Jean Dubuffet - Người viết khái niệm cho Art Brut

Làm sao để phân loại nhóm những nghệ sĩ không chuyên? Jean Dubuffet là nghệ sĩ đã có công lớn trong việc đưa những nghệ sĩ ngoại đạo được đến gần hơn với công chúng, cũng như viết những khái niệm và định nghĩa cho trào lưu mới này. Hãy cùng tìm hiểu thêm về cuộc đời ông và nguyên do nào đã khiến ông viết khái niệm riêng cho Art Brut.

Tiểu sử về Jean Dubuffet

Jean Philippe Arthur Dubuffet (1901-1985) sinh ra ở Le Havre trong một gia đình kinh doanh rượu thuộc tầng lớp tư sản giàu có. Ông chuyển đến Paris năm 1918 để học hội họa tại Académie Julian, và làm quen với một số nghệ sĩ ở đây. Nhưng chỉ đi học được 6 tháng, ông cảm thấy chương trình học trở nên khó chịu và rời trường để tự học.

Năm 1942, Dubuffet quyết định cống hiến một lần nữa cho nghệ thuật. Ông thường chọn các đối tượng của mình là cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mọi người ở nơi công cộng. Dubuffet sử dụng những gam màu đậm, không đứt đoạn thường thấy trong trường phái Dã Thú, những mảng màu đan xen và trái ngược nhau. Nhiều tác phẩm của ông là hình ảnh những con người trong không gian kín, có tác động tâm lý rõ rệt với người xem.

Năm 1943, nhà xuất bản Jean Paulhan được giới thiệu và đưa đến xưởng vẽ của nghệ sĩ. Các tác phẩm của Dubuffet tại thời điểm đó chưa được biết đến, nhưng Paulhan đã rất ấn tượng. Và cuộc gặp này là một bước ngoặt đối với sự nghiệp của Dubuffet. Cả ông và Jean Paulhan đều là những người đang đấu tranh mạnh mẽ chống lại “chủ nghĩa khủng bố trí thức”. Buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của ông diễn ra vào tháng 10 năm 1944 tại Galerie Rene Drouin ở Paris.

Năm 1945, Dubuffet tham dự buổi triển lãm của Jean Fautrier ở Paris và bị ấn tượng bởi các tác phẩm của vị họa sĩ. Ông nhận ra nghệ thuật có ý nghĩa thể hiện trực tiếp và chiều sâu thuần túy của một con người. Học hỏi theo Fautrier, Dubuffet bắt đầu sử dụng một lượng sơn dầu trộn với các vật liệu như bùn, cát, than cám, đá cuội, mảnh thủy tinh, dây, rơm, thạch cao, sỏi, xi măng và hắc ín. Dubuffet cũng là nghệ sĩ đầu tiên sử dụng loại hồ dán đặc được gọi là bitum. Kết quả là tác phẩm của ông mang một bề mặt dày khác thường.

Khu chung cư Paris, 1946. Dubuffet chủ ý áp dụng một phong cách thô sơ, mô tả những người đi bộ trong những con hẻm phía sau của Paris. Ở đây, đường phố, vỉa hè và nhà ở được xếp thành hàng chồng lên nhau, không có phối cảnh, chiều sâu hay dáng người.
Bon Espoir (Hi vọng an lành), 1955. Trong số hỗn hợp mà ông sử dụng cho bức tranh có cả cánh bướm để tạo hiệu ứng lấp lánh cho tác phẩm.

Ngoài ra, Dubuffet đã bác bỏ các khái niệm phối cảnh truyền thống để tập trung vào không gian hai chiều, trực diện hơn. Ông đã tạo ra các ảo giác về phối cảnh bằng cách chồng chéo các vật thể trong mặt phẳng thành một hình thù kì dị. Từ năm 1962, ông đã tạo ra một loạt các tác phẩm mà chỉ với các màu đỏ, trắng, đen và xanh lam. Việc ông sử dụng các vật liệu thô sơ và sự mỉa mai mà ông đưa vào nhiều tác phẩm của mình đã kích động một lượng lớn phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình, những người đã cáo buộc Dubuffet là ‘vô chính phủ’ và ‘kẻ dọn rác’.

Nhìn chung thì Dubuffet có vẻ là họa sĩ cá tính nhất bước ra từ Trường học Paris kể từ thời của Miro… Cậu ấy là một họa sĩ mới thực sự nổi bật và được trông đợi của cộng đồng nghệ thuật Paris trong thập kỷ qua.

Nhà phê bình Clement Greenberg nhận xét tích cực về nghệ sĩ.

Bước tiến ở thị trường Hoa Kỳ

Đúng như lời phê bình mà Clement nhận xét, Dubuffet đã rất thành công ở Hoa Kỳ khi ông có cuộc triển lãm đầu tiên của ông ở New York năm 1951. Dubuffet đạt được thành công rất nhanh trên thị trường nghệ thuật Mỹ, phần lớn là do ông được đưa vào triển lãm của nhà buôn Pierre Matisse năm 1946. Matisse là một nhà buôn tranh rất có ảnh hưởng ở Mỹ, và được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ Trường phái nghệ sĩ Paris.

