/Chúng ta và Mỹ thuật Việt Nam/: Vũ Cao Đàm

/Chúng ta và Mỹ thuật Việt Nam/ là sê-ri giới thiệu bốn gương mặt nổi bật đại diện cho nền mỹ thuật Việt Nam giai đoạn những năm thuộc thế kỷ XX bao gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị LựuVũ Cao Đàm.

Trong bốn họa sỹ Việt Nam sống ở Pháp, Vũ Cao Đàm là người có công nhất trong việc tìm tòi chất liệu cho tranh lụa và sơn dầu. Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại.

Tiểu sử

Hoạ sỹ Vũ Cao Đàm, trong xưởng vẽ trên tầng hai ở ngôi nhà trên đường Rue Grande, trước mặt là cửa sổ nhìn ra phong cảnh thị trấn cổ Vence. 
Ảnh: Yannick Vũ Yakober

Họa sỹ Vũ Cao Đàm sinh ngày 8.1.1908 tại Hà Nội, là con thứ năm trong một gia đình Công giáo có 14 người con, quê quán ở thôn Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, Nam Định. Cha là Vũ Đình Thi và mẹ là Phạm Thị Cúc. Anh ruột là bác sĩ Vũ Đình Tụng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh. Em ruột là dược sĩ Vũ Công Thuyết, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đỗ vào khóa II (1926-1931) trường Mỹ Thuật Đông Dương, học tới năm thứ nhì, Vũ Cao Đàm chuyển sang điêu khắc. Đỗ thủ khoa, khi ra trường, được học bổng sang Pháp học Ecole du Louvre, vừa đi học vừa làm nghề điêu khắc. Năm 1936, ông kết hôn với Renée, nhạc sĩ dương cầm, tại Paris.

Trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc làm tượng hết sức khó khăn do việc đổ khuôn đồng bị cấm, vậy nên ông chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh và thử nghiệm lần lượt từ tranh lụa tới sơn dầu.

Ông mất năm 2000 tại làng hội họa Saint-Paul de Vence, Pháp. 

Đặc trưng trong phong cách

Là nhà điêu khắc tài ba hàng đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương, Vũ Cao Đàm đã từng nặn tượng Bảo Đại, Hồ Chí Minh, nhưng tượng của ông đã tản mạn khắp nơi, khó tìm được, ngoài một vài bức ở nhà ông, và vài tác phẩm trưng bày ở bảo tàng trong nước.

Tranh Vũ Cao Đàm mang tính chất xác thực trong sự khảo sát cơ thể, với những đường cong tuyệt mỹ. Thời kỳ tranh lụa, Vũ Cao Đàm dựng lại không khí cổ kính phương Đông bằng nghệ thuật Phục Hưng, tạo chiều sâu cho tranh lụa bằng kỹ thuật sáng tối. Bức chân dung người phụ nữ Bắc là một tuyệt tác, có thể coi là La Joconde của Việt Nam.

“Chân dung thiếu nữ trong vườn”. Chất liệu: Tranh lụa

Vũ Cao Đàm cũng là họa sỹ duy nhất đã sáng tạo lại nghệ thuật Phục Hưng cho tranh lụa Việt: Hoàn toàn thoát khỏi kỹ thuật phẳng lỳ, đồng màu đồng sắc của tranh Tàu. Khuôn mặt người phụ nữ Bắc hiển lộ trên tranh với sóng mũi dọc dừa, đôi mắt bồ câu một mí huyền bí, làn tóc trần đen nhánh quấn trên đầu mềm mại, tỏa cái đẹp thuần khiết thanh cao trong tâm hồn Việt.

“Mơ mộng”, khoảng thập niên 1940, mực và bột màu trên lụa ván ép, 46cm x 60,5cm 

Còn khi vẽ sơn dầu, ông vùng vẫy trong những nét vờn thơ mộng, màu sắc cực kỳ tươi sáng, mới lạ. Màu xanh ông tạo ra từ sự giao thoa trời xanh với nước biếc Địa Trung Hải. Người Pháp gọi đó là màu xanh Chagall. Nhà phê bình Thụy Khuê thì nghĩ màu xanh Cao Đàm tạo ra có trước Chagall, đi vào những bức Phật thiền trên tòa sen trắng, ánh sáng Như Lai gọi ta về chốn tịnh tâm cao khiết. 

Tác phẩm “L’Offrande”, 1964. 73.3 x 60.3 cm. 
Nguồn: Sotheby’s

Vũ Cao Đàm cũng thường tìm đề tài trong Kiều, trong kinh Phật, trong cảnh ngàn xưa, đất cũ.

“Hòa hợp”, 1978, sơn dầu trên bố, 81,5cm x 100cm 

Những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp 

Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa II của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng là khóa đầu tiên của Khoa Điêu khắc (1926 – 1931). Thoạt đầu, Vũ Cao Đàm tham gia cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ nhì thì ông chuyển hẳn sang điêu khắc. Ông từng kể: “Thầy Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cho cha tôi, ông khen đẹp. Cho nên năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích, sau đó tôi chuyên về chân dung”.

