Édouard Manet (Phần 1)

Édouard Manet, cùng với Gustave Courbet, là hai hoạ sĩ dẫn dắt cho chủ nghĩa Hiện thực và cũng là chủ nghĩa đầu tiên được coi là thuộc chủ nghĩa Hiện đại. Những hoạ sĩ này không chỉ tiên phong trong chủ đề, cách tiếp cận và cách xử lý khi tạo ra tác phẩm của mình mà họ còn tiên phong hoạt động phản kháng công khai. Manet và Courbet thậm chí đã cố tình tạo ra tranh cãi để thu hút sự chú ý vào quan điểm cấp tiến của mình đối với thể chế xã hội nói chung và thể chế nghệ thuật nói riêng. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Manet trong một loạt bài hai phần.

  • “Tôi vẽ điều tôi thấy, không phải điều kẻ khác muốn thấy”
  • “Bạn khó có thể tưởng tượng là việc đặt một hình tượng trên một tấm toan, rồi tập trung tất cả sự quan tâm vào hình tượng độc nhất và phổ quát đó, giữ nó sống động và thực, là khó đến nhường nào.”
  • “Không có những đường nét trong tự nhiên, chỉ có những vùng màu sắc, vùng này đối lập với vùng kia.”

Tóm lược về Édouard Manet

Édouard Manet là nghệ sĩ quan trọng và có ảnh hưởng nhất đã đáp lại lời nhà thơ Charles Baudelaire kêu gọi nghệ sĩ hãy trở thành những họa sĩ của cuộc sống hiện đại. Manet được nuôi dạy ở tầng lớp thượng lưu, nhưng cũng có một cuộc sống phóng túng và luôn nung nấu ý muốn thách thức giới Salon Pháp bằng sự coi thường các quy ước học thuật và việc sử dụng những hình ảnh hiện đại đáng chú ý của mình về cuộc sống thành thị.

Ông từ lâu đã có liên hệ với những người theo chủ nghĩa Ấn tượng; ông chắc chắn là người có ảnh hưởng quan trọng đến họ và bản thân ông cũng đã học được nhiều điều từ họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà phê bình đã ghi nhận rằng ông cũng học hỏi chủ nghĩa Hiện thực và chủ nghĩa Tự nhiên từ những người cùng thời với ông ở Pháp, và thậm chí từ hội họa Tây Ban Nha thế kỷ 17. Mối quan tâm song song đối với các Bậc thầy cổ điển và chủ nghĩa Hiện thực đương thời đã mang lại cho ông nền tảng quan trọng cho cách tiếp cận mang tính cách mạng của mình.

Những thành tựu

  • Manet đặt tính hiện đại lên trước tiên, với niềm hứng khởi của ông trong việc cập nhật các thể loại hội họa cũ hơn bằng cách đưa nội dung mới vào hoặc thay đổi các yếu tố truyền thống. Ông đã thực hiện điều này với một sự nhạy cảm sắc bén với truyền thống lịch sử và thực tế đương đại. Không nghi ngờ gì nữa, đây cũng là nguyên nhân sâu xa của nhiều vụ bê bối mà ông khơi mào.
  • Ông được ghi nhận là người đã phổ biến kỹ thuật vẽ alla prima (còn gọi là ướt trên ướt (wet-on-wet), một kỹ thuật vẽ mà các lớp màu ướt được vẽ đè lên các lớp màu ướt đã vẽ trước đó mà không cần chờ nó khô). Thay vì xây dựng màu sắc theo từng lớp, Manet sẽ ngay lập tức xác định màu phù hợp nhất với hiệu ứng cuối cùng mà ông tìm kiếm. Cách tiếp cận này đã được sử dụng rộng rãi bởi những người theo trường phái Ấn tượng, những người nhận thấy nó hoàn toàn phù hợp với áp lực của việc ghi lại hiệu ứng của ánh sáng và bầu không khí trong khi vẽ tranh ngoài trời.
  • Việc xử lý màu lỏng lẻo và cách diễn tả giản lược các khối thể tích đã dẫn đến những vùng “phẳng” (flatness) trong các bức tranh của ông. Ở thời của Manet, sự phẳng này có thể gợi đến những tấm áp phích phổ biến hoặc sự ăn gian trong hội họa – trái ngược với chủ nghĩa hiện thực của nó. Ngày nay, các nhà phê bình coi phẩm chất này là ví dụ đầu tiên về sự “phẳng” trong nghệ thuật hiện đại.

