Đây có thật là Nghệ thuật?

Hãy nghĩ tới cuộc tranh cãi không hồi kết về việc đâu mới thực sự là nghệ thuật. Ta bắt gặp nó tại phần mới nhất của Star Wars, series những ảnh chụp màn hình của Richard Prince với tên gọi New Portraits hay cú lừa của Banksy với bức họa Girl and a Balloon “tự rách” khi mang ra đấu giá. Đây là đề tài của không ít bài báo, triển lãm hay lý thuyết – nhưng nếu chẳng có câu trả lời chính xác, tại sao mọi người phải mất thời gian chứng minh là mình đúng? Có vẻ chúng ta đang đối mặt với một lưỡng đề: hoặc ta đang phí công đi tìm thứ nghệ thuật “chân chính” không tồn tại, hoặc một lời giải thích thỏa đáng nếu những nhà mỹ học thực hiện đủ các phân tích và lý luận.

Ảnh từ triển lãm New Portraits (Tạm dịch: Chân dung mới) của Richard Prince

Tôi xin đưa ra lựa chọn ba – thứ cho phép ta suy nghĩ theo cả hai hướng rằng: các tác phẩm gây phản ứng trái chiều có là nghệ thuật “thật” hay không đều không quan trọng, và rằng, bất chấp điều đó, việc tranh luận và phân tích về các chuẩn mực xem khi nào một thứ được coi là “nghệ thuật” là không hề vô nghĩa. Tôi đề xuất rằng các tranh luận về các vật thể nghệ thuật phá cách, tân tiến hay gây tranh cãi đã tạo ra thứ mà một số triết gia định nghĩa là “thương thảo ý niệm” và “kiến tạo ý niệm” trên phương diện “nghệ thuật” và các tiêu chí liên quan như vẻ đẹp và tính độc đáo.

Thương thảo ý niệm khác với tranh luận có căn cứ – mà căn cứ ở đây là khi các giải pháp, không ít thì nhiều, phụ thuộc vào thế giới quan của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta lời qua tiếng lại xem Austin có phải thủ phủ bang Texas hay không và tôi cứ khăng khăng là San Antonio mới đúng, ta có thể giải quyết bằng việc tra bản đồ. Thế giới quan của một trong hai người đã có sự sai lệch. Hóa ra, từ đầu giữa chúng ta không có bất đồng gì. Cái này thì dễ hiểu. Tuy vậy, trong một số trường hợp, chúng ta không thể thỏa hiệp chỉ bằng việc tìm kiếm trong từ điển. Cứ thử nhìn vào cuộc tranh luận gây sốt trên mạng xã hội về việc hot dog có hay không phải là sandwich thì biết. Trong tình huống này, các bên liên quan đều biết và có quyền truy cập tới các thông tin cần thiết, như những thứ ta có thể coi là sandwich, ví dụ như sandwich thịt nguội. Thay vào đó, vấn đề lại nằm ở cách ta đong đếm và đánh giá những thông tin đó – hai miếng bánh có cần khác nhau hay không? Miếng thịt trong sandwich có nên được tính làm cơ sở đánh giá? Chúng ta hãy gọi các tranh cãi dạng này là không căn cứ. Tranh cãi không căn cứ sẽ không được phân định hơn thua bởi thế giới quan, vì từ đầu tất cả các quan điểm đã nằm nằm ngoài cách ta phân loại, suy nghĩ và trao đổi.

