Claude Monet (Phần 2) - Các tác phẩm tiêu biểu

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối cùng của loạt bài về Monet, chúng ta tìm hiểu những tác phẩm nổi bật của người hoạ sĩ này sắp xếp theo trình tự thời gian. Là một trong những hoạ sĩ có tổng khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất trong lịch sử hội hoạ thế giới, lên tới hơn 2500 bức, Monet đã chứng minh được mình là một nghệ sĩ không những có sức sáng tạo mãnh liệt mà còn có khả năng quan sát tinh tế khó ai sánh kịp, tạo ra những bức tranh theo chuỗi hấp dẫn đến phi thường.

1866-67: Những người phụ nữ trong vườn

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Bức Những người phụ nữ trong vườn (Women in the Garden) được vẽ tại Ville d’Avray, với người mẫu duy nhất là bà Camille, lúc bấy giờ là vợ tương lai của hoạ sĩ. Mục đích của tác phẩm khổ lớn này (254cm x 206cm), tuy được thể hiện một cách tỉ mỉ, là nhằm nắm bắt được hiệu ứng ánh sáng ngoài trời chân thực hơn là quan tâm đến các quy ước về tạo mẫu hay nếp gấp quần áo. 

Monet mô tả chi tiết trạng thái của ánh sáng tự nhiên trong cảnh, từ những tia nắng le lói xuyên qua các tán lá cho đến bóng râm mờ và tông màu da ấm áp có thể thấy qua ống tay áo của người mẫu. Vào tháng 1/1867, người bạn của ông cũng là họa sĩ trường phái Ấn tượng Frederic Bazille đã mua tác phẩm này với tổng giá trị 2.500 francs để giúp Monet thoát cảnh nợ nần chồng chất mà ông đang chịu vào lúc đó.

1871: Cầu Westminster (hay còn gọi là sông Thames dưới cầu Westminster) 

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, London

Được vẽ từ trên bờ kè ở London, bức Cầu Westminster (hay còn gọi là sông Thames dưới cầu Westminster) (Westminster Bridge (aka The Thames below Westminster)) của Monet là một trong những ví dụ điển hình nhất về khoảng thời gian ông và gia đình đi tị nạn thời chiến. Bố cục đơn giản, không đối xứng này được cân bằng bởi cây cầu nằm ngang, những con thuyền lênh đênh theo những đợt sóng với bến nằm dọc và những cầu thang ở tiền cảnh. Toàn bộ bức tranh nằm trong sự áp đảo của một lớp sương mù bao gồm những sắc tím, vàng kim, hồng, và xanh lục, tạo một bầu không khí cô đặc khiến các hình thể kiến trúc trở nên xa xăm, mờ ảo.

1873: Đại lộ Capucine

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nelson-Atkins, thành phố Kansas, Mỹ

Đại lộ Capucine (Boulevard des Capucines) ghi lại một cuộc sống Paris rộn ràng, tấp nập nhìn từ xưởng vẽ của một người bạn của Monet, nhiếp ảnh gia Felix Nadar. Với rất ít chi tiết, Monet sử dụng những nét vẽ nhanh, gọn để tạo “ấn tượng” về cư dân thành phố đầy sống động với sự chuyển động. Nhà phê bình Leroy không hài lòng với những đám đông trừu tượng này. Ông mô tả chúng là “những vết liếm màu đen”. Monet vẽ hai góc nhìn từ địa điểm này, với bức này nhìn về phía Place de l’Opera (Quảng trường Nhà hát). 

Cuộc triển lãm của chủ nghĩa Ấn tượng đầu tiên được tổ chức ở xưởng vẽ của Nadar, và khá là thích hợp, Monet đã trưng bày tác phẩm này.

1875: Người phụ nữ với chiếc dù che nắng – Bà Monet cùng con trai

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC

Một trong những bức tranh vẽ người nổi tiếng nhất của Monet là bức Người phụ nữ với chiếc dù che nắng – Bà Monet cùng con trai (Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son) phô bày món phụ kiện của người phụ nữ. Chiếc dù che nắng xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông, chủ yếu vì khi vẽ tranh từ cảnh thật ngoài đời, hầu hết phụ nữ sẽ dùng dù để bảo vệ da và mắt. Nhưng vật này cũng tạo ra sự tương phản ánh sáng và bóng tối trên gương mặt và quần áo của nhân vật, từ đó chỉ ra ánh sáng thật chiếu từ đâu. 

Khá là độc đáo khi Monet vẽ thẳng vào chiều ánh sáng, để đường nét của người mẫu chìm vào bóng tối. Hầu hết họa sĩ sẽ tránh bố trí chủ thể của họ như vậy vì khó có thể tái tạo bất kì chi tiết nào, và cũng khó khi nhìn vào chủ thể của bạn. Nhưng Monet vốn hứng thú với bản thân ánh sáng, và nắm bắt nó trong phong cảnh theo một cách không gì sánh được.

1878: Rue Montorgueil ở Paris. Ăn mừng ngày 30 tháng 6, 1878

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris

Các nhà sử học và khoa học tin rằng “sự kiện” Monet xảy ra như những khám phá về thị giác và quang học. Giáo sư Ian Aaronson tin rằng hoạ sĩ Monet được trời phú cho những khả năng thị giác siêu nhạy cảm khiến ông có thể nhận ra đến những thứ mà hầu hết ai cũng bỏ lỡ mất. 

