Diễn viên kịch nói Hoàng Vân Anh: ‘Hãy chấp nhận thời cuộc, giữ tinh thần lạc quan và không ngừng cố gắng!’

Tiếp nối loạt bài “Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói”, có thể thấy rằng, 11 năm không những là khoảng thời gian sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh mang tiếng nói kịch nghệ của mình phục vụ cho các khán giả ở Sài Gòn, mà 11 năm còn là khoảng thời gian làm nghề tại sân khấu của một diễn viên trẻ đầy triển vọng – Hoàng Vân Anh.

Diễn viên Hoàng Vân Anh xuất thân từ trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Hồi ấy, thầy Thành Hội là giáo viên chủ nhiệm, cô Ái Như cũng từng trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. Vậy nên, khi vừa ra trường, chị quyết định chọn đứng trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh mà không phải là một sân khấu khác. Chia sẻ về nguyên do, diễn viên Hoàng Vân Anh cho hay:

“Là diễn viên, ai cũng đều mong mỏi có được một nơi làm việc mà ở đó, mình chỉ cần cố gắng hết sức tập trung cho vai diễn, mọi điều còn lại sẽ có ê-kíp lo. Thời điểm chị tốt nghiệp thì cũng vừa lúc thầy cô mở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh có đầy đủ mọi thứ, từ: ‘Người hướng dẫn’ là Thầy, Cô, cho đến các anh chị đồng nghiệp mà chị rất ngưỡng mộ, và cả những người bạn học cùng trường, … Trong khi đó, cô Ái Như và thầy Thành Hội còn là những người đã dẫn dắt chị, khi chị chỉ là một trang giấy trắng cho đến khi tốt nghiệp lớp diễn viên Sân khấu của Trường CĐVHNT. 

Vậy thì … mình còn đi đâu nữa đây?!”

Từ những vai đơn giản cho đến phức tạp tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh

Hồi mới ra trường, chị chỉ được đóng các vai đơn giản, xuất hiện vỏn vẹn có 5 phút, vậy mà tới giờ chị vẫn nhớ như in những cảm xúc về vai diễn đầu đời của mình.

“Đó là vở ‘Trần gian phải có tình yêu’. Chị vào vai cô bồ nhí tên Trúc, diễn chung với anh Trí Quang. Đó thực sự là một sự khởi đầu quý giá trong chặng đường làm nghề của chị. Khi ấy chị nghĩ ‘không biết mình sẽ đi được tới đâu nhưng hôm nay mình đã được bước lên một sân khấu chuyên nghiệp, đó thực sự là một niềm hạnh phúc’.”

Sau những vai 5 phút, dần dần chị được giao cho những vai phức tạp hơn về mặt tính cách, đòi hỏi nhiều hơn sự tập trung và cố gắng. Vai diễn “dài hơi” đầu tiên mà chị được nhận là vai Mận trong vở ‘Tục Lụy‘.

“Lúc đầu nhận vai ‘dài hơi’ chị mừng nhưng cũng áp lực lắm. Vì khi diễn một cảnh, thì cứ tới cảnh mình, mình chỉ cần tập trung hết sức cho cảnh đó thôi. Còn với vai Mận từ cảnh đầu cho đến cảnh cuối, chị đều phải tập trung. Vai Mận hầu như xuất hiện trong tất cả các cảnh, và thay đổi tâm lý liên tục, hết lớp diễn này tới lớp diễn khác.

Hồi đảm nhận vai này, trong suốt 1 tháng tập ròng rã trước khi lên sàn, chị khóc không biết bao nhiêu lần và Thầy Cô nhiều khi muốn “mất kiên nhẫn” với chị. Nhưng mà nhờ vậy, sau vai Mận, chị “lỳ đòn” và dày dạn kinh nghiệm hơn.”

Cho đến thời điểm chị nhận vai Bún (và Nhớ) trong vở “Hồi xưa Biển ngọt”, người ta bắt đầu nhận thấy một Hoàng Vân Anh hoàn toàn lột xác trên sân khấu.

Đối với vai diễn kép, Bún (và Nhớ) trong vở ‘Hồi xưa Biển ngọt’, thì chị nghĩ, chính sự đối lập của 2 vai diễn trong cùng 1 vở (Bún – người mẹ hy sinh, chịu đựng và Nhớ – đứa con gái mạnh mẽ, dám nói, dám làm) đã khiến khán giả cảm thấy thú vị, nên đánh giá rằng chị ‘lột xác’.

