Dã Thú (Phần 2) - Những tác phẩm nổi bật

Trong phần 2 của loạt bài về trào lưu nghệ thuật Hiện đại đầu tiên của thế kỷ 20 – Dã thú, ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của chủ nghĩa sắp xếp theo trình tự thời gian. Những tác giả sẽ được nhắc tới bao gồm Matisse, người được coi như cha đẻ của trào lưu, de Vlaminck và Derain, hai người còn lại trong nhóm bộ ba trung tâm của nhóm Fauves, cũng như các thành viên sau này là Dufy, Friesz, Rouault, và Braque.

1904: Sang trọng, điềm tĩnh, và gợi cảm của Henri Matisse

Bức tranh sơn dầu – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc gia, Paris

Tác phẩm được ra đời sớm Sang trọng, điềm tĩnh, gợi cảm (Luxe, Calme, et Volupté) này thể hiện rất rõ những nguồn ảnh hưởng phong cách nghệ thuật tới người nghệ sĩ, đáng chú ý nhất là Điểm chấm (Pointillism) của Georges Seurat và Phân điểm màu (Divisionism) của Paul Signac, trong việc sử dụng những chấm màu sắc nhỏ li ti để tạo ra một sự tuôn trào thị giác.

Tuy nhiên, điều làm cho tác phẩm riêng biệt với những phương pháp cứng nhắc hơn kia chính là sự tập trung cao độ của Matisse đối với màu không pha trộn. Những màu cam, vàng, xanh lá, và những màu khác đều giữ được vị trí tách biệt của nó trên bề mặt bức tranh, và không bao giờ hòa vào nhau để hình thành nên những sắc độ hài hòa vốn được biết đến bởi Seurat và Signac, thay vào đó là làm tăng hiệu ứng gần như gây chóng mặt được tạo ra bởi các điểm chấm nổi bật của bức vẽ. 

Matisse đặt tiêu đề cho tác phẩm của ông, được dịch ra là “Quý phái, bình yên, và khoái lạc”, từ bài thơ Lời mời phiêu lưu (L’Invitation au Voyage) của Charles Baudelaire.

1906: Sông Seine ở Chatou của Maurice de Vlaminck

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Khung cảnh này miêu tả phần sông Seine chảy qua Chatou, vùng ngoại ô Paris, nơi mà de Vlaminck và Derain cùng dùng chung xưởng vẽ bắt đầu từ năm 1901. Đối với bức Sông Seine ở Chatou (The River Seine at Chatou), de Vlaminck sử dụng lối vẽ đắp impasto (một kỹ thuật được tập luyện bởi nhiều nghệ sĩ Dã thú): lớp sơn dày được bơm ra lên toan trực tiếp từ tuýp vẽ, và sau đó được chuốt lại theo những nét cọ ngắn để tạo ra hiệu ứng chuyển động. 

Đối với mặt nước và bầu trời, de Vlaminck sử dụng một loạt các màu xanh lam và xanh lá, cũng như những điểm nhấn sáng màu trắng nổi bật của những sóng nước lăn tăn; còn hai màu đỏ và cam của cây ở bên trái lại cho thấy một sự tương phản sinh động. Hiệu ứng hoàn thiện là một chuyển động tươi sáng và rung cảm; vấn đề về chi tiết và phối cảnh truyền thống cũng ít hơn hẳn so với niềm vui được thể hiện. Như cách mà de Vlaminck đã nói: “Tôi cố gắng vẽ từ trái tim và gan ruột của mình mà không cần phải quan tâm gì đến phong cách”.  

1907: Rừng thông ở Cassis của André Derain

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Cantini, Marseille, Pháp

Derain đã có một khẳng định nổi tiếng về việc sử dụng “màu sắc là phương tiện để thể hiện cảm xúc của tôi chứ không phải như một bản sao của thiên nhiên”. Trong bức họa Rừng thông ở Cassis (Pinède a Cassis) này (cũng như bức tranh Dãy núi tại Collioure (Mountains at Collioure) (1905) nổi tiếng của ông), Derain sử dụng nét vẽ dài, riêng rẽ, chịu ảnh hưởng bởi hội hoạ của những người theo trường phái Phân điểm màu, để tạo nên cây cối và mặt đất của khung cảnh. 

