Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022

Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên thế giới trong tháng qua đang chờ các bạn khám phá dưới đây.

Nhật Bản: Công bố người chiến thắng ở Giải thưởng nghệ thuật đương đại Tokyo 2022-24

Vào ngày 12/1 vừa qua, Trung tâm nghệ thuật Tokyo Arts and Space (hay được gọi TOKAS) đã xướng tên Michiko TsudaSaeborg là những người chiến thắng trong ấn bản 2022–24 của Giải thưởng Nghệ thuật Đương đại Tokyo (TCAA). Mỗi nghệ sĩ sẽ nhận được 3 triệu JPY (tương đương 26.200 USD) để sản xuất một dự án mới và có thêm tối đa là 2 triệu JPY (tương đương 17.450 USD) cho việc hỗ trợ chi phí và thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành, những tác phẩm mới này sẽ được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại Tokyo diễn ra vào tháng 3/2024.

Hình ảnh từ triển lãm của nghệ sĩ Michiko Tsuda.

Michiko Tsuda là một nghệ sĩ trình diễn và video gốc Ishikawa, người có các tác phẩm phản ánh chân thực về sự toàn diện của ghi hình và máy ảnh. Các buổi trình diễn gần đây của cô đi sâu vào cách các câu chuyện được truyền tải thông qua những chuyển động của cơ thể, từ đó đặt câu hỏi về vai trò giới tính. Ngôn ngữ nghệ thuật của Tsuda đã từng được thể hiện ở các bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản Yasujiro Ozu, trong đó có Tokyo Story (1953).

Nữ nghệ sĩ Saeborg.

Saeborg, cái tên đại diện cho “cái tôi” biến chuyển của một nghệ sĩ Tokyo đương đại. Cô tạo ra và mặc những bộ đồ cao su che đi hình dạng con người của mình, khám phá những kỳ vọng khuôn mẫu về cơ thể phụ nữ và sự khó chịu khi bị đánh giá ngoại hình. Các dự án của Saeborg thường lấy cảm hứng từ hình ảnh những chú heo với một bối cảnh giống như trong truyện ngụ ngôn và được tạo hình sặc sỡ.


Mỹ: Bộ phim mới về tiểu sử họa sĩ Jean-Michel Basquiat sắp ra mắt

Nghệ sĩ Andy Warhol (trái) và nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat (phải).

Cuộc đời ngắn ngủi và sự thăng tiến vượt bậc của nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat một lần nữa sẽ được kể lại trên màn bạc trong bộ phim tiểu sử sắp ra mắt của nhà làm phim người Mỹ gốc Nigeria – Julius Onah. Theo đó, nam diễn viên Kelvin Harrison Jr., ngôi sao của các bộ phim năm 2019 “Waves” và “Luce” sẽ đóng vai nghệ sĩ thị giác gốc Haiti và Puerto Rico.

Trong một chia sẻ, Onah cho biết anh đã được truyền cảm hứng từ cuộc sống của Basquiat khi còn là một đứa trẻ. Vị đạo diễn viết:“Thật không thể tin được khi một người da màu như Basquiat đã mạnh dạn đi theo con đường riêng của mình vào một thế giới mà hầu hết những người như anh ấy luôn bị phần đông xã hội bấy giờ coi là không phù hợp để trở thành một nghệ sĩ giỏi.”

Nam diễn viên Kelvin Harrison.

Cùng với những người bạn đồng trang lứa như Keith HaringKenny Scharf, Basquiat trở thành biểu tượng của nền nghệ thuật và cuộc sống ở New York trước khi nghệ sĩ qua đời ở tuổi 27. Tuy nhiên, mối liên hệ đặc biệt của anh ấy và người cố vấn Andy Warhol vẫn tiếp tục mê hoặc thế giới nghệ thuật với những cuốn sách và triển lãm dành riêng cho sự sáng tạo của họ.

Đạo diễn Onah tin rằng câu chuyện của Basquiat “chưa được kể đầy đủ” trên màn ảnh trước đây – “Chưa bao giờ chúng tôi được thấy toàn bộ cuộc đời đáng kinh ngạc của Basquiat với tư cách là một nghệ sĩ da đen và một đứa trẻ của cộng đồng người châu Phi nhập cư. Trong bộ phim mới này, Harrison sẽ đem đến ‘sự nhạy cảm và tâm hồn’ cho nghệ sĩ đặc biệt của chúng ta.”


Mỹ: Bộ sưu tập Nghệ thuật Bí mật của Tỷ phú Sheldon Solow sẽ mở cửa cho công chúng tham quan

Tòa nhà Solow

Trong gần 20 năm qua, bộ sưu tập nghệ thuật trị giá 500 triệu đô la của nhà phát triển quá cố Sheldon Solow đã nằm sau những cánh cửa đóng kín ở tầng trệt của tòa nhà Solow tại Midtown Manhattan. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi khi gia đình Solow đã có kế hoạch cải tạo và mở rộng Phòng trưng bày Kiến trúc & Nghệ thuật Solow nhằm mở cửa toàn bộ vào năm 2023.