Tiểu sử

Tuổi thơ

Édouard Manet sinh ra trong một gia đình trung lưu Paris, sung túc và có quan hệ rộng. Cha ông, Auguste Manet, là một công chức cấp cao tận tụy và mẹ ông, Eugénie-Désirée Fournier, là con gái của một nhà ngoại giao và có cha đỡ đầu là hoàng tử Thuỵ Điển Charles Bernadotte. Cùng với hai người em trai của mình, Manet lớn lên trong một môi trường tư sản, vừa bảo thủ về mặt xã hội vừa thoải mái về mặt tài chính. Vốn cũng chỉ là một học sinh ở tầm trung bình, ông đăng ký vào lớp học vẽ ở trường Rollin lúc mười ba tuổi.

Chân dung cha mẹ của Manet do ông vẽ

Manet có niềm đam mê nghệ thuật từ khi còn nhỏ, nhưng đã đồng ý vào Học viện Hải quân (Naval Academy) để thỏa hiệp với cha mình. Khi thất bại trong kỳ thi tuyển sinh, ông gia nhập Đội thương thuyền Hoa Kỳ (Merchant Marine) để có kinh nghiệm làm phi công tập sự và lên đường đến Rio de Janeiro vào năm 1849. Năm sau đó, ông trở lại Pháp với một tuyển tập các bức vẽ, bức tranh từ cuộc hành trình của mình và sử dụng nó để chứng minh tài năng và niềm đam mê của mình với cha, người đã hoài nghi về tham vọng của Manet.

Đào tạo ban đầu

Năm 1849, Manet có quan hệ tình cảm với giáo viên dạy dương cầm của gia đình mình, Suzanne Leenhoff. Mối tình này dẫn đến sự chào đời của một đứa bé trai vào năm 1852, Leon. Đứa bé được nuôi dưỡng bởi gia đình Suzanne và để tránh tai tiếng (cho gia đình quý tộc của Manet), đứa bé được giới thiệu với mọi người là em trai của Suzanne và là con đỡ đầu của Manet. Năm sau đó, Manet du hành tới Ý, vừa vì nghệ thuật vừa để đánh lạc hướng xã hội.

Trong bức Bữa tiệc trưa (The Luncheon) (1868), Manet mô tả con trai của ông, Leon. Ông đã tỉ mẩn vẽ đi vẽ lại cậu cũng đến hàng tá lần.

Cha Manet đã miễn cưỡng cho phép ông theo đuổi mục tiêu nghệ thuật của mình. Vào tháng 1 năm 1850, đúng với bản tính ương ngạnh của mình, thay vì đến École des Beaux-Arts (Trường Mỹ thuật) để học thứ mà ông coi là những chế độ lỗi thời, Manet đã gia nhập xưởng vẽ của Thomas Couture. Trong khi Couture là một họa sĩ hàn lâm, và là một sản phẩm của hệ thống Salon, ông khuyến khích sinh viên của mình khám phá cách thể hiện nghệ thuật của riêng họ, thay vì trực tiếp tuân theo đòi hỏi thẩm mỹ của thời đại.

Ông được đào tạo dưới sự chỉ dẫn của Couture trong sáu năm, cuối cùng rời đi vào năm 1856 và bắt đầu dựng nên xưởng vẽ của riêng mình ở đường Lavoisier. Nền tảng tài chính vững chắc đã cho phép Manet xây dựng không gian riêng (mặc dù đó là một nỗ lực chung với họa sĩ Albert de Balleroy) và cũng cho phép ông sống cuộc sống của mình, sáng tạo nghệ thuật theo phong cách đặc trưng của bản thân.

Bức Những người La mã trong sự suy đồi của họ (Les Romains de la décadence) (1847) của Thomas Couture là tác phẩm được tôn vinh nhiều nhất tại Paris Salon năm 1847

Manet, một cách rất tự nhiên, trở thành một flâneur (nghĩa đen là kẻ ăn không ngồi rồi, kẻ lang thang, được hiểu là một hình tượng, gây tranh cãi, hiện diện của sự giàu có và hiện đại của đô thị, đại diện cho khả năng sống lang thang tách biệt khỏi xã hội, không với mục đích nào khác ngoài việc trở thành một người quan sát nhạy bén về cuộc sống đương đại, công nghiệp hóa) ở Paris. Ông cũng dĩ nhiên dần hứng thú với việc truyền tải những quan sát cá nhân lên những bức tranh sơn dầu của mình. Điều kiện tài chính cũng cho phép ông có thể du lịch qua Hà Lan, Đức, Áo và thăm Ý trong nhiều dịp. Người họa sĩ đã gặp Edgar Degas và Henri Fantin-Latour, cả hai đều sẽ trở thành những người bạn quan trọng suốt cuộc đời của ông.

