Cùng Ngô Đình Bảo Châu lắng nghe những vách ngăn tình yêu với ‘Bên Trái Của Tôi, Bên Phải Của Bạn’

Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu sinh năm 1986, hiện đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Cô là nghệ sĩ thị giác nổi bật với niềm say mê khám phá và làm việc với nhiều chất liệu khác nhau cũng như đa dạng hoá trong cách thức tác phẩm. Những tác phẩm, triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm của Ngô Đình Bảo Châu đều cho thấy mối quan tâm, trăn trở về con người của cô. 

Tác phẩm “Bên Trái Của Tôi, Bên Phải Của Bạn”

Đến với triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” – một phần thuộc chiến dịch sức khoẻ cộng đồng “Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì”, Ngô Đình Bảo Châu mang đến tác phẩm sắp đặt “Bên Trái Của Tôi, Bên Phải Của Bạn”. Sử dụng kết hợp chất liệu gỗ, hạt nhựa trong suốt, pha lê sắc màu, tác phẩm được dựng lên như một căn buồng nhỏ có vách ngăn chia đôi, tạo nên hai không gian tương đồng. Điều đặc biệt còn nằm ở vị trí của tác phẩm: ở tầng trên, góc trong cùng của không gian triển lãm, dụng ý tạo nên một không gian kín đáo cho tác phẩm. Người xem có thể đến ngắm nhìn, ngồi xuống để tự khám phá những gì bên kia vách ngăn vật lý hiện hữu hay vách ngăn trong lòng mình. Bản thân Ngô Đình Bảo Châu chia sẻ: “Với tôi tình yêu là không có sự phân biệt. Nó là sự bình đẳng, là sự chia sẻ. CÓ MỘT VÁCH NGĂN – tình yêu thật khó. Nhưng nếu ta chủ động bày tỏ và vươn lên kiếm tìm, biết đâu đó cái ta nhận về là những lăng kính đầy màu sắc của cuộc sống.” 

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Đình Bảo Châu sớm nhận được sự quan tâm bởi khả năng linh hoạt trong việc ứng dụng nhiều cách thức biểu đạt nghệ thuật như hội hoạ, sắp đặt hay điêu khắc trên các nền chất liệu. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1986 kết hợp giữa bản chất gốc của một vật hay sự việc, pha trộn cùng trí tưởng tượng để tái-khái-niệm lại sự vật hay hiện tượng ấy theo một ý niệm rất riêng của bản thân. Kể từ năm 2009 – tức một năm trước tốt nghiệp, Ngô Đình Bảo Châu tham gia vào các dự án triển lãm và nhanh chóng dành được nhiều sự chú ý của giới hàn lâm nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Cùng iDesign lắng nghe những chia sẻ của Ngô Đình Bảo Châu về tác phẩm và thử lắng nghe, soi tỏ những vách ngăn của riêng bạn nhé! 

Phản ứng đầu tiên của chị khi nhận được lời mời tham gia triển lãm như thế nào? 

Mình bất ngờ và nghĩ là sẽ từ chối, vì chủ đề, sự quan tâm và mục tiêu của dự án hoàn toàn xa lạ đối với mình, thậm chí mình còn không quen biết ai là người có HIV. Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, đó cũng chính là thái độ trong bao năm của mình về vấn đề này, một phần cũng do cách tuyên truyền về nhận thức HIV từ hơn 20 năm trước tạo ra sự e dè, lo sợ nhất định giữa người có HIV và người không có HIV.

Lời mời cũng làm mình nhớ lại khoảng thời gian làm tình nguyện viên phục vụ bữa ăn cho người có HIV, họ cũng như chúng ta, đang tận hưởng cuộc sống. Sau đó, học hỏi nhiều hơn về dự án và cách mà dự án tiếp cận và nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề HIV. Có thể nói mình tự hào là một phần của dự án, và xin cám ơn The Lab Saigon vì điều này.

