Naum Gabo (Phần 1)

Naum Gabo là một trong những nhân vật chủ chốt của nghệ thuật avant-garde Nga tiền Cách mạng. Ảnh hưởng của Gabo trong nghệ thuật hiện đại là rất to lớn, mặc dù sức ảnh hưởng đấy đôi khi không được nhấn mạnh trong các sách sử nghệ thuật. Ông đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỹ học Kiến tạo, gần như là cha đẻ của nghệ thuật Động học, một trào lưu thực sự ra đời sau đó gần nửa thế kỷ, và góp phần to lớn định hình điêu khắc hiện đại. Ông là cảm hứng của những nghệ sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng kế tiếp như van Doesburg, Max Bill, và Joseph Albers. Những thí nghiệm tiên phong của ông được kế thừa bởi Marcel Duchamp hay Alexander Calder. Trong loạt bài ba phần, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về Naum Gabo.

Tóm lược về Naum Gabo

Các bức điêu khắc có cấu trúc phức tạp, trừu tượng đầy mê hoặc của Naum Gabo phủ  bóng lên toàn bộ nghệ thuật thế kỷ 20, trong khi ông sống cuộc đời của một kẻ di cư – nhà sáng tạo tinh tuý, di chuyển từ quốc gia này qua quốc gia khác kiếm tìm những bối cảnh mới cho tác phẩm, và cũng để chạy trốn khỏi chiến tranh và sự đàn áp. Khi còn là một thanh niên trẻ ở Nga thời kỳ hậu Cách mạng, Gabo gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa Kiến tạo, một chủ nghĩa tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa các quá trình sáng tạo và chức năng. Ông kết hợp các nguyên tắc từ kỹ thuật tới kiến trúc vào các khám phá sáng tạo của mình, và sử dụng các bức điêu khắc để mô tả và minh hoạ các khái niệm khoa học mới như thuyết tương đối về không thời gian của Einstein. 

Naum Gabo trong xưởng làm việc của mình, chụp năm 1970 bởi Inge Morath. Ông sinh 05/08/1980 tại Bryansk, Nga và mất 23/08/1977 tại Waterbury, Connecticut, Mỹ.

Gabo làm việc qua nhiều phong trào và ý tưởng khác nhau, cuối cùng định cư ở Mỹ sau Thế chiến II. Giống như những nghệ sĩ quan trọng bậc nhất khác, công việc và cuộc đời ông về căn bản được định hình bởi thời đại mà ông sống, và do cũng giúp định nghĩa ngược lại thời đại đó. 

Thành tựu

  • Gabo tin rằng nghệ thuật nên có một giá trị rõ ràng và thực tế trong xã hội. Là một sinh viên kỹ thuật và kiến trúc, ông đã mô phỏng và thể hiện các kỹ thuật tiên tiến từ những lĩnh vực đó trong các công trình điêu khắc của mình, và tự thiết kế các kế hoạch kiến trúc phức tạp. Yếu tố này trong tác phẩm của ông, ban đầu được phát triển để định hình tư duy của công dân Xô viết mới, ảnh hưởng tới toàn bộ mô hình trong nghệ thuật thế kỷ 20: ý tưởng xóa nhòa ranh giới giữa các quá trình nghệ thuật và mang tính công năng.
  • Một trong những khám phá quan trọng nhất của Gabo là không gian trống có thể được sử dụng làm một yếu tố của điêu khắc. Kiến tạo các bức điêu khắc từ các bộ thành phần lồng vào nhau hơn là chạm khắc hay đúc chúng từ khối trơ cho phép ông kết hợp không gian vào tác phẩm dễ dàng hơn. Với ý định thể hiện ý tưởng từ hình học và vật lý hiện đại, cách sử dụng không gian của Gabo trong điêu khắc đứng cùng với cách kết hợp phần giấy trống của Stéphane Mallarmé vào thơ của mình, và cách kết hợp khoảng lặng của John Cage vào âm nhạc, trong việc cô đọng một mối quan tâm hiện đại muôn thuở với việc thể hiện cái không biết cũng như cái đã biết: với hư vô cũng như hình dạng.
Thơ của Mallarmé
  • Bằng cách kết hợp các bộ phận chuyển động được vào bức điêu khắc, hay các yếu tố tĩnh mà gợi ra chuyển động một cách mạnh mẽ, tác phẩm của Gabo đứng đầu trong cả một truyền thống nghệ thuật – Nghệ thuật Động học (Kinetic Art) – sử dụng nghệ thuật để đại diện cho thời gian cũng như không gian. Thật vậy, Kiến tạo động học (Kinetic Construction) năm 1920 của ông thường được xem là tác phẩm đầu tiên của Nghệ thuật Động học. Từ đó trở đi, tác phẩm của Gabo hoặc kết hợp hoặc gợi ý cái ông gọi là “nhịp điệu động học”, gợi nhắc người xem về một khám phá hiện đại tinh túy được tạo ra đầu tiên bởi Albert Einstein, rằng thời gian và không gian chỉ tồn tại trong mối liên hệ với nhau.