Những màu sắc quả thực không mang tính đại diện, thậm chí là phi tự nhiên: thân cây được tô hầu hết là màu xanh lá, và phong cảnh được trừu tượng hóa trong những mảnh màu sắc của vàng tươi và cam. Nét vẽ có nhịp độ và sự tương phản va chạm của những mảng màu sắc này làm ta liên tưởng đến sức nóng tỏa ra từ mùa hè Địa Trung Hải. Bỏ qua hiệu ứng sáng tối bóng đổ chiaroscuro và đi sâu vào không gian, Derain mong muốn giữ lại sự chú ý của người xem vào hiệu ứng ánh sáng này và sức sống mà trông có vẻ đã lan dần khắp mọi yếu tố của bức tranh. 

1905: Bức tranh chân dung của Henri Matisse bởi André Derain

Sơn dầu trên toan – Tate, London, Anh Quốc

Derain đã vẽ bức chân dung Matisse trong suốt khoảng thời gian khi mà những người hoạ sĩ cùng nhau trải qua mùa hè ở Collioure, khi hai người đang cùng nhau thử nghiệm trong việc làm tác phẩm của mình. Như hầu hết các bức chân dung theo chủ nghĩa Dã thú, chân dung của chủ thể với đầy đủ chi tiết không phải là mục tiêu của họ. Điều mà Derain chủ yếu quan tâm là cách thể hiện trạng thái tâm trí thông qua cách sử dụng nét vẽ và các đường nét uyển chuyển dễ thấy được, hai cách để làm nổi bật cách việc sử dụng màu không pha trộn của ông. 

Phần bên phải của nhân vật được đổ bóng trong màu tím và xanh ngọc, và phía bên trái của khuôn mặt được tạo điểm nhấn bằng những nét vẽ phóng khoáng của màu hồng và đỏ; việc sử dụng gam màu bão hòa phi tự nhiên này đã nhấn mạnh cái nhìn trực tiếp, mãnh liệt của nhân vật. Trong khi khung nền được vẽ với những nét mảnh, thẳng đứng thì phần đầu của Matisse nổi bật một cách mạnh mẽ hơn trong nét của lối vẽ đắp, như thể Derain đang xây dựng phần đầu ấy từ chính lớp sơn, hơn là thông qua cách đánh bóng hay phối cảnh truyền thống.

1905-06 – Niềm vui cuộc sống của Henri Matisse

Sơn dầu trên toan, Barnes Foundation, Merion, PA

Niềm vui cuộc sống (Le Bonheur de Vivre), có lẽ là tác phẩm thuộc chủ nghĩa Dã thú được biết đến nhiều nhất của Matisse, ông vẽ bức tranh này để đáp lại những phản ứng chỉ trích tiêu cực sau những đóng góp của ông ở Triển lãm Mùa thu (Salon d’Automne)  năm 1905. Mặc dù đề tài bức tranh về những nhân vật vui đùa bên trong khung cảnh đồng quê là một đề tài đáng tôn kính của nghệ thuật phương Tây, cách thách thức của Matisse trong việc sử dụng màu sắc phi tự nhiên để tạo ra một thế giới bí ẩn, và sự phác họa tự do về người dân ở bức tranh của ông, đã đem một sự cải tiến với luồng gió mới đến với hình tượng này. 

Những người khỏa thân trong tranh của Matisse thực hiện các hoạt động trong niềm vui khoái lạc: nhảy múa, chơi nhạc, và ôm ấp. Họ được kết nối với nhau và với khung cảnh màu sắc sinh động bởi một mạng lưới vòng vèo của những đường cong và bởi cách sử dụng cấp tiến những gam màu không pha trộn cho mọi yếu tố cấu thành nên bức tranh của nghệ sĩ. Các cặp màu màu sắc bổ túc (đỏ và xanh lá, tím và vàng) tạo ra một sự tương phản thị giác mạnh mẽ mà gần như là có độ rung, và phương thức truyền thống gợi chiều sâu cũng như ánh sáng đã bị loại bỏ. 

