Henri Toulouse-Lautrec - Các tác phẩm nổi bật (Phần 2)

Toulouse-Lautrec là một người vượt qua được định kiến xã hội, ông xuất thân quý tộc, giàu có và làm bạn với những thành phần “hạ lưu”, “bất hảo” của xã hội Paris cuối thế kỷ 19. Không những thế, sự tán dương với văn hoá tiêu dùng và quảng cáo đại chúng – cùng với tài năng vượt bậc đưa chúng ngang hàng nghệ thuật cao cấp của Toulouse-Lautrec đã mở đường cho Nghệ thuật Đại chúng. Có ông thì mới có Picasso, Warhol, Diane Arbus, hay Chuck Close. Thậm chí, có ông thì mới có những ám ảnh với các siêu sao như kiểu Nicki Minaj, Justin Bieber, Madonna, Miley Cyrus, và vô số người khác…

Trong phần hai của loạt bài về Toulouse-Lautrec, chúng ta tìm hiểu một số tác phẩm nổi bật của ông sắp xếp theo trình tự thời gian.

  • “Tôi đã cố gắng làm điều gì đó thật chứ không phải lý tưởng.”
  • “Tôi vẽ mọi thứ theo đúng cách chúng là. Tôi không bình luận. Tôi ghi lại.”
  • “Khi một hoạ sĩ chuyên vẽ hình tượng người thực hiện một phong cảnh, anh ta sẽ hành xử với nó như thể nó là một khuôn mặt; phong cảnh của Degas không theo những trục song song bởi vì chúng là những phong cảnh từ tầm nhìn riêng của ông.”
  • “Chỉ có hình tượng của con người tồn tại; phong cảnh là, và nên là, không gì hơn một thứ phụ kiện; một hoạ sĩ chỉ vẽ phong cảnh không là gì hơn một sự nhàm chán.”
  • “Trong thời đại của chúng ta, có nhiều hoạ sĩ làm điều gì đó chỉ vì chúng mới; họ thấy giá trị và sự biện minh của mình trong sự mới đó. Họ đang lừa dối bản thân.”

Di sản của Henri de Toulouse-Lautrec

Sự nghiệp của Toulouse-Lautrec diễn ra đồng thời với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thành thị – những người có tiền để chi tiêu cho giải trí, nhưng không thuộc tầng lớp thượng lưu. Ông đã đoán trước và định hình nhu cầu của đối tượng này và phong cách của ông bắt đầu có ảnh hưởng ngay khi ông còn sống, truyền cảm hứng cho các đường viền phóng đại, các hình dạng hữu cơ, uể oải và cách viết kịch bản xuất hiện trong trào lưu Art Nouveau.

Ông là một trong những cột mốc định hình phần còn lại của nghệ thuật hiện đại. Nếu không có ông, thế giới sẽ không có Picasso, Warhol, Diane Arbus hay Chuck Close. Sự tán dương văn hóa tiêu dùng và quảng cáo đại chúng mang tính biểu tượng của Toulouse-Lautrec đã mở đường cho Nghệ thuật Đại chúng (Pop art). Ngoài ra, các bức chân dung của ông còn khơi dậy nỗi ám ảnh với các siêu sao vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay (hãy nghĩ đến Nicki Minaj, Justin Bieber, Madonna, Miley Cyrus – và vô số những cái tên khác).

Bức ảnh chụp Toulouse-Lautrec đang vẽ Ở Moulin Rouge: Điệu nhảy (1890)

Một khía cạnh nữa trong thành tựu của Toulouse-Lautrec cũng đáng được dành sự quan tâm đặc biệt: bất chấp sự tự do và chủ nghĩa cá nhân được ca tụng của nghệ thuật hiện đại, rất ít nghệ sĩ của bất kỳ thời kỳ nào có thể vượt qua định kiến ​​xã hội. Dù việc làm thân với những thành phần hạ lưu hay bất hảo của xã hội có thể là một nghi thức kết nạp được chấp nhận và thậm chí được khuyến khích giữa các nghệ sĩ tiền tiến, Degas, Manet và Van Gogh vẫn duy trì một sự xa cách nhất định với tầng lớp lao động. Trong khi đó, Toulouse-Lautrec đã có thể xây dựng tình bạn thực sự vượt khỏi cấu trúc giai cấp cứng nhắc của Paris thế kỷ 19. 

