Max Ernst (Phần 1)

Max Ernst là một nghệ sĩ mà ngày nay được các nhà sử học và học giả nghệ thuật biết đến nhiều hơn là đại chúng. Tuy nhiên, ông đã đạt được một kỳ tích hiếm thấy khi gây dựng được danh tiếng và sự phê bình rực rỡ ở đồng thời cả ba quốc gia Đức, Pháp, và Hoa Kỳ ngay từ khi còn sống. Ông nằm trong số những nhà tiên phong và nghệ sĩ chủ chốt của cả Dada và hội hoạ Siêu thực. Ông cũng góp phần lớn trong việc định hình nghệ thuật Hiện đại Mỹ, đặc biệt là trong sức ảnh hưởng của ông với hội hoạ Biểu hiện Trừu tượng – trào lưu đưa nghệ thuật Hiện đại Mỹ lên đỉnh cao – như có thể thấy rõ trong tác động của ông tới Jackson Pollock và những hoạ sĩ chuộng hội hoạ hành động – tự động khác. Mặc dù chủ yếu là tự học, Ernst đã trở thành một trong những nhà phát kiến lớn đối với kỹ thuật nghệ thuật thế kỷ 20 với các kỹ thuật grattage, frottage, decolmania… tạo ra những bức tranh kỳ ảo mà vô cùng khó tưởng tượng cách thực hiện. Chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật này trong loạt bài hai phần về ông.

  • Hội hoạ đối với tôi không phải thú vui trang trí, hay tạo tác tạo hình của thực tại ta cảm nhận được; nó luôn phải là: phát minh, khám phá, mặc khải
  • Vai trò của một người hoạ sĩ… là phóng chiếu điều tự thấu rõ trong chính con người anh ta.
  • Nghệ thuật không liên quan gì tới gu thưởng thức. Nghệ thuật không phải ở đó để được thưởng thức.”

Tóm lược về Max Ernst

Max Ernst sinh ngày 02.04.1891 tại Bruhl, Đức và mất 01.04.1976 ở Paris, Pháp. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1917 cho tới khi mất.

Sinh ra ở Đức, Max Ernst là một người hay khiêu khích, một nghệ sĩ gây sốc và có nhiều sáng kiến, người đã khai thác sự vô thức của mình đối với những hình ảnh ẩn dụ như trong mơ nhằm chế giễu các quy ước xã hội. Là một người lính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ernst làm nổi bật tổn thương sâu sắc và sự chỉ trích mạnh mẽ với văn hoá phương Tây. Những xúc cảm không thể kìm nén này đã trực tiếp ảnh hưởng đến tầm nhìn của ông rằng thế giới hiện đại là phi lý – ý tưởng đã trở thành cơ sở cho những tác phẩm nghệ thuật của ông. Tầm nhìn nghệ thuật cùng với sự hài hước và hoạt ngôn được thể hiện mạnh mẽ trong các tác phẩm Dada và Siêu thực của ông; Ernst là người tiên phong của cả hai phong trào. 

Dành phần lớn cuộc đời của mình ở Pháp, suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Ernst bị phân loại như một “kẻ địch ngoại lai”; chính phủ Hoa Kỳ gắn cho ông cái mác tương tự khi Ernst đến tị nạn. Trong cuộc sống sau này, ngoài những bức tranh, điêu khắc và những tác phẩm sử dụng giấy liên tục được cho ra đời, Ernst đã dành phần lớn thời gian của mình để chơi và nghiên cứu cờ vua, bộ môn mà ông xem như một loại hình nghệ thuật. Tác phẩm của ông với sự vô thức, bình luận xã hội, và thử nghiệm trải rộng về cả chủ đề lẫn kỹ thuật vẫn giữ được sức ảnh hưởng cho tới ngày nay. 