Khung cảnh đồng quê bình dị này kết hợp cả chủ đề và ảnh hưởng thị giác từ thời Phục hưng đến Art Nouveau cho tới những bức tranh mi-ni của người Ba Tư, nhưng bức tranh lại đi theo hướng hiện đại không thể phủ nhận. Niềm vui cuộc sống có sức ảnh hưởng không kém gì các bức vẽ hình tượng người khổ lớn, như Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) của Picasso (1907), trong cách tái hình dung truyền cảm của bức tranh con người và những gì xung quanh nó.

Khoảng 1905: Du thuyền với những lá cờ ở Le Havre của Raoul Dufy

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Andre Malraux, Le Havre

Đi theo con đường của Claude Monet và Eugène Boudin, Dufy đã vẽ rất nhiều cảnh về Le Havre, một thị trấn bến cảng nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của Pháp. Khung cảnh này bao gồm một số tàu đã cập bến trên phần hậu cảnh là khung cảnh kiến trúc địa phương. Mặc dù hình ảnh này phần lớn mang tính tự nhiên, nhưng việc chọn không sử dụng phối cảnh truyền thống và cách dụng sơn màu độc đáo là một bước đi tiên phong của Dufy. 

Ví dụ như đường nét chéo đứng của cầu cảng ở bên trái đã gây ra hiệu ứng chuyển động bất ổn định. Quang cảnh được vẽ theo một hệ thống những nét cọ nhanh mang tính cách điệu: phân tán các vệt gợn sóng nhỏ uốn cong cho làn sóng, những khối màu nhỏ li ti cho những tòa nhà ven bến cảng, và những nét vẽ thô, cũn cỡn cho hình dáng của những người đi bộ trên đường. Từ cột buồm của chiếc thuyền ở trung tâm bức tranh đang bập bùng các hàng dãy của những lá cờ hàng hải; mỗi lá cờ là một sự trừu tượng nhỏ của hình dạng và màu sắc. Tuy nhiên, nét vẽ hiển hiện là không được trau chuốt của Dufy và chỗ trống ở những bờ rìa của toan vẽ không hề làm giảm đi giá trị tác phẩm, thay vào đó nó lại gợi nên một tâm trạng tổng quan của sự tươi vui và làn gió mát mẻ.

1907: Phong cảnh ở La Ciotat của Othon Friesz

Sơn dầu trên toan

Achille Émile Othon Friesz, người gốc Le Havre, đã chuyển đến Paris để nghiên cứu nghệ thuật năm 1898 và trở thành một phần trong nhóm bạn bè gồm có Matisse, Rouault, Marquet, và Dufy. Ông thường xuyên chu du để tìm kiếm những khung cảnh, và từ năm 1906 đến năm 1907, một chuyến đi đến L ‘Estaque và La Ciotat ở miền Nam nước Pháp cùng với bạn của ông là Braque đã cho ra đời một vài tác phẩm Dã thú quan trọng. 

Đối với cảnh quan này của thị trấn, Friesz sử dụng tông vàng ấm và nhạt để có thể nhấn mạnh sự ảnh hưởng của màu xanh lá. Mặc dù là một người cống hiến cho trường phái Dã thú lâu dài như những người nghệ sĩ đương thời, cách tiếp cận của Friesz đối với những bức tranh của mình đi theo hướng truyền thống nhiều hơn, việc lựa chọn màu sắc của ông có cân nhắc kỹ càng hơn, và ông áp dụng sơn vẽ có tính phương pháp hơn. Theo chiều hướng này, Friesz đã vẽ theo phong cách của trường phái Ấn tượng nhưng sử dụng màu sắc của trường phái Dã thú.

1907 – Jeanne giữa những bông hoa của Raoul Dufy

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Andre Malraux, Le Havre, Pháp

Vào những giai đoạn đầu trong sự nghiệp của ông, được thôi thúc từ chuyến thăm Triển lãm mùa thu năm 1905, Dufy đã vẽ một vài quang cảnh trong vườn lấy cảm hứng từ chính căn nhà của gia đình mình ở Le Havre. Tuy nhiên, bức tranh Jeanne giữa những bông hoa (Jeanne dans les fleurs) này là tác phẩm duy nhất trong giai đoạn đó có sự xuất hiện hình bóng con người. Giống như những người theo trường phái Ấn tượng, Dufy có sự yêu thích với việc vẽ những khu vườn và bông hoa, nhưng cảnh này trong khu vườn của ngôi nhà ông, được tạo nên từ không gian nông và được cắt góc chật hẹp, lại là một tác phẩm mang tính biểu hiện cao hơn. 

