/meo meo/ Hơi thở Đông phương trong những tác phẩm vẽ mèo chân thực của Byeon Sang-byeok

Trái với sự trung thành và niềm tin yêu tột độ nơi đáy mắt của chó, mèo lại có một công thức riêng để đánh gục trái tim chúng ta. Trong nghệ thuật cũng nổi lên biết bao nhiêu kẻ sẵn sàng quy hàng và dâng hiến cả cuộc đời nghệ thuật của mình dành cho lũ mèo. Mức độ tùy biến linh động, sắc thái từ kiêu kỳ, lãnh đạm đến ngơ ngẩn, lắm lúc lại vô cùng đáng yêu, được tái hiện đa dạng trong các tác phẩm là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt ấy. Hãy cùng chúng mình điểm mặt những kẻ cuồng mèo trong lịch sử nghệ thuật qua loạt bài /meo meo/.

Phảng phất trong những tác phẩm vẽ mèo chân thực của Byeon Sang-byeok có thể mơ hồ cảm nhận được nét tư lự của người Đông phương xưa cũ.

Byeon Sang-byeok (변상 벽) là một họa sĩ kỳ tài của Hàn Quốc nổi tiếng với những bức họa có phong cách vẽ hết sức chi tiết và chân thực. Không có một tài liệu nêu cụ thể và chính xác thời gian nhưng theo một số nguồn đề cập Byeon sống vào khoảng nửa cuối thời kỳ Joseon, tức cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Byeon là họa sĩ Hoàng gia, là thành viên xuất sắc của Dohwaseo – Học viện hội họa Hoàng gia Hàn Quốc thời Joseon. Thậm chí ông còn thăng tiến trên con đường quan chức nhờ tài năng hội họa ưu việt của mình. Bên cạnh những tác phẩm chân dung tuyệt vời và chân thực, Byeon Sang-byeok còn nổi bật với khả năng đặc tả động vật sinh động và biểu cảm. Hai loài vật chiếm số lượng nhiều nhất trong tranh của ông là gà và hiển nhiên là mèo. Với nét vẽ ấn tượng bởi sự trau chuốt và tinh tế, Byeon Sang-byeok thậm chí còn có hẳn biệt danh là “Byeon Dak” (Byeon Gà trống) và “Byeon Goyang” (Byeon Mèo)! Byeon Sang-byeok không mấy nổi tiếng ở phương Tây, nhưng ông ấy thực sự được xếp vào hàng những họa sĩ vẽ mèo cừ khôi.

Tương truyền, Byeon có con mắt quan sát động vật vô cùng nhạy bén, ông yêu thích việc quan sát các loài động vật quanh mình ở nhiều trạng thái, tư thế và chuyển động khác nhau. Đặc biệt, người họa sĩ này là một kẻ cuồng mèo chính hiệu, không chỉ dừng lại ở việc theo dõi, Byeon thậm chí còn bắt chước những hành động yêu thích của lũ mèo! Khả năng quan sát tinh tế cùng những trải nghiệm sinh động từ cuộc sống như một con mèo thực thụ đã khiến những tác phẩm vẽ mèo của ông đặc biệt chính xác và truyền tải xúc cảm sắc nét.

Cat Looking at Butterfly hay Mèo ngắm nhìn bướm bay

Khó có thể lý giải cho việc yêu thích mèo của Byeon Sang-byeok bởi đặc trưng của người Đông phương ý nhị, mọi cảm xúc cá nhân chỉ được dẫn truyền thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình. Từng nét bút tinh tế và tỉ mẩn cũng đủ làm chúng ta hiểu ông yêu thương và trân quý loài mèo nhường nào. Tìm hiểu sâu hơn về biểu tượng mèo trong văn hóa Hàn Quốc, có thể cung cấp được một số lý giải khác cho việc tần suất xuất hiện liên tục các tác phẩm về mèo của Byeon. Nếu như phương Tây xem mèo mà cụ thể là mèo đen là điềm gỡ, là sự xui xẻo thì ở Hàn Quốc vào triều đại Joseon lại trái ngược, mèo là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn.