Ví dụ, trong tác phẩm Rue Montorgueil ở Paris. Ăn mừng ngày 30 tháng 6, 1878 (The Rue Montorgueil in Paris. Celebration of June 30th, 1878) này, nếu người ta chỉ nhìn vào cách những lá cờ được vẽ, họ sẽ thấy chúng bị rung mờ và không rõ hình dáng. Nhưng khi người xem nhìn xuống đám đông, những lá cờ dường như đang vẫy ở tầm nhìn ngoại vi (tốt nhất là nên thử kiểm định điều này khi nhìn vào tranh thật chứ không phải một bản sao). Như trong ví dụ này, Monet có vẻ đã phát hiện ra một số đặc điểm về thị giác và hiệu ứng vẽ được mà nhiều năm sau khi ông mất mới được khoa học chứng minh một cách chính xác.

1894: Nhà thờ Rouen: Mặt tiền vào lúc hoàng hôn

Tranh sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật, Boston

Chuỗi tranh Nhà thờ Rouen mà trong đó có bức Nhà thờ Rouen: Mặt tiền lúc hoàng hôn (Rouen Cathedral: The Facade at Sunset) của Monet là một trong những chuỗi tác phẩm lừng lẫy nhất của ông. Ông vẽ nhà thờ vào những thời điểm khác nhau trong ngày để khám phá những hiệu ứng ánh sáng khác nhau trong suốt mùa đông. Cả bức tranh bị chi phối bởi màu cam cháy và xanh dương của nhà thờ, chỉ thấp thoáng thấy được bầu trời trên cao. Phủ trên đỉnh của kiến trúc Gothic này là lớp các nét cọ vẽ hòa quyện với ánh sáng và bầu không khí trên tường đá cũng như những chi tiết trên bề mặt chạm khắc của chúng. 

Năm 1895, ông trưng bày 20 bức Nhà thờ Rouen tại Phòng trưng bày Durand-Ruel. Các tác phẩm vừa bị chỉ trích vừa được tán thưởng bởi người xem, những người hoặc đấu tranh hoặc ủng hộ những đổi mới nghệ thuật, khoa học và thi vị của ông. Như sử gia nghệ thuật Madalena Dabrowski đã viết, “địa điểm [chỉ] là một điểm tham chiếu, nhưng được biến đổi và điều chỉnh bởi ánh sáng, màu sắc và tầm nhìn của chính Monet”.

Vẽ tranh theo chuỗi hay tạo ra bất kì tác phẩm nghệ thuật nào có sự thay đổi tinh tế từ tác phẩm này sang tác phẩm kia vẫn luôn quan trọng trong thực hành nghệ thuật hiện đại với nhiều họa sĩ, từ Andy Warhol đến các họa sĩ chủ nghĩa Tối giản, đến họa sĩ Ý niệm. Nó không chỉ là một cách để các họa sĩ khám phá sự thay đổi tinh tế giữa các vật thể, mà một số họa sĩ còn tham chiếu trực tiếp đến Monet trong tác phẩm của họ. 

1915-26: Hoa súng 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orangerie, Paris, Pháp

Chuỗi tranh cùng chủ đề Hoa súng (Nymphéas) là một phần trong nhóm tranh phong cảnh mặt nước của Monet mà ông đã bắt đầu thực hiện từ cuối những năm 1890. Như đã giải thích trên trang web của Bảo tàng Orangerie: từ nymphéa xuất phát từ numphé trong tiếng Hy Lạp, nymph tức là một tiểu nữ thần gắn với sông núi cây cỏ, được lấy tên từ một thần thoại Cổ điển cho rằng loài hoa này ra đời là do một nymph đã chết vì yêu Hercules. Trên thực tế, đây cũng là danh pháp khoa học của hoa súng.  

Chuỗi tranh này đã chiếm toàn bộ thời gian của Monet cho tới khi ông qua đời 30 năm sau và gồm hàng tá tranh tạo ra một hình ảnh góc rộng toàn cảnh về mặt nước, hoa súng và bầu trời nhìn từ trong xưởng vẽ của ông, được lấy cảm hứng từ khu vườn của ông ở Giverny. Nổi tiếng nhất trong chuỗi tranh này là 8 bức cỡ cực lớn được treo trong hai căn phòng hình bầu dục trong Bảo tàng Orangerie ở Paris.

Monet mô tả mục tiêu của ông cho dự án này: “Hãy tưởng tượng một căn phòng tròn, trên tường phủ kín chân trời trải dài cảnh mặt nước lác đác hoa súng. Những bức tường trong suốt – đôi khi màu xanh lá, đôi khi màu hoa cà. Mặt nước phẳng lặng và yên ả phản chiếu bóng hoa; tông màu nhạt nhòa, sắc thái tuyệt vời, tinh xảo như một giấc mơ.”

Sắp đặt tranh hoàn thiện được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Monet, chủ nghĩa Ấn tượng và thậm chí nghệ thuật thế kỷ 20. Ánh sáng và cách bố trí trong bảo tàng tối đa trải nghiệm của người xem thêm vào cho những tác phẩm này, như Monet đã nói, một “ảo giác của một tổng thể vô tận, của một con sóng không có chân trời cũng không có bến bờ”. Những tác phẩm này sẽ tác động to lớn đến nhiều họa sĩ, nhưng cách bố trí bao quát tất cả này sẽ đặc biệt truyền cảm hứng cho họa sĩ chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng của New York School vẽ những bức toan khổ lớn. 

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa ấn tượng claude monet hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…