Georges Braque

“Braque được nhớ đến như một ông tổ của chủ nghĩa Lập thể…”, nhưng dường như là lép vế hơn Pablo Picasso – người bạn, người đồng chí thân thiết sát cánh cùng ông trong chặng đầu khai mở ra trào lưu có ảnh hưởng cực lớn tới toàn bộ nghệ thuật hiện đại này. Tuy nhiên, thực tế là, Braque lại là người trung thành hơn với Lập thể và đi sâu hơn vào nó, trong khi Picasso nhanh chóng nhảy từ phong cách này qua phong cách khác, và trở nên cực kỳ nổi tiếng, một ngôi sao. Trong bài này, ta tìm hiểu về Braque, “một hình mẫu của tất cả mọi thứ đó là kỹ năng, sự an tĩnh, và sự phản ánh” – theo như lời của hoạ sĩ Siêu thực bậc thầy Joan Miró.

  • “Sự thật tồn tại sẵn, chỉ có sự giả dối cần phải được phát minh ra.”
  • “Một người không được bắt chước điều mà anh ta muốn tạo ra.”
  • “Một người nói về màu sắc như thế nào?… Những người mà có mắt đều biết từ ngữ không liên quan tới những gì anh ta thấy được.”
  • “Làm việc từ tự nhiên là sự ứng biến.”
  • “Một người cần cẩn thận trước một công thức đa dụng mà sẽ phục vụ để diễn giải những nghệ thuật khác cũng như thực tại, và việc đó thì thay bằng sáng tạo thì chỉ có thể sản xuất ra một phong cách, hay đúng hơn là sự phong cách hoá.”
  • “Nghệ thuật được tạo ra là để làm người ta rối trí, khoa học để trấn an.”

Tóm lược về Georges Braque

Georges Braque là người đi đầu trong trào lưu nghệ thuật Lập thể đầy cách mạng. Tác phẩm của Braque trong suốt đời ông xoay quanh tĩnh vật và các phương tiện để nhìn các đối tượng từ nhiều góc độ khác nhau thông qua màu sắc, đường nét, và cấu trúc bề mặt. Trong khi người ta chủ yếu biết tới sự hợp tác của ông với Pablo Picasso và các tác phẩm Lập thể của họ, Braque thực tế đã có một sự nghiệp hội họa dài tiếp tục vượt ra khỏi thời kỳ đó.

Thành tựu

  • Mặc dù Braque khởi đầu với tư cách là một thành viên của Trường phái Dã Thú, ông bắt đầu phát triển phong cách Lập thể sau khi gặp Pablo Picasso. Trong khi các bức tranh của họ có nhiều điểm tương đồng về bảng màu, phong cách và chủ đề, Braque tuyên bố rằng, không giống như Picasso, tác phẩm của ông “không có phê bình mang tính biểu tượng học,” và đơn thuần chỉ quan tâm đến không gian hình ảnh và bố cục.
  • Braque tìm kiếm sự cân bằng và hài hòa trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là thông qua papier collés, một kỹ thuật cắt dán giấy mà Picasso và Braque đã phát minh ra vào năm 1912. Tuy nhiên, Braque đã tiến thêm một bước nữa bằng việc dán các quảng cáo cắt sẵn vào các bức tranh của mình. Điều này báo trước các phong trào nghệ thuật hiện đại liên quan đến phê bình truyền thông, chẳng hạn như nghệ thuật Đại chúng.
  • Braque dùng khuôn các con chữ để tô chúng lên các bức tranh, pha trộn hạt màu với cát, sao chép vân gỗ và đá cẩm thạch để đạt được các mức độ chiều kích không gian đa dạng trong các bức tranh của mình. Những mô tả của ông về tĩnh vật trừu tượng đến mức chúng trở thành những mẫu hoa văn mà thể hiện bản chất của các đối tượng được nhìn hơn là những đại diện trực tiếp.
Giấy dán (Papiers collés) (1955).

Tiểu sử của Georges Braque

Thời thơ ấu

Từ khi còn nhỏ, Georges Braque đã được hướng dẫn về kỹ thuật vẽ tranh sáng tạo. Cha của ông quản lý một cơ sở kinh doanh tranh trang trí và có lẽ hứng thú của Braque đối với họa tiết và xúc giác nhạy bén đến từ việc ông làm việc với tư cách là một nhà trang trí. Năm 1899, ở tuổi mười bảy, Braque chuyển từ Argenteuil đến Paris, cùng với những người bạn của mình là Othon Friesz và Raoul Dufy.

