Cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc như thế nào trên phương diện nghệ thuật?


Black arts movement (tạm dịch: Phong trào nghệ thuật đen) là một phong trào tư tưởng khởi phát vào đầu những năm 1960 do người Mỹ gốc Phi sinh sống tại Hoa Kỳ lãnh đạo. Họ tập hợp thành những cộng đồng, bắt đầu hợp tác, nghiên cứu và phát triển các dự án nghệ thuật cũng như chính trị theo một cách tân tiến và có tổ chức.

Trong suốt những năm 1960-1970, Phong trào nghệ thuật đen đã thật sự tạo ra các thiết chế văn hóa mới và truyền tải thông điệp tự hào về cộng đồng da đen đến khắp mọi nơi thông qua hàng loạt những hoạt động tích cực trên các “mặt trận” thông tin truyền thông, văn bản, thơ ca, in ấn và tranh vẽ.

We shall survive without a doubt, 1971, tác phẩm của Emory Douglas

Phong trào được sáng lập bởi nhà thơ-nhà viết kịch Amiri Baraka (Leroi Jones) sau cái chết đau thương của Malcolm X, Martin Luther KingPatrick Lumumba. Đến năm 1965, chiến dịch chính trị hóa sinh viên gốc Phi tại Mỹ cùng cuộc nổi dậy phố Watts (Watt riots/Watts Rebellion) đã trở thành một ngọn lửa thổi bùng lên phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng âm ỉ bấy lâu nay. Nhân dân da màu đấu tranh về các chủ đề nhức nhối trong xã hội thời bấy giờ, bao gồm chống phân biệt chủng tộc, chống phân biệt giới tính, chống khác biệt giai cấp và chống chủ nghĩa tư bản.

Unite, 1969-71, tranh bởi Barbara Jones-Hogu.

Cùng thời gian đó, Phong trào nghệ thuật đen nhận sự ủng hộ to lớn từ bạn bè quốc tế sau thắng lợi của các cuộc đấu tranh giai cấp tại Trung Quốc, Cuba và các phong trào độc lập tại châu Á, châu Phi. Phong trào đạt đến đỉnh cao vào đầu những năm 1970 với sự ra đời của cơ số sản phẩm âm nhạc, kịch nói, tranh vẽ và văn thơ cấp tiến, phủ sóng rộng khắp trên toàn nước Mỹ. Đặc biệt, trong khía cạnh nghệ thuật thị giác, hai chủ đề nổi bật được nhiều nghệ sĩ tập trung khai thác đó là “black identity” và “black liberation”, hay nói cách khác, nhóm họa sĩ dùng bảng vẽ, màu, cọ, tranh ảnh như vũ khí đấu tranh cho lý tưởng rằng người da đen cần được thừa nhận danh tính, người da đen cần được trả tự do.

Keep your spirits free, 1972, tranh của Carolyn Lawrence.

Hòa theo Phong trào nghệ thuật đen, có 3 trường phái nghệ thuật nổi lên dẫn đầu bởi các nhóm các nghệ sĩ da màu tài năng và giúp họ bứt phá ra khỏi quan niệm cố hữu về người da đen “hạ đẳng” trên xứ cờ hoa.

Các nghệ sĩ gắn liền với Phong trào nghệ thuật đen bao gồm Benny Andrew, Cleveland Bellow, Kay Brown, Marie Johnson Calloway, Jeff Donaldson, Ben Hazard, Jae Jarrell, Wadsworth Jarrell, Ben Jones, Carolyn Lawrence, Dindga McCannon, John T. Riddle và Lev T.Mills.

Amiri Baraka (giữa) và Yusef Iman (thứ hai từ trái sang) cùng các nhạc sĩ và diễn viên của Phong trào nghệ thuật đen tại New Jersey năm 1966. Ảnh được sở hữu bởi Đại học Howard.

CÁC PHONG TRÀO LIÊN QUAN KHÁC


THE BLACK AESTHETIC – THẨM MỸ ĐEN

The black aesthetic, hay còn gọi Thẩm mỹ đen, là một hệ tư tưởng văn hóa phát triển ở Mỹ diễn ra song song với phong trào dân quyền trong thập niên 1960 và thúc đẩy chủ nghĩa ly khai của cộng đồng da đen trong giới nghệ thuật.

