Edvard Munch (phần 2) - Các tác phẩm nổi bật

Trong phần hai cũng là phần cuối của loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về di sản và những cột mốc sự nghiệp của ông thể hiện qua các tác phẩm nổi bật được xếp theo trình tự thời gian, nhưng tất nhiên cũng chỉ có thể bộc lộ một phần rất nhỏ trong kho tác phẩm đồ sộ mà ông để lại.

“Tôi sẽ không còn vẽ những cảnh trong nhà với đàn ông đọc sách và đàn bà đan len. Tôi sẽ vẽ người sống đang thở, cảm nhận, chịu đựng và yêu thương.”

“Từ khi sinh ra, những thiên thần của lo âu, lo lắng, và cái chết luôn sát cánh bên tôi, theo tôi mỗi khi tôi vui chơi, theo tôi trong ánh nắng của mùa xuân và trong sự rực rỡ của mùa hè.”

“Chiếc máy ảnh không thể nào so được với cọ vẽ và bảng màu vì nó không thể được sử dụng ở thiên đàng hay địa ngục.”

Di sản của Edvard Munch

Munch đã tác động sâu sắc đến những họa sĩ ở châu Âu và Mỹ kế cận, kể cả khi phong cách đặc biệt của ông bị lỗi thời nhanh chóng sau Thế chiến I. Những họa sĩ người Đức tiên phong trong chủ nghĩa Biểu hiện như Kirchner, Kandinsky, Beckmann, và những họa sĩ khác quan tâm đến việc biểu hiện tâm lý cá nhân qua màu sắc mãnh liệt và bán trừu tượng tìm thấy nguồn cảm hứng dồi dào từ những bức toan sầu mặc nhưng chát chúa của Munch. Màu sắc u ám, cộng hưởng với nhau cũng như việc ông thể hiện hình ảnh con người bằng các sắc độ bán trừu tượng, sẽ chứng minh những cột mốc biểu hiện và phong cách lâu dài của chủ nghĩa Biểu tượng, Biểu hiện, Dã thú và thậm chí cả Siêu thực. Ảnh hưởng rộng lớn của Munch thậm chí còn thấy được ở tác phẩm của một họa sĩ lâu sau này nữa, ví dụ như Francis Bacon, người có tranh chân dung phản ánh tâm lý bất ổn của người mẫu thể hiện qua nét mặt và cơ thể bị kéo lệch. 

Sau cái chết của ông năm 1944, người ta biết được rằng Munch đã để những tác phẩm còn lại của mình cho thành phố Oslo. Với số lượng khoảng 1.100 bức tranh màu, 4.500 tranh vẽ phác và 18.000 tranh in, bộ sưu tập đã tạo ra một bảo tàng cho chính Munch từ năm 1963. Tại đó, chúng sẽ mãi là minh chứng cho di sản lâu dài của Munch.

Các tác phẩm nổi bật

1885-86: Đứa trẻ ốm 

Tranh sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Tate, London, Na Uy

Đứa trẻ ốm (The Sick Child) là một trong những tác phẩm đầu tiên của Munch, được người họa sĩ xem là “một bước đột phá” vì đã ra tiếng nói đặc trưng cho đoạn đầu sự nghiệp của ông. Trong đó, cái chết, sự mất mát, nỗi lo âu, sự điên dại, và những mối bận tâm của một linh hồn chật vật là chủ đề chính của ông. 

Được vẽ cho người chị đã khuất của ông, Johanne Sophie, bức tranh mô tả một thiếu nữ 15 tuổi nằm liệt giường với một phụ nữ đang thương khóc bên cạnh cô gái. Người phụ nữ này có lẽ cũng đại diện cho mẹ của Munch, người đã ra đi trước Sophie mười một năm trước đó với cùng căn bệnh lao. 

Nét vẽ thô ráp, bề mặt trầy xước và tông màu u sầu của bức tranh này đều thể hiện sự tưởng niệm cá nhân cao. Tác phẩm bị chỉ trích nhiều vì “vẻ ngoài chưa hoàn thiện” của nó khi mới được trưng bày, nhưng dù sao nó cũng được cố vấn tinh thần của Munch, Hans Jæger, xem là một thành tựu xuất sắc.