Đào tạo ban đầu

Những bức tranh đầu tiên của Braque được vẽ theo phong cách Dã thú. Từ năm 1902-1905, sau khi từ bỏ công việc trang trí để theo đuổi hội họa toàn thời gian, ông theo đuổi ý tưởng Dã thú và phối hợp với Henri Matisse. Ông đã đóng góp những bức tranh Dã thú đầy màu sắc của mình cho cuộc triển lãm đầu tiên của mình tại Salon des Independants vào năm 1906. 

Cây ô-liu gần Estaque (L’Olivier près de l’Estaque) (1906). Một tác phẩm thuộc trường phái Dã thú của Georges Braque.

Tuy nhiên, chuyến thăm xưởng vẽ của Pablo Picasso vào năm 1907 để chiêm ngưỡng tác phẩm đột phá Những quí cô vùng Avignon (Les Demoiselles d’Avignon), đã tạo ảnh hưởng vô cùng sâu sắc lên Braque. Sau cuộc gặp gỡ này, hai nghệ sĩ đã nhóm lên một tình bạn thân thiết và tình đồng chí về mặt nghệ thuật. “Chúng tôi sẽ gặp nhau mỗi ngày,” Braque kể, “để thảo luận và đánh giá những ý tưởng đang thành hình, cũng như để so sánh các tác phẩm tương ứng của chúng tôi”. 

Sự thay đổi mạnh mẽ trong phong cách hội họa của Braque có thể quy lý do trực tiếp từ Picasso. Khi đã hiểu các mục tiêu của Picasso, Braque nhắm đến việc tăng cường “các yếu tố mang tính xây dựng trong các tác phẩm của ông đồng thời loại bỏ những biểu hiện thái quá của chủ nghĩa Dã thú”. 

Những bức tranh phong cảnh của ông mà trong đó các khung cảnh được chắt lọc thành những hình khối và màu sắc cơ bản đã truyền cảm hứng cho nhà phê bình nghệ thuật người Pháp, Louis Vauxcelles, đặt ra thuật ngữ Lập thể bằng cách mô tả tác phẩm của Braque là “những khối lập phương kỳ quái”. Trong thời gian trước chiến tranh đầy năng suất này, Braque (cùng với Picasso) đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là thông qua việc khám phá chủ nghĩa Lập thể – thông qua cái gọi là các giai đoạn Phân tích và Tổng hợp của phong trào.

Cầu cạn ở Estaque (Viaduc à l’Estaque) (1908) – Trung tâm Georges Pompidou, Paris, Pháp. Sơn dầu trên toan.

Thời kỳ trưởng thành

Braque và Picasso làm việc đồng nhịp mãi cho đến khi Braque trở về từ chiến tranh năm 1914. Khi Picasso bắt đầu vẽ hình tượng người (tham gia cái thứ biết đến là Chủ nghĩa cổ điển giữa các cuộc chiến), Braque cảm thấy bạn mình đã phản bội hệ thống và quy tắc Lập thể của họ, và tiếp tục con đường một mình. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm của Picasso, đặc biệt là liên quan đến papier collés, một kỹ thuật cắt dán được cả hai nghệ sĩ tiên phong sử dụng, chỉ với giấy phết keo.

Cắt dán của Braque có các hình dạng hình học bị ngắt đoạn bởi các nhạc cụ, những quả nho hoặc đồ nội thất. Chúng rõ không gian ba chiều đến mức được coi là quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc Lập thể. Đến năm 1918, Braque cảm thấy mình đã khám phá đủ các tác phẩm nghệ thuật cắt dán giấy, và quay trở lại với tranh tĩnh vật.

Bát trái cây và chiếc cốc (Compotier et verre) (1912) là bức tranh cắt dán giấy đầu tiên của Georges Braque. Hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.

Người xem nhận thấy đến một bảng màu hạn chế hơn tại buổi triển lãm cá nhân đầu tiên hậu chiến tranh của Braque vào năm 1919. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định tuân thủ các quy tắc Lập thể về việc mô tả các đối tượng từ các góc nhìn đa diện theo những cách với mô-típ hình học. Theo đó, ông tiếp tục là một nhà Lập thể thực thụ lâu hơn Picasso, người có phong cách, chủ đề và bảng màu thay đổi liên tục. Braque quan tâm nhất đến việc thể hiện các vật thể trông như thế nào khi được nhìn theo thời gian trong các không gian thời gian và mặt phẳng hình ảnh khác nhau. Như một kết quả của lòng tận tụy của mình trong việc mô tả không gian theo nhiều cách, ông đã tự nhiên hướng tới việc thiết kế các bộ và từng trang phục cho các buổi biểu diễn sân khấu và múa ba lê, trong suốt những năm 1920.