Nói về mối tương quan giữa Phong trào nghệ thuật đenThẩm mỹ đen, năm 1968, nhà lý thuyết học nổi tiếng Larry Neal nhận định hai phong trào này có thể ví von như tình chị em bởi cùng chia sẻ một tinh thần cốt lõi là nâng cao niềm tự hào về màu da đặc biệt và nét đẹp tâm hồn của người Mỹ gốc Phi.

“Các nhà văn và nghệ sĩ trẻ nên đấu tranh cho mâu thuẫn sắc tộc bằng cách dùng tài năng nghệ thuật của mình kết hợp với kinh nghiệm của chính bản thân khi mỗi ngày phải đối mặt với hành động, lời nói đầy tính phân biệt chủng tộc tại Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.”,

Larry Neal phát biểu.

Sự phát triển của Thẩm mỹ đen là điểm trọng yếu đối với sự phát triển chung của văn hóa dân tộc Mỹ gốc Phi xuyên suốt thời gian diễn ra cách mạng chính trị Mỹ. Các nghệ sĩ da đen được kêu gọi tìm kiếm và sáng tạo các phong cách nghệ thuật mới, đậm tính sắc tộc và đối lập rõ nét với quan điểm thẩm mỹ của người phương Tây da trắng.

Các tác phẩm nghệ thuật ban đầu thường chỉ là tranh tường, tuy nhiên với sự lan tỏa mạnh mẽ, sau này hình thức thể hiện đã trở nên phong phú hơn với các tranh vẽ nghệ thuật, âm nhạc, văn xuôi và thơ. Riêng đối với tranh tường và tranh vẽ, màu sắc trong tranh thường mang tính tương phản cao, thể hiện thần thái của các nhân vật da đen một cách mạnh mẽ, dứt khoát và đoàn kết.

Tuy phong trào đã qua gần nửa thế kỉ nhưng giá trị tinh thần thể hiện trong các tác phẩm ít ỏi còn được lưu giữ vẫn sống động và mang đầy tính thời sự. Điển hình là bức tranh tường “Wall of Dreaming and Man’s Inhumanity to Man” (tạm dịch: Bức tường của mơ ước và sự vô nhân đạo giữa người với người”) được vẽ năm 1975 bởi các nghệ sĩ Bill Walker, Mitchell Caton, Santi Isrowuthakul và Siddha Webber, tại ngã tư đường 47 và đại lộ Calumet ở Bronzeville, Chicago.

Bức tranh tường “Wall of Dreaming and Man’s Inhumanity to Man” tại Chicago. Ảnh chụp bởi Anne Cullen, 2018.

Jacob Lawrence là người Mỹ gốc Phi được biết đến với vai trò họa sĩ, người kể chuyện, thông dịch viên và là thầy giáo. Năm 1974, khi Lawrence được giao nhiệm vụ thực hiện một ấn phẩm để kỷ niệm hai trăm năm ngày tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ra đời năm 1776, ông đã chọn một sự kiện mang tính lịch sử đối với cộng động da đen diễn ra vào ngày 7 tháng 3 năm 1965 để minh họa.

Đó là cuộc diễu hành bởi những người biểu tình phi vũ trang phản đối việc chính phủ Mỹ phủ quyết quyền bầu cử chính thống của người Mỹ gốc Phi. Cuộc tuần hành ban đầu gồm 600 người, xuất phát từ Selma, Alabama, hướng về thủ phủ Montgomery nhưng nhanh chóng bị trấn áp khi cảnh sát triển khai tấn công vũ lực vào đoàn biểu tình bằng gậy và hơi cay tại cầu Edmund Pettus.

Confrontation at the Bridge của Jacob Lawrence là một trong những tác phẩm nổi bật của phong trào The black aesthetic và hiện được trưng bày tại bảo tàng Frederick Weisman Art Museum

Lawrence khắc họa sự tàn bạo của việc trấn áp bằng hình ảnh chó săn hung hăng đang há lớn miệng trong tư thế chồm lên phía trước ở rìa bên trái bức tranh, ngược lại với đoàn người biểu tình ôn hòa, phi vũ trang bên phải. Lawrence dùng màu đen, đỏ, vàng, xanh dương làm chủ đạo với dụng ý nổi bật tinh thần lạc quan của người biểu tình và dù mọi người có khác biệt trong cách ăn mặc thì điểm chung vẫn là quyết tâm đòi quyền bình đẳng, tiến về phía trước. Khi hoàn thành, bức tranh được đặt tên là Confrontation at the Bridge (tạm dịch: Cuộc đối đầu trên cầu).

