James Ensor (Phần 1)

Tuy có vẻ như không được nổi tiếng lắm với khán giả đại chúng, James Ensor (1860-1949) đã là một hoạ sĩ xuất chúng trong thời đại của mình và là một trong những hoạ sĩ có phong cách và chủ đề vừa dị biệt vừa cực kì mang tính cách mạng, giúp khai mở ra thời kỳ Hiện đại của Nghệ thuật. Những hình ảnh mặt nạ và bộ xương sặc sỡ hấp dẫn đầy ám ảnh của ông cũng đưa ông vào vị trí một trong những hoạ sĩ quan trọng của phần đầu chủ nghĩa Biểu tượng. Là người tiên phong tới mức bị từ chối bởi các nghệ sĩ địa phương vào buổi đầu sự nghiệp khi còn vẽ Hiện thực, và sau đó bị từ chối bởi chính nhóm nghệ sĩ tiên phong do chính ông thành lập vì quá tiến bộ với họ, Ensor là một nhân vật lập dị theo nhiều nghĩa. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người nghệ sĩ thú vị này trong loạt bài hai phần.

Chân dung tự hoạ của Ensor vẽ năm 1899
  • “Cuối cùng, bị bao vây bởi những người theo dõi và ủng hộ, tôi đã tự giam mình một cách hạnh phúc trong một không gian riêng tư đơn độc, nơi chiếc mặt nạ lên ngôi với ngập tràn bạo lực, ánh sáng, và sự lộng lẫy. Với tôi, chiếc mặt nạ có nghĩa là sự tươi mới về sắc độ, những cử chỉ tuyệt vời không thể ngờ trước, những chuyển động liều lĩnh, và sự hỗn loạn tinh tế.”
  • “Tôi không áp đặt những ấn tượng. Tôi không chú ý tới danh xưng. Tôi không thích những tính từ.”
  • “Chúng ta hãy từ bỏ bản thân mình không ngừng nghỉ trước nụ hôn thuần khiết của không khí, những phước lành từ biển cả, chúng ta hãy nuôi dưỡng những tâm tư của mình trước cơ thể của chúng ta, nếm những quả ngọt của không gian, hương thơm và âm thanh của màu sắc, chúng ta hãy làm thăng hoa ý tưởng của mình.”

Tóm lược về James Ensor

Mặc dù được đào tạo hội hoạ truyền thống, Ensor đã nhanh chóng bước khỏi con đường đó và bắt đầu phát triển một phong cách mang tính cách mạng phản ánh quan điểm của riêng ông về cuộc sống hiện đại. Ông đặc biệt thích thú với văn hoá lễ hội phổ biến được tổ chức quanh việc ăn mừng lễ Mardi Gras mỗi năm ở khắp nước Bỉ, chắc chắn bao gồm ảnh hưởng bởi thực tế là cửa tiệm của gia đình ông ở Ostend là nơi cung cấp chính các đồ dùng trong lễ hội của vùng. 

Những hình ảnh mà ông tạo ra mang một tính hoài nghi và chế giễu thống nhất; đại diện cho một hình thức gần như là quái đản của chủ nghĩa Hiện thực nhằm ghi lại những căng thẳng tiềm ẩn trong tinh thần xã hội đương thời – trong thời đại của ông và cũng có lẽ là mọi thời đại.

Âm mưu (L’Intrigue) (1890). Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp, Antwerp, Bỉ. Sơn dầu trên toan.