Sự pha lẫn không rõ ràng của tiền và hậu cảnh thông qua những đường cong của tán lá, nét vẽ sống, và cách sử dụng màu phi tự nhiên của ông (thậm chí bao gồm màu da của người mẫu, em gái Jeanne của ông) đã minh chứng cho ta thấy sự tự do của trường phái Dã thú từ vẻ bề ngoài đúng theo đúng nghĩa đen và sự nhấn mạnh mới của nó về sức mạnh cảm xúc bên trong của màu sắc.

1907: Ở rạp xiếc (Chú hề giận dữ) của Georges Rouault

Sơn dầu trên bìa – Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mỹ

Là học trò của Moreau và là một người bạn của Matisse, Rouault đã mang đến một sự tiếp cận ảm đạm, tinh tế về mặt tâm lý hơn, so với những tác phẩm Dã thú ban đầu của mình, như Ở Rạp xiếc (At the Circus). Mặc dù ông đã cùng chia sẻ với những nghệ sĩ trường phái Dã thú khác về cách áp dụng lối vẽ impasto và nét vẽ dầy, ông vẫn chọn những gam màu tối hơn mà có thể làm bật lên quan sát mãnh liệt về những gì con người đang chịu đựng.

Giống như Édouard Manet và Honoré Daumier ở thế kỉ 19 và nghệ sĩ cùng thời Pablo Picasso ở đầu thế kỉ 20, Rouault chọn đề tài người biểu diễn ở rạp xiếc. Những chú hề và diễn viên nhào lộn của ông, luôn luôn được thể hiện ngoài ánh đèn sân khấu, tiết lộ về nỗi đau bên trong và sự cô đơn phía sau những lớp trang điểm đầy màu sắc. Rouault từng bị chỉ trích do tập trung quá nhiều sự chú ý cho những cá nhân với nỗi bất hạnh ở ngoài lề xã hội (ông cũng miêu tả những gái điếm, những gã lang thang, và những người lao động chân tay). Linh hồn và sự quan tâm nghệ thuật của ông sớm đã dẫn ông đi đến một hướng đi khác so với những người bạn theo trường phái Dã thú: ông bắt đầu vẽ nhiều hơn cảnh châm biếm sự bất công của xã hội và sự lạm quyền tham nhũng.

1908 – Những ngôi nhà tại L’Estaque của Georges Braque

Sơn dầu trên toan

Giữa năm 1905 và 1908, Braque đã vẽ bức tranh phong cảnh của L’Estaque (một bối cảnh cũng được yêu thích bởi Cézanne) bằng những bảng màu khác nhau. Tác phẩm năm 1908 này đã tiết lộ sự kết hợp của màu sắc chủ nghĩa Dã thú của Braque và sự đơn giản hóa của hình thức với niềm quan tâm mới chớm nở về khối và đa dạng góc nhìn: những mái vòm dạng tròn của cầu cạn cổ kết nối cả hai bên khung tranh từ phía xa, nhưng tiền cảnh thì được sắp xếp cẩn thận với những ngôi nhà hình hộp và đám cây cỏ mềm mại đầy sức sống. Những ngôi nhà tại L’ Estaque (Le Viaduc à L’ Estaque) đã báo hiệu trước vai trò của Braque trong tương lai đối với sự phát triển của trường phái Lập thể, một phong trào hiện đại chính tiếp theo ở thế kỉ XX.

1908: Điệu nhảy của Henri Matisse

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Hermitage, Petersburg, Nga

Điệu nhảy (Dance) và tác phẩm đi cùng với nó Khúc nhạc (Music) là hai trong những tác phẩm Dã thú cuối cùng của Matisse, và cũng chính là đỉnh cao trong tác phẩm của ông ở phong cách này. Những bức vẽ có quy mô lớn này được đặt hàng bởi thương gia người Nga Sergei Shchukin, một nhà bảo trợ chính cho nghệ thuật tiền tiến thời kỳ đó. 