Và đặc biệt trong giới học giả Nho giáo Hàn Quốc thời Joseon, việc tình cờ gặp mèo được coi là điều may mắn nhất có thể xảy ra, giúp vượt qua bài kiểm tra Gwageo – kỳ thi công chức quốc gia khắc nghiệt. Theo các tài liệu lịch sử, một học giả tên là Shin Seok đã vượt qua kỳ thi sau khi dành cả ngày để tìm kiếm một con mèo! Ngoài ra, mèo còn là tượng trưng cho người cao niên, bởi theo ngôn ngữ Trung Quốc “mèo” (猫) đồng âm với “người già” (耄). Theo như Baik In-san, quản lý cấp cao từ Bảo tàng Nghệ thuật Kansong giải thích, ở Hàn Quốc cổ đại, mèo tượng trưng cho tuổi 70 trong khi bướm tượng trưng cho tuổi 80. Những tác phẩm với sự xuất hiện của mèo là lời chúc về sự trường thọ, viên mãn.

Tabby cat and Daises (Mèo Tabby và hoa cúc)

Điểm đặc biệt trong phong cách vẽ của Byeon Sang-byeok chính là tính tả thực sinh động thông qua sự trau chuốt trong từng nét vẽ. Việc chọn lựa đề tài yêu thích là mèo cũng làm nên điều khác biệt so với các họa sĩ cùng thời. Nếu tìm hiểu theo phương diện lịch sử có thể thấy phong cách vẽ khác biệt Byeon Sang-byeok được đón nhận một phần cũng có liên đến thời điểm sống: triều đại Joseon. Giai đoạn mở đầu của triều đại Joseon, mỹ thuật Hàn Quốc vẫn đi theo lối vẽ của cây đại thụ Trung Hoa. Với mức độ ảnh hưởng sâu rộng, nền mỹ thuật các nước khu vực châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng cũng tràn ngập những nét cọ thanh thoát, lối vẽ phóng tác, xa rời thực tế và đậm tính trang trí. Loại tranh được ưa chuộng, đánh giá cao chính là jingyeong sansu – tranh phong cảnh với trọng tâm là khung cảnh rộng lớn bao quát và sự nhỏ bé của con người và động vật trong không gian. Thậm chí việc vẽ jingyeong sansu cũng được các họa sĩ ưu ái bởi giá thành tranh phong cảnh cũng nhỉnh hơn so với vẽ tranh động vật.

Gukjeong chumyo hay Mèo giữa khu vườn mùa thu

Tuy nhiên từ giữa đến cuối triều đại lại có sự chuyển biến theo hướng đi mới giúp mỹ thuật Hàn Quốc tỏa sáng rực rỡ. Bởi đây là giai đoạn trùng khớp sự thay đổi vương quyền của Trung Hoa từ nhà Minh sang Mãn Thanh (năm 1644). Chính sự rối ren của nội bộ Trung Hoa đã kéo theo sự sa sút mức độ ảnh hưởng văn hóa đến các quốc gian lân cận và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Điều này là một cú sốc lớn nhưng cũng là một tiềm năng lớn để các học giả và nghệ sĩ Hàn Quốc soi chiếu và tiến bước vào con đường phát triển văn hóa tự thân. Các mô hình nghệ thuật mới tập trung cụ thể vào các đối tượng nội địa từng bước được xây dựng và chấp nhận. Việc Byeon đặc tả loài mèo hay các đối tượng quen thuộc khác với góc nhìn cận cảnh và sự trau chuốt trong từng nét vẽ đã góp phần đưa Hàn Quốc thoát ly dần phong cách Trung Hoa cổ điển, để xây dựng một chuẩn mực riêng mới trong nghệ thuật Joseon và cả những thời kỳ sau đó.