Một thiết kế cho trang phục biểu diễn ballet của Braque vào năm 1924, hiện nằm tại V&A South Kensington, nước Anh.

Những năm cuối đời và cái chết

Năm 1929, Braque trở lại với tranh phong cảnh một lần nữa, sử dụng những màu sắc tươi sáng mới do chịu ảnh hưởng của Picasso và Matisse. Sau đó, vào những năm 1930, Braque bắt đầu vẽ chân dung các anh hùng và vị thần Hy Lạp, mặc dù ông tuyên bố rằng các chủ thể đã bị tước bỏ tính biểu tượng của chúng và phải được nhìn bằng một lăng kính hình thức thuần túy. Ông gọi những tác phẩm này là những luyện tập về thư pháp (phương Tây), có thể vì chúng không hoàn toàn về hình mà thiên về đường nét và hình dáng tuyệt đối. Vào nửa sau của những năm 1930, Braque bắt tay vào vẽ loạt tranh Vanitas của mình, qua đó ông đưa vào một cách hiện sinh cái chết và đau khổ. Ngày càng bị ám ảnh bởi tính chất vật lý trong các bức tranh của mình, ông đã khám phá những cách mà nét vẽ và chất lượng sơn có thể cải thiện đề tài của ông.

Vanitas I (1938) – Bảo tàng Kreeger, Washington, Mỹ. Sơn dầu trên toan.

Những đồ vật được sử dụng trong tĩnh vật của ông mang tính cá nhân cao đối với Braque, tuy nhiên, ông không tiết lộ những ý nghĩa này. Ví dụ, những chiếc đầu lâu là những đồ vật mà ông đã vẽ nhiều lần vào đầu Thế chiến thứ hai. Năm 1944, khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Braque bắt đầu đón nhận những đồ vật nhẹ nhàng hơn như hoa, bàn bi-a và ghế trong vườn. Loạt tám bức tranh sơn dầu cuối cùng của ông được thực hiện từ năm 1948-1955, mỗi bức mang tên Xưởng vẽ (Atelier) mô tả hình ảnh đại diện cho suy nghĩ bên trong của nghệ sĩ về mỗi vật thể hơn là manh mối về thế giới bên ngoài. Vào cuối đời, Braque đã nhiều lần vẽ những chú chim, như một biểu tượng hoàn hảo cho nỗi ám ảnh về không gian và chuyển động của ông.

Georges Braque bên cạnh một trong những bức Xưởng vẽ của mình, trong xưởng vẽ của mình.

Di sản của Georges Braque

Braque được nhớ đến như một ông tổ của chủ nghĩa Lập thể, người vừa lý trí vừa nhạy cảm trong các bức tranh tĩnh vật của mình. Theo nghĩa này, ông là một họa sĩ cổ điển và đã ảnh hưởng đến những người như Jim Dine và Wayne Thiebaud, những người tập trung vào tranh tĩnh vật. Braque cũng là một nhà dụng màu đáng hoan nghênh, và có thể truy dấu trong nghệ thuật đương đại cho tới những họa sĩ làm việc với màu sắc theo những cách tương tự. Có lẽ Braque được nhớ đến nhiều nhất với việc sử dụng nghệ thuật cắt dán, vì nhiều nghệ sĩ đương đại, từ nhà điêu khắc như Jessica Stockholder đến họa sĩ như Mark Bradford, đã ứng dụng giấy dán vào các tác phẩm của họ như một phương tiện để phê bình xã hội và các sản phẩm của nó.

Các tác phẩm tiêu biểu

1908: Những ngôi nhà ở Estaque

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật, Berne, Thuỵ Sĩ.

Những bức tranh mà Braque vẽ vào mùa hè năm 1908 tại Estaque như bức Những ngôi nhà ở Estaque (Houses of l’Estaque) được coi là những bức tranh Lập thể đầu tiên. Sau khi bị Salon d’Automne từ chối, chúng may mắn được trưng bày vào mùa thu năm đó tại phòng trưng bày ở Paris của Daniel-Henri Kahnweiler. Những bức tranh phong cảnh đơn giản này đã cho thấy quyết tâm của Braque trong việc chia nhỏ hình ảnh thành những phần được mổ xẻ. Bảng màu nâu và xanh lá ở đây cũng dự đoán một bảng màu mà Braque sử dụng trong nhiều bức tranh sau đó.