Quay lại sự trêu ngươi của Banksy cùng bức họa Girl and a Balloon “tự xén” giữa buổi đấu giá. Nó được xếp vào kiểu tác phẩm nghệ thuật gì? Trước khi bị đem ra soi xét, chúng ta dễ dàng cho rằng đây là một bản in lồng trong chiếc khung sang trọng (mà không quá là cần thiết) nhưng giờ đây, ai đó có thể cho rằng ý nghĩa của tác phẩm là lời phê bình về thế giới nghệ thuật (hay sự biến chất của nó) – thành ra, chiếc khung kiêm máy xén này là phần tất yếu. Vậy bản in gốc có bị hủy hoại hay không? Những gì còn sót lại của nó giờ được đặt tên là Love is in the Bin (tạm dịch: Tình yêu vứt sọt). Câu hỏi hợp lý lúc này là: đây là bản in, bức tượng hay màn biểu diễn? Wikipedia gọi đó là “sự can thiệp nghệ thuật”. Có lẽ lúc này chính phản ứng của khán giả được tính là một phần của tác phẩm, hay ít nhất, là sự gia tăng giá trị của nó. Câu hỏi lý trí hơn sẽ là: Tác phẩm này liệu có tồn tại trước khi bị cắt nhỏ hay không? Việc không bị rách toàn bộ như ý định ban đầu có ảnh hưởng gì không? Chết tiệt, ý đồ của Banksy thậm chí có còn quan trọng không? Những loại suy xét này không còn là về thế giới – nó đặt dấu hỏi cho cách ta nhìn nhận đồ vật ngay từ ban đầu. Đây là một dạng tranh cãi không căn cứ. 

Ảnh chụp tác phẩm Love in The Bin (Tạm dịch: Tình yêu vứt sọt) bởi Banksy

Như vậy, tranh cãi không căn cứ có thể chia làm hai trạng thái – bền vững và không bền vững (bản chất chỉ là chênh lệch mức độ – nhưng hãy coi nó là trạng thái). Dạng không bền vững chỉ lật lại định nghĩa hay cách sử dụng từ ngữ, ví dụ như tranh luận về hot dog. Nếu tôi và bạn xét trên những yếu tố khác nhau để quyết định một cái sandwich phải như thế nào và tiếp tục cãi lộn, thì chúng ta chỉ đang phí thời gian. Với tranh cãi về Love is in the Bin, chúng ta cũng không thể chỉ dựa vào những gì đã biết về cách sử dụng từ ngữ hay những gì mà ta biết về định nghĩa của các sản phẩm được coi là tượng để chốt lại vấn đề. Tuy vậy, khác với vụ sandwich, khi hai người nhận ra sự khác nhau trong tiêu chí nhận diện tác phẩm nghệ thuật, hay điêu khắc, việc kéo dài mâu thuẫn không tốn thời gian – thực tế, họ tiếp tục viết sách, báo và đẻ ra các ngành nghề để bảo vệ hàng loạt điểm nhìn trong sự nghiệp tôn vinh nghệ thuật và bản thể học. Chẳng lẽ giữa hai cá nhân với hai cách tiếp cận khác nhau lại không thể có những cuộc tranh luận giàu ý nghĩa về bản chất của một vật hay tác phẩm nào đó mà không phân thắng bại hay sao?

Hay là thế này: khi hai hoặc nhiều người bất đồng về cơ sở thẩm mỹ của vật được xét tới, nhưng không phủ nhận các sự thật liên quan, họ đang ngầm đề đạt những thiết lập về cách ta nên đánh giá vật thể đó hay những tiêu chí cần có để vật thế đó trở thành một tác phẩm nghệ thuật, chứ không đơn thuần chỉ là việc phân loại tác phẩm. Theo cách này, những tranh cãi không căn cứ về nghệ thuật sẽ tương đồng với những cuộc bàn luận, tương tự như câu hỏi liệu bào thai có được coi là con người, hay tự do ý chí có thật sự cần thiết cho trách nhiệm đạo đức. Những tranh luận này được gọi là thương thảo ý niệm (conceptual negotiation).

Cái mà ta thật sự đang hỏi ở đây là: đây có nên là nghệ thuật không?