Thành tựu

  • Ensor đã phát triển một phương pháp vẽ mang tính cách mạng phù hợp với chiến lược cá nhân ông. Từ bỏ việc sử dụng chủ nghĩa ảo ảnh và phối cảnh một điểm nhìn để tổ chức hình ảnh được mô tả – ông bắt đầu xây dựng khối lượng cho nội dung với những mảng màu chạy khắp bề mặt tranh. Hiệu ứng của việc này là hình ảnh không còn lùi về phía sau, xa với người xem, mà dường như tiến thẳng về trước và đe doạ xâm nhập vào không gian của người xem. Đông đúc tới mức muốn nổ tung, từ chối không gian để thở, những hình tượng người trong tranh của Ensor thực sự gây ấn tượng bằng sự hiện diện của chúng.
  • Người nghệ sĩ đặc biệt bị thu hút bởi chủ đề lễ hội và nhận thấy đó là một phương tiện tuyệt vời để nắm bắt các tiêu chuẩn của xã hội. Ông che đậy hình tượng của mình, trao cho chúng những khuôn mặt thể hiện nội tâm hơn là khuôn mặt bên ngoài, đúng giải phẫu. Bằng cách này, ông đã có thể đào sâu dưới bề mặt và tiết lộ “bộ mặt thật” của xã hội. Khám phá về một xã hội bị gỡ bỏ mặt nạ của ông rồi sẽ gây ra việc ông bị nhiều người, ngay cả những nghệ sĩ tiền tiến địa phương, chối bỏ.
  • Bình luận xã hội của Ensor, ban đầu thì ý nhị tinh tế, nhưng tới cuối cùng thì mang âm sắc hoài nghi chát chúa đầy tức giận. Mặc dù nó có thể hiện diện trong việc thêm vào một yếu tố giễu cợt trong tổng thể hình ảnh, nó cũng có thể là một cuộc tấn công toàn diện đập thẳng vào những chủ đề thiêng liêng tới mức như Lối vào Jerusalem của Chúa Kitô. Không có gì để nghi ngờ rằng cảm giác liên tục bị từ chối của người nghệ sĩ là nguyên nhân dẫn đến sự chỉ trích xã hội điên cuồng của ông, nhưng kết quả đơn giản là sự bị cô lập còn sâu hơn nữa đối với Ensor.

Tiểu sử của James Ensor

Thời thơ ấu

James Sidney Ensor sinh năm 1860 tại Bỉ. Cha của ông là James Frederic Ensor và mẹ là Maria Catherina Haegheman, sở hữu một tiệm đồ lưu niệm ở thị trấn du lịch Ostend, bán những món đồ lạ mắt dùng cho lễ hội và những thứ trang sức từ biển cả. Cửa tiệm này chứa đầy những mô típ và đồ vật đầy sáng tạo, đã tạo cảm hứng cho Ensor xuyên suốt sự nghiệp của ông. Ông đã có một cuộc sống hạnh phúc và vô tư với mẹ, cha, chị gái, và dì của mình. Ensor đã đi học tại Cao đẳng Notre-Dame nhưng bộc lộ rất ít hứng thú với việc học hành. Ông vật lộn trước môi trường với kỷ luật có cấu trúc và đã rút khỏi trường sau hai năm theo học.

Đào tạo ban đầu

Ensor bộc lộ năng khiếu hội hoạ năm 13 tuổi và nhận được sự hướng dẫn từ hai hoạ sĩ màu nước của Ostend là Michel Thomas Anthony Van Cuyck và Édouard Dubar. Như ông kể lại,“Van Cuyck và Dubar, đều chua chát và nhầy nhụa, đều dạy dỗ tôi đền cùng một điểm chung đáng thất vọng là tay nghề thủ công buồn tẻ, chết trước khi kịp sinh ra, và hết sức cứng đầu của họ.”

Một bức tranh của Van Cuyck

Ông tham gia học tại Học viện Mỹ thuật Brussels ở tuổi mười bảy và làm việc tại đó dưới sự hướng dẫn của Joseph Stallaert, Alexandre Robert, và Jef Van Severdonck. Ensor từ chối những chỉ dạy chính thức phổ biến trong Học viện và tìm ra những cách sáng tạo để làm sống động các nghiên cứu bắt buộc về cổ điển cổ đại. Như ông giải thích: “Thời điểm mà tôi vào trường, một vấn đề lớn đã xuất hiện nơi chân trời. Tôi được lệnh phải vẽ Octavius, người hùng mạnh nhất của Caesars, từ một tượng bán thân thạch cao trắng. Lớp thạch cao như tuyết làm tôi kinh hãi. Tôi đã làm lại nó bằng màu hồng da gà rực rỡ, tô đỏ lớp tóc, và gây náo loạn trong giới sinh viên.”

