Johannes Itten (Phần 1) - Tóm lược, thành tựu, và tiểu sử

Johannes Itten không phải là một cái tên quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng nếu không có những nghiên cứu của ông về màu sắc thì chúng ta không có những bảng màu trong thời trang và mỹ phẩm theo mùa rất thịnh hành ngày nay. Đối với giới chuyên môn, phương pháp và chương trình đào tạo do ông xây dựng cho khoá học nền tảng tại Bauhaus nói riêng và tại rất nhiều ngôi trường khác quan trọng tại châu Âu nói chung đã trở thành một phần cốt lõi giáo dục nghệ thuật và thiết kế hiện đại. Trong loạt bài 2 phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về người nghệ sĩ – nhà giáo dục cực kỳ tài năng nhưng cũng vô cùng huyền bí này.

  • Người muốn trở thành bậc thầy của màu sắc cần phải thấy, cảm nhận, và trải nghiệm từng màu sắc riêng biệt trong vô số kết hợp của nó với những màu sắc khác. Màu sắc phải có khả năng kỳ bí để biểu đạt tâm linh mà không bị ràng buộc bởi các vật thể.”
  • “Chỉ những ai yêu màu sắc mới được vẻ đẹp và sự hiện diện nội tại của nó thâu nhận. Nó cung cấp lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng chỉ tiết lộ vẻ kỳ bí sâu sắc đối với những kẻ đủ sùng kính.” 
  • “Màu sắc là cuộc sống, thế giới không có màu sắc dường như là một thế giới chết. Như lửa tạo ra ánh sáng, thì ánh sáng tạo ra sắc màu. Như ngữ điệu tiếp thêm màu sắc cho lời nói, thì màu sắc tiếp thêm âm thanh tinh thần cho một hình dạng.
  • “Màu sắc là những ý tưởng nguyên thuỷ, là những đứa con của ánh sáng không màu sơ khai và đối trọng với nó – bóng tối không màu. Ánh sáng, hiện tượng đầu tiên của thế giới, tiết lộ cho chúng ta tinh thần và linh hồn sống của thế giới thông qua màu sắc.”
  • “Cuộc chơi trở thành niềm vui, niềm vui trở thành công việc, và công việc trở thành cuộc chơi.”
  • “Các quy luật khách quan của hình thức và sắc màu giúp củng cố sức mạnh của một người và mở rộng năng khiếu sáng tạo của anh ta.”
  • “Trong âm nhạc, lí thuyết về biên soạn từ lâu đã trở thành một phần quan trọng và được chấp nhận trong giáo dục chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một nhạc sĩ biết đối âm vẫn có thể là một nhà soạn nhạc ngờ nghệch nếu anh ta thiếu sự thấu hiểu và cảm hứng. Tương tự, một hoạ sĩ có thể biết tất cả tài nguyên cho bố cục màu sắc và hình thức, nhưng vẫn có thể khô nguồn sáng tạo nếu cảm hứng từ chối anh ta.” – Nghệ thuật Màu sắc (1961)
  • “Nếu những ý tưởng mới thành hình nghệ thuật, sẽ cần thiết chuẩn bị và phối hợp các khả năng và lực lượng vật lý, cảm quan, tâm linh, và trí tuệ. Sự đào sâu này xác định phần lớn chủ đề và phương pháp giảng dạy của tôi tại Bauhaus. Nhiệm vụ chính là xây dựng một con người toàn diện như một sinh thể sáng tạo, một cương lĩnh mà vì nó, tôi đã đấu tranh hết lần này đến lần khác trước hội đồng giảng viên. – Thiết kế và Hình thức: Khoá học cơ bản tại Bauhaus (1963)
  • “Đích đến và mục tiêu cuối cùng của tất cả nỗ lực nghệ thuật là sự giải phóng bản chất tâm linh của hình thức và màu sắc, và giải thoát nó khỏi sự giam cầm trong thế giới vật thể. Chính từ khát vọng này mà nghệ thuật phi vật thể đã nảy sinh.” – Các yếu tố màu sắc (1970)

Tóm lược về Johannes Itten

Itten từng được đào tạo để trở thành một giáo viên tiểu học và gia nhập vào đội ngũ những giảng viên đầu tiên tại trường Bauhaus, nơi mà ông là một Bậc thầy từ năm 1919 đến năm 1923. Những phát triển của ông về khoá cơ bản của trường đã cách mạng hoá giáo dục nghệ thuật. Thay vì dạy học viên sao chép tác phẩm của các Bậc thầy Cổ điển, ông khuyến khích họ tự khám phá cảm xúc riêng của mình để thử nghiệm với màu sắc, chất liệu, và hình thức. Khóa học này nhấn mạnh ba yếu tố: nghiên cứu về hình thức và màu sắc tự nhiên, phân tích các tác phẩm nghệ thuật kinh điển, và vẽ trực hoạ. Ông là người tiên phong trong giảng dạy nghệ thuật theo chủ nghĩa toàn diện và tiếp tục điều hành trường học nghệ thuật riêng bên cạnh việc phụ trách các vị trí cấp cao trong những học viện nghệ thuật nổi tiếng. 