Những hiểu biết tuyệt vời của ông về khía cạnh hào nhoáng cũng như tuyệt vọng của cuộc sống về đêm ở Paris, hay là một nghiên cứu về sự tương phản, không chỉ xuất sắc hơn mà còn nhân văn hơn bất kỳ những gì đã đi trước ông, nâng cao tiêu chuẩn chung cho các nghệ sĩ tiếp bước sau đó.

Tác phẩm nổi bật

1882: Chân dung tự họa trước gương

Sơn dầu trên bìa – Bảo tàng Toulouse-Lautrec, Albi

Bức Chân dung tự hoạ trước gương (Self Portrait in Front of a Mirror) là một trong số ít những bức chân dung tự họa mà Toulouse-Lautrec vẽ, vì ông cực kỳ e dè về ngoại hình của mình, và cũng là bức duy nhất mà chỉ có ông là trọng tâm trong bức tranh. Với tác phẩm này, người nghệ sĩ dùng sơn dầu (pha loãng bằng nhựa thông), vẽ trực tiếp lên bìa để tạo hiệu ứng phóng khoáng, thô sơ. Ông rồi sẽ tiếp tục sử dụng kỹ thuật này trong suốt sự nghiệp của mình, điều chỉnh nó cho phù hợp với độ nhạy của một nghệ sĩ trưởng thành. 

Ở đây người nghệ sĩ nổi lên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: sự phóng khoáng của nét vẽ cho thấy rõ ràng rằng ông đã có nghiên cứu về trường phái Ấn tượng. Nhưng điểm khác biệt là tác phẩm này có một sự tăm tối nhất định, có thể thậm chí là một ẩn ý về sự xấu xa, và bố cục của bức vẽ có một chiều sâu khác xa với tính sôi nổi ở bảng màu và tâm trạng kiểu Ấn tượng.

1886: Người thợ giặt

Sơn dầu trên vải toan, bộ sưu tập cá nhân

Là một trong những bức chân dung của Carmen Gaudin được Toulouse-Lautrec thực hiện trong những năm ở Paris, Người thợ giặt (The Laundress) nhằm phơi bày thế giới trần trụi, u ám và nghiệt ngã của tầng lớp lao động. Toulouse-Lautrec sắp đặt tư thế cho cô gái hành nghề mại dâm – một trong những người mẫu yêu thích của ông – như một người thợ giặt, đang tạm nghỉ giữa công việc nặng nhọc và mệt mỏi về thể chất của mình. 

Và trong khi Toulouse-Lautrec nổi tiếng vì muốn phơi bày cuộc sống khó khăn của người Paris, thì tác phẩm này có phảng phất một sự tinh tế và ấm áp thể hiện tình cảm của ông dành cho người phụ nữ này và sự vất vả của cô ấy. Chủ nghĩa tự nhiên và phong cách như họa này là một cột mốc cho các tác phẩm ban đầu của Toulouse-Lautrec, một lần nữa gợi lên ảnh hưởng của Degas.

1890: Gái đứng đường(Mũ Vàng Ròng)

Sơn dầu trên giấy bồi, Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan

Trong khi hình ảnh của những người thuộc tầng lớp lao động và gái mại dâm chắc chắn đã có từ trước thế kỷ 19, thì những đối tượng này hầu như vẫn luôn được miêu tả như các kiểu người chứ không phải như các cá nhân. Mặc dù không đơn độc trong nhiệm vụ vẽ chân dung các cá nhân thuộc tầng lớp lao động (người bạn của Toulouse-Lautrec là Vincent Van Gogh lúc này đang làm việc trong một dự án tương tự ở miền Nam nước Pháp), cách tiếp cận chủ đề của người nghệ sĩ này là một phần của sự thay đổi mang tính cách mạng trong hội họa. 

