Édouard Manet (Phần 2)

Trong phần cuối cùng của loạt bài về Édouard Manet, người được mệnh danh là cha đẻ của Nghệ thuật Hiện đại, chúng ta sẽ tìm hiểu những năm cuối đời và di sản của ông. Đồng thời, chúng ta sẽ đi qua những tác phẩm nổi bật được xếp theo trình tự thời gian, trong sự nghiệp có phần ngắn ngủi chỉ kéo dài hơn hai thập kỷ cho tới khi người nghệ sĩ qua đời một cách đau đớn do bệnh tật ở tuổi 51.

  • Một người hoạ sĩ có thể nói tất cả những gì anh ta nói với quả, hoa và kể cả những đám mây… Bạn biết không, tôi nên muốn là Thánh Francis của tĩnh vật.
  • Không ai có thể là hoạ sĩ cho tới khi anh ta quan tâm tới hội họa hơn tất cả mọi thứ khác.
  • Chỉ có một điều chân thực duy nhất: ngay lập tức vẽ những gì bạn nhìn thấy. Khi bạn nắm bắt được nó, bạn sẽ có được nó. Khi bạn không làm được, bạn bắt đầu lại lần nữa. Tất cả những gì còn lại là mánh khoé phỉnh gạt.
  • Việc biết kỹ nghệ của bạn là chưa đủ – bạn cần phải có cảm xúc. Khoa học là rất tốt thôi, nhưng với chúng tôi trí tưởng tượng đáng giá hơn rất nhiều.

Những năm về sau

Sau một thời gian rời xa Paris để điều trị sức khỏe giảm sút của mình, tại Salon 1880, Manet đã được trao huy chương hạng 2, trao quyền cho ông vượt qua các vòng tuyển chọn và có cơ hội triển lãm lâu dài tại tất cả các Salon trong tương lai. Trong số các thành tựu sau này, vào năm 1881, Manet đã được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Legion of Honor, là danh hiệu cao nhất của Pháp, cả quân sự và dân sự, được thành lập vào năm 1802 bởi Napoléon Bonaparte và được tiếp tục duy trì bởi tất cả các chính phủ và chế độ Pháp sau này).

Đường tàu (The Railway) (1873) – Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C. Được biết đến rộng rãi là Nhà ga Saint-Lazare, đây là bức tranh cuối cùng Monet vẽ người mẫu yêu thích của mình, hoạ sĩ Victorine Meurent – người cũng làm mẫu cho cả Olympia và Bữa trưa trên cỏ. Bức tranh này đã được trưng bày tại Paris Salon năm 1874.

Tiếp tục cuộc đời của mình với tư cách là một flâneur, Manet đã ghi lại những thay đổi hiện đại trên đường phố Paris và cuộc sống của cư dân nơi đây. Các quán cà phê hoà nhạc (một dạng như hộp đêm ngày nay, với nhạc sống) là biểu tượng tuyệt vời cho những thay đổi này – nơi mà đàn ông và phụ nữ từ các cấp độ xã hội khác nhau có thể hòa mình làm quen với nhau, thưởng thức sự bầu bạn, đồ uống và giải trí. Lấy bối cảnh trong quán cà phê hoà nhạc yêu thích của mình, ông đã tạo ra một trong những tác phẩm được ca ngợi nhiều nhất, Quán bar tại Folies-Bergère (A Bar at the Folies-Bergere) (1881 – 82).

Café-Concert (1879) – Bảo tàng Walters Art, Baltimore, Mỹ. Một bức tranh điển hình của Manet vẽ thị dân Paris vào thời điểm fin-de-siècle. Ông gọi những bức tranh như này của mình là “những bức hoạ chân thành”. Nữ hầu bàn đang đứng uống bia, một người khách nữ đang ngồi và hút thuốc với nét mặt lo lắng trầm tư, người đàn ông bên cạnh thoải mái theo dõi người trình diễn (nữ ca sĩ ‘La Belle Polonaise’, được phản chiếu trong tấm gương ở hậu cảnh bức tranh) – ba hình tượng này tạo thành bố cục tam giác với các hướng nhìn khác nhau. Tổng thể bức tranh tạo cảm giác, giống như nhiều nghệ sĩ Ấn tượng cùng thời, giống một khung hình ảnh chụp nhanh và tự nhiên.

Manet tiếp tục vẽ chân dung phụ nữ, tĩnh vật, phong cảnh và hoa, ngay cả khi ở trên giường bệnh (ông đã không thể đến xưởng vẽ của chính mình trong những tháng cuối đời). Mắc chứng rối loạn thần kinh – rất có thể là do bệnh giang mai cấp ba – Manet đã có một cái chết kinh hoàng sau khi phải ngồi xe lăn vì bị hoại tử và thậm chí mất cả chân. Ông ấy chỉ mới 51 tuổi. Theo di chúc của mình, ông để lại tài sản của mình cho Suzanne và buộc cô phải để lại mọi thứ cho Leon sau khi cô qua đời, nhằm xác nhận Leon là con trai và người thừa kế của Manet.