Còn đối với riêng chị, chị thấy mình có những thay đổi lớn trong cách nhìn nhận, khai thác nhân vật từ vai Thà trong vở ‘Bao giờ Sông Cạn’ – công diễn lần đầu vào năm 2015. Lý do là lúc đó, chị đã có nhiều trải nghiệm với các vai diễn khác nhau. Đó cũng là thời điểm chị ở độ tuổi mà bản thân đã có được sự trải nghiệm cuộc sống đủ sâu, điều này giúp chị thấu hiểu nhân vật hơn, từ đó tìm được cách thể hiện nhân vật có nội lực và ‘đời’ hơn.

‘Ủa sao mình cứ diễn mãi những vai đau khổ?

Nhắc tới Hoàng Vân Anh, là người ta nhớ ngay những vai đào thương, những thân phận phụ nữ cùng cực, gánh chịu nhiều đau thương mất mát. Nhưng làm sao để có thể họa lên từng nỗi đau đó, khiến cho nó được rạch ròi mà không bị trùng lặp?

 “Thật ra những năm đầu tiên liên tục nhận những vai đào thương, cũng có lúc chị giật mình nhìn lại ‘Uả sao mình cứ diễn mãi những vai đau khổ, hy sinh?’.

 Sau này chị mới hiểu được, cho dù là vai nào, thì điều duy nhất chị cần tập trung là qua mỗi nhân vật, chị phải khai khác làm sao để nó có chiều sâu tâm lý và có cách thể hiện khác biệt. Ví dụ: cùng là dạng vai đào thương, nhưng hoàn cảnh của mỗi vai diễn sẽ khác nhau, nên nếu mình chịu đào sâu, tìm tòi thì cho dù diễn 10 vai đào thương thì mỗi ‘cô’ vẫn là một phiên bản duy nhất, không thể lẫn lộn hay trùng lặp.

Thành công ở dạng vai đào thương như thế, nhưng Hoàng Vân Anh không hề muốn “đóng khung” sở trường của mình, chị không ngại làm mới với những tuyến nhân vật hoàn toàn khác. Bởi với chị “Không có vai diễn thuộc sở trường hay sở đoản, mà mỗi vai diễn đều là cơ hội để thể hiện sự thấu hiểu, trải nghiệm của một người diễn viên.”

 Chia sẻ về kỷ niệm mà chị nhớ nhất ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, chị kể lại:

 Lần đó tập diễn Lan và Điệp, chị được giao cho vai Lan. Vở này thầy Thành Hội làm đạo diễn. Lúc đó có một điểm diễn là Lan đọc lá thơ của cô Thúy Liễu, nói rằng anh Điệp đang trốn trong nhà, lúc đó Lan mới bàng hoàng nhận ra người mình yêu lừa dối mình.

Dù thầy cô đã phân tích kỹ nhân vật & cách thể hiện nhưng chị tập cả buổi vẫn diễn không ra. Thầy chỉ đi chỉ lại, mà chị làm mãi vẫn không đạt.

Đỉnh điểm là thầy giận quá, bỏ về, xem như bỏ hẳn một ngày tập vì chị làm thầy cô hoàn toàn mất kiên nhẫn.

Sau khi thầy cô đi về, chị vẫn ở lại tập. Lúc đó chị còn nhớ Điệp – là anh Đoàn Minh Tài vẫn ở lại tập với chị. Và một vài anh hậu đài cũng ở lại chờ chị tập cho xong lớp diễn này.

Lúc tập xong về, chị cũng cứ nghĩ đi nghĩ lại những điều thầy cô nói, những điểm diễn trong lúc tập với anh Tài. Có thể nói là một đêm dài, vì nghĩ mãi, không ngủ được.

Sáng hôm sau, 8h chị đã ở sân khấu rồi. Chị tự bày đồ ra tập. Đến 9h là thời gian tập kịch của sân khấu, thầy cô lên, thì “may quá” chị diễn gần đạt như ý thầy cô rồi. Lúc này, chị nghĩ chắc thầy cô thấy “gần đạt” là vì thấy “được” sự cố gắng của chị, nên đã ngồi xuống phân tích lại nhân vật cho chị. Sau lần phân tích này thì chị thật sự hiểu rõ vai Lan và việc tập sau đó êm đẹp, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thầy cô cũng nói rằng không muốn thấy chị bỏ cuộc chỉ vì tự nghĩ mình không làm được.