Theo New York Post, trong lần mở cửa tới đây sẽ có bộ sưu tập “Blue-Chip” của Sheldon Solow, được cho là bao gồm các tác phẩm đến từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Henri Matisse, Joan Miró, Jean-Michel Basquiat, Jean Dubuffet, Alberto Giacometti, Francis Bacon, Franz Kline, Vincent van Gogh, Amedeo Modigliani và Henry Moore.

“Tôi tự hào nói rằng chúng tôi sẽ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng thưởng lãm sau khi công việc tu sửa hoàn thành.” Hayden Soloviev, một trong những cháu trai của Solow, đồng thời là phó chủ tịch của Soloviev Group chia sẻ.


Một tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc tại Venice Biennale 2019 đang được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok những ngày qua

Tác phẩm Can’t Help Myself  (2016-19).

Cụ thể, một tác phẩm sắp đặt nghệ thuật với cánh tay robot khổng lồ quét lớp sơn đỏ như máu khiến du khách đến thăm Venice Biennale 2019 phải trầm trồ đang làm xôn xao mạng Internet. Một làn sóng video meme được lấy cảm hứng từ tác phẩm của bộ đôi nghệ sĩ đến từ Trung Quốc Sun YuanPeng Yu với tựa đề Can’t Help Myself  (2016-19) (tạm dịch: Không thể giúp bản thân) đã lan tràn trên TikTok và nhận được hàng triệu lượt xem.

Tài khoản Tiktok @yolkfather, người có bài đăng đã thu về 8,9 triệu lượt xem và 1,6 triệu lượt thích trong một đoạn clip có hình ảnh tác phẩm lồng ghép một đoạn nhạc tâm trạng, chia sẻ: “Lúc đầu, nó trông khá đẹp và tôi nghĩ mọi thứ sẽ sạch sẽ. Nhưng sau đó tất cả chỉ như một mớ hỗn độn, càng xem tôi càng buồn hơn.”

Còn các bạn thấy sao về tác phẩm này.


Anh: Thái tử Charles và bảy bức chân dung về những người sống sót sau thảm họa Holocaust

Thái tử Charles đã đặt hàng bảy nghệ sĩ hàng đầu vẽ chân dung của những người sống sót sau thảm họa Holocaust như một nghĩa cử tri ân đến thế hệ đi trước. Các bức chân dung sẽ được công bố tại Cung điện Buckingham vào cuối tháng 1 này với sự tham gia những nghệ sĩ đương đại có tiếng bao gồm: Jenny Saville – nữ nghệ sĩ “triệu đô”, Clara Drummond – người đoạt giải BP Portrait, Stuart Pearson Wrigh – thành viên Hội nghệ sĩ trẻ của Anh và các họa sĩ Paul Benney, Peter Kuhfeld, Massimiliano Pironti, Ishbel Myerscough.

Hình ản Thái tử Charles trong bộ phim tư liệu của BBC Two.

Nói trên BBC, Thái tử Charles cho biết: “Hy vọng lớn nhất của tôi với bộ sưu tập đặc biệt này không chỉ là lời nhắc nhở về “những ngày đen tối nhất trong lịch sử loài người” mà còn để thể hiện tính liên kết của nhân loại khi chúng ta cố gắng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con cháu và các thế hệ chưa được sinh ra của chúng ta – Một nơi hy vọng chiến thắng nỗi tuyệt vọng và tình yêu chiến thắng sự căm ghét.”

“Hầu hết những người sống sót sau thảm họa Holocaust có trong các bức chân dung đều đã hơn 90 tuổi. Họ là những người Do Thái bị giam cầm tại các trại tập trung ở Đức Quốc Xã trong những năm thơ ấu và hiện đang sống ở Anh khi trưởng thành.”

Thái tử Charles

Các bức tranh sẽ được trưng bày tại Phòng trưng bày của Nữ hoàng tại Cung điện Buckingham từ ngày 27/1 đến ngày 13/2 và Cung điện Holyroodhouse ở Edinburgh từ ngày 17/3 đến ngày 6/6. Ngoài ra những bức chân dung cũng sẽ được giới thiệu trong một bộ phim tài liệu của BBC Two phát sóng vào ngày 27/1 để đánh dấu Ngày Tưởng niệm Holocaust.


Anh: Một người biểu tình phá hoại bức tượng của Eric Gill, dấy lên cuộc tranh luận về tiểu sử đen tối của nhà điêu khắc

Bức tượng của Eric Gill

Một vụ phá hoại ở London hôm 12/1 vừa qua đã khơi dậy cuộc tranh luận của công chúng về cách đánh giá lại di sản của một nghệ sĩ nổi tiếng – một kẻ lạm dụng. Vào đêm thứ ba, một người đàn ông đã tấn công bức tượng của Eric Gill được lắp đặt bên ngoài trụ sở BBC ở trung tâm London. Nghi phạm đã dùng búa đập, trong khi người đàn ông thứ hai quay phim vụ việc. Cả hai đều đã bị bắt giữ nhưng cho đến nay vẫn chưa có cáo buộc nào được đưa ra.