Thoạt nhìn, bức Gái đứng đường (The Streetwalker) nom như thể một bức chân dung khá thông thường của một người phụ nữ đang ngồi trong vườn. Bằng những nét vẽ lởm chởm, Toulouse-Lautrec mô tả khung cảnh ngoài trời và chiếc váy dài tay cài cúc cao ở cằm. Hầu hết mọi sự tập trung của ông đều dồn vào những nét đặc biệt của cô gái – khuôn mặt với những đường nét sắc sảo, được nâng tông trắng lên bởi bột gạo, đôi môi mỏng đỏ mọng và mái tóc vàng kim ánh đỏ chất cao trên đỉnh đầu. Một nụ cười nhẹ lóe trên khóe mắt và miệng cô, như thể người nghệ sĩ vừa pha trò cho cô nghe vậy. Gợi ý thị giác duy nhất của tác phẩm cho sự chuyển hướng khỏi quy ước là tư thế hoàn toàn đối mặt với người nhìn của người mẫu. Cô ấy ngồi ngay mép khung hình, hai vai vuông vắn và nhìn thẳng trực tiếp về trước, hơi quá gần so với một khoảng cách thoải mái mà lịch sử. 

Tất nhiên, điều khiến bức chân dung này thực sự cấp tiến là chủ đề của nó, chân dung một cô gái điếm. Biệt hiệu của cô ấy là Le Helmet d’Or (‘Mũ lính bằng vàng’ – ám chỉ mái tóc đặc biệt của cô ấy). Toulouse-Lautrec miêu tả chủ đề có thể sẽ là tai tiếng này, trên thực tế, về tổng thể, theo một cách khá trang nghiêm – thực sự là một sự xa rời hoàn toàn so với chuẩn mực.

1893: Chiếc giường

Sơn dầu và phấn màu trên bìa – Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Trong bức tranh Chiếc giường (Le Lit) đáng chú ý này, hai người phụ nữ đang nằm nhìn nhau, đôi má ửng hồng vì sự thân mật. Toulouse-Lautrec thường xuyên lui tới những nhà thổ ở Paris, và ông ngưỡng mộ thái độ không e dè gì của những người phụ nữ ở đây: “họ vươn mình trên những chiếc trường kỷ … hoàn toàn không có ý khoe khoang.” Một số người đồng tính nữ đồng ý cho ông xem họ ân ái (tất nhiên là có tính phí).

Toulouse-Lautrec hoàn toàn không hề là người duy nhất thích thú với hoạt động thân mật của cặp đôi đồng tính nữ. Điều khác biệt là sự quan tâm của ông nằm trong việc khắc họa nó với sự tinh tế và chiều sâu tinh thần trái ngược với cảnh tượng khiêu dâm, kèm theo sắc thái dịu dàng chưa từng có. Quan điểm khai sáng của Toulouse-Lautrec về đồng tính luyến ái đã được ghi vào sử sách. Là một người bảo vệ trung thành cho quyền của người đồng tính, ông đã sát cánh bên người bạn Oscar Wilde của mình trong suốt phiên tòa đau lòng của nhà văn ở Anh.

1888: Chân dung Vincent Van Gogh

Phấn màu trên bìa – Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam

Được vẽ trước khi Toulouse-Lautrec lẫn người mẫu nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến, bức tranh bằng phấn màu này mô tả Van Gogh đang ngồi trầm ngâm trong một quán cà phê ở Montmartre. Trước mặt ông là một ly absinthe, và ông chăm chú nghiêng người về phía trước như thể vừa nhìn thấy một người nào đó mình biết.

Toulouse-Lautrec và Van Gogh là bạn bè, gắn bó với nhau vì niềm đam mê với rượu absinthe (còn được gọi là “cô tiên xanh”) mà họ coi như một cánh cổng dẫn tới cảm hứng, và cả hai đều phải vật lộn với những cơn nghiện rượu dữ dội. Paul Signac (một nghệ sĩ khác trong nhóm của họ) kể lại rằng, “họ nốc rượu abstinthe rồi tới rượu brandy, nối tiếp nhau nhanh chóng.” 

