Edvard Munch (Phần 1)

Trong loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về một trong những hoạ sĩ tài năng nhất, gây tranh cãi nhất, có những tác phẩm độc đáo và tiến bộ nhất, trong thời kỳ chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, trong nền nghệ thuật phương Tây nói riêng và thế giới nói chung. Với một tâm hồn nhạy cảm đặc biệt tới phi thường, có thể nói khó có người thứ hai có thể khắc hoạ được sự lo âu dai dẳng đến ám ảnh suốt một cuộc đời thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp được bằng Munch.

“Tôi không tin vào thứ nghệ thuật không phải là kết quả tất yếu từ sự thôi thúc muốn mở lòng của người nghệ sĩ.” 

“Tôi đã cố giải thích với bản thân về cuộc đời và ý nghĩa của nó trong nghệ thuật của mình. Tôi cũng đã cố giúp người khác nhìn rõ cuộc sống của họ.”

“Tôi đã chịu đựng sự hành hạ của một cảm giác lo âu sâu sắc ngay từ khi tôi có thể nhớ được, nỗi lo âu ấy đã được tôi đã cố gắng thể hiện trong nghệ thuật của mình. Nếu không có lo âu và bệnh tật, tôi hẳn sẽ như một con tàu không bánh lái.”

Tóm lược về Edvard Munch

Edvard Munch là một họa sĩ làm việc sung mãn nhưng cũng là một người cả đời chìm trong rắc rối; ông bận tâm đến những vấn đề về sự hữu hạn của cuộc sống con người như bệnh mãn tính, sự giải phóng tình dục và khát vọng tôn giáo. Ông thể hiện những ám ảnh này qua các tác phẩm có màu sắc mãnh liệt, bán trừu tượng với chủ đề bí ẩn. 

Sau thành công rực rỡ của chủ nghĩa Ấn tượng Pháp, Munch tiếp nhận tính nhạy cảm giàu hình ảnh và tính biểu tượng hơn nhờ sự ảnh hưởng của Paul Gauguin. Tới lượt mình, ông trở thành một trong những họa sĩ gây tranh cãi nhất và sau cùng là nổi tiếng nhất giữa một thế hệ mới các họa sĩ chủ nghĩa Biểu hiện và Biểu tượng từ lục địa. 

Munch bắt đầu gặt hái thành công vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ đỉnh cao của phong trào Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) mà có đặc trưng tập trung vào những thứ hữu cơ, tiến hóa và có bản năng bí ẩn. Vẫn giữ lại những mô-típ này, nhưng dứt khoát thoát khỏi cách ứng dụng trang trí của họ, Munch xem thứ hữu hình như thể nó là một cửa sổ soi vào tâm lý chưa được hình thành đầy đủ của con người, nếu không muốn nói cơ bản là đáng lo ngại.

Chân dung tự hoạ của Munch thực hiện năm 1882 khi ông 21 tuổi.

Thành tựu

  • Edvard Munch lớn lên trong một gia đình thường xuyên bị bao vây bởi những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, đó là cái chết yểu của mẹ và chị gái ông. Cha của Munch, một người theo Cơ đốc chính thống, cho rằng tất cả những điều đó xảy ra là do Chúa trời trừng phạt. Ma trận mạnh mẽ những sự kiện bi kịch cùng lời giải thích do số phận của họ đã ảnh hưởng đến cuộc đời của người họa sĩ trẻ, và góp phần to lớn vào mối quan tâm của ông với những chủ đề như lo âu, nỗi đau cảm xúc và tình trạng dễ bị tổn thương của con người. 
  • Munch chủ định dùng màu sắc mãnh liệt, bán trừu tượng và thường với những chủ đề mở, bí ẩn như những biểu tượng có ý nghĩa phổ quát. Vì vậy những bức vẽ chì, vẽ màu và bức in đều có tính chất như những lá bùa tâm lý: xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của Munch, dù sao chúng cũng có sức mạnh thể hiện, và có lẽ giảm nhẹ bất kì tình trạng tâm lý hay cảm xúc nào của người xem.
  • Mối bận tâm thường trực trong tác phẩm của Munch với chủ đề tình dục xuất phát từ đánh giá phóng khoáng của ông, rằng tình dục là một công cụ giải phóng cảm xúc và thể xác khỏi lề lối của xã hội. Đồng thời, chủ đề đó cũng đến từ sự say mê với trải nghiệm tình dục của những người cùng thời với ông, cho rằng tình dục là một cửa sổ dẫn đến những khía cạnh trác tuyệt, đôi khi tối tăm hơn, của tâm lý con người.
  • Giống như một họa sĩ gần với thời của ông, Vincent van Gogh, Munch cố gắng ghi lại mối quan hệ giữa các chủ thể quan sát được từ xung quanh và từ nhận thức tâm lý, cảm xúc và/hoặc tâm linh của chính ông. 