Thời kỳ trưởng thành

Ngoài làm bạn với nhà thơ Charles Baudelaire và nghệ sĩ Gustave Courbet, Manet cũng tiếp xúc với những nhà tư tưởng tiến bộ khác, những người tin rằng nghệ thuật nên đại diện cho cuộc sống hiện đại, không phải lịch sử hay thần thoại. Sự thay đổi náo động về mặt nghệ thuật trên đã “đào hố chôn” hiện trạng của Salon bằng những nghệ sĩ tiên phong, những người đã phải chịu đựng khôn cùng dưới ảnh hưởng của bộ phận công chúng bảo thủ và những nhà phê bình ác ý.

Chân dung Manet (Portrait of Edouard Manet) (1832 – 1883) được vẽ bởi họa sĩ Leon Augustin Lhermitte

Manet là tâm điểm của một số cuộc tranh cãi này và Salon năm 1863 đã từ chối các bức tranh của ông. Manet cùng những nghệ sĩ bị từ chối đã phản đối quyết định này. Hoàng đế đã mủi lòng đưa tất cả các tác phẩm bị từ chối vào cuộc triển lãm thứ cấp Salon des Refusés (Salon của những tác phẩm bị từ chối), để công chúng có thể thấy những gì đã được cho là không xứng đáng.

Tác phẩm gây sốc, Bữa trên trên thảm cỏ (Le Déjeuner sur l’Herbe) (1863) đã thu hút nhiều chỉ trích nhất vì một số lý do. Những ám chỉ về thời kỳ Phục hưng (hay cụ thể hơn, là 3 tác phẩm thuộc thời kỳ này mà Manet lấy cảm hứng: bức Hoà nhạc đồng quê (The Pastoral Concert) (1510) của Giorgione hoặc Titian, bức Cơn bão (The Tempest) (1508) của Giorgione và bức điêu khắc Phán quyết Paris (hậu Raphael) (The Judgment of Paris (after Raphael)) (1510-1520) của Raimondi) không có ý nghĩa gì đối với người xem, ngoài những gì họ thấy rõ trước mắt là sự khỏa thân được mô tả một cách trần trụi và trơ trẽn của người phụ nữ – có khả năng là gái mại dâm – đang nhìn chằm chằm vào họ từ bức tranh. Những lời chỉ trích cho rằng bức tranh là “thô tục”, “khiếm nhã” và “phản nghệ thuật” đã khiến Manet vô cùng đau lòng và có khả năng đã khiến ông mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng.

Bức Bữa trưa trên thảm cỏ (1863), kích thước 2,64cm x 2,08cm, đang đặt tại Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Việc có mặt trong Salon des Refusés đã đánh đổ cái tôi và danh tiếng cá nhân của Manet. Bản tính nổi loạn của ông đã thôi thúc ý muốn thay đổi hệ thống của việc loại trừ mà các tổ chức – như Salon và École des Beaux Arts – đang thực hiện, nhưng ông cũng không muốn các tổ chức này bị loại bỏ. Vốn xuất thân từ tầng lớp thượng-trung lưu, Manet có một số lý tưởng nhất định về thành tựu và ông mong muốn đạt được thành công tại Salon – nhưng là theo điều kiện của chính ông, không phải của họ. Kết quả là sự ra đời của một nhà cách mạng (mà chính ông cũng không nhận thức được vai trò ấy), và có thể nói là người nghệ sĩ hiện đại đầu tiên.