Tiểu sử Naum Gabo

Tuổi thơ

Gabo, tên khai sinh là Naum Pevsner, sinh ra ở thị trấn Bryansk ở Nga, và là đứa con thứ sáu trong bảy anh chị em. Nhà Pevsner là một đại gia đình trung lưu phụ quyền, sống gần gũi với nhau, có người cha Boris mạnh mẽ, lôi cuốn và mẹ là Fanny. Mặc dù ông Boris là người Do Thái, nhưng những đứa con ông được nuôi dưỡng theo đạo Thiên Chúa do ảnh hưởng của người bà theo Chính thống giáo Nga, còn Naum thì hầu như cả đời tách mình khỏi gốc gác Do Thái. 

Boris Pevsner sở hữu một xưởng sản xuất và cán kim loại thành công, phục vụ nhiều tuyến đường sắt khắp nước Nga. Bằng cách này, cậu Naum trẻ tuổi trở nên quen thuộc với nhiều loại vật liệu công nghiệp mà sau truyền cảm hứng cho các tác phẩm của cậu, trong khi đó, hai anh trai thì theo đuổi ngành kỹ thuật. Người anh thứ ba, Natan (sau đổi thành Antoine), lớn hơn Naum bốn tuổi, trở thành một nghệ sĩ thành công, và là người có tác động sâu sắc đối với em trai của mình. Khiếu tò mò nghệ thuật của người em đấy bắt đầu nảy nở qua tình yêu với thơ ca và những thử nghiệm sớm trong lĩnh vực điêu khắc, chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật thời Sa hoàng mà đã thống trị cảnh quan văn hóa của ông.

Hình ảnh của Antoine hay Natan Borisovich Pevsner, người anh của Gabo, bên tác phẩm của mình

Từ nhỏ, Naum đã là một đứa bé cứng cỏi, nổi loạn, và có định hướng chính trị. Được anh chị em mô tả là “một đứa tinh quái và liều mạng”, ông sớm tìm kiếm những cách mới để thể hiện bản thân. Bị đuổi khỏi trường học năm 1904 vì viết những bài thơ lật đổ thầy hiệu trưởng, ông bị gửi đến Tomsk, nơi ông vô tình tham dự cuộc họp xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong quá trình diễn ra cuộc cách mạng năm 1905. Trong một cuộc chạm trán đáng nhớ và đau thương, ông đã chứng kiến sự tàn bạo của quân Cossack đối với một người biểu tình mà, sau này, ông hồi tưởng rằng: “Tôi 15 tuổi và ngày hôm ấy và đêm hôm ấy, tôi đã trở thành một nhà cách mạng”. Trở về Siberia từ Bryansk trong chuyến tàu hai ngày, ông khẳng định mình đã “thức tỉnh với cuộc đời”, và trong vòng một năm, ông đã làm việc cho một nhóm phi pháp phân phối văn chương của Đảng Lao động Chủ nghĩa Xã hội cho công nhân. Mặc dù ông phải tự mình lưu vong ở châu Âu và Mỹ hầu hết những năm trưởng thành, ông luôn than thở về sự xa cách của mình với nước Nga, nơi ông tuyên bố rằng “ý thức [của ông] đã được hun đúc”.