Tiểu sử Edvard Munch

Tuổi thơ

Edvard Munch sinh năm 1863 trong một ngôi nhà trang trại mộc mạc tại làng Adalsbruk, Loten, Na Uy. Cha của ông, Christian Munch, là một bác sĩ hành nghề, kết hôn với Laura Catherine Bjolstad. Cả gia đình, gồm chị cả Johanne Sophie, em gái Laura Catherine, em út Inger Marie, và em trai Peter. Họ chuyển đến Oslo vào năm 1864, sau cuộc gặp gỡ của ông Christian với vai trò nhân viên y tế tại Pháo dài Akershus, một khu quân sự được sử dụng làm nhà tù vào thời đấy. 

Mẹ của Munch mất vì bệnh lao năm 1868, năm Inger Marie được sinh ra. Chưa đầy một thập kỉ tiếp theo, người chị yêu thích của Munch, Sophie, chỉ hơn ông một tuổi và là một họa sĩ trẻ tài năng, cũng mất vì căn bệnh lao. Từ đó cha của Munch, một người theo đạo Cơ đốc chính thống, trải qua những cơn trầm cảm và tức giận cũng như những thiên kiến dường như tâm linh mà khiến ông giải thích rằng bệnh tật của gia đình là do bề trên trừng phạt.

Christian Munch cầm tẩu thuốc (Christian Munch with Pipe) (1885). Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan. Đây là chân dung Munch vẽ cha của mình chỉ vài năm trước khi ông qua đời.

Chủ yếu do sự nghiệp quân y của Christian, gia đình họ di chuyển thường xuyên và sống khá nghèo khổ. Christian thường đọc cho các con nghe truyện ma của Edgar Allan Poe, cũng như những bài học lịch sử và tôn giáo, truyền cho cậu Munch nhỏ tuổi cảm giác lo âu (và sự say mê u ám) về cái chết. Thêm vào đó, hệ miễn dịch mỏng manh của Munch không phù hợp với mùa đông khắc nghiệt ở Scandinavia; bệnh tật triền miên khiến ông phải nghỉ học nhiều tháng liền. Để giết thời gian, Munch bắt đầu vẽ chì và vẽ màu nước.

Nghệ thuật trở thành mối quan tâm bền vững của Munch vào những năm thiếu niên. Năm mười ba tuổi, ông được tiếp xúc với các tác phẩm của Hiệp hội Nghệ thuật Na Uy non trẻ, và đặc biệt có cảm hứng với các bức tranh phong cảnh của nhóm. Trong quá trình sao chép lại những tác phẩm này, ông đã tự dạy mình kĩ thuật vẽ tranh sơn dầu.

Đào tạo thuở ban đầu

Mùa đông ở Sognefjord (Winter at the Sognefjord) (1827) của Johan Christian Dahl. Bảo tàng quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc, và Thiết kế, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan. Một trong những tranh phong cảnh hoạch định ra nền hội hoạ của Na Uy, với âm hưởng ảnh hưởng rất rõ ràng của Trác tuyệt Lãng mạn kiểu Caspar David Friedrich.