Nhiều tranh cãi tiếp tục xảy ra vào thời gian sau đó, khi ông cho ra đời tác phẩm Olympia (1863), trong đó làm nổi bật một hình ảnh khoả thân khác của người mẫu ưa thích của ông, Victorine Meurent. Manet tuyên bố đã nhìn thấy sự thật trên khuôn mặt của cô ấy, trong khi vẽ toàn bộ cơ thể của cô cho cả thế giới thấy. Điều này được chứng minh là quá trực diện và không thể chấp nhận được đối với công chúng Paris khi tác phẩm được trưng bày tại Salon 1865. Manet đã viết cho người bạn thân của mình là Baudelaire rằng: “Họ đang sỉ vả tôi không ngớt, tôi chưa bao giờ dẫn dắt được một điệu nhảy nào như này”.

Bức Olympia, kích cỡ 190cm x 130cm, hiện đang đặt ở Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Sau cái chết của cha Manet vào năm 1862, ông và Suzanne kết hôn để hợp thức hóa mối quan hệ của họ, mặc dù con trai Leon của hai người có thể chưa bao giờ biết nguồn gốc thực sự của mình. Mẹ của Manet có thể đã giúp cả hai âm mưu giữ bí mật với cha của Manet vì ông sẽ không dung thứ cho sự ô nhục của một đứa con ngoài giá thú trong gia đình. Cũng có một số suy đoán rằng Leon thực sự là con của cha Manet, nhưng điều này cực kỳ khó xảy ra.

Năm 1864, Manet sống trên ở phố Batignolles và từ năm 1866, ông bắt đầu được chú ý bởi sự có mặt vào thứ Năm hàng tuần tại quán Café Guerbois, với những người như Henri Fantin-Latour, Edgar Degas, Emile Zola, Nadar, Camille Pissarro, Paul Cézanne và từ năm 1868, là Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir và Alfred Sisley.

Chân dung Edouard Manet (1867) được vẽ bởi họa sĩ Henri Fantin-Latour

Các cuộc họp của thứ mà Zola gọi là “Nhóm Batignolles” là sự pha trộn của các cá tính, thái độ và giai cấp; tất cả cùng hội tụ như những nghệ sĩ tiên phong, có tư duy độc lập để rèn luyện các nguyên tắc cho phong cách nghệ thuật mới của họ. Việc họ thường xuyên tụ họp đã tạo nên những ảnh hưởng qua lại sâu sắc giữa những bộ óc và tài năng ấy; sự pha trộn ý tưởng này sâu sắc tới mức có thể nói rằng mọi cá nhân trong nhóm đều đã chi phối lẫn nhau. Tuy nhiên, Manet là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên với chủ nghĩa Hiện thực tiên phong của mình, cùng với Monet và Renoir, những người rồi sau đó cũng đã nổi lên như những nhà lãnh đạo của thứ được gọi là chủ nghĩa Ấn tượng.

Salon năm 1866 đã từ chối các tác phẩm Người thổi sáo (The Fifer) (1866) và Diễn viên bi kịch (The Tragic Actor) (1866) của ông. Để đáp lại, Manet đã tổ chức một buổi triển lãm công khai tại studio của riêng mình. Để ủng hộ động thái tiên phong này, Zola đã viết một bài luận về Manet trên L’Evenement và vì lý do đó, ông đã bị sa thải. Năm sau, Manet bị loại khỏi Paris Exposition Universelle và quyết định không nộp bất cứ thứ gì cho Salon, thay vào đó dựng một cái lều gần Courbet để trưng bày tác phẩm của mình bên ngoài Triển lãm, nơi ông lại bị chỉ trích nặng nề.

Sau khi vẽ một đoàn biểu diễn Tây Ban Nha vào năm 1861, Manet đã trở nên hứng thú với văn hóa Tây Ban Nha, và sau khi đến thăm Tây Ban Nha vào năm 1865, ông đã bị tác động bởi các tác phẩm của Diego Velázquez và Francisco Goya. Điều này đã được thể hiện cả trong phong cách và chủ đề của Manet.

Là một đảng viên Cộng hòa trung thành, Manet không hài lòng với chính phủ của Napoléon III. Trong bức tranh Cuộc hành quyết Hoàng đế Maximilian (The Execution of Emperor Maximilian) (1867), được xây dựng với bố cục tranh tham khảo từ Goya, ông đã ám chỉ chính phủ Pháp về cái chết bi thảm của Maximilian ở Mexico. Tác phẩm này bị cho là quá gây tranh cãi về mặt chính trị và vì thế bị cấm trưng bày.