Quay lại với sự kiện thực tế, hai ngày sau khi chính quyền triển khai vũ lực với đoàn biểu tình, với sự bảo vệ của tòa án, Martin Luther King Jr. đã dẫn đầu đoàn tuần hành 25.000 người đến Montgomery và tiếp tục kêu gọi quyền bình đẳng giữa các sắc tộc. Trước sức ép liên tục và mạnh mẽ từ cuộc biểu tình đó, Quốc hội buộc phải thông qua Quyền bỏ phiếu cho người Mỹ gốc Phi và cũng vào cuối năm đó, Tổng thống Lyndon Johnson đã chính thức kí Đạo luật quyền bỏ phiếu cho mọi công dân Mỹ bất kể màu da. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi.

“If I were Jehovah” (tạm dịch: Nếu tôi là Jehovah) là bức tranh minh họa cho bài thơ nổi tiếng “We Wear the Mask” (tạm dịch: Chúng ta mang mặt nạ) của nhà thơ người Mỹ gốc Phi Paul Laurence Dunbar. Cũng như nội dung bài thơ, bức tranh miêu tả một chiếc mặt nạ đang bị xé toạc bởi anh chàng da đen với hàm ý người Mỹ gốc Phi sẽ tiếp tục phá bỏ mọi vật cản che lấp chiều sâu cảm xúc phẫn nộ của họ trong một xã hội đầy phân biệt chủng tộc mà họ đã chịu đựng bao lâu nay. Hình ảnh xuất hiện trong Tạp chí quốc tế về nghệ thuật người Mỹ gốc Phi vào năm 1998.

Chiếc mặt nạ che đậy cảm xúc thật của người da đen đang bị xé toạc một cách dứt khoát và đầy phẫn nộ trong “If I were Jehovah”_bức tranh minh họa cho bài thơ nổi tiếng “We Wear the Mask”

Các nghệ sĩ gắn liền với thẩm mỹ đen trong nghệ thuật thị giác bao gồm Dana Chandler, Gary Rickson, William Walker, Jeff Donaldson, Eugene Wade, Jae Jarrell, Wadsworth Jarell, Barbara Jones-Hogu và Gerald Williams và nhóm sáng lập AFRI-COBRA.


PESTS

Khác với Thẩm mỹ đen, PESTS là một nhóm nghệ sĩ ẩn danh làm việc tại New York vào những năm 1980. Các tác phẩm nghệ thuật do PESTS sản xuất thường dưới dạng tờ rơi, áp phích, tài liệu quảng cáo và nội dung hướng đến việc tái hiện nạn phân biệt đối xử. Dù không một nghệ sĩ nào thừa nhận bản thân đang hoạt động trong PESTS, nhưng một số thông tin hành lang cho rằng PESTS đã được các thành viên của Guerrilla Girls lập nên.

Guerrilla Girls là nhân tố quan trọng trong thời kì hoàng kim của PESTS. Họ là tập hợp những nữ họa sĩ chuyên sử dụng tranh ảnh cổ động để lên án chủ nghĩa phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc trong thế giới nghệ thuật. Các thành viên nhóm bảo vệ danh tính của họ bằng cách đeo mặt nạ hình khỉ đột ở nơi công cộng và sử dụng bút danh được lấy từ những nghệ sĩ nữ nổi tiếng đã qua đời như nhà văn Gertrude Stein (1874-1946) và nghệ sĩ Frida Kahlo (1907-1954).

Guerrilla Girls, ‘Hidden Agender/Passing The Bucks’ 1986
Hidden Agender và Passing The Bucks được đăng tải trên Guerrilla Girls năm 1986

Các tác phẩm của PESTS nói chung và Guerrilla Girls nói riêng có phong cách đơn giản hóa họa tiết để làm nổi bật nội dung bằng chữ trên nền đen trắng. Hidden AgenderPassing The Bucks phía trên không hẳn là một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ, mà đó là áp phích quảng cáo cho những buổi tọa đàm tập trung của các nghệ sĩ ẩn danh bàn luận về khuynh hướng giới tính trong giới phê bình nghệ thuật.