Thương thảo ý niệm không đơn thuần chỉ là chấp nhận một vài bằng chứng mà là đấu tranh cho một khuôn khổ khái niệm (cách nghĩ về một vấn đề) nhất định. Hãy lấy ví dụ từ series New Portraits của Richard Prince. Đây là tổng hợp của hàng loạt những tấm ảnh và hình tự sướng được đăng công khai trên Instagram mà Prince đã chụp màn hình từ điện thoại, bình luận bên dưới và in khổ lớn. Giá trị của những tác phẩm này đã trên sáu chữ số, nhưng những người có chân dung được Prince sử dụng lại không nhận được một đồng nào. Tưởng tượng rằng chúng ta đang tranh luận xem New Portraits có được coi là nghệ thuật hay không. Qua việc khẳng định rằng sản phẩm của Prince là tác phẩm nghệ thuật có tầm ảnh hưởng, (cứ nghe tôi đi) tôi đang ngầm ủng hộ khái niệm về “nghệ thuật” rằng vật thể không nằm trong quyền sở hữu của nghệ sĩ hay tác giả và không cần do chính nghệ sĩ trực tiếp thực hiện (như Prince tuyên bố trên Twitter “làm nghệ thuật trên điện thoại là hậu không gian (post-place)” [1]). Chỉ dựa vào lịch sử để nói rằng một ảnh chụp màn hình Instagram chưa bao giờ được coi là nghệ thuật là không đủ để thuyết phục tôi rằng New Portrait không đủ tư cách trở thành một tác phẩm. Có thể bạn sẽ nghĩ nó không xứng đáng vì Prince đã chiếm dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của chủ ảnh gốc. Lúc này chúng ra sẽ thắc mắc: ta có cần quan tâm tới việc những người có mặt trong ảnh của Prince không có tiếng nói trong chuyện này không, và nếu có thì tại sao? Rất nhiều những chủ bài đăng gốc, trong đó có những người mẫu chuyên nghiệp, đã đâm đơn kiện Prince về vấn đề bản quyền – nghệ thuật có nên chịu sự kiểm soát của của luật pháp, đặc biệt là luật bản quyền, hay không? Những câu hỏi như vậy, tuy rằng có liên quan tới việc tôi có nên quan tâm tới New Portraits như một tác phẩm nghệ thuật, cũng không hề dính dáng gì tới thế giới quan.

Nếu bản chất của nhiều bất đồng về thẩm mỹ phổ biến là thương thảo ý niệm như tôi đã gợi ý, vậy câu hỏi lớn hơn nằm ở việc làm sao để xử lý chúng. Sau cùng thì, cái tôi muốn không phải là sự đồng tình của người khác với quan điểm về nghệ thuật hay cái đẹp của mình – tôi muốn giải thích được cơ chế khiến tôi (và từ đó thì, cả bạn) quan tâm (hay không, v.v.) về điều đó. Giá trị cốt lõi nằm ở đó – không phải ở mục tiêu “chốt hạ” của thỏa thuận (dù đó có thể là một lợi ích đi kèm) mà ở chính quá trình diễn ra. Trong tranh cãi không căn cứ, ta cần đưa ra lý do mà ta tin vào điều ta tin, hoặc trên cơ sở nào mà đối phương có thể cùng đồng ý với ta. Trình bày lý do là một cách để thể hiện rõ ràng quan điểm về thẩm mỹ và siêu hình của một con người, cũng như các suy nghĩ tiếp sau quá trình định danh thứ gì đó là nghệ thuật hoặc những tiêu chí cần thiết để đánh giá. Quá trình thương thảo ý niệm là cần thiết, vì nó cho thấy những loại giá trị mà ta cho là quan trọng khi tương tác với tác phẩm, rộng hơn nữa là những giá trị cần thiết trong xã hội nói chung. Gọi tên một thứ là tác phẩm nghệ thuật, một mặt nào đó, cũng chính là nâng tầm giá trị của nó trong xã hội. Chúng ta bảo tồn, quảng bá và đánh giá cao một tác phẩm theo một cách mà chúng ta không hề làm với những món đồ khác như dụng cụ hay lò vi sóng. Ta dành thời gian và tiền bạc để tương tác với những sản phẩm của nghệ thuật. Nghệ thuật là xương sống của văn hóa. Cách ta nghĩ về nghệ thuật thực sự có giá trị quan trọng trong cuộc sống này.