1890: Đêm ở St. Cloud

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, Oslo, Na Uy

Nếu Đứa trẻ ốm là sự tưởng nhớ đầy yêu thương cho chị gái yêu thích của Munch, Johanne Sophie, thì Đêm ở St. Cloud (Night in St. Cloud) là sự tưởng niệm phức tạp và đen tối hơn rất nhiều của người họa sĩ dành cho cha mình, người đã chết vào năm trước đó. Được sáng tác không lâu sau khi Munch đến Paris, Đêm ở St. Cloud tiết lộ sự ảnh hưởng trực tiếp của hai họa sĩ chủ nghĩa Hậu Ấn tượng Van Gogh và Toulouse-Lautrec. Nhiều chân dung của họ là về những con người đơn độc hoặc căn phòng trống đã giúp tạo ra bức tranh này. 

Sự tưởng nhớ của Munch dành cho cha bao gồm một căn phòng tối tăm, có vẻ linh thiêng, được tắm trong ánh hoàng hôn, thực sự là một không gian chỉ có bóng tối và sự tĩnh lặng ngự trị. Cách thể hiện của bức tranh phù hợp với quan hệ căng thẳng của hai cha con họ. Trong những bức tranh khác tập trung vào cái chết, Munch vẽ chủ thể hiện hữu rõ ràng; tuy nhiên, trong bức này, cái chết của cha ông được khơi gợi chỉ qua cảm giác bỏ rơi lạnh lẽo. Đáng chú ý là, tác phẩm này là điềm báo cho thời kỳ Xanh của họa sĩ Pablo Picasso. 

1893: Tiếng thét 

Sơn dầu, màu keo và phấn màu trên bìa cứng – Phòng trưng bày Quốc gia, Oslo, Na Uy

Tầm quan trọng vượt trội của bức Tiếng thét (The Scream) trong biên niên sử nghệ thuật hiện đại là một tuyên bố không hề là bị nói quá chút nào. Bức tranh nằm trong một nhóm riêng biệt, trong đó có bức Bầu trời sao (Starry Night) của Van Gogh, Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) của Picasso, và Xưởng vẽ màu đỏ (The Red Studio) của Matisse. Nhóm đó gồm những tác phẩm tinh hoa của cuộc thử nghiệm trường phái hiện đại và sự đổi mới lâu dài. Sự uyển chuyển trong nét vẽ xiên và dọc của Munch như tiếng vọng của bầu trời và mây trong bức Bầu trời sao, nhưng người ta cũng có thể thấy những yếu tố thẩm mỹ của chủ nghĩa Dã thú, Biểu hiện, và có lẽ cả Siêu thực xuất phát từ cùng một bề mặt này. 

Họa sĩ nảy ra hình dung về bối cảnh của bức Tiếng thét khi đi dọc một con đường nhìn ra thành phố Oslo, có vẻ là khi Munch đến hoặc rời khỏi bệnh viện tâm thần mà em gái của ông, Laura Catherine, đã thực tập. Không ai biết liệu người họa sĩ có thực tế nhìn thấy một ai đó đang đau khổ hay không, nhưng điều này có vẻ khó xảy ra; như Munch sau đó hồi tưởng lại, “Tôi đang đi bộ trên đường với hai người bạn khi hoàng hôn xuống, thì đột nhiên, bầu trời chuyển sang màu đỏ như máu. Tôi dừng lại và dựa vào hàng rào… người run rẩy sợ hãi. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng kêu rất lớn và vô hạn của thiên nhiên.”

Đây là một trong hai phiên bản vẽ màu của Tiếng hét mà Munch đã sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ 20; bức còn lại (khoảng 1910) hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Munch, Oslo. Ngoài những phiên bản vẽ màu này, còn có một phiên bản phấn màu và một bản in thạch bản.  

1894-95: Madonna

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, Oslo, Na Uy

Ra đời cùng thời gian với Tiếng thét, bức Madonna của Munch được vẽ với nét cọ mềm hơn và chất màu khá dịu nhẹ. Munch mô tả Nữ Đồng Trinh Maria không hề tuân theo các cách thể hiện “lịch sử” trước đây về đức mẹ của Chúa Giê-su – từ chủ nghĩa Tự nhiên của thời kỳ Phục hưng đến chủ nghĩa Hiện thực của thế kỷ 19. Với một chút e lệ toát ra từ đôi mắt nhắm nghiềm, người phụ nữ khỏa thân có vẻ như đang trong cơn ân ái, cơ thể cô uốn nhẹ và cong về phía ánh sáng không rõ ràng. 