Đào tạo ban đầu

Gabo không được đào tạo nghệ thuật chính thức. Ông đã học ở trường Gymnasium  địa phương tại Kursk (Gymnasium được hiểu là trường dự bị đại học, tức là ngang với bậc THPT tại Việt Nam, tuy nhiên trong hệ thống của một số quốc gia cụ thể tại châu Âu thì Gymnasium chỉ dành cho các học sinh giỏi nhất và các học sinh kém hơn sẽ học các hệ trường khác). Vào năm 1911, Gabo chuyển đến Munich để học y dưới sự kiên quyết của cha mình, sau ông hồi tưởng rằng nguyên nhân của việc đó phần là vì ông có khả năng có thể chữa các cơn đau đầu của mẹ bằng đôi tay mình. Hai năm sau, Gabo chống lại ước muốn của cha bằng cách chuyển sang học toán, khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, kỹ thuật, và sau cùng là triết học. Đào tạo khoa học của ông được áp dụng tốt vào các công trình điêu khắc sau này, và chính ở Munich, ông đã trở nên hứng thú với các học thuyết thời gian cấp tiến của Einstein và Bergson. 

Gabo cũng bắt đầu tham dự các buổi giảng về lịch sử nghệ thuật của một gia sư có tầm là Heinrich Wölfflin. Quyển sách mang tính khải thị về nghệ thuật trừu tượng của Wassily Kandinsky, Về tinh thần trong nghệ thuật (1912), đã thu được lợi nhuận vào thời điểm này, và thôi thúc Gabo ngày một quan tâm đến việc thể hiện các cấu trúc và các nguồn lực của thiên nhiên. Cùng lúc đó, ông bị tác động bởi những tác phẩm hướng về các truyền thống nghệ thuật bản địa của Nga, thử nghiệm màu nước lãng mạn và giàu sức biểu cảm đã được dùng để vẽ nên nhiều bức tranh của Mikhail Vrubel.

Thiên thần sáu cánh của Mikhail Vrubel

Năm 1913, nhờ sự gợi ý của Wölfflin, Gabo bắt đầu một chuyến đi bộ sáu tuần quanh nước Ý, ngắm tác phẩm David của Michelangelo và các kiệt tác kinh điển khác dưới thời Phục hưng. Sau này ông hồi tưởng rằng mặc dù những tác phẩm đó có tác động sâu sắc đối với ông, nhưng “tất cả đều là vật chết”, và “thiên nhiên mới là thứ khiến ông ấn tượng, chứ không phải nghệ thuật”. Chuyến du hành của ông bị hủy sớm do thiếu kinh phí và do cảm giác cô đơn quá đỗi rõ rệt. Ông viết cho một người trong các người anh của mình rằng: “Tiếc là em phải tiếp nhận biết bao sự ấn tượng thú vị như thế một mình”.

Trong những năm 1912-13, Gabo thực hiện những chuyến đi đầu tiên tới Paris với người anh trai mà ông rất thân, Antoine. Họ cùng nhau thăm Salon des Indépendants, đưa chàng trai trẻ Gabo tiếp xúc với tác phẩm của Picasso, Braque, Kandinsky, Delaunay, Leger, và nhiều người khác, tới những ý tưởng của chủ nghĩa Lập thể và Vị lai bùng nổ trong bối cảnh tiền tiến. Vào thời điểm đó, ông cũng thấy được nhiều tác phẩm của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng và Lập thể ở Nga, nơi doanh nhân và nhà sưu tầm tranh Sergei Shchukin thường xuyên tổ chức triển lãm bộ sưu tập châu Âu của mình.