Tác phẩm của Dubuffet được đặt chung với các tác phẩm của những danh họa như Picasso, BraqueRouault tại triển lãm của phòng trưng bày, và ông là một trong hai nghệ sĩ trẻ duy nhất được vinh danh theo cách này. Một bài báo trên Newsweek đã gọi Dubuffet là ‘con cưng của giới tiên phong ở Paris,’ và Greenberg đã viết tích cực về ba bức tranh sơn dầu của Dubuffet trong một bài đánh giá về cuộc triển lãm. Năm 1947, Dubuffet có triển lãm cá nhân đầu tiên ở Mỹ. Nhờ các đánh giá phần lớn đều mang tính tích cực, điều này giúp Dubuffet có ít nhất mỗi năm một triển lãm.

L’Escampette (Chạy tán loạn), 1964. Đây là giai đoạn mà Dubuffet sử dụng 3 tông màu xanh, đỏ và đen mang tính đặc trưng trong các tác phẩm sau này.

Nhờ việc tổ chức ổn định của các cuộc triển lãm nghệ thuật trong vài năm đầu ở New York, Dubuffet đã tăng độ phủ sóng thường xuyên trong giới nghệ thuật Hoa Kỳ. Sự liên kết của Dubuffet với Trường phái Paris đã cho ông một cơ hội hoàn hảo để tiếp cận khán giả nơi đây, mặc dù ông đã tách mình khỏi hầu hết các lý tưởng của họa thuật và phản ứng mạnh mẽ với ‘nghệ thuật truyền thống.’ Người Mỹ bị hấp dẫn bởi các tác phẩm và bước đi tiên phong của Dubuffet. Nhiều họa sĩ ở New York vào thời điểm này cũng đang cố gắng tìm kiếm vị trí trong nhóm tiên phong, và cũng ảnh hưởng từ tác phẩm của Dubuffet. Sự đón nhận của ông ở Mỹ có liên quan mật thiết và dựa trên mong muốn của giới nghệ thuật New York trong việc tạo ra một môi trường tiên phong của riêng mình.

Một triển lãm thời trang năm 2019 được tổ chức bên dưới tác phẩm Bốn cái cây (1969-1972).

Cuối năm 1960–1961, Dubuffet bắt đầu thử nghiệm các vật liệu thông thường như giấy papier-mâché và kết hợp với polystyrene nhẹ vừa phải. Điều này giúp ông có thể tạo mô hình rất nhanh và dễ dàng chuyển đổi từ tác phẩm này sang tác phẩm khác. Vào cuối những năm 1960, ông bắt đầu tạo ra các tác phẩm điêu khắc lớn của mình, chẳng hạn như ‘Tour aux figure’, ‘Jardin d’Hiver’ và ‘Villa Falbala’ và mọi người có thể đi bên dưới tác phẩm để quan sát.

Offres galantes (Thể hiện phi thường), 1967

Bắt đầu từ năm 1962, ông đã bắt đầu làm việc theo chu kỳ “Hourloupe” nổi tiếng của mình, bao gồm tranh, bản vẽ, bảng, tác phẩm điêu khắc và kiến ​​trúc. Chu kỳ “Hourloupe” của Dubuffet kéo dài đến năm 1974 và nó mang lại một số tác phẩm quy mô lớn được biết đến rộng rãi. Cảm hứng của phong cách làm việc này đến từ một bức vẽ nguệch ngoạc khi ông đang nghe điện thoại và sự chuyển động linh hoạt của đường kẻ kết hợp với các trường màu hạn chế để tạo ra chuyển động. Ông tin rằng phong cách này gợi lên cách mà các đối tượng xuất hiện trong tâm trí. Sự tương phản giữa thể chất và tinh thần này đã khuyến khích ông sử dụng phương pháp này để tạo ra tác phẩm điêu khắc.

Dubuffet đứung bên cạnh bộ trang phục ông gọi là Coucou Bazar, 1977.
Các mà bộ trang phục Coucou Bazar di chuyển.

Những năm sau đó vào thập niên 70, Dubuffet đã không ngừng đổi mới và tạo được ​​những đột phá trong các tác phẩm trên giấy và canvas. Nghệ sĩ qua đời vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Paris vào năm 1985, nhưng tác phẩm của ông đã thu về hàng triệu đô tại các cuộc đấu giá trong những năm gần đây, kể từ đó ông trở thành chủ đề của các cuộc hồi tưởng đều mang tính bước ngoặt. Các tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trong các bộ sưu tập trên khắp thế giới ngày nay.