Vào những năm 1880, khi đi tìm một lối sống tự do phóng túng, không theo khuôn phép, Munch phát hiện những tác phẩm của một triết gia theo chủ nghĩa vô chính phủ, Hans Jæger, trưởng một nhóm được gọi là “Kristiania-Boheme” (như một nguyên tắc chính của chương trình nghị sự chống giai cấp tư sản lớn hơn, nhóm này ủng hộ hành vị tự do tình dục, hay “yêu đương tự do” (free love) và bãi bỏ hôn nhân). Munch và Jæger kết thân với nhau, và Jæger khuyến khích ông vẽ nhiều hơn từ trải nghiệm của riêng mình. Tác phẩm Đứa trẻ ốm (The Sick Child) (1885-1886), một tác phẩm đầy u buồn được sáng tác nhằm tưởng nhớ người chị đã khuất của Munch, Sophie, nói lên ảnh hưởng sâu sắc của Jæger đối với Munch tại thời điểm này. Khi bức tranh được trưng bày tại Một nghiên cứu (A Study) ở Kristiania vào năm 1886, nó bị chỉ trích bởi các nhà phê bình cũng như đồng nghiệp của chính Munch vì những tính chất quá đỗi khác thường của nó, chẳng hạn như bề mặt tranh xước xác và vẻ ngoài nhìn chung như chưa hoàn thiện.

Năm 1889, Munch đến Paris theo dạng học bổng nhà nước để học tại xưởng vẽ của Leon Bonnat. Bức tranh Buổi sáng (Morning) (1884) của ông được trưng bày tại gian triển lãm Na Uy thuộcTriển lãm Quốc tế (Exposition Universelle) cùng năm đó. 

Munch bắt đầu vẽ ở Paris theo những họa sĩ trường phái Ấn tượng như Manet, và họa sĩ trường phái Hậu Ấn tượng Gauguin, van Gogh, và Toulouse-Lautrec, những người có những tác phẩm nhẹ nhàng đôi khi rất khác với chủ đề thường thấy của Munch, về cái chết và mất mát cá nhân. Cũng năm đó, cha của Munch qua đời. Đó là một sự kiện bi kịch đã truyền cho người họa sĩ một niềm hứng thú mới về tâm linh và biểu tượng. Điều này được chứng minh trong bức tranh nghiền ngẫm về một căn phòng trống, Đêm ở St. Cloud (Night in St. Cloud) (1890), được vẽ để tưởng niệm Christian Munch.

Buổi sáng (Morning) (1884) của Munch. KODE, Quần thể các bảo tàng Nghệ thuật và Nhà của nhà soạn nhạc (KODE, Art Museums and Composer Homes), Bergen. Na Uy. Sơn dầu trên toan.
Đêm ở St. Cloud (Night in St. Cloud) (1890). Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật, Kiến trúc, và Thiết kế, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan.

Thời kỳ trưởng thành

Năm 1892, Hiệp hội các họa sĩ Berlin mời Munch trở thành tác giả của buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của Hiệp hội. Các tác phẩm được trưng bày gây ra nhiều tranh cãi do màu sắc cấp tiến và chủ đề u buồn nên buổi triển lãm đã bị đóng cửa sớm. Munch tận dụng âm hưởng của dư luận và kết quả là sự nghiệp của ông nở rộ. Một năm sau đó, ông trưng bày một nhóm bảy bức tranh về tình yêu ở Berlin. Nhóm bức tranh này sau đó phát triển thành một chuỗi tranh lớn hơn, nổi tiếng hơn là Phù điêu của Cuộc sống – Bài thơ về Cuộc sống, Tình yêu và Cái chết (Frieze of Life – A Poem about Life, Love, and Death) (1893).

Chuỗi tranh này và các tác phẩm liên quan được Munch sáng tác vào những năm 1890, giai đoạn có ý nghĩa nhất về mặt nghề thuật và nổi tiếng nhất trong cả sự nghiệp của ông. Munch lúc này liên tiếp cho ra các tác phẩm đặc trưng của ông như Tiếng hét (The Scream) (1893), Tình yêu và Nỗi đau (Love and Pain) (1893-94), Tro bụi (Ashes) (1894), Thánh mẫu (Madonna) (1894-95) và Dậy thì (Puberty) (1895). 

Tình yêu và Nỗi đau (Love and Pain) (1893-94). Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan
Ashes (Tro bụi) (1893). Phòng trưng bày quốc gia của Na Uy, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan.