Quá trình lấy cảm hứng và tìm ý tưởng cho tác phẩm của chị đã diễn ra như thế nào? Công đoạn nào là tốn thời gian nhất? Công đoạn nào khiến chị yêu thích nhất? 

Nhận được liên lạc đầu tiên từ The Lab Saigon, mình đã thoáng nghĩ có lẽ mình không phù hợp với dự án và sẽ từ chối. Dù vậy trong vòng 30 phút sau khi nghiên cứu các tư liệu, mình biết mình sẽ làm gì – nếu mình tham gia dự án.

Chủ đề phổ quát của dự án là về tình yêu, với mình, tình yêu là một đề tài cũ, xưa như Trái Đất, chính xác là từ khi con người xuất hiện trên Trái Đất, đó là lí do tác phẩm mang vẻ thẩm mỹ hoài cổ, mình nghĩ vẻ bề ngoài đó cũng mang tới tính phi thời gian cho tác phẩm. 

Và dù câu chuyện tình yêu muôn hình vạn trạng thế nào, được kể lại trong nhiều bối cảnh không gian và thời gian khác nhau, về bản chất – với mình- nó không đổi – đó là sự đối thoại, sự hồi đáp, sự công bằng từ hai phía. Do đó về ý tưởng tác phẩm sơ khởi là dựng nên một cấu trúc giống nhau ở hai bên, bình đẳng và công bằng từ hai phía. Các cấu trúc như thế ta có thể thấy trong cách tổ chức sân chơi thể thao: sân cầu lông, tennis, bóng đá, bóng bàn … nơi mà có tính đối kháng, nơi mọi thứ chỉ bắt đầu khi có sự tham dự từ hai phía. Nhưng với cấu trúc vách ngăn của tác phẩm, thì nó đem đến sự thấu cảm nhiều hơn, nó cũng làm mình liên tưởng nhiều đến cấu trúc giải phẫu của trái tim.

Ý tưởng ban đầu là vậy. Các công đoạn sau chỉ là hoàn thiện về mặt thiết kế cho phù hợp với ý niệm tác phẩm. Công đoạn tốn thời gian cũng là khoảng thời gian yêu thích của mình là tìm hiểu vật liệu chi tiết cho tác phẩm, và suy nghĩ cách để đưa vật liệu đó vào tác phẩm, đó là phải đọc về pha lê các loại, tìm hiểu tư liệu trên mạng, ra cửa hàng xem, rồi phải học cách kết chúng lại. Đó là những điều mới mẻ mà mình chưa biết, nên nó thú vị.

Vì sao chị lựa chọn thực hiện một tác phẩm mang tính nội thất? Liệu có dụng ý hay mong muốn kéo người xem về không gian riêng tư trong tâm tưởng của mình khi ngắm nhìn tác phẩm ở một không gian công cộng như triển lãm? 

Có thể nói nó là lựa chọn mang tính cá nhân, vì mình hay làm tác phẩm từ sản phẩm nội thất – có thể ngồi lên nằm lên được, hoặc tác phẩm mang ý niệm nội thất, và bởi mình thích sự tương tác của người xem đối với tác phẩm. Bạn có thể thấy biểu tượng trái tim xuất hiện khá nhiều trong “Bảo tàng tan vỡ” với nhiều hình thức khác nhau, với mình nó xuất hiện ở một kết cấu nội thất thì cũng là cách thể hiện riêng của mỗi người thôi.

Dụng ý của chị với sự kết hợp các chất liệu (gỗ, hạt nhựa,..)? 

Mình gọi chức năng tác phẩm là vách ngăn The Heart – Divider, nó là sự phân chia không gian, cũng có thể là một cánh cửa nên gỗ cũng là một chất liệu hợp lí. Hãy nói về các hạt pha lê nhiều màu, hạt nhựa tròn … với hiệu ứng ánh sáng đúng và đủ, nó thật sự có thể tạo nên hình ảnh của một lăng kính vạn hoa, điều mà mình thấy là kì diệu, là đa dạng, là biến ảo khôn lường của tình yêu, của cuộc sống. Cũng là mình học hỏi cách dùng vật liệu này bên thời trang, có khá nhiều các sản phẩm thời trang túi xách của các thương hiệu trong nước dùng nhiều vật liệu này trong khoảng hai năm gần đây.

