Drones Art - Hình hài nghệ thuật tương lai trong chiếc máy bay không người lái

Những chiếc máy bay không người lái xuất hiện rất nhiều trong những dự án nghệ thuật gần đây và đem đến đa dạng trải nghiệm thị giác cho khán giả đại chúng. Vậy có gì đặc biệt về nghệ thuật liên quan đến chiếc máy bay này?

Công nghệ ngày càng xâm lấn mạnh mẽ vào đời sống con người, từ những hoạt động đơn giản như giải trí cho đến các đại công trình quy mô nhân loại. Mọi mặt của sinh vật cấp tiến nhất trái đất đều có bóng hình “cuộc cách mạng 4.0” và nghệ thuật đâu thể nằm ngoài guồng quay bão tố này. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên nổ ra vào khoảng cuối thế kỉ 19, nhiếp ảnh ra đời đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nghệ thuật truyền thống lúc bấy giờ.

Và hiện tại, khi các thuật toán đang từng bước lạnh lùng tiến sâu vào nghệ thuật đương đại, chúng ta lại thấy những điều chẳng thể nào ngờ tới. Vào khoảng những năm 2015 – 2016, người ta đã tạo ra cả cỗ máy chép tranh hòng thay thế những họa sĩ đang sống bằng nghề này. Rồi sau đó là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nghệ thuật nhằm cho ra đời những tác phẩm trừu tượng được vẽ nên bởi công nghệ thuật toán kỹ thuật số. Chưa dừng lại, trong khoảng ba năm trở lại đây, nghệ thuật trình diễn cũng đang đứng trước sự “nhăm nhe” đe dọa của cái tên – Drones Art.

Ảnh: MagicLab.

1. Drones Art là gì

Hiện tại chưa có một định nghĩa cụ thể nào trong nghệ thuật dành cho Drones Art. Tuy nhiên theo giải thích từ giáo sư Arthur Holland Michel, nhà văn – nhà nghiên cứu kiêm đồng sáng lập của “Trung tâm nghiên cứu Drone” thuộc Viện nghiên cứu Đại học Bard, Hoa Kỳ – “Drones Art là hình thức nghệ thuật trong đó có sử dụng Công nghệ Máy bay không người lái (UAV) vào quá trình sáng tác tác phẩm và biến nó thành một đối tượng chính để thể hiện ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ.”


2. Cuộc đổ bộ của ‘Máy bay không người lái’ vào nghệ thuật

Giống như nhiều công nghệ tân tiến (Internet và GPS), máy bay không người lái được phát triển để phục vụ các mục đích trong lĩnh vực quân sự. Drone lần đầu được công chúng chú ý vào đầu những năm 2000 khi Hoa Kỳ sử dụng ở Afghanistan. Tuy nhiên, nguồn gốc của chúng đã bắt nguồn từ những năm 1915s khi Thế chiến thứ nhất xảy ra, các quốc gia chạy đua trong công cuộc phát triển phương tiện bay không người lái nhằm hạn chế thương vong của binh lính khi tham chiến.

Từ năm 2010 trở về đây, Drone đã được chính phủ của nhiều quốc gia dân sự hóa, có mặt trong nhiều lĩnh vực hơn ngoài mục đích quân sự. Đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, từ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cho đến vận chuyển hàng hóa và phục vụ cho nhu cầu giải trí.

Lần đầu tiên Drone được sử dụng như một công cụ thực hành nghệ thuật vào năm 2007, khi nữ nghệ sĩ Addie Wagenknecht dùng một chiếc máy bay không người lái có gắn bình phun sơn để vẽ các tác phẩm trừu tượng Black Hawk (Black Hawk mang nghĩa Diều hâu đen, đồng thời ám chỉ những chiếc máy bay). Việc thực hiện những bức tranh này được xem là một thể nghiệm cơ học cho hệ thống cảm biến đa điểm mà nhóm của cô đang nghiên cứu trong dự án CUBIT của Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Nghệ thuật – FAT Lab.

Hai bức tranh trong dự án của Addie Wagenknecht đang được trưng bày tại Phòng trưng bày Bitforms, New York.

3. Các hình thức nghệ thuật thị giác của Drones Art

Phổ biến nhất phải kể đến là nhiếp ảnh và quay phim. Ở Việt Nam vẫn nhiều người lầm tưởng Drone và Flycam là một, nhưng Flycam là một Drone được gắn camera còn Drone chỉ là thiết bị bay không người lái. Dấu ấn của Drones Art trong lĩnh vực điện ảnh thường không đậm nét bằng nhiếp ảnh vì các đạo diễn chỉ dùng Flycam như công cụ để bổ trợ góc nhìn cho tổng thể bộ phim.

Còn ở nhiếp ảnh, Drones Art được cảm nhận rõ nét hơn với khung hình tập trung cụ thể. Một số nhiếp ảnh gia như: Alexandre Salem, Francesco Gernone, Wootsor, Gotshot,… sử dụng Flycam là thiết bị hữu hiệu để họ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi nhìn cảnh vật từ trên cao.

Hình thức tiếp theo là hội họa. Drone được trang bị thêm một số công cụ như: cây cọ hoặc bình phun sơn để giúp nghệ sĩ vẽ nên những bức tranh giống cách Addie Wagenknecht đã làm vào năm 2007. Và đến năm 2015, đánh dấu lần đầu tiên Addie thực hiện một buổi biểu diễn vẽ tranh trực tiếp bằng máy bay không người lái với hơn 500 người xem tại Bảo tàng New ở Thành phố New York, Hoa Kỳ.