Các thành tựu

  • Max Ernst công kích các quy ước và truyền thống trong nghệ thuật, đồng thời sở hữu một khối kiến thức đồ sộ về lịch sử nghệ thuật châu Âu. Ông truy vấn tính tôn nghiêm của nghệ thuật bằng cách tạo ra các tác phẩm không mang tính đại diện và không có câu chuyện rõ ràng, chế giễu các linh ảnh (các biểu tượng tôn giáo) đồng thời hình thành những phương tiện tạo dựng tác phẩm nghệ thuật mới để biểu hiện điều kiện hiện đại. 
  • Ernst quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật được của bệnh tật tâm lý như một phương tiện để tiếp cận cảm xúc nguyên sơ và khả năng sáng tạo không bị ràng buộc. 
  • Ernst là một trong những nghệ sĩ đầu tiên áp dụng các giả thuyết về giấc mơ của Sigmund Freud để nghiên cứu sâu về tâm thần của chính mình nhằm khám phá nguồn sáng tạo cá nhân. Khi hướng về bản thân, Ernst cũng đang kết nối vào sự vô thức phổ quát với nguồn hình ảnh giấc mơ phổ biến của nó.
  • Quan tâm đến việc xác định nguồn gốc cho sự sáng tạo của chính mình, Ernst đã nỗ lực vẽ tự do từ nội tâm và cố gắng đạt đến trạng thái tiền diễn ngôn. Làm như vậy giải phóng những cảm xúc nguyên thuỷ và tiết lộ những tổn thương cá nhân của ông, mà rồi trở thành chủ đề cho các bức cắt dán và hội hoạ của ông. Mong muốn vẽ từ tiềm thức này, cũng được gọi là vẽ tự động, là cốt lõi trong trong các tác phẩm Siêu thực của ông và say này ảnh hưởng đến Biểu hiện Trừu tượng.

Tiểu sử Max Ernst

Tuổi thơ

Max Ernst sinh ra trong một gia đình Công giáo trung lưu có chín người con ở Bruhl, Đức, gần Cologne. Ban đầu, Ernst học vẽ từ người cha rất nghiêm khắc của mình, một người bị khiếm thính và là một giáo viên có niềm đam mê với nghệ thuật hàn lâm. Phần lớn tác phẩm của Ernst khi trưởng thành cố làm suy yếu uy quyền của loại hình nghệ thuật này, bao gồm cả của cha mình. Ngoài bước đầu tiếp cận với hội hoạ mang tính nghiệp dư ở nhà, Ernst chưa bao giờ được đào tạo chính thức về nghệ thuật: vì vậy ông chịu trách nghiệm các kỹ thuật nghệ thuật của riêng mình. Ernst trúng tuyển vào đại học Bonn năm 1914 để học triết học nhưng đã sớm từ bỏ nó, sau đó tuyên bố rằng ông tránh xa “bất kỳ nghiên cứu nào mà có thể biến thành nguồn thu nhập”.

Tác phẩm Bóng đấm hay Sự bất tử của Buonarroti (Punching Ball or the Immortality of Buonarroti), chân dung tự hoạ, (1920). In bạc gelatin, in ảnh bằng mực in, màu goát, và mực

Thay vào đó, ông thích những lĩnh vực nghiên cứu “những giáo sư của ông cho là – chủ yếu là hội hoạ… những nhà triết học đầy tham vọng, và thơ ca phi chính thống.” Tại thời điểm này, Ernst trở nên quan tâm sâu sắc đến tâm lý học và nghệ thuật được tạo ra bởi bệnh tâm lý. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Ernst gia nhập vào quân đội Đức và phục vụ trong một sư đoàn pháo binh, nơi ông trực tiếp nếm trải sự tàn khốc và đổ máu vì chiến tranh – ông chinh chiến ở cả mặt trận phía Đông và phía Tây (Đức). Ernst là một trong nhiều những nghệ sĩ bước ra từ nghĩa vụ quân sự với thương tổn cảm xúc, bị lạ hoá khỏi truyền thống và những giá trị thông thường của châu Âu.