Johannes Itten sinh ngày 11.11.1888 tại Suderen-Linden, Thuỵ Sĩ và mất 25.03.1967 ở Zurich, Thuỵ Sĩ. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1913 cho tới khi mất.

Các thành tựu

  • Vorkurs hay khóa học nền tảng ở Bauhaus của Itten, với những kĩ thuật sư phạm tiên phong, vẫn là trọng tâm đối với giảng dạy tại trường nghệ thuật ngày nay, bao gồm cả sự khuyến khích biểu đạt cá nhân và thử nghiệm với những chất liệu và kỹ thuật. Tất cả học viên đều được yêu cầu hoàn thành khóa đào tạo này trước khi tiếp tục các khóa học cụ thể hơn. Khoá Vorkurs là điểm khởi đầu cho chương trình học tập ở Bauhaus.
  • Là tín đồ Mazdaznan phương Đông, Itten khuyến khích học sinh nắm lấy thuyết thần bí như một phần trong thực hành nghệ thuật của họ. Ông dạy thiền và các bài tập thở, cũng như các bài tập thể dục được thiết kế để tối đa hoá tính sáng tạo. Nhiều người ở Bauhaus đã áp dụng những bài giảng của ông, nhưng khi ngôi trường này tiếp nhận một triết lý mang tính công nghiệp hơn, Itten rời Bauhaus để thành lập trường nghệ thuật tư của riêng mình ở Berlin.
  • Itten đã phát triển một nguyên lý phức tạp về màu sắc, liên kết các bảng màu với những loại người và mùa. Việc ông làm với màu sắc tương phản, đặc trưng cho bảy loại so sánh khác nhau, là bước quan trọng đối với việc phát triển Op Art, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến các bảng màu được thiết kế bởi những công ty mỹ phẩm vào cuối thế kỉ 20. 
Một bảng màu làm bằng gỗ sơn màu được cho là của Johannes Itten, sản xuất năm 1930

Tiểu sử của Johannes Itten

Đào tạo ban đầu

Johannes Itten sinh ra ở Südern-Linden, Thuỵ Sĩ. Ông được đào tạo để trở thành một giáo viên tiểu học từ 1904 tới 1908. Bắt đầu từ 1908, ông đã sử dụng những phương pháp do Friedrich Fröbel, người đã tạo ra khái niệm mẫu giáo, phát triển trong giảng dạy của mình. Trong thời kỳ này, ông cũng tiếp xúc với những ý tưởng về phân tâm học. Năm 1909, ông nhập học tại École des Beaux-Arts (trường Mỹ thuật) ở Geneva nhưng không cảm thấy ấn tượng mấy với những nhà giáo dục ở đó. Do vậy, ông quay trở lại Bern và học tập tại Học viện Sư phạm Bern-Hofwil với Ernst Schneider – một nhà giáo dục theo hướng phân tâm học người Thuỵ Sĩ. Việc học tập tại đây đã chứng minh là quan trọng với công việc sau này của ông trong vai trò Bậc thầy tại Bauhaus.

Itten đã áp dụng các nguyên tắc mà Schneider tán thành, bao gồm cả việc không sửa chữa tác phẩm sáng tạo của học sinh dựa trên nền tảng cá nhân vì ông sợ rằng điều này sẽ dập tắt sự thúc đẩy sáng tạo. Thay vào đó, ông chọn một số lỗi phổ biến nhất định để sửa chung cho cả lớp. Vào năm 1912, ông quay trở lại Geneva nơi ông theo học Eugène Gilliard, một hoạ sĩ trừu tượng.

Ông chịu ảnh hưởng lớn của hoạ sĩ người Đức Adolf Hölzel và hoạ sĩ – nhà giáo người Áo Franz Cižek. Itten mở trường nghệ thuật tư ở Viên, sử dụng tác phẩm và sách lý thuyết của Eugène Gilliard làm nền tảng. Itten đã sử dụng một loạt các hình dạng cơ bản (nét, mặt phẳng, hình tròn, hình xoắn ốc) tiếp nhận từ Hölzel như một phương tiện để bắt đầu sáng tạo và sử dụng các bài tập thể dục để thư giãn sinh viên của ông cũng như giúp họ sẵn sàng cho những trải nghiệm sẽ diễn ra trong lớp học.