Điều này tương đồng với mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực khác, như lịch sử, triết học và khoa học. Một lượng vừa đủ những ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia cho thấy thực tế rằng quá trình khảo cứu đang “diễn ra tốt đẹp”. Nhưng khác với khoa học, chuyên môn chưa phải tất cả trong việc quyết định đúng sai với tác phẩm nghệ thuật. Tranh luận nghệ thuật (về mặt lý thuyết) mang tính quân bình hơn các ngành khoa học. Chúng ta có thể không đồng tình với các chuyên gia, mà vẫn có lý. Mọi người có thể sẽ tiếp tục bắt bẻ nhau về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm như New PortraitsLove in the Bin, hệt như với tác phẩm Fountain bất hủ của Duchamp. Những tác phẩm đột phá hay đi ngược quỹ đạo giống như dị thường trong khoa học – nó phản ánh giới hạn trong quá trình phân loại và cách quan sát nghệ thuật đơn thuần của chúng ta. Nó còn cho phép ta nhận biết những ý niệm được mặc định bởi, hoặc có liên kết với, định nghĩa “nghệ thuật” như sự độc đáo và tính độc bản. Từ đó, chúng ta có thể tranh luận một cách có cơ sở xem tính độc bản có phải điều kiện cần để một thứ là nghệ thuật, và chúng ta chính xác là đang nói tới cái gì khi gọi một thứ là độc đáo, ví dụ như quá trình tạo thành vật chất. Thương thảo về ý niệm “nghệ thuật” nghĩa là thương thảo những tiêu chí mang tính nền tảng, cũng như ý tưởng, liên quan tới nghệ thuật, và tôn vinh nghệ thuật. Tôi tin rằng, làn sóng đổi mới của nghệ thuật và nhu cầu về sự tinh chỉnh ý niệm là một dạng của điều các số triết gia gọi là “kiến tạo ý niệm” (conceptual engineering).

Kiến tạo ý niệm là cách nhìn nhận rằng các khái niệm như “con người”, “tự do ý chí”, “sự thật” và “nghệ thuật” có thể được sàng lọc hay cải thiện. Kiến tạo ý niệm có thể trở nên cần thiết trong bối cảnh văn hóa và công nghệ có nhiều bước tiến – ví dụ, cùng với việc phát minh ra máy in, chúng ta cần tạo ra các định nghĩa mới như “quyền tác giả” và “quyền sở hữu” để đảm bảo sự làm chủ về mặt kinh tế trong quá trình tái sản xuất các tác phẩm văn chương. Giờ, xem xét lại về series Instagram của Prince – ai mới là tác giả thực sự ở đây? Liệu câu hỏi của tôi có hoàn toàn dựa trên cơ sở luật pháp? Giữa làn sóng chiếm dụng nghệ thuật và cao trào của memes trên Internet, có lẽ câu hỏi đúng đắn hơn sẽ là: Quyền tác giả nên được hiểu như thế nào? Đây là câu hỏi thuộc kiến tạo ý niệm.

Sự xuất hiện của các tác phẩm chiếm dụng như New Portraits đòi hỏi chúng ta phải làm rõ thiên kiến của mình với quyền tác giả và tính độc bản. Nếu không tin tôi, lần tới bạn tới quán bar với bạn bè hay lên giảng đường, hãy tìm một tấm ảnh của New Portraits trên Google và hỏi khán giả của mình xem đây có phải nghệ thuật hay không. Rất nhiều sẽ gọi nó là “lười biếng” hay “rẻ rúng” – “đó chỉ là một bức chụp màn hình” và vân vân. Thiên kiến thẩm mỹ được biểu hiện qua những luận điểm như vậy trong một cuộc tranh cãi. Quyền tác giả có yêu cầu kết quả vật chất? Hay sở hữu độc đáo? Nếu sai, liệu có phải bất kì ai cũng có thể là tác giả của một bài thơ tự do? Nếu đúng, liệu điều đó có đúng với một bức tranh được động vật vẽ nên? 