Đào tạo ban đầu 

Mặc dù chủ yếu là tự học, Ernst cũng bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm của Vincent van Gogh và August Macke, và những bức tranh của Giorgio de Chirico đã thúc đẩy niềm yêu thích của ông đối với hình ảnh giấc mơ và những điều chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Ernst khai thác những trải nghiệm của mình về thời thơ ấu và chiến tranh để mô tả cả những cảnh tượng vô lý và tận thế. Một xu hướng lật đổ tồn tại mạnh mẽ trong Ernst xuyên suốt sự nghiệp, ông thực sự đã làm đảo lộn thế giới trong nhiều tác phẩm của mình. Trở về Đức sau hiệp định đình chiến, Ernst cùng với hoạ sĩ kiêm nhà thơ Jean Arp đã giúp thành lập nhóm Dada ở Cologne; đồng thời, ông duy trì quan hệ chặt chẽ với tiền tiến Paris. 

Tác phẩm Một cuộc hội ngộ của những người bạn (A Friends’ Reunion) (1922). Bảo tàng Ludwig, Cologne, Đức. Sơn dầu trên toan

Ernst bắt đầu tạo ra những bức cắt dán đầu tiên vào năm 1919, cải biên những tư liệu nhàm chán như sách hướng dẫn khoa học và những danh mục minh hoạ từ đầu thế kỷ (20) này để tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp, gây ngạc nhiên và đầy mới mẻ mà không cần những cốt truyện được dàn dựng sẵn. Việc tạo ra hình ảnh phi lý này cho phép Ernst trực quan hoá thế giới của những giấc mơ, tiềm thức và sự tình cờ khi ông đào sâu vào chính tâm hồn mình để tìm cảm hứng và đối diện với chính nỗi đau của mình.

Bức cắt dán Sơn ca Trung Quốc (Chinese Nightingale) (1920) của Max Ernst

Ernst đã biên tập các tạp chí khi ở Cologne và giúp tổ chức một cuộc triển lãm Dada trong một phòng vệ sinh công cộng, nơi du khách được chào đón bởi một cô gái trẻ ngọt ngào đang ngâm thơ khiêu dâm. Ông cũng cho sắp đặt một tác phẩm điêu khắc của mình với một chiếc rìu bên cạnh mà công chúng được mời để dùng nó tấn công và phá huỷ tác phẩm nghệ thuật. Thực tế là triển lãm đó phát cho khán giả những chiếc rìu nhỏ để họ có thể phá bất cứ tác phẩm nào mà họ không thích. Triển lãm cũng bao gồm cả trình diễn sủa như chó của André Breton và Tristan Tzara thì chơi trốn tìm. Sự kiện có sự tham gia của khán giả này đã gây ra một tai tiếng với cảm quan tư sản. 

Thời kỳ trưởng thành

Năm 1922, Ernst bỏ người vợ đầu tiên của mình (Luise Straus) và chuyển đến Paris, nơi ông sống và làm việc đến năm 1941 – khi Chiến tranh thế giới thứ hai khiến ông không thể ở lại châu Âu. Tại đây ông cũng ở cùng người vợ thứ 2 là Marie-Berthe Aurenche. Trong những thập kỷ này, chủ nghĩa Siêu thực đã thay thế chủ nghĩa Dada với việc xuất bản Tuyên ngôn Siêu thực đầu tiên (First Surrealist Manifesto) (1924), và Ernst trở thành một trong những thành viên sáng lập của phong trào. Ernst và các nghệ sĩ-đồng nghiệp đã khám phá ra những khả năng của chủ nghĩa tự động và những giấc mơ; trên thực tế, các nghiên cứu nghệ thuật của ông được hỗ trợ bởi thuật thôi miên và ảo giác.