Phải nói đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của chị, khi chị đã ‘xài hết’ sự kiên nhẫn của thầy cô chỉ với một buổi tập.” (cười)

Nỗ lực với từng vai diễn là vậy, nhưng đã có rất nhiều lúc chị cảm thấy không hài lòng về bản thân mình sau mỗi vai diễn. Có lẽ, chính điều đó đã giúp cho các khán giả nhìn thấy một Hoàng Vân Anh ngày càng trưởng thành hơn trong từng vai diễn trên sân khấu.

“Thật sự tới bây giờ chị phải cảm ơn những điều không hài lòng đó, bởi nó đã dẫn dắt chị tới những điều tốt hơn. Lúc đầu khi chị mới ra trường, chị luôn muốn, thầy cô, đồng nghiệp, khán giả phải công nhận sự cố gắng của mình. Nhưng càng đi sâu, càng đi lâu với nghề chị mới hiểu, sự nhìn nhận của mọi người là quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự tự đánh giá về bản thân mình. Trước mỗi vai diễn, chị luôn hiểu đây là một cơ hội, và sau mỗi lần diễn (dù là vai cũ, hay mới) chị đều luôn tự hỏi mình 2 câu: Mình đã cố gắng hết sức cho lần diễn này chưa? Và mình đã làm tốt nhất có thể chưa?’ Nếu cả 2 câu trả lời đều là ‘CÓ’ thì chị mới hài lòng với bản thân mình.

 Hãy chấp nhận thời cuộc, giữ tinh thần lạc quan và không ngừng cố gắng!

Dẫu biết ngành nghệ thuật sân khấu nói chung đang chững lại và khó có thể phát triển mạnh trong thời cuộc hiện nay, nhưng bản thân chị vẫn không ngừng cố gắng. Bởi chị luôn đặt niềm tin vào những điều mà mình đang thực hiện.

“Không phải chỉ riêng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, mà ngành sân khấu nói chung đang chững lại, không phát triển mạnh như trước. Cũng dễ hiểu, khi ngày nay có quá nhiều hoạt động nghệ thuật khác nhau, như phim chiếu rạp, phim truyền hình, netflix, web series,… và kịch cũng chỉ là một phần trong tất cả hoạt động nghệ thuật, vậy nên sự quan tâm của khán giả sẽ phần nào bị chia nhỏ. Đó là thực tế, và cũng có thể nói là điều tất yếu.

Theo chị, thay vì buồn phiền vì những thực tế không thể thay đổi được, chị sẽ tập trung sức lực vào những điều mà bản thân chị thay đổi được, như cố gắng đầu tư thời gian, công sức vào từng dự án, từng vai diễn.

Chị cũng tin rằng, nếu tất cả mọi người từ nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên, thiết kế, âm thanh ánh sáng, hậu đài… mỗi người trong từng khâu đều tập trung hết sức, để chắt chiu cho từng cơ hội, từng vở diễn mình được tham gia vào, thì chắc chắn sẽ có những tác phẩm có thể xem là “trường tồn” vì nó đã được khắc dấu trong lòng khán giả mãi mãi. Lúc này, chị tin rằng dù lượng khán giả đến sân khấu có thể vẫn sẽ ít, nhưng họ cũng sẽ chất hơn, vì họ được thưởng thức những tác phẩm đã được chắt chiu, chọn lọc với sự đầu tư tâm huyết của rất nhiều người.

Trong những ngày giãn cách, diễn viên Hoàng Vân Anh cũng có vài điều muốn nhắn nhủ đến khán giả.

“Nhớ sân khấu, nhớ mọi người, nhớ ánh đèn, nhớ vai diễn lắm, nhưng đồ đạc diễn để trên sân khấu hết rồi, không có gì để ở nhà để mình có thể cầm lấy, ôm lấy.

Chị cũng nhớ khán giả, muốn gặp lại khán giả! Mong ngày trở lại, khán giả sẽ quay lại sân khấu với niềm nhớ nhung và háo hức giống như chị.”

Chân thành cảm ơn diễn viên Hoàng Vân Anh đã dành thời gian chia sẻ cùng các đọc giả của iDesign. Chúc chị luôn lạc quan và nhiều sức khỏe để ngày càng tỏa sáng hơn nữa trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh!

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cung cấp


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Cùng tác giả

#Tag

diễn viên Hoàng Vân Anh kịch nói may nghệ thuật sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’  là một trong những cuộc thi hội tụ các tài năng thiết kế thuộc cộng đồng…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…