Cách sắp xếp các nhân vật trong một vòng tròn nhảy múa là một mô-típ đã có từ những thế kỷ rất lâu trước đó, thường được dùng để đề khởi thời hoàng kim của sự hòa thuận và nhàn nhã. Tuy nhiên, bằng cách đơn giản hóa và xuyên tạc cấu tạo giải phẫu của những vũ công cho mục đích biểu đạt, và vẽ họ trong một màu đỏ rực rỡ, phi tự nhiên trên nền đất mang màu xanh dương của bầu trời và màu xanh lá của trái đất, Matisse đã nhấn mạnh khía cạnh nguyên sơ của điệu nhảy. Tứ chi của nhân vật tràn tới những cạnh của bức tranh, như thể năng lượng của họ gần như không thể kìm hãm được bởi bức tranh. Khi nó được trưng bày công khai lần đầu tiên, tại Triển lãm Mùa thu năm 1910, Điệu nhảy đã khiến cho những người tham quan trở nên bối rối và sững sờ. 

1911: Xưởng vẽ màu đỏ của Henri Matisse

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Trong bức tranh Xưởng vẽ màu đỏ (The Red Studio), Matisse đã dỡ bỏ sự phân biệt thông thường giữa tiền cảnh và hậu cảnh, giữa đồ vật và không gian. Cả màu sắc và phối cảnh trong tác phẩm đều phi tự nhiên: toan vẽ là một miền rộng mở của màu đỏ thẫm đã bão hòa. 

Khi được hỏi về việc vì sao lại lựa chọn màu này, Matisse đã bình luận, “Từ đâu mà tôi chọn màu đỏ – để chắc chắn thì, tôi cũng không rõ. Nhưng tôi thấy rằng tất cả những thứ này… chỉ trở thành chúng đối với tôi khi tôi nhìn thấy tất cả cùng với nhau với màu đỏ này”. Những đường viền mềm mại, nhạt nhòa của nội thất và bức tường thực ra là lớp vẽ phía dưới và lộ ra từ sau lớp màu đỏ, và chúng cũng không hề đồng nhất với bất kì hệ thống phối cảnh truyền thống nào. Thay vào đó, không gian được làm phẳng và cường điệu hóa để khiến người xem trông như đang nhìn xuống xưởng vẽ từ một điểm nhìn được nâng lên. Mặc dù cách diễn tả màu và không gian thuộc về trường phái Dã thú, sự đơn giản hóa các hình thức và chất lượng không thay đổi của Xưởng vẽ màu đỏ đã chỉ ra con đường từ thời kỳ trường phái Dã thú của Matisse đến mối quan tâm ngày một lớn với những nguồn khác phương Tây và sự liên kết của ông đối với École de Paris.

Những bậc thầy phương Tây từ Rembrandt đến Courbet đã vẽ những xưởng vẽ của riêng họ, nhưng thay vì thể hiện bản thân qua tác phẩm như họ, Matisse lại gợi lên quá trình sáng tạo của ông và tầm nhìn nội tâm. Xưởng vẽ màu đỏ bao gồm một loạt những bức vẽ của các họa sĩ, cũng như là công trình điêu khắc và đồ gốm, một hộp bút chì hay phấn màu, một chiếc ly rượu vang, và một chậu cây mang đến dấu ấn của tranh phong cảnh thiên nhiên vào trong khung cảnh trong nhà này. 

Trớ trêu là, hình ảnh của những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện còn “thật” hơn căn phòng trừu tượng nơi chứa chúng cũng tức là nơi chúng được tạo ra. Một vài sự thiếu sót nhất định cũng đã củng cố thêm cho ý kiến rằng “xưởng vẽ” này là một trạng thái tâm trí cũng nhiều như một địa điểm vật lý thực thụ: góc đằng sau phía bên trái của căn phòng thiếu đi bất cứ đường định dạng rõ ràng nào, và chiếc đồng hồ đứng thì lại chẳng có cây kim nào để chỉ rõ thời gian.

Dịch: Olivia Ha

Cùng tác giả

#Tag

dã thú Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…