Eric Gill, một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của Anh trong thế kỷ 20, đã kể chi tiết việc lạm dụng tình dục hai cô con gái tuổi teen trong nhật ký được phát hiện sau khi ông qua đời vào năm 1940. Kể từ đó, các giám tuyển đã phải vật lộn với việc làm thế nào để dung hòa sự vô đạo đức với sức ảnh hưởng lan tỏa của Gill tại Anh. Theo đó, Gill Sans là một trong những kiểu chữ Anh được sử dụng rộng rãi nhất và các tác phẩm điêu khắc của ông được đặt trong các viện bảo tàng lớn bao gồm Tate, Victoria & Albert và Bảo tàng Anh.


Bảo tàng Hirshhorn và Albright-Knox cùng có được ‘Căn phòng vô cực’ của Kusama

My Heart Is Dancing into the Universe (2018).

Bảo tàng HirshhornPhòng trưng bày nghệ thuật Albright-Knox ở Buffalo, New York, đã cùng mua lại Căn phòng gương vô cực của Yayoi KusamaMy Heart Is Dancing into the Universe (2018) (tạm dịch: Trái tim tôi là nhịp đập vũ trụ), một trong những tác phẩm gần đây nhất của nghệ sĩ người Nhật. Tác phẩm này sẽ được trình chiếu tại Hirshhorn vào mùa xuân 2022 và Albright-Knox là vào năm 2023.

Giống như các tác phẩm khác trong Series “Căn phòng gương vô cực”, My Heart Is Dancing into the Universe là một tác phẩm sắp đặt nhập vai, trong đó người xem bước vào một không gian tối nhấn chìm họ với những chiếc đèn lồng giấy đủ màu có các chấm bi đặc trưng của Kusama, ẩn hiện liên tục bởi hình ảnh phản chiếu trên gương.

Kusama bắt đầu tạo ra “Phòng gương vô cực” cực kỳ nổi tiếng của mình vào năm 1965 với “Cánh đồng của Phalli”. Kể từ đó, Kusama đã thực hiện khoảng 20 tác phẩm tương tự khác, hiện đã được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.


Hà Lan: Bức ảnh 717 gigapixel về ‘The Night Watch’ của Rembrandt được công bố

Hình ảnh chi tiết trong bức “The Night Watch”.

Rijksmuseum đã xuất bản hình ảnh kỹ thuật số lớn nhất và chi tiết nhất của một tác phẩm nghệ thuật từng được chụp, bản quét của Rembrandts The Night Watch (1642) có kích thước lên đến 717.000.000.000 pixel. Đây là một phần trong cuộc nghiên cứu đang diễn ra về tác phẩm mang tính biểu tượng của Thời kỳ Hoàng kim Hà Lan, một nhóm các nhà bảo tồn đã sử dụng máy ảnh Hasselblad H6D 400 MS 100 megapixel để tạo ra 8439 bức ảnh riêng lẻ của bức tranh.

Sau đó, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để ghép các bức ảnh 5,5cm x 4,1cm riêng lẻ này lại với nhau để tạo thành hình ảnh lớn cuối cùng có tổng kích thước tệp là 5,6 terabyte với khoảng cách giữa hai pixel là 5 micromet (0,005 milimet), có nghĩa là một pixel nhỏ hơn một tế bào hồng cầu của con người.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Eric Gill Hoàng Jean-Michel Basquiat rembrandt Series Điểm tin nghệ thuật Sheldon Solow Thái tử Charles the night watch Yayoi Kusama

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Một cậu bé 13 tuổi được tuyển làm thực tập sinh cho Louis Vuitton; ‘Thiếu niên và chim diệc’ giúp đạo diễn Hayao Miyazaki giành Quả Cầu Vàng đầu tiên…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 06/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 06/2023
Hayao Miyazaki tung poster bộ phim hoạt hình cuối cùng mà ông thực hiện “How Do You Live?” như một lời tạm biệt, Intel thiết kế kiểu chữ miễn phí nhằm…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 05/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 05/2023
TikTok tung ra kiểu chữ mới nhằm cải thiện khả năng đọc và giữ chân người dùng; FIFA rục rịch giới thiệu Logo thương hiệu chính thức cho World Cup…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Dove tung ra quảng cáo để thay đổi ‘lý tưởng làm đẹp độc hại’ của thanh thiếu niên, Fanta ra mắt bộ nhận diện thương hiệu toàn cầu, Mr.Doodle tổ…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 03/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 03/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 03/2023 sẽ giúp bạn tìm hiểu về những khám phá cũng như ứng dụng tuyệt vời của màu sắc từ PANTONE và Adobe;…