Bộ sưu tập ấn tượng của Shchukin ở Cung điện Morozov, 1937. Có thể thấy ngay, nổi bật, là bức Vũ điệu (Dance) nổi tiếng của Matisse vốn được vẽ cùng với Âm nhạc (Music) dành riêng cho Shchukin.

Với sự bùng nổ của Thế chiến I, Gabo và người em trai Alexei, cũng ở Đức, bay sang Copenhagen đến Na Uy trung lập, một phần để tránh bị tòng quân cho Lục quân Đế Quốc, và phần vì, với tư cách là công dân Nga, họ bỗng nhiên trở thành những kẻ hoàn toàn không được hoan nghênh tại Đức. Sự chuyển đổi chỗ ở này cho Naum một lý do để từ bỏ việc học và tập trung vào nghệ thuật. Chính tại nơi đây, ông đã tạo ra tác phẩm mà ông gọi là Những cái đầu được xây dựng (Constructed Heads), kí tên Gabo thay vì Pevsner để phân biệt mình với người anh trai nghệ sĩ Antoine, người đã gia nhập cùng Naum và Alexei ở Na Uy, và để ám chỉ một hướng đi mới tiến bộ trong nghệ thuật của ông. Na Uy khá yên bình và tĩnh lặng. Được bao quanh bởi những con vịnh hẹp và những ngọn núi nơi họ trượt tuyết vào cuối tuần, anh em họ được hỗ trợ chi phí bởi cha mình, do đó tránh được việc làm công ăn lương lẫn sự khủng khiếp của chiến tranh ở châu Âu.

Cái đầu được xây dựng số 1 (1915) của Naum Gabo

Khi tin tức về cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 lan ra, Naum và Antoine trở về quê hương nước Nga, vừa lúc cuộc đảo chính Bolshevik diễn ra vào tháng Mười năm 1917. Moscow bị cuốn vào vòng xoáy hỗn loạn giữa lòng nhiệt tình cách mạng và cuộc nội chiến. Gabo quen biết với vô số nghệ sĩ Nga đã trở về sau cuộc Cách mạng ấy, tham gia vào một cơn điên cuồng tập thể mong muốn thể hiện tinh thần xã hội Xô viết trong nghệ thuật. 

Tuy gặp phải khó khăn lớn về tài chính, Gabo đã nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trong 5 năm sau đó, sau đó nhớ lại rằng “lúc đầu tất cả chúng tôi đều làm việc cho Chính phủ”. Vào đầu những năm 1920, Gabo làm việc cho Bộ Mỹ thuật (IZO) mới thành lập, lúc bấy giờ được quản lý bởi phần lớn là các nghệ sĩ trừu tượng. Gặp gỡ Trotsky (một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917, người thành lập và chỉ huy Hồng quân) nhiều lần trong khoảng thời gian này đã khiến Gabo bắt tay vào việc xây dựng một chương trình giáo dục nghệ thuật mới cho các trường học, và làm việc với số duy nhất của tạp chí của bộ phận, Izo

Chân dung Lev Davidovich Trotsky (1879-1940)

Đồng thời, Gabo thực hiện một loạt các công trình điêu khắc ngày càng trừu tượng. Trên thực tế, ông chú ý vào quan niệm chung về cái mà sẽ trở thành chủ nghĩa Kiến tạo. Tuy nhiên, trong khi đồng chí nghệ sĩ của ông, Vladimir Tatlin, tạo ra những bức phù điêu thô sơ được lắp ráp một cách thô thiển, thì các tác phẩm của Gabo rất tinh tế và chính xác; đồng thời, chúng có thẩm mỹ máy móc riêng biệt, cho thấy niềm đam mê lâu dài của ông với khoa học và kỹ thuật.