Mặc dù gây ra một vụ bê bối như vậy, ông vẫn được phép tiếp tục học tại Học viện và vẫn được vẽ từ những người mẫu thật. Sau ba năm, ông rời trường, gọi ngôi trường này là một “thiết lập của điều thiển cận”.

Trong những năm tại Học viện, Ensor đã kết bạn với những nghệ sĩ có tư tưởng tự do khác bao gồm Fernand Khnopff, Théo van Rysselberghe, Guillaume Van Strydonck, và Theo Hannon. Cùng với nhau, họ thành lập nhóm các nghệ sĩ, nhà thiết kế, và nhà điêu khắc người Bỉ mà rồi sẽ được biết đến với cái tên Nhóm Hai Mươi (Les Vingt hay Les XX), và chịu trách nhiệm việc xuất bản hai cuốn tạp chí nghệ thuật, La Jeune Belgique (Nước Bỉ trẻ) và L’Art Moderne (Nghệ thuật Hiện đại)

Một bức ảnh chụp trong triển lãm của nhóm Les XX năm 1884

Nhóm Hai Mươi, được thành lập năm 1883 là một nhóm nghệ sĩ độc lập, đã làm việc không có ràng buộc hay hạn chế gì với Salon chính thức của Bì. Các nghệ sĩ độc lập khác, như Georges Seurat, Camille Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, và Vincent Van Gogh, cũng được mời đưa tác phẩm của họ vào triển lãm cùng nhóm này.

Ensor đã trưng bày sáu tác phẩm trong triển lãm đầu tiên của Nhóm Hai Mươi năm 1884. Các nhà phê bình giận dữ chê bai những bức tranh của ông và trong số những phản ứng tiêu cực có bao gồm những bình luận như “Đây mà là hội hoạ ư? Không thể! Đó là rác rưởi!” Tác phẩm của ông cũng được gọi là “Thứ rác rưởi bệnh hoạn của xưởng vẽ”“Sự ngu dốt nguy hiểm”. Mặc dù gặp khó khăn với những đánh giá phê bình, Ensor vẫn tiếp tục vẽ với một tốc độ ổn định.

Buổi chiều ở Ostend (Afternoon in Ostend) (1881). Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp, Antwerp, Bỉ. Sơn dầu trên toan.

Đoạn đầu sự nghiệp của Ensor, kéo dài khoảng năm năm, được dán nhãn là “thời kỳ u tối” của ông và có đặc trưng là thuộc về trường phái Hiện thực. Những chủ thể được ông tập trung khắc hoạ là khung cảnh trong nhà của giới trung lưu, chân dung tự hoạ, và tranh tĩnh vật, tất cả đều được vẽ với những lớp sơn dày màu ấm. Mặc dù những khung cảnh của ông nom tăm tối, niềm hứng thú của người nghệ sĩ với việc nghiên cứu ánh sáng, tương tự như những nghệ sĩ Ấn tượng, là rõ ràng. Khía cạnh cụ thể này của tranh Ensor đã được cho là quá mức cách mạng ở Bỉ, và tương ứng với việc đấy, tác phẩm của ông không bán được.

Thời kỳ trưởng thành

Trong “thời kỳ u tối”, Ensor đã vẽ một bức tranh được đặt tên là Những chiếc mặt nạ tai tiếng (Scandalized Masks) (1883), mà rồi sẽ dẫn dắt ông theo hướng mà nay được biết đến như “thời kỳ sáng”. Kéo dài khoảng mười lăm năm, giai đoạn tiếp theo này được đặc trưng bởi việc mô tả những chiếc mặt nạ và các vật dụng lễ hội khác. Dần dà, tác phẩm của ông được cho là quá tiến bộ so với Nhóm Hai Mươi và những tác phẩm ông nộp cho nhóm bị từ chối.