Viết khái niệm cho Art Brut

Từ năm 1947 đến 1949, Dubuffet thực hiện ba chuyến đi riêng biệt đến Algeria (thuộc địa Pháp vào thời điểm đó) để tìm thêm cảm hứng nghệ thuật. Tuy nhiên, thứ nghệ thuật mà Dubuffet đã tạo ra khi ông ở đó rất đặc biệt. Ông bị cuốn hút bởi cuộc sống du mục của các bộ lạc ở Algeria ở chỗ họ không ở lại bất kỳ một khu vực cụ thể nào quá lâu và luôn di chuyển. Tính vô thường của lối sống này đã thu hút ông và trở thành một phần của Art Brut (Nghệ thuật thô). Vào tháng 6 năm 1948, Dubuffet, cùng với Jean Paulhan và một số người khác chính thức thành lập La Compagnie de l’art crazy tại Paris.

Hiệp hội này được dành riêng cho việc khám phá, lưu trữ và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật thô. Dubuffet sau đó đã lưu trữ một bộ sưu tập nghệ thuật của riêng mình, bao gồm các nghệ sĩ như Aloïse CorbazAdolf Wölfli. Bộ sưu tập Art Brut của ông thường được gọi là “bảo tàng không có tường”, vì nó vượt qua và đồng thời phá bỏ ranh giới các quốc gia và dân tộc.

“Ở đây, chúng ta đang chứng kiến ​​một hoạt động nghệ thuật hoàn toàn thuần khiết, thô sơ, được tác giả của chúng vẽ lại dựa trên những thôi thúc của chính mình. Do đó, nghệ thuật được thể hiện khả năng duy nhất là sáng tạo, chứ không phải những khả năng thường thấy trong nghệ thuật văn hóa của lũ tắc kè hoa và khỉ.”

Jean viết trong truyên ngôn “Art Brut tốt hơn nghệ thuật văn hóa” năm 1949.
Dubuffet đến thăm bộ sưu tập của mình.

Đến những năm 1970, ông đã tích lũy được khoảng 5.000 tác phẩm và ông đã nộp đơn xin quy chế công ích từ thành phố Paris, một nơi mà lẽ ra bộ sưu tập có một vị thế đặc biệt, nhưng nó đã bị từ chối. Ông cũng từ chối một số đề xuất khác của Pháp, bao gồm một lâu đài ở Normandy vì ông không muốn bộ sưu tập của mình được gửi đến các tỉnh, và cuối cùng chuyển sang Thụy Sĩ, tặng bộ sưu tập của mình cho Lausanne vào năm 1972 và sau đó tài trợ một phần cho việc cải tạo lâu đài để trở thành phòng trưng bày Collection de l’art, nơi có tầm 700 tác phẩm.

Các bác sĩ tâm thần vào thế kỷ 19 chính là người phát hiện ra nhóm nghệ thuật thô này trước tiên. Các triết gia và bác sĩ tâm thần như Walter Morgenthaler, Hans PrinzhornLeo Navratil đã viết những văn bản sáng lập cho những nghệ sĩ này. Các thuật ngữ họ sử dụng như ‘nghệ thuật của kẻ điên’, ‘nghệ sĩ bị xa lánh’ đều là tiền thân của thuật ngữ mà Dubuffet sau này gọi là Art Brut (có nghĩa là “nghệ thuật thô”, thường được gọi phổ thông là Outsider Art). Về sau ông chịu khó mở rộng ra thêm các đối tượng khác là tù nhân và trẻ em.

Cuối cùng, Dubuffet bắt đầu tìm kiếm một loại hình nghệ thuật mà mọi người đều có thể tham gia và đều có thể giải trí. Ông đã tìm cách tạo ra một tác phẩm nghệ thuật không vướng bận tính học thuật, và tác phẩm của ông thường có vẻ nguyên sơ và khá giống tranh con nít. Tuy nhiên, ông luôn tự hào với những tác phẩm mình làm được khi thường xuyên dùng những cụm từ hoa mỹ để mô tả.

“Trong Art Brut không có sự tính toán trước, nó là một loại nghệ thuật hoàn toàn tự do và phản ánh một cá tính riêng biệt. Đó là lý do tại sao điều đó chạm vào cảm xúc chúng ta.”

Giám đốc Sarah Lombardi của bào tàng.
Bên trong phòng trưng bày Collection de l’art.

Ngày nay, các giám đốc thế hệ sau của Collection de l’art đã tiếp tục kế thừa di sản của Jean Debuffet để tìm kiếm và mở những cộng đồng Art Brut mới như ở Nhật Bản đã có chi nhánh riêng. Sự thành công của một số nghệ sĩ ngoại đạo cũng đã khiến họ bước vào được nghệ thuật đại chúng nhiều hơn. Với những nỗi lực của Jean Debuffet, các nghệ sĩ ngoại đạo có được chỗ đứng và góc nhìn khác hơn trong giới nghệ thuật, cũng như định nghĩa về nghệ thuật nói chung.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

art brut Jean Dubuffet Navi Nguyễn nghệ sĩ ngoại đạo nghệ thuật ngoại đạo Nghệ thuật tiên phong outsider art Trường phái Paris

iDesign Must-try

Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh tại Mỹ đã bắt đầu như thế nào?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Thiệp Giáng Sinh đầu tiên có ở quốc gia nào? Làm thế nào mà chúng ra đời?