Khai mạc triển lãm Ernst tại phòng trưng bày Au Sans Pareil, Paris (1921). Từ trái qua: René Hilsum, Benjamin Péret, Serge Charchoune, Philippe Soupault trên thang, Jacques Rigaut (lộn ngược dưới thang) và André Breton

Vào năm 1925, để khơi nguồn dòng chảy hình ảnh từ vô thức của mình, Ernst bắt đầu thử nghiệm với frottage (bản dập, dùng bút chì để di lên mặt chất liệu đặt lên những thứ như gỗ, vải, hoặc lá cây để lấy hình ảnh), một kỹ thuật mà ông thực sự đã phát triển, và decalcomania (kỹ thuật chuyển sơn từ bề mặt này sang bề mặt khác bằng cách ép hai bề mặt vào nhau). Những thử nghiệm và cải tiến kỹ thuật của ông mang đến những hình ảnh hoàn chỉnh, hoa vân ngẫu nhiên, và kết cấu bề mặt rõ ràng mà sau đó ông sẽ đưa vào tranh của mình. Điều này nhấn mạnh vào sự tiếp xúc giữa các vật liệu, cũng như việc biến đổi vật liệu hàng ngày để đạt được hình ảnh biểu thị một loại nhận thức tập thể nào đó, sẽ trở thành trọng tâm về chủ nghĩa tự động của phong trào Siêu thực.

Châu Âu sau cơn mưa (Europe After the Rain) (1940-42). Kết cấu bề mặt của những thứ nom như các loại thực vật và đất đá ở một vùng đất kỳ lạ nào đó này được tạo ra chính là nhờ những kỹ thuật như frottage.

Những năm cuối đời và cái chết

Đến năm 1933, Hitler và Đảng Quốc xã đã giành quyền kiểm soát nước Đức. Vào mùa thu năm 1937, Hitler đã vơ vét được khoảng mười sáu nghìn tác phẩm của nghệ thuật tiền tiến từ các bảo tàng quốc gia của Đức, và vận chuyển sáu trăm năm mươi tác phẩm đến Munich để phục vụ cho cuộc triển lãm tai tiếng Entartete Kunst (tiếng Đức – Nghệ thuật suy đồi) của mình. Có vẻ như Ernst đã có ít nhất hai bức tranh được trưng bày trong cuộc triển lãm mà chúng đều đã biến mất hoặc có thể đã bị phá huỷ. 

Ernst chạy trốn khỏi Pháp dưới sự truy đuổi của Gestapo (Cảnh sát quốc gia bí mật – nhiệm vụ chính là giám sát dân cư và đàn áp những người chống đối chế độ Đức quốc xã) sau khi bị giam giữ ba lần với tư cách là một công dân Đức. Là một người tị nạn ở New York, nơi cùng với những nghệ sĩ tiền tiến quan trọng của châu Âu như Marcel Duchamp và Piet Mondrian, ông đã tạo nên một thế hệ nghệ sĩ Mỹ. Ernst gặp Peggy Guggenheim, người có giao thiệp rộng và khoa trương, chủ phòng tranh, và nhà bảo trợ nghệ thuật, người trở thành vợ thứ ba của ông. Guggenheim tạo điều kiện cho Ernst bước vào nền nghệ thuật đang phát triển của New York. 

Peggy Guggenheim được chụp vào năm 1930 tại Paris bởi nhiếp ảnh gia Rogi André. Bà sinh ra trong gia tộc Guggenheim, gia tộc Mỹ-Do Thái, một trong những gia tộc giàu nhất thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sưu tầm và kinh doanh nghệ thuật. Các bảo tàng Guggenheim luôn nằm trong danh sách các bảo tàng danh giá nhất thế giới.