Nhà điêu khắc Achille Chainaye thậm chí còn đệ đơn yêu cầu chính thức cắt Ensor ra khỏi nhóm. Vấn đề này thực chất đã được mang ra biểu quyết và mặc dù Ensor vẫn được ở lại, Chainaye đã rời đi. Tuy là một kẻ bị ruồng bỏ ngay trong một nhóm tiên phong so với thời đại, Ensor vẫn tiếp tục triển lãm họ cho tới khi nhóm giải tán vào năm 1893.

Mặt nạ tai tiếng (Scandalized Masks) (1883). Bảo tàng Mĩ thuật Hoàng gia Bỉ, Brussels, Bỉ. Sơn dầu trên toan.

Phong cách kì quái của Ensor khiến ông trở thành một mục tiêu cho sự chế giễu tại Ostend. Những tin đồn quanh ông đã khiến mẹ và dì quay lưng lại với ông. Ông trở nên trầm cảm, sự nghiệp nghệ thuật không thành công và sự thiếu hỗ trợ từ những người đương thời đã đưa ông tới Brussels, nơi ông tìm chốn trú ngụ tại gia đình của Ernest Rousseau, một giáo sư vật lý và là Hiệu trưởng của trường Đại học Brussels.

Tại đây, ông làm bạn với Eugene Demolder, người rồi sẽ trở thành một trong những người ủng hộ lớn nhất của ông, cũng như những trí thức, nghệ sĩ, và nhà tự do tư tưởng khác của địa phương. Quan điểm vô chính phủ và vô thần của nhóm này đã là nguồn cảm hứng chính cho người nghệ sĩ.

Một trong nhiều bức ảnh được cho là chụp Ensor và Ernest Rousseau tại Ostend. Những bức ảnh này thể hiện một tình bạn thân thiết trong sáng với một mức độ trẻ thơ và kỳ quặc nhất định của cả hai tâm hồn.

Khi sống ở nhà của Rousseau, Ensor đã thể hiện tính cách lập dị của mình bằng cách tự đảm nhiệm lấy vai trò của chú hề, đôi khi chơi khăm những người bạn bè của gia đình và cả những người lạ. Đôi khi ông còn đi xa tới mức đạo tranh của những bậc thầy lớn mà ông đang nghiên cứu như Courbet, Hokusai, De Braekeleer, Rembrandt, Watteau, Bosch, Turner, Manet, và Bonnard. 

Ensor quay lại Ostend nhiều lần để thăm bạn gái của mình, Augusta Boogaerts, người mà ông đặt cho biệt danh là “Nhân ngư”. Nàng kém ông mười tuổi, có tính cách quyến rũ và làm việc tại cửa hàng lưu niệm của gia đình như nhân viên bán hàng. Mặc dù cha mẹ ông không đồng ý mối quan hệ của họ và họ sẽ không bao giờ kết hôn, nhưng mối tình của họ vẫn còn tiếp diễn đến suốt cuộc đời ông.

Bộ xương bắt giữ người đeo mặt nạ (Squelette arretant masques) (1891). Sơn dầu trên toan. Bức này được khám phá muộn, chưa từng được triển lãm trước đó, và đã được bán với giá gõ búa 7,4 triệu EUR năm 2016 ở nhà Sotheby’s.
Những bộ xương tranh giành với nhau một kẻ bị treo cổ (Skeletons Fighting over a Hanged Man) (1891). Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp, Antwerp, Bỉ. Sơn dầu trên toan.
Cái chết và những chiếc mặt nạ (Death and the Masks) (1897). Một bức khá quen thuộc của Ensor.

Những người bạn bè của Ensor ở Brussels tán dương tác phẩm của ông và đã viết những bình luận nhiệt tình về chúng trên các tạp chí địa phương, bao gồm cả La Plume. Người ta tin rằng sự thành công với tư cách nghệ sĩ của ông là do những phê bình sâu sắc này. Sau thành công rực rỡ, ông đã trở thành thành viên sáng lập của Học viện Tự do Bỉ (Free Academy of Belgium) vào năm 1901 và được phong làm “Hiệp sĩ” (Chevalier) của Hiệp sĩ Đoàn Leopold năm 1903. 