Tuy những tác phẩm này chỉ là một phần trong những tác phẩm hay nhất như tuôn trào ra của Munch, chúng đều gợi lên nỗi buồn sâu sắc, thơ mộng đặc trưng của ông dựa trên những chủ đề về sự cô lập, cái chết và sự ngây thơ bị mất đi. Vào những năm 1890, Munch bắt đầu sở thích chụp ảnh, mặc dù ông chưa bao giờ xem phương tiện này có giá trị nghệ thuật tương đương với hội họa hoặc in ấn.

Thời kỳ sau này

Năm 1908, sau giai đoạn sinh sống tại Berlin rồi trở lại Paris, Munch bị suy sụp tinh thần. Một cuộc sống phóng túng với những pha nhậu nhẹt vô độ, những vụ gây hấn cùng nỗi đau và lo âu gây ra bởi cái chết của em gái mình và cha đã gây tác động nghiêm trọng lên Munch. Munch được đưa vào một bệnh viện ở Copenhagen. Trong suốt tám tháng ở đó, ông buộc phải tuân theo chế độ ăn uống nghiêm ngặt và nhận phác độ điều trị “điện khí hóa”. Tuy nhập viện, Munch đã sáng tác một chuỗi tranh in thạch bản, Alpha và Omega (Alpha and Omega) (1908), mô tả mối quan hệ của người họa sĩ với nhiều bạn bè và kẻ thù của mình.

Munch được xuất viện vào năm sau đó và, như lời bác sĩ khuyên, ông lập tức trở về Na Uy sống một cuộc sống cô lập yên tĩnh. Rồi thì Munch được truyền cảm hứng từ phong cảnh của Na Uy và các hoạt động thường nhật của nông dân và người lao động. Phản ánh một góc nhìn tích cực mới mẻ, tác phẩm của Munch từ giai đoạn này có bảng màu sáng hơn (gồm không gian âm hay trắng, một tính chất hầu như không tìm thấy trong các tác phẩm trước), nét vẽ lỏng lẻo, và chủ đề thì xoay quanh cuộc sống, lao động và giải trí trên trang trại. Một số tác phẩm đại diện cho thời kỳ này là Mặt trời (The Sun) (1912), Cày bừa vụ xuân (Spring Ploughing) (1916) và Người đàn ông đang tắm (Bathing Man) (1918).

Mặt trời (Sun) (1911-12). Bộ sưu tập của Đại học Oslo. Sơn dầu trên toan.
Cày bừa vụ xuân (Spring Ploughing) (1916). Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy. Sơn dầu trên toan.
Người đàn ông đang tắm (Bathing Man) (1918). Bảo tàng quốc gia về Nghệ thuật, Kiến trúc, và Thiết kế. Sơn dầu trên toan.

Munch tiếp tục vẽ về cuộc sống thường ngày và trải nghiệm cá nhân của mình, lúc này đã tránh xa chủ đề mất mát và chết chóc. Chỉ trừ một ngoại lệ là Munch tập trung vào sự hữu hạn của đời sống chính mình, như được phản ánh trong một vài bức chân dung tự họa ảm đạm của những năm 1930 và 1940. Thêm vào đó, ông vẽ nhiều tranh phong cảnh hơn ở dạng vẽ chì và màu.

Một chân dung tự hoạ của Munch vào khoảng năm 1930-33

Năm 1940, Na Uy bị Nazi xâm chiếm; sau đó, nhiều bức vẽ của Munch bị Hitler cho là “suy đồi” và bị gỡ bỏ khỏi bảo tàng ở Đức. Trong số tám mươi hai tác phẩm bị tịch thu trong chiến tranh, bảy mươi mốt bức (bao gồm Tiếng thét) cuối cùng được cứu bởi những nhà sưu tập, các nhà hảo tâm người Na Uy và trả về quê hương Na Uy của Munch.

Vào tuổi tám mươi, với thị giác đã đi xuống kể từ gần chục năm trước và căn bệnh kéo dài do một vụ nổ của một nhà máy sản xuất nơi khu phố ông ở, Munch qua đời tại thị trấn Ekeley, ngay ngoại ô Oslo.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

artist chủ nghĩa Ấn tượng Pháp chủ nghĩa biểu hiện Edvard Munch hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…