Năm 1920, Gabo tổ chức buổi ra mắt đầu tiên, một cuộc triển lãm ngoài trời trên một bục sân khấu dành cho dàn nhạc ở Đại lộ Tverskoy nơi trung tâm Moscow, với anh trai Antoine và nghệ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia người Latvia, Gustav Klutsis. Hai anh em quyết định rằng cuộc triển lãm nên đi kèm với một tuyên ngôn về tham vọng nghệ thuật của họ, Tuyên ngôn hiện thực (The Realistic Manifesto). Văn bản này, được viết bởi Gabo, đã tạo nên lịch sử, khơi dậy tinh thần nổi dậy và niềm khát khao về sự thay đổi cấp bách giữa một kho tàng văn hóa nước Nga đồ sộ tại thời điểm này. Gabo và Pevsner phát 5000 bản trên đường Moscow, kêu gọi một nghệ thuật mới cho người dân, một “Đại phong cách mới” sẽ nắm bắt tinh thần của một “kỷ nguyên mở ra lịch sử nhân loại”.

Cái đầu được xây dựng số 2 (1916) của Naum Gabo 
Cái đầu (Head) (1923-24) của Antoine Pevsner
Công trình (Construction) (1921) của Gustav Klutsis

Đi trước những trừu tượng bên ngoài của những người theo chủ nghĩa Lập thể và Vị lai, và bác bỏ chủ nghĩa hiện thực mang tính tuyên truyền, nghệ thuật mới sẽ sử dụng các hình thức điêu khắc để thể hiện “chiều sâu” (không gian trống) hơn là khối lượng, và tạo ra “nhịp điệu động học” thể hiện yếu tố thời gian cũng như yếu tố không gian.

Trong vòng hai năm tiếp theo, khi sống và làm việc trong một môi trường đầy biến động của Moscow hậu Cách mạng, Gabo bắt đầu dừng hợp tác với các nghệ sĩ khác, theo cùng một cách dẫn trở nên quen thuộc. Chẳng hạn, ông đã xung đột với El Lissitzky về một bài báo viết bởi Lissitzky mà Gabo cho rằng đã đạo các khái niệm từ Tuyên ngôn hiện thực, nói về một “tinh thần thủ địch khô khan và cay đắng giữa họ”. Ít công khai hơn, ông chế giễu Tatlin vì “đùa giỡn với các hình thức và vật liệu kỹ thuật”. 

Đảng Bolshevik của Nga lúc này đã thay đổi thái độ và trở nên càng ngày càng hung hãn với các nghệ sĩ tiên phong, khi mô hình khắc nghiệt của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội xuất hiện rõ ràng. Năm 1922, Gabo di cư đến Berlin, ở lại trong vòng mười năm. Ngay sau khi tới nơi, ông hỗ trợ tổ chức Triển lãm Nghệ thuật Nga Đầu tiên (First Russian Art Exhibition) (1922) tại Phòng trưng bày Van Diemen, được tài trợ bởi Bộ Thông tin Nga. 

Những nhà tổ chức của cuộc triển lãm (ảnh của Naum Gabo, giới thiệu bởi Nina và Graham Williams): (từ trái qua) David Shterenberg, người đứng đầu IZO, D. Maryanov, đại diện cho Tổng cục An ninh Nga; Natan Altman, Naum Gabo, và Friedrich Lutz của Galerie van Diemen. Ở tiền cảnh là tác phẩm Phần thân người được xây dựng (Constructed Torso) (1917) của Naum Gabo, hiện đang bị thất lạc.