Nghệ sĩ Graffiti Katsu cũng được biết đến là người sử dụng Drone phổ biến trong nghệ thuật của mình với các tác phẩm nghệ thuật đường phố. Năm 2015, anh đã tạo nên cơn sốt dư luận khi sử dụng một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ và gắn bình phun sơn để vẽ lên biển quảng cáo của người mẫu Kendall Jenner với những đường sọc đỏ run rẩy.

Bảng quảng cáo Katsu vẽ năm 2015. Ảnh: Artnet.

Một rẽ nhánh khác của hình thức này là Vẽ ánh sáng (Light Painting), kết hợp giữa hội họa và nhiếp ảnh để tạo nên hiệu ứng thị giác bắt mắt trong những bức hình. Lắp đặt một nguồn sáng cho Drone, nghệ sĩ sẽ vẽ những nét ánh sáng trong không gian bằng cách điều khiển máy bay, đồng thời dùng máy ảnh với tốc độ cửa trập thấp để ghi lại hình ảnh đó. Đây cũng là hình thức phổ biến của Drones Art mà nhiều nghệ sĩ đương đại đang theo đuổi.

Cuối cùng và cũng là hình thức tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt nhất là Nghệ thuật trình diễn. Được xem là góp phần mô tả tương lai cho thể loại này, một buổi biểu diễn với hàng trăm Drone cùng xuất hiện khiến khán giả không thể không choáng ngợp về những màn biến đổi mãn nhãn như đưa người xem vào thế giới ma thuật. Gần nhất chúng ta được ấn tượng với khung cảnh này là màn biểu diễn Drone Art tại Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản. Một vũ điệu ánh sáng hoành tráng kéo dài trong 3 phút với 1.824 máy bay không người lái đến từ hãng công nghệ Intel.

Hình ảnh phần trình diễn Drones Art tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty Image.

Lần đầu tiên Drone được sử dụng cho biểu diễn đã từ 2012 với đội bay gồm 49 chiếc. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng thay đổi một cách chóng mặt, những công nghệ tân tiến nhất như: Cảm biến đa tầng, GPS động học thời gian thực, Thị giác máy tính,… được áp dụng để tạo nên những phần trình diễn đặc sắc trên bầu trời.

Kỷ lục về thời gian trình diễn Drones Art kéo dài trong 26 phút 19 giây của phần biểu diễn kể lại cuộc đời của họa sĩ nổi tiếng thế giới Vincent Van Gogh tại Thiên Tân – Trung Quốc, thiết lập vào ngày 18/12/2020 với 600 máy bay tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia xác lập kỷ lục vào tháng 7/2021 về số lượng máy bay trình diễn với 5200 chiếc tham gia cùng lúc để tạo nên lá cờ của đất nước này.

Nhận ra sự hoành tráng và hấp dẫn của các Drone đem lại về yếu tố thị giác đến khán giả đại chúng, rất nhiều nghệ sĩ đã đưa những chiếc máy bay này trở thành bạn diễn của mình trong nhiều tác phẩm nghệ thuật trình diễn. Tháng 6/2020, Dronisos cùng các nghệ sĩ của lễ hội San Giovanni, Ý đã thực hiện buổi biểu diễn trong nhà với số lượng máy bay không người lái kỷ lục lên đến 200 chiếc. Trước đó vào năm 2014, ba vũ công Nhật Bản của đoàn múa Eleven Play hợp tác với nghệ sĩ Daito Manabe để tạo ra một màn trình diễn cuốn hút, khám phá “sự trỗi dậy của máy móc” trong đời sống hiện đại.

Phần trình diễn Drones Art tại lễ hội San Giovanni.

Có thể nói, sự kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ luôn mang đến vẻ đẹp giao thoa cực kì độc đáo. Cuộc trao đổi ngôn ngữ đến từ hai lĩnh vực được xem là trái ngược vô hình trung lại cộng hưởng và nâng đỡ lẫn nhau trong công việc sáng tạo. Drones Art “xâm lấn” nghệ thuật nhưng con người vẫn ở vị trí làm chủ đối tượng. Máy bay không người lái đang được thử nghiệm nhiều công nghệ hơn để đạt đến đỉnh cao và sẽ là một trong số những công cụ định hình nghệ thuật của tương lai không xa.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

drones Drones Art Hoàng máy bay không người lái nghệ thuật đương đại

iDesign Must-try

Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
/Maybe bạn nên …Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm “Thủy triều cảm…
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm nghệ thuật với nhiều hình thức biểu đạt khác nhau với…
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Tôn trọng và sử dụng các đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc, những tác phẩm điêu khắc đá của Ito Hirotoshi khiến người xem phải hoài nghi về…
Nghệ thuật và Tâm hồn
Nghệ thuật và Tâm hồn
Đây không phải là bài viết sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Nghệ thuật và Tâm hồn, mà được viết nên để độc giả tự đặt cho…
Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
Ở bài viết này, ta sẽ thấy rằng các tính chất thẩm mỹ là không quá cần thiết trong nghệ thuật, cũng không đủ để được coi là nghệ thuật,…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…