Được biết chị Châu luôn thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau. Mối quan hệ giữa chị và chất liệu là một mối quan hệ như thế nào? 

Là sự tò mò, và có thể do mình luôn không biết quá nhiều thứ, điều đó tạo cho mình sự tự do trong việc kết hợp các chất liệu khác nhau, dĩ nhiên vẫn có những giới hạn an toàn.

Có thể cho rằng hình tượng “Vách ngăn” trong tác phẩm của chị không chỉ đại diện cho vách ngăn trong tình yêu mà còn có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống không? 

Tác phẩm cũng một phần biểu lộ tư duy của mình trong việc nhìn nhận con người và các khía cạnh khác của cuộc sống, mình không thấy sự khác biệt giữa người này với người khác (dĩ nhiên là có khác), hoặc về sự bình đẳng, công bằng (dĩ nhiên là không có hoàn toàn), dù vậy ý niệm về sự bình đẳng công bằng luôn là điều tốt đẹp, lấp lánh (như pha lê) mà con người chúng ta hướng tới.

Trong triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”, tác phẩm của nghệ sĩ nào để lại trong chị nhiều suy nghĩ nhất? 

Mình thích hình ảnh các sóng não đầy màu sắc của Tùng Monkey, một thứ vừa có thể đáng sợ vừa có thể xinh đẹp cùng lúc.

Chị có thể chia sẻ thêm về đời sống của tác phẩm sau triển lãm sẽ như thế nào không? 

Tác phẩm sau triển lãm quay lại xưởng làm việc của mình, tự sống đời của nó. Ngay lúc này, mình đang nhìn nó đây. Mình nghĩ, các dự án có tác phẩm nghệ thuật dự phần, sau khi hoàn thành cũng nên có các hoạt động phù hợp, gây quỹ để hỗ trợ cho các dự án các năm tiếp theo.

Chị có thể chia sẻ một chút với các bạn độc giả về dự định tương lai của chị không? Chất liệu hay chủ đề nào chị đang muốn thử nghiệm nhất? 

Tiếp tục sống và làm việc.

Xin chân thành cảm ơn mọi người.

Thực hiện: Su.dden

Hình ảnh: Vero cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

bảo tàng tan vỡ nghệ thuật sắp đặt nghệ thuật đương đại phòng ngừa HIV Su.dden triển lãm nghệ thuật

iDesign Must-try

Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
/Maybe bạn nên …Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm “Thủy triều cảm…
Cảnh quan tôn giáo - tín ngưỡng đa dạng của Đông Nam Á trong triển lãm Tropical Hallucinations - Ảo giác Nhiệt đới
Cảnh quan tôn giáo - tín ngưỡng đa dạng của Đông Nam Á trong triển lãm Tropical Hallucinations - Ảo giác Nhiệt đới
Với 12 tác phẩm đa dạng chất liệu, từ tranh, điêu khắc, video, đến sắp đặt và nhiếp ảnh, triển lãm “Tropical Hallucinations – Ảo giác Nhiệt đới” soi vào…
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm nghệ thuật với nhiều hình thức biểu đạt khác nhau với…
Maybe bạn nên … Đi!  Tháng 08/2023
Maybe bạn nên … Đi!  Tháng 08/2023
/Maybe bạn nên … Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm ‘Bì Bì…
Triển lãm về Vũ trụ điện ảnh kỳ ảo của Tim Burton đang diễn ra tại Paris
Triển lãm về Vũ trụ điện ảnh kỳ ảo của Tim Burton đang diễn ra tại Paris
Triển lãm “Tim Burton’s Labyrinth” trưng bày khoảng 150 tác phẩm nhiều thể loại mô phỏng chân thực và toàn cảnh về hành trình hoạt động và sáng tác nghệ…