm 1956.

Khoảng 1952-54, ông gặp Jean-François Apesteguy, người trở thành giám đốc nghệ thuật và nhà bán tranh chính thức của ông tới khi ông qua đời. Năm 1955, theo lời yêu cầu của Apesteguy, Mai Trung Thứ phóng tác bức “La Joconde” (Mona Lisa) của Léonard de Vinci và bức “Kỹ Nữ” của Ingres theo phong cách Á Đông. Năm 1960, Mai Trung Thứ và Trần Văn Khê đoạt giải Le grand prix du Disque de l’Académie de Charles Cros với đĩa thu nhạc cổ truyền (Edition BAM).

Từ 1960 đến 1965, ông cộng tác với UNICEF (Quỹ bảo trợ trẻ em Liên Hiệp Quốc) in thiệp chúc nhiều thứ tiếng và minh họa tập Thơ trên lụa của Phạm Văn Kỳ. Tranh ông được rộng rãi biết đến qua những phiên bản của nhà Braun, Euros và Stehli, một phần nhờ UNICEF phổ biến.

Năm 1962, Mai Thứ về Sài Gòn 5 tháng. 1963, trước bi kịch Thích Quảng Đức và nhiều nhà tu hành tự thiêu (1963) ông giữ khoảng cách với chính quyền miền Nam. Khi quân Mỹ vào miền Nam, ông chống Mỹ, năm 1966 ông bỏ UNICEF vì tổ chức này không công khai chống Mỹ.

Năm 1963, triển lãm lớn tại Galerie du Péristyle: “Những đứa trẻ” của Mai Trung Thứ (Les Enfants de Mai Thứ) rất thành công. Năm 1968, triển lãm “Người phụ nữ dưới mắt Mai Thứ” (La femme vue par Mai Thứ), phòng trưng bày Cardo Matignon (Avenue Matignon). Năm 1971, triển lãm “Trẻ con và gia đình” (L’Enfant et la famille) phòng trưng bày Doucet (Place Beauvau). Từ năm 1974 – 1975 triển lãm “Thế giới Mai Thứ” (Le monde de Mai Thứ) phòng trưng bày Vendôme (rue de la Paix).

Tháng 12-1979, ông khai trương cuộc triển lãm cuối cùng: “Vũ trụ thơ Mai Thứ” (L’Univers poétique de Mai Thứ) phòng trưng bày Vendôme, bao gồm  50 tác phẩm. 

Thành tựu và những đóng góp quan trọng

Dù có những đóng góp xuất sắc cho hội họa Việt Nam hiện đại thời kỳ sơ khai trong những năm đầu thế kỷ 20, nhưng các tác phẩm Mai Trung Thứ chủ yếu được biết đến ở nước ngoài hơn là ở Việt Nam, có thể vì phần lớn cuộc đời ông trôi qua tương đối lặng lẽ trong những năm tháng sống và sáng tác chủ yếu trong căn hộ ở ngoại ô thủ đô Paris của nước Pháp. Năm 1974 là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Mai Trung Thứ có dịp về thăm đất mẹ sau gần 40 năm xa quê hương. Sau này, trong bài trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê cho đài RFI (Pháp), họa sĩ Lê Phổ – người bạn đồng niên đồng khóa của Mai Trung Thứ đã nói: “Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ”.

Bức “Điểm trang cho đám cưới” của Mai Trung Thứ

Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời ông. Ông đã đặt vào mảnh lụa những hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này. Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, trung tâm hình thành nên các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.

Bức “Cô gái làm thơ” do nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong bán ra ngày 18/4/2021 với mức giá 6.225.000 HKD (gần 18,5 tỷ đồng)

Đầu tháng 10/2010, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hong Kong, đại diện của nhà bán đấu giá Sotheby’s đã tổ chức phiên bán đấu giá những tác phẩm hội họa hiện đại và đương đại Đông Nam Á, trong đó có các tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt Nam và có 5 bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Bức “Chân dung Madam Phương” trị giá giá 3.1 triệu USD (hơn 71 tỷ đồng)

Một trong những tác phẩm của ông, “Chân dung Madam Phương” trở thành bức tranh có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam, với giá 3.1 triệu USD (hơn 71 tỷ đồng).

Tổng hợp và biên tập: May

Nguồn: Lofficiel Vietnam, Wikipedia

Cùng tác giả

#Tag

mai trung thứ may Series Chúng ta và Mỹ Thuật Việt Nam Tứ Kiệt Đông Dương

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…