Di sản của Édouard Manet

Sau khi ông qua đời, vợ và bạn bè của Manet đã cố gắng gìn giữ kí ức và di sản của ông, thông qua doanh số phi thường từ việc bán các bức tranh, sự công nhận từ chính phủ Pháp và việc xuất bản một số tiểu sử. Được nhiều nhà sử học nghệ thuật coi là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại, ảnh hưởng của Manet đối với chủ nghĩa hiện đại là vô cùng to lớn. Trong khi Manet có một sự nghiệp in dấu bởi cả sự vĩ đại và những tai tiếng, thì đời tư của ông bị chi phối nặng nề bởi khát khao được tôn trọng. Mặc dù sự nghiệp tương đối ngắn, kéo dài hơn hai thập kỷ, nhưng các tác phẩm của ông vẫn được trưng bày ở hầu hết các bảo tàng và phòng trưng bày quốc tế lớn.

Tự họa với bảng màu (Self-portrait with palette) (1879). Một bức tự hoạ được truyền cảm hứng bởi bức họa Las Meninas của Diego Velázquez nơi tác giả cũng miêu tả mình trong tạo dáng tương tự. Đây cũng là tự hoạ duy nhất của Manet mà ông miêu tả mình như một nghệ sĩ.

Nhà văn thế kỷ 19 Edmond de Goncourt là người đã có những lời tóm tắt đầy đủ nhất về ông: “Với Manet, người có kỹ thuật được tiếp nối và nâng tầm từ Goya, với Manet và tất cả các họa sĩ đã nối gót ông, những gì chúng ta sở hữu bây giờ là dấu chấm hết của tranh sơn dầu, hay nói rõ hơn là, bức tranh với độ trong suốt xinh xắn, có màu hổ phách, bóng bẩy và lóng lánh như kim cương, mà điển hình là bức Người phụ nữ trong chiếc mũ rơm (Le Chapeau de Paille) (1622 – 1625) của Rubens… Bây giờ chúng ta có tranh đục, tranh không bóng (matte painting), tranh như phấn, tranh với tất cả các đặc điểm của sơn đồ nội thất. Và mọi người đều đang làm như vậy, từ danh họa Raffaëlli đến một tay vẽ mới vào nghề nào đó của trường phái Ấn tượng.”

Các tác phẩm nổi bật

1862 – 63: Bữa trưa trên thảm cỏ

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Là tiêu điểm chính của Salon des Refusés vào năm 1863, khá rõ ràng tại sao bức tranh này lại gây sốc cho những nhà bảo trợ tư sản và với chính Hoàng đế. Sáng tác của Manet chịu ảnh hưởng của họa sĩ thời Phục hưng Giorgione và bức điêu khắc Phán quyết Paris (hậu Raphael) (The Judgment of Paris (after Raphael)) (1510 – 1520) của Raimondi. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này đã bị méo mó do việc Manet không thèm để tâm đến phối cảnh và sử dụng các nguồn ánh sáng không tự nhiên.

Nhưng trên hết, chính sự hiện diện của một người phụ nữ khỏa thân không mang tính lý tưởng hóa, thản nhiên giao tiếp với hai người đàn ông ăn mặc thời trang mới là tâm điểm của sự phẫn nộ đến từ công chúng. Ánh mắt của cô ấy nhìn thẳng vào người xem ở một mức độ gợi dục, nhưng thông qua cô ấy, Manet cũng đối chất công chúng, thách thức ranh giới đạo đức và thẩm mỹ đương thời.

1863: Olympia

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay (Musée d’Orsay)

Đại diện cho một cô gái bán dâm thuộc tầng lớp thấp hơn, tác phẩm Olympia của Manet đối chất người xem thuộc giới tư sản với một thực tế được che giấu, nhưng thực ra ai cũng biết đến. Vốn nhằm để khiêu khích, nó đã gây sốc cho người xem tại Salon 1865.

Các tham khảo của Olympia từ tác phẩm Nữ thần Vệ nữ Urbino (Venus of Urbino) (1538) của Titan và Nàng Maja khỏa thân (La Maja Desnuda) (1799 – 1800) của Goya dễ dàng khớp với thể loại “boudoir” (trong phòng ngủ, giường chiếu…) truyền thống, nhưng chúng đạt đến đỉnh cao ở đây trong một khắc hoạ chân dung thả lỏng và riêng tư của một người phụ nữ không xấu hổ về cơ thể của mình.

Người ta thường nghĩ rằng Olympia là một mô tả bằng hình ảnh của các đoạn trong tập thơ nổi tiếng của Baudelaire có tên Những bông hoa của tội ác (Les Fleurs du Mal) (1857). Ví dụ, Manet khá công khai thêm vào tác phẩm một con mèo đen, biểu tượng cho tính dục đẩy cao và mại dâm – một biểu tượng đặc trưng của Baudelarian.