Những hình tượng trong quang cảnh lớn (Figuren in großerLandschaft) (sau 1925) của Adolf Hölzel

Giảng dạy tại Bauhaus

Từ 1919 đến 1922, Itten giảng dạy tại Bauhaus, phát triển Vorkurs – khoá học nền tảng đầy cải cách nhằm dạy cho sinh viên những điều cơ bản về đặc điểm của vật liệu, bố cục, và màu sắc. “Itten đã đưa ra giải thuyết về bảy loại tương phản màu sắc và đưa ra các bài tập để dạy chúng. Các tương phản màu sắc của ông bao gồm (1) tương phản theo họ màu (hue), (2) tương phản theo giá trị (value), (3) tương phản theo nhiệt độ, (4) tương phản theo bổ túc (trung hoà), (5) tương phản đồng thời (theo Chevreuil), (6), tương phản về tỉ lệ (theo Goethe).” (Ứng dụng màu sắc, Giáo dục Nghệ thuật (1984), David Burton).

Vào năm 1919, Itten mời Gertrud Grunow dạy một khoá học về “lý thuyết về sự hài hoà” ở Bauhaus. Khoá này bao gồm việc sử dụng âm nhạc và các kỹ thuật thư giãn với mục đích cải thiện sức sáng tạo của sinh viên. Vào năm 1920, ông mời Paul Klee và Georg Muche tham gia giảng dạy cùng ông tại Bauhaus. Ông cũng xuất bản cuốn sách Nghệ thuật màu sắc (The Art of Color) miêu tả những ý tưởng của ông như một sự mở rộng bánh xe màu của của Adolf Hölzel. “Quả cầu màu” của Itten bao gồm 12 màu. 

Một trong những bản vẽ tay gốc của Johannes Itten, hình ảnh thể hiện phía bên trong quả cầu của ông, nơi chứa phần màu xám mà ông gọi là “điều bí ẩn”, “sự chưa xác định” – kèm ghi chú.

Sau khi rời Bauhaus, vào năm 1924, Itten thành lập xưởng dệt Ontos gần Zurich với sự hỗ trợ của người học trò và đồng nghiệp cũ – bậc thầy về dệt ở Bauhaus Gunta Stölzl.

Hoạt động sau Bauhaus

Itten là một tín đồ Mazdaznan, một giáo phái bái hoả có nguồn gốc từ nước Mỹ phần lớn bắt nguồn từ đạo Zoroast, từ đế quốc Ba Tư cổ đại. Ông tuân thử một chế độ ăn chay nghiêm ngặt và thực hành thiền định như một phương tiện để phát triển hiểu biết về trực giác nội tại vốn là nguồn cội cho cảm hứng và thực hành nghệ thuật. Chủ nghĩa thần bí của Itten và sự tôn kính dành cho ông của một nhóm sinh viên, trong đó thậm chí có vài người cải đạo sang Mazdaznan (ví dụ như Georg Muche) tạo ra xung đột với Walter Gropius, người muốn đưa trường sang hướng tiếp nhận sản xuất hàng loạt thay vào biểu cảm nghệ thuật cá nhân đơn nhất. Sự rạn nứt giữa hai người dẫn tới việc Itten từ chức và được thay thế ngay lập tức bởi Lás zló Moholy-Nagy vào năm 1923.

Chân dung đứa trẻ (Kinderbild) (1921-22) của Johannes Itten. Đây là tác phẩm kỷ niệm ngày sinh của con trai Johann Matthis (thường gọi “Bueli”) vào 6/1920. Bức hoạ mang tính sùng đạo với hình tượng trung tâm là đứa trẻ tóc vàng giống như một linh mục hay hoàng tử có được sự chứng nhận của ngôi sao Mazdaznan. Itten và vợ đều là những người thực hành Mazdaznan rất sâu, trong đó bao gồm việc tạo ra một đứa con là hình mẫu lý tưởng cho “Con người Mới” – kiến tạo tối hậu của giáo phái này.

Từ 1926 đến 1934, Itten mở một trường nghệ thuật và kiến trúc nhỏ ở Berlin. Ernst Neufert, cựu kiến trúc sư trưởng của Gropius tại Bauhaus cũng giảng dạy tại đây từ 1932 đến 1934. Ngoài ngôi trường tư tự mở này, Itten là hiệu trưởng các trường Textilfachschule (trường Dệt may) ở Krefeld (1932-38), Kunstgewerbeschule (trường Nghệ thuật và Thủ công) ở Zürich (1938-54), Textilfachshule Zürich (1943-60) và giám đốc bảo tàng Rietberg dành cho nghệ thuật phi Châu Âu (1949-56). Ông cũng dạy các khoá về màu sắc tại Hochschule für Gestaltung Ulm (trường Đại học Thiết kế Ulm).

Nội dung dịch và tổng hợp từ The Art Story bởi Olivia Hà và các nguồn khác bởi Hương Mi Lê. Nguyên bản tiếng Anh trên The Art Story của Sarah Archino.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Johannes Itten Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…