Cuộc trưng bày có hơn 700 tác phẩm gồm tranh vẽ, tượng điêu khắc, bộ thiết kế, và các mô hình kiến trúc, và là một sự kiện lớn tiếp nhận chủ nghĩa Kiến tạo ở Bắc Âu. Gabo sẽ triển lãm thường xuyên với các nghệ sĩ Nhóm Tháng Mười một (Novembergruppe) – được đặt tên theo tháng mà cuộc nổi dậy xã hội chủ nghĩa của chính nước Đức bắt đầu vào năm 1918 – và kết nối với những nghệ sĩ như Hans Richter và Kurt Schwitters. Gabo có một thời gian ngắn gắn bó với trường Bauhaus – lúc đó là trung tâm của chủ nghĩa Kiến tạo Châu Âu – giảng dạy và viết cho tạp chí của họ. Tuy nhiên, về mặt đặc điểm, ông không đồng ý với một số nguyên tắc chức năng luận của họ.

Suốt thời gian ở Đức, Gabo cũng làm việc với anh trai Antoine, người đã định cư ở Paris từ năm 1923, dàn dựng cho vở ba lê Con mèo (La Chatte) (1927) của Sergei Diaghilev, và trong những dự án khác cho công ty Ballet Russes (Ba-lê Nga) nổi tiếng của Diaghilev. Gabo cũng nghĩ ra các kế hoạch cho các hình thức kiến trúc, chẳng hạn như các tòa nhà chọc trời và bãi đỗ xe, nhưng chúng không bao giờ được thực hiện. Vào đầu những năm 1930, môi trường chính trị ở Đức ngày càng phát triển theo chủ nghĩa dân tộc, bài Do Thái, và độc hại. Gabo đã coi thường bản sắc Do Thái của mình hầu như cả cuộc đời, phản kháng khi bị phân loại nghệ sĩ theo sắc tộc, nhưng giờ đây, khi bị kinh hoàng trước sự trỗi dậy của Đức Quốc xã, ông mới nhận ra di sản của mình. Sau đó, ông nhận xét rằng “nếu có ai khiến tôi là người Do Thái, thì đó là Hitler“.

Sân khấu của vở Con mèo

Năm 1932, Gabo chạy trốn khỏi bầu không khí “nghẹt thở” ở Đức để đến Paris, và ở lại đó trong bốn năm. Đây không phải một thời kỳ vui vẻ gì cho cam với ông, cả về chính trị lẫn cá nhân. Mặc dù tác phẩm của ông được cho là thành công, và ông trở nên liên kết với nhóm Abstraction-Création (Trừu tượng-Sáng tạo) của những nghệ sĩ Kiến tạo, Gabo bán được rất ít, chịu đựng sự lo âu, và nhận thấy rằng thủ đô nước Pháp “tự mãn và hời hợt”. Ông mất đi sự tự tin nơi nghệ thuật của mình, giữa hai anh em Gabo và Pevsner xuất hiện căng thẳng và sự ganh tị lẫn nhau. Sau khi thăm London năm 1935, Gabo ở Anh từ năm sau đó.

Thời kỳ trưởng thành

Vào lúc ông đến Anh năm 1936, Gabo đã là một nghệ sĩ quốc tế, ông được chào đón nồng nhiệt bởi các nghệ sĩ và nhà phê bình người Anh như Barbara Hepworth, chồng tương lai của bà Ben Nicholson, Herbert Read cùng nhiều người Gabo đã gặp ở Paris qua nhóm Trừu tượng-Sáng tạo. Cũng chính năm đó, ông được giới thiệu với Miriam Israels, người ông sẽ cưới vào năm 1937, dưới sự làm chứng của Nicholson và Hepworth. Miriam đã từng kết hôn với một doanh nhân, là Cyril Franklin, và họ có với nhau ba đứa con, nhưng bà đã kết thúc cuộc hôn nhân này không lâu sau khi gặp Gabo. Cặp đôi này ở với nhau đến khi Gabo mất. Mỉa may thay, ban đầu họ sống bằng tiền từ chồng cũ của Miriam cũng nhiều như từ tiền bán tác phẩm không thường xuyên của Gabo. 