Họa sĩ Vũ Cao Đàm (hàng cao nhất, bên phải) và các sinh viên đồng khóa của trường Mỹ Thuật Đông Dương. Nguồn: AAP

Năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp khóa học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre

Năm 1938, Vũ Cao Đàm kết hôn với nghệ sĩ dương cầm người Pháp Renee. Trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc làm tượng trở nên hết sức khó khăn. Lý do là ở thời kỳ ấy, nhất là khi quân đội Đức chiếm đóng nước Pháp, họ sẵn sàng tịch thu những vật dụng bằng đồng để phục vụ việc đúc vũ khí. Việc đổ khuôn đồng bị cấm. Vũ Cao Đàm phải nặn tượng bằng đất nung rồi đánh bóng (như các bức ông dựng chân dung vợ chồng thi sĩ Jean Tardieu, con trai thầy dạy cũ của mình). 

“Cô Gái Cài Lược” (Tête d’Indochinoise), đồng, khoảng 1927-28, lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly, Paris. 
Nguồn: Redsvn
Tác phẩm “Kneeling Woman” (tạm dịch: Người đàn bà quỳ) của Vũ Cao Đàm. 
Nguồn: Jeanfrancoishubert.com

Tình thế khiến Vũ Cao Đàm quyết định chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh. Ông vẽ, thoạt tiên là tranh lụa, rồi sơn dầu. Lý do chuyển sang sơn dầu, ngoài sự đam mê khám phá còn xuất phát từ sự bất tiện trong việc thực hiện cũng như bảo quản tác phẩm. Ông cho biết: “Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa cho nên không thể vẽ to được”. 

Năm 1946, khi Hồ Chủ tịch sang thăm Pháp, Vũ Cao Đàm đã tới chụp hình để nặn tượng ông. Bức tượng bằng đất nung (nay không còn), sau được đúc lại bằng đồng.

Vì chứng hen suyễn, ông chuyển từ Paris tới Béziers miền Nam nước Pháp năm 1949. Ông chuyển tới sống ở Saint-Paul-de-Vence cho tới khi qua đời năm 2000.

Thời gian đầu chuyển đến, triển lãm tranh không bán được vì bị bọn buôn tranh dìm giá. Sau ông phải cùng với một nhóm họa sỹ trẻ, chung tiền thuê cửa hàng triển lãm riêng ở Saint-Paul de Vence (lúc đó chưa thành làng hội họa), một làng nhỏ trên núi có phong cảnh tuyệt đẹp, gần Vence. Lần này, tranh của họ bán được, trở nên nổi tiếng nên các họa sỹ trẻ khác bắt chước. Saint-Paul de Vence trở thành làng hội họa từ đó. Hai galerie ở Bỉ và ở Pháp mua tranh của ông để bán lại cho Galerie Findlay bên Mỹ.

Tác phẩm “Chrysanthemums”, bột mày trên lụa. 
Nguồn: Jeanfrancoishubert.com
“Hát cô đầu”, 1941, lụa, 70×97 cm

Năm 1959, Vũ Cao Đàm mở phòng tranh riêng ở số 43, Rue Grande, Saint-Paul de Vence, và cũng là nhà ở của vợ chồng ông cho tới cuối đời. Kể từ năm 1964, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ ký hợp đồng với Galerie Wally Findlay, bên Mỹ, và ông đã cộng tác trong 25 năm.

Thành tựu và những đóng góp quan trọng

Trong bốn họa sỹ Việt Nam sống ở Pháp, Vũ Cao Đàm là người có công nhất trong việc tìm tòi chất liệu cho tranh lụa và sơn dầu. Ông đã tìm được cách bồi lụa trên giấy cứng, giúp họa sỹ có thể vẽ trên lụa và dùng nhiều màu, khác hẳn lối vẽ thẳng lên lụa của Trung Quốc.

“Divinité” (tạm dịch: Thần tính). Tác phẩm được ký tên, đánh số, đặt tựa đề và năm 1984 ở mặt sau. Sơn dầu trên vải. Kích thước: 55 x 46 cm. 
Nguồn: Sotheby’s

Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại trong đó có hai bức tượng hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là “Chân dung” và “Cô gái cài lược”. Hai bức tượng này được nhiều thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư vẽ lại, tạo phiên bản thạch cao. Ta có thể bắt gặp phiên bản thạch cao của hai bức tượng này ở bất kì lớp học vẽ kiến trúc, mỹ thuật nào.

Tổng hợp và biên tập: May

Tham khảo: Luxuo, Wikipedia

Cùng tác giả

#Tag

hội họa Việt Nam may Series Chúng ta và Mỹ Thuật Việt Nam Tứ Kiệt Đông Dương Vũ Cao Đàm

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…