Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật

“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo. Nhìn chúng tưởng chừng như vô hại, nhưng đôi khi, nó chính là tác nhân gây nên hậu quả khôn lường.

Tiếp nối cho câu chuyện mình đặt ra cách đây không lâu, cái chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật luôn là chủ đề gây nhức nhối và nằm trong “top” quan tâm của những người trong nghề hay chí ít là những ai dành một tình yêu quý báu cho đứa con của sự sáng tạo. Bức xúc có, thông cảm có, nhiều người coi đó như hành vi thiếu tôn trọng đối với nghệ sĩ, là một sự “ăn mòn” nghệ thuật theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những trường hợp không may xảy ra như vậy thường đến từ một bộ phận khán giả đang chập chững bước vào thế giới nghệ thuật và theo bản thân từ góc nhìn về mặt tâm lí con người, mình nghĩ rằng phần đến từ “lực hấp dẫn” mà các tác phẩm nghệ thuật tạo ra. Đặc biệt, những tác phẩm đương đại với chất liệu, ý tưởng, phong cách đa dạng cực kì thu hút thị giác, nó chiếm trọn ánh nhìn của người thưởng ngoạn, cám dỗ tâm thức non dại và lôi kéo cái âu yếm của những ai dễ mềm lòng, mạn phép gọi đó là “những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ”.

Khoan chưa bàn đến những lần mò mẫm vô tư này, liệu các tác phẩm nghệ thuật có bị đụng chạm với chủ ý nhất định? Đương nhiên là có rồi… Không phải đến từ những cái chạm tay cố tình nằm sẵn trong đầu, nhằm tác động lên tác phẩm theo chiều hướng tiêu cực mà có thể gọi đó là phá hoại.

Những người mình muốn nói đến đây là các nhân viên hậu cần, cụ thể là người vận chuyển, sắp đặt trong triển lãm và cả người phục chế, chăm sóc cho các tác phẩm trong viện bảo tàng. Họ có lẽ luôn được tận hưởng cảm giác “sờ mó” vào các tác phẩm nghệ thuật, liên tục hàng ngày từ các bức tượng điêu khắc, tranh vẽ cho đến phù điêu hay hiện vật di tích khảo cổ. Nhưng có một thứ bất di bất dịch trong khi làm việc mà những người này phải tuân theo đó là “Quy tắc an toàn” hay hạn chế tiếp xúc da tay trực tiếp lên tác phẩm.

Nhân viên trong bảo tàng đeo bao tay để đảm bảo an toàn khi kiểm tra tác phẩm.

Bởi, trên đầu đầu ngón tay của chúng ta có rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và mồ hôi, đây chính là tác nhân vô hình gây nên sự lão hóa cho những bức tranh sơn dầu, tượng gỗ hay nhiều chất liệu sáng tác khác. Ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung: những vật dụng trong gia đình như tay nắm cửa, cạnh tường lối đi cầu thang, vai ghế, hay chiếc kính đang đeo đã biến đổi như thế nào sau nhiều ngày bạn chạm vào nó ???

Trên trang web của Viện Nghệ thuật Chicago cũng để lại những lời nhắc nhở nhẹ nhàng tới các du khách: “Bàn tay của chúng ta chứa các loại dầu có tính Axit gây phản ứng với bề mặt của tác phẩm điêu khắc, đồ nội thất và tranh. Chúng gây ăn mòn bề mặt của các đồ vật và làm giảm tuổi thọ của tác phẩm nghệ thuật. Nếu tất cả chúng ta đều chạm tay vào nghệ thuật mà chúng ta yêu thích, sẽ chỉ còn lại rất ít tác phẩm cho con cháu thưởng thức. Hãy có trách nhiệm: không chạm vào tác phẩm nghệ thuật và không trèo lên các bệ.”

Cận cảnh vết nứt trong bức Tuần Đêm của Rembrandt.

Bên cạnh đó, không ít tác phẩm nghệ thuật còn trong tình trạng dễ dàng bị hư hại. Những bức tranh của Rembrandt có tuổi thọ trăm năm đã lộ rõ vết nứt và bề mặt rất giòn, sơ sẩy một chút với áp lực tay mạnh cũng đủ gây nên hiện tượng bong tróc khiến mọi thứ bị phá hỏng. Vậy nên ai đó đang có ý định sử dụng “những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” thì nên gạt bay suy nghĩ đó đi nhé. Để thấy rõ phần nào hệ quả, hãy cùng mình lật ngược lịch sử của những cú chạm đã công phá thế giới nghệ thuật.