Trong khi danh tiếng của ông phát triển mạnh mẽ và tài năng của ông được nhiều người ngưỡng mộ, thì sức sáng tạo của ông dần dần cạn kiệt. Sự suy giảm nhiệt tình của nghệ sĩ đối với cuộc sống của thể do bất cứ một trong số nhiều thất vọng ông đã trải qua: mất đi người cha, thành công mới bắt đầu, và/hoặc thiếu đi sự động viên và khích lệ ông đã nhận được trước đây tại nhà của Rousseau.

Những năm cuối đời và cái chết

Thời kỳ cuối cùng của Ensor, được biết đến như “thời kỳ kết tinh”, bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 và kéo dài gần năm mươi năm. Những tác phẩm này được đặc trưng bởi màu sắc sặc sỡ mà không che phủ hết bề mặt tranh, những đường nét ngập ngừng, và sự thiếu vắng cấu trúc nội tại. Trong khi có một số ít được coi là sáng tạo và có chất lượng bậc thầy, hầu hết lại là sự lặp lại của những bức tranh và chủ đề trước đó. 

Trong khi ông tiếp tục nhận được các giải thưởng chính thức – được nhận vào Học viện Hoàng gia Bỉ năm 1925, được phong tước nam tước năm 1929, được trao Huân chương Danh dự, có một bức tượng bán thân được đúc bởi Edmond de Valeriola nhằm tôn vinh ông, và một tác phẩm âm nhạc về ông, James Ensor Suite, sáng tác bởi Flor Alpaerts – ông tiếp tục lùi xa hơn nữa khỏi công chúng. Mặc dù tranh của ông có giá cao hơn bất cứ nghệ sĩ Bỉ nào cùng thời, đầu ra tác phẩm của ông cứ luôn giảm dần.

Bắp cải đỏ và mặt nạ (Red Cabbage and Masks) (khoảng 1925-30). Bộ sưu tập cá nhân. Sơn dầu trên toan.
Một trong những bức chân dung Ensor vẽ Augusta Boogaerts, năm 1930. Bức này được vẽ khi ông đã 70 tuổi và bà thì 60.
Hình ảnh người nghệ sĩ trong xưởng vẽ của mình vào khoảng năm 1935

Augusta đã luôn thúc đẩy ông làm việc, theo dõi sát sao các tác phẩm của ông, tạo ra một bản kê các tác phẩm của ông và giám tuyển việc bán chúng. Ensor không quen với việc có một nhân vật có uy quyền như vậy trong cuộc sống của mình, giám sát công việc của ông. Có một câu chuyện kể là “Một ngày nọ, Ensor đi ra ngoài và để lại một lời nhắn trên bàn là “Đừng lấy gì cả; tôi đã đếm mọi thứ rồi.” Khi ông trở về, trên bàn là một lời nhắn khác từ bà, “Đừng đếm gì cả; tôi đã lấy đi mọi thứ rồi.”

Cái chết của Ensor năm 1949 đã tạo ra một chấn động khắp nước Bỉ. Các bộ trưởng nội các, tướng lĩnh, thẩm phán, giám mục, và các nghệ sĩ đã đến để bày tỏ lòng kính trọng. Ông được chôn cất tại nghĩa trang của Nhà thờ Đức Mẹ des Dunes, ở Mariakerke.

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Hương Mi Lê hay Lê Hương Mi là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Mi cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế. Mi đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy… Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam. Bên cạnh đó, Mi là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Cõi riêng ảo/ Virtual Private Realm – Triển lãm nghệ thuật thị giác nhóm – Manzi Art Space (2021, Hà Nội) – Animal Theater 2019 – Á Space (2019, Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (2019, TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê James Ensor Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…