1911: Kèn clarinet và chai rượu rum trên bệ lò sưởi

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Tate, London, nước Anh.

Kèn clarinet và chai rượu Rum trên bệ lò sưởi (Clarinet and Bottle of Rum on the Mantlepiece) là tác phẩm điển hình cho đề tài kiểu Braque, nhưng lại là độc nhất như là một ví dụ ban đầu của nghệ thuật cắt dán. Trong bức tranh này, ông dùng khuôn tô từ “valse” có nghĩa là “điệu nhảy van”, tiếp nối với sở thích của ông về các chủ đề âm nhạc và nhạc cụ. “RHU” là ba chữ cái đầu tiên của từ tiếng Pháp có nghĩa là rượu rum (rhum). Một lần nữa sử dụng góc nhìn bùng nổ, người xem hầu như không nhận thấy một cuộn ở góc dưới bên phải, có thể ám chỉ đến đầu người, một cây vĩ cầm hoặc cello, hoặc lò sưởi trong tiêu đề.

1910-12: Cái lọ và những con cá

Sơn dầu trên toan – Tate London, London, nước Anh.

Braque đã vẽ cả những cái lọ và những con cá trong toàn bộ sự nghiệp hội họa của mình, và những vật thể này là điểm đánh dấu để phân biệt các phong cách khác nhau của ông. Bức Cái lọ và những con cá (Bottle and Fishes) là một ví dụ xuất sắc về sự đột phá của Braque tiến tới chủ nghĩa Lập thể Phân tích, khi ông làm việc chặt chẽ với Picasso. Bức tranh này có bảng màu đất đặc trưng bị hạn chế, khắc họa các vật thể khó có thể nhận biết được khi chúng tan rã dọc theo một mặt phẳng nằm ngang. Trong khi có một số đường chéo, các bức tranh ban đầu của Braque có xu hướng đi theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

1913: Vĩ cầm và cái tẩu

Giấy, đa phương tiện, bút chì trên giấy – Trung tâm Georges Pompidou, Paris, Pháp.

Tranh cắt dán đã giúp Braque nhận ra rằng, “màu sắc hoạt động song song với hình dạng nhưng không liên quan gì đến hình dáng”. Ông đã thực hiện các bức tranh cắt dán để tạo cảm hứng cho các bố cục hội họa, nhưng cũng như các tác phẩm độc lập. Trong Vĩ cầm và cái tẩu (Violin and Pipe), ông chọn nhạc cụ dây làm chủ đề của mình. Vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy đây là một cây vĩ cầm, nên người ta có thể hiểu rõ hơn cách Braque nghiên cứu các hình dạng bên trong vật thể và kéo chúng ra để di chuyển chúng xung quanh, như thể xáo trộn một bộ bài.

Năm 1925: Trái cây trên khăn trải bàn với đĩa trái cây

Sơn dầu trên toan, Trung tâm Georges Pompidou, Paris, Pháp.

Chủ đề của bức tranh này tưởng nhớ tới một bữa tiệc được tổ chức để vinh danh Braque khi trở về sau chiến tranh. Picasso và Gris đã đạt được bước tiến trong chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp, trong khi Braque tiếp tục phát triển phong cách của riêng mình, vẫn là Lập thể, nhưng tập trung hơn vào màu sắc và kết cấu. Trái cây trên Khăn trải bàn với Đĩa trái cây (Fruit on a Table-cloth with a Fruit Dish) cho thấy sự được làm phẳng trong mặt phẳng hình ảnh như Braque đã làm nhiều lần trước đây, nhưng ở đây ông tái tạo họa tiết của gỗ và đá cẩm thạch, và thậm chí còn đổ bóng cho trái cây.

Năm 1938: Cột lan can và đầu lâu

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập cá nhân.

Cột lan can và đầu lâu (Balustre et Crâne) dự đoán một loạt tranh tĩnh vật mà Braque tạo ra được gọi là Vanitas, trong đó các đồ vật tượng trưng cho sự thống khổ hoặc bất hạnh về tinh thần. Ông đã nhiều lần vẽ đầu lâu sau khi trở về sau chiến tranh và khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu. Trong những bức tranh này, Braque sử dụng một mảng màu sáng để thể hiện những phản ứng cảm xúc đối với sự khó chịu về chính trị mà ông cảm thấy về chiến tranh.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Georges Braque Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…