1864: Trận chiến giữa tàu Kearsarge và tàu Alabama

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Mỹ

Kể từ những ngày còn là thành viên của Đội Thương thuyền Mỹ, Manet luôn say mê với biển cả. Bức tranh khác thường này, Trận chiến giữa tàu Kearsarge và tàu Alabama (The Battle of the USS “Kearsarge” and the CSS “Alabama”) được lấy cảm hứng từ các tài liệu văn bản và hình ảnh về trận Nội chiến Hoa Kỳ xảy ra ngoài khơi Cherbourg, nơi tàu Kearsarge của Liên minh đánh chìm tàu của Liên minh miền Nam Alabama.

Mặc dù không có gì mang tính cách mạng trong việc thể hiện những cảnh đương đại của các trận chiến trên biển, nhưng góc nhìn toàn cảnh truyền thống đã bị làm lệch đi bởi một điểm trọng tâm trên cao, như thể cảnh đó được ghi lại từ cột buồm của một con tàu đang quan sát. Bố cục được thể hiện khá phẳng với một chút chuyển màu của đại dương để thể hiện khoảng cách, tương tự như một tranh in của Nhật Bản.

1867 – 68: Cuộc hành quyết Hoàng đế Maximilian

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Kunsthalle Mannheim

Toàn nước Pháp đã sửng sốt trước vụ hành quyết Maximilian của Áo, Hoàng đế của Mexico, vào ngày 19 tháng 6 năm 1867. Động cơ chính trị đằng sau việc Napoléon III rút quân khỏi Mexico cũng khiến công chúng phẫn nộ. Bức tranh này rõ ràng là sự tỏ lòng kính trọng tới cảnh hành quyết tương tự mà Goya khắc họa trong bức Ngày 3 tháng 5 năm 1808 (The Third of May 1808) (1814) (trong đó Goya vẽ cảnh quân đội Pháp bắn những người dân Tây Ban Nha).

Manet là một đảng viên Cộng hòa nhiệt thành và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các sự kiện chính trị, và ở đây, ông đã tìm cách ghi lại các sự kiện đương đại như một họa sĩ lịch sử vĩ đại, nhưng với tầm nhìn hiện đại của riêng mình. Tuy nhiên, chủ đề của bức tranh quá nhạy cảm nên đã không được trưng bày vào thời điểm đó, đặc biệt là với hàm ý rõ ràng về tội ác của Napoléon III khi để Maximilian đội chiếc mũ sombrero (mũ vành rộng đặc trưng ở các nước Mỹ La tinh) và những người lính mặc quân phục Pháp. Tinh thần Lãng mạn và tông màu tĩnh tạo ra một khung cảnh rõ màu u ám, song đang xảy ra trong tức khắc.

1874: Chèo thuyền

Sơn dầu trên toan, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Manet đã vẽ nhiều tác phẩm dựa trên những chuyến thăm của ông đến Argenteuil, nơi ông và Renoir thường đến thăm Monet. Bức Chèo thuyền (Boating) này là một trong số đó. Độ phẳng của nền được tạo ra bằng cách lấp kín không gian bằng nước, làm cho hình dạng của chiếc thuyền trở thành cầu nối nhận thức duy nhất về không gian của bức tranh.

Manet thường tận dụng ánh sáng trên sông Seine vào sáng sớm, trên “studio nổi” của ông, được xây dựng riêng cho mục đích này. Những nét vẽ uyển chuyển, nhanh gọn trên chiếc váy của người phụ nữ cho thấy ông chịu ảnh hưởng từ những người bạn thuộc trường phái Ấn tượng.

1881 – 82: Quán bar tại Folies-Bergère

Sơn dầu trên toan, Phòng trưng bày Học viện Courtauld, London, Anh

Khung cảnh quán cà phê u sầu này chắc chắn là kiệt tác cuối cùng của Manet. Folies-Bergère là cà phê hòa nhạc nổi tiếng dành cho một đám đông thời trang và đa dạng. Khung cảnh quán bar sôi động được phản chiếu qua tấm gương đằng sau nhân vật trung tâm, cô gái buồn bã ở quán bar. Đôi mắt đẹp, mệt mỏi của cô lảng tránh tiếp xúc với người xem – người cũng đóng vai khách hàng trong cảnh này.

Phần lớn khung cảnh được tạo ra dựa trên một góc nhìn khiếm khuyết từ phản chiếu trong gương, song đây rõ ràng là sự quan tâm của Manet đến kỹ xảo và hiện thực. Trên mặt bàn bằng đá cẩm thạch là sự sắp xếp tĩnh vật tinh tế gồm những chai bia và rượu có thể nhận dạng được, những bông hoa, và những trái quýt, tất cả đều liệu trước những tĩnh vật trong hai năm cuối đời của ông.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

Édouard Manet hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi nghệ thuật hiện đậi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…