Năm 2012, một vị khách đã có cú chạm táo bạo khi để lại vết son đỏ nổi bật lên bức tượng Narcissus Phòng trưng bày Nghệ thuật New South Wales, Úc. Hệ quả là phòng trưng bày phải mất nhiều ngày để tẩy đi vết son bám chặt trên bề mặt bức tượng.

Năm 2016, một nhân viên phục vụ ở Anh đã làm gãy ngón tay út của một bức tượng khoảng 2000 năm tuổi Townley Venus vì va phải. Rất may là sau đó các nhân viên của Bảo tàng Anh đã phục chế lại nguyên bản như ban đầu.


Cũng năm 2016, trường hợp hi hữu xảy ra với biểu tượng của Bồ Đào Nha, tượng Dom Sebastiao ở Lisbon, khi một người đàn ông cố trèo lên bệ của nó để có cho mình một bức ảnh tự sướng đẹp mắt. Vì mất thăng bằng nên người đàn ông này đã ngã và kéo luôn bức tượng kia. Không may mắn như Townley Venus, tượng Dom Sebastiao bị vỡ vụn hoàn toàn.

Bức tượng Dom Sebastiao ở Bồ Đào Nha

Một trường hợp đáng tiếc khác xảy ra dù chưa chạm trực tiếp vào tác phẩm nghệ thuật nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn. Năm 2017 tại “The 14th Factory”, Los Angeles nơi trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ Simon Birch, Gloria Yu, Gabriel ChanJacob Blitzer. Một người phụ nữ vì mất thăng bằng khi đang cúi người đã chạm phải bệ trưng bày gây ra hiệu ứng domino khiến cả dãy phía sau đổ theo.


Đắt giá nhất là sự việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York vào năm 2010. Một phụ nữ tham gia lớp học nghệ thuật tại bảo tàng đã vô tình ngã vào “The Actor” trị giá 130 triệu đô của Pablo Picasso vì muốn tiến gần để quan sát kĩ tác phẩm. Trong khi người phụ nữ không bị thương còn bức tranh không may mắn như vậy, nó bị rách 15cm ở góc dưới bên tay phải.

Bức “The Actor” của Pablo Picasso.

Bên trên là một vài ví dụ điển hình để chúng ta thấy rõ phần nào hậu quả không tưởng của những “cú chạm” để lại, còn rất nhiều sự việc đáng tiếc khác nữa mà ở cả Việt Nam đã không ít lần chứng kiến. Để viết nên cuốn “Art, Museums and Touch”, tác giả Fiona Candlin thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu thực tế tại các bảo tàng ở Anh và bà thừa nhận rằng chứng kiến rất nhiều cái chạm hồn nhiên như vậy. Trong khi đó Phòng trưng bày Nghệ thuật New South Wales ở Úc còn thống kê được rằng trong vòng 3 năm từ 2010 đến 2012 có tất cả 89 sự cố thiệt hại.

Nói ra để thấy câu chuyện nhức nhối này không chỉ là của riêng một quốc gia nào mà là vấn đề dai dẳng của cả nghệ thuật thế giới. Ví von một cách vui vui nó giống như bệnh cảm cúm luôn tồn tại và ập đến dù bất kể thời điểm hay bối cảnh nào. Liên đới tới câu chuyện “Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ”, nó có thể xảy đến bất kì trong tương lai và cách để kéo dài “khoảng thời gian an toàn” này là tinh thần trách nhiệm của mỗi người khi bước chân vào nghệ thuật.

Hãy yêu nghệ thuật đúng cách, bảo vệ những giá trị hiện tại là nuôi dưỡng cho thế hệ tương lai, chúng ta có thể hiện thực nó bằng hành động đơn giản: Đừng “vô tình chạm” vào các tác phẩm nghệ thuật khi đi xem triển lãm.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

cái chạm tay vào tác phẩm chàm Hãy yêu nghệ thuật đúng cách Hoàng idesign signature nghệ thuật personal growth viết một tay

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…