Cuộc hành quyết Hoàng đế Maximilian thực tế là một loạt năm tác phẩm được thực hiện bởi Manet trong khoảng 1867 đến 1869, bao gồm ba bức tranh sơn dầu lớn, một bức phác sơn dầu nhỏ và một bản in thạch bản với cùng một chủ đề. Trên đây là bức sơn dầu lớn vẽ năm 1867, hiện đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Mỹ

Một cuộc gặp quan trọng khác là vào năm 1868, khi Henri Fantin-Latour giới thiệu Manet với chị em nhà Morisot. Mối quan hệ của Manet với họa sĩ Berthe Morisot lúc đó rất tốt. Cô trở thành học trò của ông, ông tôn trọng cô với tư cách là một họa sĩ, và thậm chí cô còn làm người mẫu cho ông nhiều lần. Trong khi cả hai cùng có một sự say đắm dai dẳng dành cho nhau, một mối tình thực sự là không thể xảy ra (cả hai đều xuất thân từ những gia đình đàng hoàng, Manet đã kết hôn, và Morisot chỉ được gặp ông khi đi cùng một người quản giáo).

Berthe Morisot ngả mình (Berthe Morisot Reclining) (1867) là một trong hàng tá bức tranh vẽ nữ họa sĩ trẻ xinh đẹp mà Manet đã thực hiện xuyên suốt mối quan hệ rất mặn nồng của họ.

Một dịp nọ, Manet đã vẽ và cũng dạy cho cô gái trẻ Eva Gonzales. Morisot đã vô cùng đau lòng khi biết chuyện. Cuối cùng, để tránh mọi xáo trộn trong nội bộ gia đình, Morisot kết hôn với Eugène, em trai của Manet (người chắc chắn không có nhiều sức hút như Manet). Điều này đã kết thúc mối quan hệ cá nhân của họ một cách hiệu quả, vì Morisot không bao giờ ngồi làm mẫu cho ông vẽ nữa, nhưng cô ấy vẫn không ngừng là người ủng hộ nhiệt thành nhất của Manet.

Mô tả cuộc gặp gỡ giữa Monet, Zola, Bazille và Renoir, cùng những người khác, tất cả đều ngưỡng mộ Manet khi ông vẽ trong xưởng của riêng mình, bức tranh Một xưởng vẽ tại Batignolles (A Studio at Batignolles) (1870) của Fantin-Latour đã thể hiện tầm quan trọng của Manet đối với thế giới nghệ thuật hiện đại.

Sự tôn kính của Fantin-Latour đối với sức lôi cuốn của Manet đã được ghi lại trong bức tranh Studio tại Batignolles (A Studio at Batignolles) (1870)

Tuy nhiên, trong khi một số bạn bè của ông, như Monet, đến London để chạy trốn khỏi Chiến tranh Pháp-Phổ, Manet gia nhập Vệ binh Quốc gia. Các sự kiện chính trị trong vài năm tiếp theo buộc Manet phải rời khỏi Paris, chỉ trở lại trong thời gian ngắn trong cuộc đàn áp Versailles. Sau đó, ông buộc phải rời khỏi xưởng vẽ đã bị phá hủy của mình và đến dựng lại tại phố Saint-Petersburg vào năm 1872.

Manet lại khiến Salon tức giận vào năm 1875, với tác phẩm Argenteuil (1874) của ông, cho thấy một bảng màu sáng hơn và ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng của Monet. Với Argenteuil, Manet đã gửi cho Salon những gì về cơ bản là một tuyên ngôn của phong cách mới nổi, dành cho những người đã không tham dự cuộc triển lãm lớn của nhóm vào năm 1874.

Argenteuil (1874), sơn dầu trên toan

Năm 1876, Salon đã từ chối một số tác phẩm của ông, vì vậy Manet đã đáp lại bằng cách tổ chức một cuộc triển lãm khác tại xưởng vẽ của chính mình, thu hút hơn 4.000 khách tham quan. Và trong khi nhiều báo chí cho rằng sự từ chối của Salon là không công bằng, ông tiếp tục bị tẩy chay với lời từ chối sau đó vào năm 1877. Từ chối phục tùng Salon 1878 hoặc tổ chức triển lãm của riêng mình, Manet không tổ chức triển lãm gì trong năm đó và thay vào đó, đổi xưởng. Cũng trùng hợp là cùng năm đó, sức khỏe suy giảm bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của ông.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa hiện thực chủ nghĩa hiện đại Édouard Manet hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…