Hai vợ chồng Gabo và Miriam chụp tại London năm 1937

Nhiều nghệ sĩ di cư khác đang tụ tập ở Anh vào thời điểm đó, gồm những người bạn cũ: Oskar Kokoschka, Walter Gropius, Marcel Breuer, và Piet Mondrian. Mondrian không xu dính túi khi mới tới London năm 1938, và khi Hepworth và Nicholson cho ông chỗ ở ở Hampstead, Gabo đã cung cấp cho người bạn đồng hành của mình từ nhóm Trừu tượng-Sáng tạo từ quần áo, đồ đạc đến thức ăn. Họ ôn lại những cuộc trò chuyện đêm khuya bắt đầu ở Paris vào đầu thập kỷ trước, về chủ nghĩa Kiến tạo, chủ nghĩa Neo-Plasticism, và không gian ảo giác của bức tranh.

Giữa những năm 1930 là một thời kỳ quan trọng đối với chủ nghĩa Kiến tạo Anh, Gabo và các cộng sự của mình muốn thế giới biết rằng avant-garde đã chuyển khỏi nền tảng Paris. Gabo trưng bày, cùng với nhiều đồng hương của mình, trong triển lãm Trừu tượng và Cụ thể (Abstract and Concrete) mang tính đột phá ở Phòng trưng bày Lefèvre của London năm 1936; và năm 1937, ông đã đồng biên tập bản toát yếu có sức ảnh hưởng lớn của nghệ thuật Kiến tạo, Vòng tròn (Circle), với Ben Nicholson và kiến trúc sư Leslie Martin. 

Được đặt tiêu đề phụ là Khảo sát quốc tế về Nghệ thuật Kiến tạo, Vòng tròn nêu bật các tuyên bố phê bình quan trọng cũng như bao gồm hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật chủ chốt, và phản ánh chủ nghĩa lạc quan văn hóa rằng cuộc xung đang đe dọa châu Âu rồi sẽ giảm bớt. Mặc dù vậy, thị trường nghệ thuật ở châu Âu vẫn đang khó khăn và châu Âu có vẻ ngày càng nguy hiểm. Gabo thường xuyên trao đổi thư từ với Alfred H. Barr, giám đốc sáng lập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, sau đó đưa đến các kế hoạch rồi không được thực hiện cho một cuộc triển lãm lớn các tác phẩm của Gabo, và Gabo dự định sẽ tới Mỹ sống. Nhưng chiến tranh nổ ra đã buộc các kế hoạch phải thay đổi.

Một hình ảnh từ cuộc triển lãm Trừu tượng và Cụ thể

St. Ives, Cornwall là quê hương của một cộng đồng các nghệ sĩ lớn kể từ những năm 1920, bao gồm Bernard Leach, Adrian Stokes, và thiên tài nghệ thuật kiêm ngư dân Alfred Wallis. Khi London đứng trước nguy cơ bị Luftwaffe tấn công, Hepworth và Nicholson rút về bờ biển Cornish, và St. Ives có vẻ là sự lựa chọn an toàn nhất cho Naum và cả Miriam, mặc dù chỉ tạm thời. Họ chuyển đến đó không lâu trước kế hoạch cho cuộc hành trình đến Bắc Mỹ, nhưng vào tháng 9 năm 1939, hành khách chuyến phà Athena đã bị trúng ngư lôi của các tàu ngầm Đức – thương vong đầu tiên của Thế chiến II – và họ buộc phải hủy chuyến đi. Thay vào đó, họ ở St. Ives bảy năm, thường xuyên gặp những nghệ sĩ khác tại ngôi nhà ven biển của Adrian Stokes để thảo luận, theo như Gabo, về “chủ nghĩa Lập thể, Vị lai, Kiến tạo, các triết lý phương Đông, và các truyền thống biển Anh, đằng sau những bức màn dày không lọt chút ánh sáng”. Gabo được mời nhận xưởng làm việc nằm sau ngôi nhà đỏ của Peter Lanyon trong khi người nghệ sĩ trẻ này phải ra chiến trường.