Myojakdo (Mèo và Chim sẻ)

Những bức tranh nổi tiếng nhất vẽ mèo của Byeon có thể kể đến là “Myojakdo(Mèo và Chim sẻ), “Gukjeong chumyo” (Mèo giữa khu vườn mùa thu), “Cat with Bird” (Mèo và chim), “Tabby cat and Daises” (Mèo Tabby và hoa cúc),… Rất nhiều tác phẩm tuyệt vời của ông nhưng độ phổ biến lại quá mức hạn chế. Mèo trong tác phẩm của Byeon luôn đóng vai trò là đối tượng chính, được đặc tả với những nét cọ tinh tế và tỉ mẩn. Dáng hình mèo được khắc họa chân thực với những tư thế hay chuyển động điển hình như tư thế điềm nhiên giữa lá hoa, cú vồ mồi đột ngột và sắc lẹm hay cuộc rượt bắt không hồi kết với đồng loại. Đặc biệt, ánh mắt được tái hiện vô cùng khéo léo dưới nét cọ của Byeon Sang-byeok, mang trọn vẹn nét kiêu kỳ, biểu cảm sắc lạnh và sự lãnh đạm cố hữu của một con mèo thứ thiệt. Chất liệu tranh lụa đặc trưng cũng làm tăng sự nhẹ nhàng, trầm lắng và cổ điển cho tác phẩm, thể hiện được tính chất “trưởng thành” của bậc cao niên mà loài mèo làm đại diện. Sắc độ màu rất mềm mại, hài hòa với tính nhịp nhàng, uyển chuyển đặc trưng vốn có của loài vật này.

Mèo của Byeon Sang-byeok không chỉ hiện diện với vẻ ngoài chân thực, đáng ngạc nhiên mà còn thành công bộc lộ biểu cảm đa sắc thái. Và hơn hết phảng phất trong những tác phẩm vẽ mèo của ông ta còn có thể mơ hồ cảm nhận được nét tư lự của người Đông phương xưa cũ.

Tác phẩm nổi tiếng được biết đến nhiều nhất của Byeon là “Myojakdo” hay “Mèo và Chim sẻ”, được thực hiện vào khoảng thế kỷ 18. Mèo và chim sẻ là chủ đề phổ biến trong hội họa truyền thống Hàn Quốc, tượng trưng cho niềm vui trường thọ. Điều này là do hiện tượng đồng âm của tiếng Hán, “mèo” (猫) như đã nói tương đương với “người già” (耄), trong khi đó “chim sẻ” (雀) phát âm giống như “chim ác là” (鵲) – biểu tượng của niềm vui và lễ kỷ niệm. “Myojakdo” mang đầy đủ phong cách vẽ đặc sắc của Byeon: chân thực và tỉ mỉ.

Myojakdo hay Mèo và Chim sẻ
Kích thước 93.9×43.0cm

Tác phẩm sử dụng chất liệu tranh lụa với màu sắc nhã nhặn, cổ điển đặc trưng của hội họa Hàn Quốc. Không như các tác phẩm khác chỉ tập trung miêu tả một đối tượng, “Myojakdo” lại có cụm chủ thể là hai con mèo ở vị trí trung tâm và góc trên phía trái. Hai tư thế và tâm thế khác nhau được đặc tả trong từng chi tiết như vị trí, bàn chân, móng vuốt. Mèo sọc vằn đen trắng ở trung tâm với dáng hình điềm nhiên, tịch mịch ngước nhìn sự căng thẳng tột độ của mèo sọc xám đang vươn những móng vuốt dài sắc bám trụ lại trên cây. Đường dây liên kết hai chủ thể được thiết lập bởi ánh mắt đối chọi trực diện, với hai nút biểu cảm khác biệt từ ánh mắt thong thả của mèo đen trắng ở trung tâm chuyển hướng đến sự lo lắng của mèo xám ở phía trên hoặc ngược lại. Chính đường dây liên kết bằng ánh mắt cùng sự đối lập của biểu cảm đã tạo được dấu hiệu chuyển động thầm lặng trong tổng thể tĩnh của tác phẩm.

Soi chiếu cận cảnh, có thể thấy tiêu chuẩn về sự đặc tả của Byeon đạt mức độ hoàn hảo. Chỉn chu đặc tả từng sợi lông mèo với độ chính xác về màu sắc kinh ngạc. Hai chủ thể là loại mèo vằn với bộ lông có sự chuyển đổi màu sắc rất phức tạp, không thuần nhất trắng đen hay xám vàng mà bộ lông còn là sự trộn lẫn của nhiều sắc màu.