Triết gia Roland Barthes – Tác giả bài luận The Death of The Author (Tạm dịch: Cái chết của chủ thể)

Một vài triết gia như Roland Barthes và Michel Foucault cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ trong quá trình tái sản xuất, khái niệm “tác giả” và “quyền tác giả” không còn cần thiết – hay chính là quan điểm nổi tiếng về “cái chết của chủ thể” (The Death of The Author). Ngược lại, Darren Hudson Dick phản bác rằng quyền tác giả là một khái niệm luật pháp, và thẩm mỹ cần đi liền với trách nhiệm nghệ thuật. Trong khi các triết gia thường đi vào triển khai các khái niệm tách biệt, tôi cho rằng các tác phẩm tiến bộ dưới dạng vật thể tạo ra tranh cãi cho phép khán giả (cả chuyên nghiệp và không chuyên) được gột rửa về mặt ý niệm theo cách tương tự, dù không rõ ràng bằng. Qua việc tranh luận về tính chính thống của các tác phẩm như New Portraits, chúng ta đang thương thảo những tiêu chí ta cho là cần thiết để một sản phẩm trở thành nghệ thuật và tái định nghĩa chính khái niệm “nghệ thuật”. Có lẽ chính lề thói nghệ thuật và những phản ứng trái chiều của nó cũng chỉ là một dạng kiến tạo ý niệm.

Tất nhiên, sự trình diện của các tác phẩm tiến bộ đã mở đường cho những thay đổi về các loại vật thể được coi là tác phẩm nghệ thuật và nới rộng các chuẩn mực cho quá trình đánh giá tính thẩm mỹ của một vật, cũng như tiêu chí xét duyệt thành công về mặt nghệ thuật. Đây là điều khiến nghệ thuật trở nên thú vị khi nhìn từ góc độ triết học. Sự xuất hiện của các tác phẩm đột phá và chối bỏ chuẩn mực cũng giống như sự tiến bộ trong công nghệ vì bộc lộ những hạn chế và thiên kiến về các ý niệm nghệ thuật (chưa được nhìn nhận ở thời điểm đó). Việc nhìn nhận những tranh cãi về thẩm mỹ như sự thương thảo ý niệm và một khía cạnh của kiến tạo ý niệm cho phép ta vừa trân trọng sự ý nghĩa của bản thân các cuộc tranh luận (từ vi mô tới vĩ mô) vừa nhận thức được rằng có lẽ chẳng có lý do sâu sắc gì khiến cho một vật thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Tranh luận về các tác phẩm tiến bộ hay các tác phẩm có tính mâu thuẫn cao thể hiện rõ thiên kiến thẩm mỹ, điểm nhìn siêu hình và những gì ta cho là quan trọng trong xã hội nói chung, ở một góc độ nào đó. Có lẽ sau cùng, sẽ chẳng có ai là người chiến thắng, nhưng ý nghĩa của cuộc đua vẫn còn đó. 


Chú giải
[1] Post-place: Hậu không gian, chỉ các cộng đồng ảo được kết nối với nhau qua mạng máy tính trên nền tảng công nghệ toàn cầu. Tên gọi xuất phát từ việc các cộng đồng không bị giới hạn về mặt địa lí (“not anchored in place”) (Bradshaw, 2009)

Tài liệu tham khảo
Bradshaw, Ted K. “The Post-Place Community: Contributions to the Debate about the Definition of Community.” Community Development: Journal of the Community Development Society, vol. 39, no. 1, 2009, pp. 5-16. Taylor & Francis Online.

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Is this Really Art?
Aesthetic disagreement and Conceptual negotiation, Elizabeth Cantalamessa

Cùng tác giả

#Tag

Artplas banksy Elizabeth Cantalamessa Girl and a Balloon New Portraits nghệ thuật richard prince Series Nghệ thuật và ? thẫm mỹ

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…