Sự phủ nhận của Ernst đối với các kỹ thuật, phong cách và hình ảnh hội hoạ truyền thống (được tượng trưng bởi phong cách cổ điển trong các tác phẩm của cha ông) đã thu hút các hoạ sĩ trẻ người Mỹ, những người cũng nỗ lực rèn luyện và tìm kiếm một cách tiếp cận hội hoạ mới mẻ và không chính thống. Ernst có sức ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ đến định hướng hội hoạ của Jackson Pollock, người quan tâm đến các khía cạnh cắt dán trong tác phẩm của Ernst cũng như xu hướng sử dụng nghệ thuật như một sự ngoại hiện của trạng thái nội tâm. Những nghệ sĩ trẻ rất thích thú với việc Ernst đã nắm bắt được vô thức và ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác nghệ thuật và thử nghiệm chủ nghĩa Siêu thực tuyệt vời của ông, với chủ nghĩa tự động và lối viết tự động. Năm 1942, Ernst thử nghiệm với kỹ thuật oscillation (dao động) hay vẽ tranh bằng cách vung nhiều lần một chiếc lon với những chiếc lỗ thủng chứa đầy sơn màu lên trên tấm vải; điều này đặc biệt gây ấn tượng với Pollock.

Một chàng trai trẻ bị hấp dẫn bởi việc bay lượn của một con ruồi phi – Euclid (Young man intrigued by the flight of a non – Euclidean fly) (1939-40) của Max Ernst

Ly hôn Guggenheim, Ernst nhanh chóng chuyển đến Sedona, Arizona với người vợ thứ tư của mình, hoạ sĩ Siêu thực người Mỹ Dorothea Tanning. Cuối cùng Ernst và Tanning chuyển về lại Pháp vào năm 1953. Năm 1954, Ernst được trao giải thưởng lớn về hội hoạ tại Triển lãm lưỡng niên Venice danh giá. Năm 1971, để tôn vinh sinh nhật lần thứ 80 của ông, một chuỗi triển lãm hồi tưởng lớn được tổ chức khắp Mỹ và châu Âu. Ernst đã hoạt động nghệ thuật cho đến khi qua đời ở Paris vào năm 1976. Ông được an táng tại nghĩa trang Pere Lachaise nổi tiếng của Paris. 

Di sản của Max Ernst

Max Ernst đạt được một kỳ tích hiếm thấy khi gây dựng được danh tiếng và sự phê bình rực rỡ ở đồng thời cả ba quốc gia (Đức, Pháp, và Hoa Kỳ) trong khi vẫn còn sống. Mặc dù, ngày nay, Ernst là một nghệ sĩ được biết đến nhiều bởi các nhà sử học và học thuật nghệ thuật hơn là đại chúng nhưng sức ảnh hưởng của ông trong việc định hình hướng đi của nghệ thuật Mỹ vào giữa thế kỷ là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Thông qua sự kết hợp với Peggy Guggenheim, Ernst đã trực tiếp tương tác với những nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng, và qua người con trai của mình, Jimmy Ernst, người đã trở thành một hoạ sĩ trường phái Biểu hiện Trừu tượng danh tiếng của Đức/Mỹ sau chiến tranh. 

Tác phẩm Sự ra đời của một thiên hà (Birth of a galaxy) (1969). Tổ chức Beyeler, Riehen, Thuỵ Sỹ. Sơn dầu trên toan

Trong thời gian ở Sedona, Ernst bị thu hút bở nghệ thuật Navajo của người Mỹ bản địa Tây Nam như nguồn cảm hứng nghệ thuật. Những nghệ sĩ trẻ tuổi theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng, đặc biệt là Pollock, lần lượt trở nên say mê với nghệ thuật vẽ tranh cát, vốn gắn liền với các nghi lễ chữa bệnh và khơi gợi tâm linh. Ernst vẫn là một nhân vật nền tảng cho những nghệ sĩ quan tâm sâu sắc đến kỹ thuật, tâm lý, mong muốn gây sốc và thách thức những định kiến xã hội.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Khánh Nguyên. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Max Ernst Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…