Tuyệt vời hơn, Byeon còn miêu tả chi tiết những chiều hướng, kích thước khác nhau của từng sợi lông mèo! Ngoài ra, những bộ phận khác như mắt vàng sáng, mũi phấn hồng hay móng vuốt mèo tuy nét vẽ giản đơn hơn nhưng cũng đặc biệt hiệu quả thể hiện được tính chất thực và lột tả được biểu cảm riêng biệt cho từng chủ thể.

Những chi tiết phụ như bầy chim sẻ hay thân cây đầy nhánh gai góc càng được Byeon tiết chế về mức độ tinh xảo. Đường nét đủ gợi dáng hình và màu sắc vẫn đạt được độ nhận diện tốt nhưng không tranh chấp với hai chủ thể mèo chính.

Nhìn ngắm mèo trong tranh của Byeon Sang-byeok ta có thể thu nhận về sự mãn nhãn và kinh ngạc. Từng sợi lông mảnh mai, ánh nhìn sắc bén, tư thế kiêu kỳ, những con mèo của Byeon Sang-byeok đang thực sự tận hưởng sự tươi đẹp vĩnh hằng trong tranh mặc cho thế gian ngoài kia vật đổi sao dời.

Thực hiện: Y.ink
Nguồn: National Museum of Korea, koreajoongangdaily.joins.com, courses.lumenlearning.com

Cùng tác giả

#Tag

Byeon Sang-byeok series meo meo Y.ink

iDesign Must-try

/meo meo/ Hình ảnh mèo trong chủ nghĩa xã hội của Théophile-Alexandre Steinlen
/meo meo/ Hình ảnh mèo trong chủ nghĩa xã hội của Théophile-Alexandre Steinlen
Hình ảnh những con mèo của Theophile-Alexandre Steinlen tượng trưng cho điều gì? Cùng tìm hiểu qua loạt bài về mè trong hội họa.
/meo meo/ Mèo và cuộc đời bi kịch của Louis Wain
/meo meo/ Mèo và cuộc đời bi kịch của Louis Wain
Đằng sau những bức vẽ minh họa mèo của Louis Wain có gì? Cùng vén bức màn về họa sĩ minh họa mèo nổi tiếng của Anh.
/meo meo/ Câu chuyện đằng sau những bức tranh mèo độc đáo của Utagawa Kuniyoshi
/meo meo/ Câu chuyện đằng sau những bức tranh mèo độc đáo của Utagawa Kuniyoshi
Hình ảnh của loài mèo trong hội họa có ý nghĩa gì? Cùng tìm hiểu về Utagwa Kuniyoshi, vị họa sĩ có phong cách vẽ mèo độc đáo của Nhật…
Này kẻ sáng tạo, liệu bạn có dám giết chết ‘bé cưng’ của mình?
Này kẻ sáng tạo, liệu bạn có dám giết chết ‘bé cưng’ của mình?
Câu hỏi chính xác và đầy đủ là: Liệu bạn, kẻ đang quay cuồng trong thế giới của sáng tạo, đã bao giờ phá hủy nghệ thuật đầy tâm huyết…
Từ ‘ô cửa’ nhìn ra thế giới: Những suy tưởng nội tâm khi ngắm nhìn thế giới qua ô cửa của một ai khác (phần 3)
Từ ‘ô cửa’ nhìn ra thế giới: Những suy tưởng nội tâm khi ngắm nhìn thế giới qua ô cửa của một ai khác (phần 3)
Thế giới của bạn như thế nào? Hãy cho tôi biết được không? Chúng ta không chỉ muốn ngắm nhìn thế giới chân thực qua mắt nhìn của chính mình,…
‘Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ’ - Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị
‘Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ’ - Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị
Trong khi công chúng Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ với điêu khắc gia Điềm Phùng Thị thì tên tuổi của bà đã nổi danh khắp thế giới…