Guerrilla Girls còn tích cực hoạt động đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau như dán áp phích trên đường phố SoHo vào giữa đêm, kẹp tờ rơi cổ động vào trong tất cả các quyển sách bày bán trong hiệu sách của Bảo tàng Guggenheim, xuất bản sách, tổ chức thuyết giảng trong trường đại học, tổ chức triển lãm, tọa đàm… Đặc biệt, họ còn dán poster trên cửa sổ và cửa ra vào các phòng trưng bày nghệ thuật để có thể tiếp cận càng nhiều người càng tốt.

Guerrilla Girls, We Sell White Bread, 1987, 11 x 22 in. Pomona College Collection. Museum purchase with funds provided
Tấm poster được dán trên cửa sổ và cửa ra vào của các phòng triển lãm mang tên “We Sell White Bread” (tạm dịch: Chúng tôi bán bánh mì trắng), năm 1987, kích thước 11 x 22 inch
Nội dung tờ rơi “Chúng tôi, 11.009 nghệ sĩ da màu ở New York này. Tại sao không thấy chúng tôi?” do Guerrilla Girls thực hiện

SPIRAL

Không giống với Thẩm mỹ đen hay PESTS, một nhóm các nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi khác ở New York đã cùng nhau tham gia thành lập Spiral vào những năm 1960 để khẳng định mối liên hệ giữa họ với phong trào dân quyền và sự thay đổi của nghệ thuật, văn hóa và chính trị Mỹ đương thời. Kim chỉ nam của Spiral là phải đồng thời ủng hộ và đấu tranh lẫn nhau để tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi: Tính thẩm mỹ của nghệ thuật có nên nhạy cảm với các vấn đề sắc tộc khôngCác nghệ sĩ có nên quan tâm đến chính trị và xã hội của người Mỹ da đen hơn nghệ thuật không.

Các thành viên của Spiral có tính sáng tạo rất đa dạng và phong phú, tuy vậy, phần lớn các nghệ sĩ vẫn theo đuổi trường phái trừu tượng hiện đại thể hiện bằng tranh sơn dầu, tranh cắt dán, tranh màu nước và bản in. Tiêu biểu là tác phẩm cắt giấy dán tranh kết hợp màu sơn của Romare Bearden thể hiện nét đẹp của sự hợp nhất giữa các cộng đồng và văn hóa khác nhau.

Tác phẩm sử dụng sơn màu kết hợp nghệ thuật cắt giấy được họa sĩ Romare Bearden hoàn thành vào năm 1972
Bức tranh Freedom Now (tạm dịch: Tự do ngay bây giờ) của Reginald Gammon – một thành viên nổi bật của Spiral
Seated Figure and Nude (tạm dịch: Hình người ngồi và Khỏa thân) được Emma Amos giới thiệu vào năm 1966

Spiral hoạt động từ đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1970 thì tan rã dần. Các nghệ sĩ thành công trong giai đoạn Spiral có thể kể đến Charles Alston, Emma Amos, Romare Bearden, Calvin Douglas, Perry Ferguson, Reginald Gammon, Felrath Hines, Alvin Hollingsworth, Norman Lewis, William Majors, Richard Mayhew, Earle Miller, William Pritchard, Merton Simpson, Hale James Yeargans.

Dịch và Biên tập: Thùy Vân
Nguồn: OWD, Art Design Chicago, Blackpast, Clevelandart,
Tate, Huffpost, Hidden Agender/Passing The Bucks, Studiomuseum

Cùng tác giả

#Tag

aesthetic black black aesthetic black arts black arts movement black lives matter da màu Heirstory lịch sử Martin Luther King người da màu pests phân biệt chủng tộc phong trào đen spiral đen

iDesign Must-try

/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
Nghệ thuật của Homer ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sĩ kế tục, chúng mang đậm “tính toàn vẹn của tự nhiên”, lột tả hiện thực tràn…
11 phong cách aesthetic đang làm mưa làm gió năm 2021
11 phong cách aesthetic đang làm mưa làm gió năm 2021
Với mức độ phổ biến rộng lớn của Instagram và TikTok, cũng như thời gian vừa qua giới trẻ toàn cầu có nhiều thời gian tại nhà hơn để dùng…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị…
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật…
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Trong ba tháng vừa qua, chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ hoạ tại iDesign đã ra mắt và giới thiệu đến các bạn một số bài viết chia sẻ…