Nếu miêu tả một cách bất kính về Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Madonna của Munch thực có thể là một tác phẩm theo chủ nghĩa Hiện đại. Vầng hào quang màu đỏ trên đầu Đức Mẹ trái với vầng hào quang màu trắng hoặc vàng, cho thấy niềm đam mê mạnh mẽ phù hợp với cách thể hiện của thời Baroque về cùng chủ đề, và loại bỏ bất kỳ thước đo thận trọng tôn giáo nào. 

Tuy bản thân người họa sĩ chưa bao giờ hoàn toàn tuân theo sự say mê tôn giáo và lời dạy của cha mình, tác phẩm này cho thấy rõ ràng sự tranh cãi không ngừng của Munch về bản chất chính xác về tâm linh của chính mình.

1894-95: Dậy thì

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, Oslo, Na Uy

Đau đớn, lo âu, và mất mát là những chủ đề xuyên suốt trong cuộc đời của Munch, nhưng có lẽ không bức nào có thể kết hợp chúng lại với nhau mạnh mẽ được như bức Dậy thì (Puberty), một bức chân dung về tuổi niên thiếu và sự cô lập. 

Một nhân vật nữ đơn độc và cảnh giác cho thấy trạng thái trầm cảm và thất vọng về tình dục – cả hai đều gây phiền não cho người họa sĩ cả đời trong khi người con gái, mặc dù trông có vẻ ngại ngùng (đánh giá qua tư thế của cô), lại cho thấy điều ngược lại qua cái nhìn thắng thắn của mình. Cái bóng thấp thoáng đằng sau cô ám chỉ sự ra đời của một sinh vật có tri giác đáng lo ngại, có lẽ là bóng ma ám lấy căn phòng của cô, và nếu thực vậy, nó không phải là tính cách rạng rỡ của chính cô. 

Tính chất thẩm mỹ của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng hiện diện khá rõ trong tác phẩm của Munch lúc bấy giờ, nhưng điều khiến tác phẩm của ông khác biệt là yếu tố mạnh mẽ của chủ nghĩa Biểu tượng. Munch vẽ không nhất thiết là điều ông thấy được, mà điều ông cảm thấy trước mắt. Trên thực tế, Munch thường vẽ từ trí tưởng tượng của mình hơn là từ cuộc sống, nhưng ở đây, chi tiết không đặc trưng của cơ thể người con gái – đặc biệt là xương quai xanh được nhiều bằng chứng cho thấy rằng, ít nhất trong trường hợp này, Munch đã sử dụng người mẫu. 

1918: Cày bừa vụ xuân

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy

Những năm sau khi Munch xuất viện, người họa sĩ đã thoát khỏi lối sống say xỉn, nhậu nhẹt và dành hàng ngày cho nghệ thuật và cho miền quê của quê hương ông. Trong khi có thời điểm người họa sĩ gọi những bức tranh của mình là “con của tôi”, thì lúc này ông đã bắt đầu gọi chúng là “con của tôi cùng với thiên nhiên”. Nguồn cảm hứng mới mẻ này, hiện diện trong tá điền, động vật, và phong cảnh Na Uy, đưa nghệ thuật của Munch đi theo một hướng rẽ hoàn toàn mới, tôn vinh cuộc sống và lao động hơn là lo lắng và mất mát. Trong bức Cày bừa vụ xuân (Spring Ploughing), người ta có thể thấy cảm hứng Munch có được từ người họa sĩ nhỏ tuổi hơn rất nhiều Franz Marc. Những tác phẩm theo chủ nghĩa Biểu hiện của Marc ban đầu lại được lấy cảm hứng từ Munch – người có thiên hướng vẽ động vật trong môi trường tự nhiên của chúng.

Thời kỳ tạo ra các tác phẩm Biểu tượng kiêm Biểu hiện thực sự nguyên bản của Munch đã trôi qua, thấy được qua các tác phẩm tương tự vào cùng thời gian và chủ đề ngây thơ của chúng. Tuy nhiên, độ chín trong nét vẽ và bảng màu của bức tranh là minh chứng cho đôi tay của một bậc thầy. 

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Edvard Munch Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…