Có thể nhìn thấy trong sáng tác tương đối sớm này là sự chỉ định về màu sắc và đường nét của Toulouse-Lautrec (bằng chứng về nền tảng học thuật nghệ thuật truyền thống, vững chắc của ông). Điều làm nên nét độc đáo của Toulouse-Lautrec cũng hiện diện ở đây: ông tập trung vào những đặc điểm có thể nhìn thấy mà toát lên được hồn người (trong trường hợp này là gò má hóp, mày rậm và dáng ngồi lo lắng, nghiêng về phía trước của Van Gogh).

1890: Ở Moulin Rouge: Điệu nhảy

Sơn dầu trên vải toan – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia

Trong bức tranh Ở Moulin Rouge: Điệu nhảy (At the Moulin Rouge: The Dance), Toulouse-Lautrec nắm bắt được nguồn năng lượng dồi dào cũng như mặt trái tiều tụy của cuộc sống về đêm ở Paris. Như thể qua một khoảng trống trong đám đông, ta nhìn thoáng qua trung tâm Moulin-Rouge (một vũ trường sầm uất trong khu giải trí Montmartre). Một vũ công trong động tác đá chân lên vén váy cao trên đầu gối (để lộ nhiều chân hơn mức được coi là chuẩn quý bà), trong khi một người phụ nữ ăn mặc kín đáo hơn nhiều và có vẻ giàu có, với chiếc mũi hếch lên nhìn như ám thị sự không tán thành. Vậy tại sao cô ấy lại ở trong không gian này? Cô ấy đang tìm kiếm cái gì vậy? 

Toulouse-Lautrec, một người quan sát tuyệt vời về cuộc sống buổi đêm, đã quen thuộc với những miêu tả của Degas về ba lê. Ở đây, ông đang bày tỏ sự đồng tình với mô tả của người nghệ sĩ lớn tuổi, nhưng đã chuyển bối cảnh từ cấu trúc quy củ hơn của phòng tập (các vũ công ba lê là tầng lớp lao động vào thế kỷ 19, và nhiều người trong số họ cũng hành nghề mại dâm) sang vũ trường với dàn nhân vật: những nghệ sĩ giải trí, những người thích ăn diện và các quý cô của bóng đêm. Sự tương tác năng động giữa các cặp vũ công ở trung tâm trái ngược với sự tương đối cân bằng trong phần còn lại của đám đông. Bố cục giống như một con quay với vũ công nữ ở trung tâm. Toulouse-Lautrec sử dụng màu sắc để điều hướng mắt ra ngoài khắp bố cục từ phải sang trái, từ chiếc váy màu hồng đến đôi tất màu đỏ, và sang chiếc áo khoác màu đỏ ở hậu cảnh, thu hút ta ngay vào hành động.

1891: Moulin Rouge: La Goulue

In thạch bản màu – Bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis

Thành công lớn nhất của Toulouse-Lautrec nằm ở việc nâng tầm quảng cáo, mà trước đây chỉ được coi là thương mại và do đó với các nghệ sĩ là sự nghiệp thấp cấp hơn khi tính tới vị thế của một hình thái nghệ thuật. Tấm áp phích cao 183 cm (!) này cho Moulin Rouge, vũ trường nổi tiếng ở trung tâm Montmartre, là một quảng cáo đặc trưng nhất của người nghệ sĩ, đã đưa tên tuổi ông trở nên nổi tiếng trong chính cuộc đời của mình. 

Chủ nghĩa tự nhiên trong phong cách kiểu Ấn tượng trước đây của Toulouse-Lautrec là tiền đề cho cách ông sử dụng những mảng màu phẳng lớn với những đường viền sắc nét và những bóng người có tính khái quát hóa cao trong tác phẩm này. Toulouse-Lautrec đã sưu tầm và nghiên cứu các bản in Ukiyo-e của Nhật Bản. Những bố cục phức tạp, có độ tương phản cao gồm những mảng màu phẳng lớn với những đường viền sắc nét và những bóng người có tính khái quát hóa cao của bản in Ukiyo-e đã là nguồn tham khảo cho các bức in thạch bản của ông. Ngoài ra, ở đây còn thấy được thẩm mỹ kiểu Art Nouveau qua chất đồ họa và các đường cong mang tính khơi gợi (chứ không phải được khắc họa chi tiết).

1893: Arvil

In thạch bản màu – Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan

Jane Avril là một trong những ngôi sao lớn thuộc mảng khiêu vũ ở Paris những năm 1880. Bản in thạch bản này là quảng cáo cho buổi biểu diễn chính của Avril tại Jardin de Paris. Mục đích của nó là tạo ra sự phấn khích (và bán vé) cho một buổi biểu diễn sắp tới. Ở phần bên trái của tấm áp phích là hình ảnh Avril đang trình diễn một cú đá cao, cô ấy nhắm mắt lại, được truyền cảm xúc bằng niềm đam mê biểu diễn của chính mình. Ở phần bên phải, cần của một cây đàn cello, được nắm bởi bàn tay lông lá của một người đàn ông (và, đúng thế, Toulouse-Lautrec hoàn toàn có ý định ám chỉ tới tình dục ở đây) vươn lên từ dàn nhạc ở phía dưới, nối liền lại đường biên của bố cục. Trong tác phẩm táo bạo này, Toulouse-Lautrec bộc lộ khiếu hài hước, tuyệt kỹ truyền tải và sự ngưỡng mộ thành tâm đối với tài năng mê hoặc của Avril.

1896: Người phụ nữ mặc cóoc-xê

In thạch bản – Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ

Mại dâm là một chủ đề bao trùm trong toàn bộ các tác phẩm của Toulouse-Lautrec. Trong suốt sự nghiệp của mình, Toulouse-Lautrec đã thực hiện hơn 50 bức tranh về gái mại dâm, không bức nào được trưng bày trong suốt cuộc đời của ông. Những gì ông đã xuất bản là một loạt 11 bản in thạch bản, mang tên “Elles” (tạm dịch là “họ” nhưng trong tiếng Pháp thì có chỉ giống cái, tức là những người nữ). Những tác phẩm này mô tả chi tiết về cuộc sống hàng ngày và hoạt động của một nhà thổ ở Paris. 

Một cuốn sách in sẽ kín đáo hơn tranh vẽ, và có thể được cất đi khi người sở hữu nó không mở ra xem. Trong bản in thạch bản Người phụ nữ mặc coóc-xê (Femme en corset) này của loạt tranh, một cô gái điếm đứng trong trang phục nội y, cởi áo nịt ngực trong khi một khách hàng ăn diện đã trả tiền cho các dịch vụ của cô nhìn ngắm cô, một tay nắm lấy cây gậy của anh ta (không rõ tay kia đang làm gì). 

Bản thân là một khách hàng trả tiền, Toulouse-Lautrec dường như không coi mại dâm là một vấn đề và thể hiện khả năng đồng cảm khác thường đối với sự dễ bị tổn thương của người bán dâm. Ông thể hiện điều này bằng ngôn ngữ thị giác: với phần gáy lộ ra của cô ấy và sự tương phản giữa các tư thế (ngồi so với đứng, mặc quần áo so với cởi quần áo và việc nhìn so với việc bị nhìn). Ông nhấn mạnh sự khác biệt về địa vị xã hội và bộc lộ một thực tế rằng niềm vui của người đàn ông là công việc của người phụ nữ.

1899: Ở rạp xiếc: Đi ngựa kiểu Tây Ban Nha

Than chì, sáp màu và sáp đen, và chì than – Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan

Toulouse-Lautrec đã tạo nên bức vẽ Ở rạp xiếc: Đi ngựa kiểu Tây Ban Nha (At the Circus: The Spanish Walk) đầy gợi nhiều suy tư và liên tưởng này từ trí nhớ khi kết thúc thời gian lưu trú tại một viện điều dưỡng ở Paris. Nó được thực hiện với mục đích rõ ràng là thể hiện sự ổn định tinh thần của ông. Ông quay trở lại chủ đề mà mình từng yêu thích từ khi còn nhỏ: ngựa. Rạp xiếc, với những người biểu diễn cưỡi ngựa, đã thu hút sự say mê của Toulouse-Lautrec trong suốt sự nghiệp trưởng thành. Tác phẩm này dường như đã thành công trong việc thuyết phục các bác sĩ rằng ông đã hồi phục hoàn toàn sự tỉnh táo của mình. Sau đó, ông đã được ra viện.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

henri toulouse lautrec Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…