Đá với cổ áo (Stone with a Collar) (1936-7) của Naum Gabo

Gabo cảm thấy thời gian ở Cornwall cực kỳ khó khăn về tinh thần, và ông trải qua việc bí ý tưởng sáng tạo nặng nề, có khả năng vì ảnh hưởng tâm lý của chiến tranh: ông hết sức lo lắng theo dõi các tiến triển ở châu Âu, lo cho những người thân mà mình đã mất liên lạc. Trạng thái di cư của ông không giúp được gì. Là người Nga, ông thường xuyên bị nghi ngờ, và phải báo cáo với cảnh sát thường xuyên cho đến năm 1941, khi Anh và Nga trở thành đồng minh theo cách không mấy dễ chịu. Gabo cũng nhanh chóng tránh xa trường St. Ives, nhốt mình trong xưởng vẽ nhiều ngày, và tranh cãi với Nicholson và Hepworth sau khi ông cáo buộc Hepworth ăn cắp ý tưởng của mình. 

Tuy nhiên, Gabo bắt đầu một nhật ký sáng tạo trong thời kỳ này, và tham gia vào đa dạng các dự án khác nhau, bao gồm lập các kế hoạch cho nội thất trong nước, và thậm chí thiết kế một chiếc xe hơi cho công ty Jowett vào năm 1944 – mặc dù kế hoạch này đã thất bại, Jowett gọi tư tưởng của Gabo là “cấp tiến nhưng không thực tế”. Gabo cũng đến Anh và bắt đầu thử nghiệm với các vật liệu mới như Perspex và đá, chịu ảnh hưởng bởi phương pháp khắc trực tiếp (Direct Carving) của Moore và Hepworth mặc dù vật liệu ngày càng khó tìm và doanh số bán hàng ngày càng kém. 

Điêu khắc đá động học (1936-44) của Naum Gabo

Con gái ông, Nina Serafima, chào đời năm 1941, cũng đưa ông ra khỏi thời kỳ say mê sáng tạo. Ngay sau đó, với lời đề nghị 25 bảng Anh để tạo một công trình nhỏ làm quà cho một người bạn, Gabo đã tạo ra phiên bản đầu tiên của Chủ đề Xoắn ốc (Spiral Theme), một tác phẩm quan trọng đưa ông đi theo một hướng nghệ thuật mới và gắn kết lại với gia đình và những người bạn.

Do sự khan hiếm của các cuộc triển lãm và bán hàng trong thời gian chiến tranh ở Vương Quốc Anh, thời gian của Gabo ở Anh không thành công về mặt thương mại, mặc dù ông luôn nhìn nó một cách trân trọng. Tuy nhiên, vào năm 1946, ông và gia đình riêng sau một thời gian dài chờ đợi cũng được chuyển đến Mỹ, chủ yếu dựa vào lời hứa hẹn rằng sẽ tìm được thị trường thuận lợi hơn cho tác phẩm của Gabo.

Chủ đề xoắn ốc (1941). Chất liệu nhựa cellulose acetate và polymethyl methacrylate

Di sản của Naum Gabo

Ảnh hưởng của Gabo trong nghệ thuật hiện đại là rất to lớn, mặc dù sức ảnh hưởng đấy đôi khi không được nhấn mạnh trong các sách sử nghệ thuật. Trong công cuộc phá vỡ ranh giới giữa điêu khắc và kiến trúc, tích hợp các kỹ năng kỹ thuật và các khái niệm khoa học vào quá trình sáng tạo cũng như sử dụng các vật liệu công nghiệp, ông đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỹ học Kiến tạo. 

Tại Bắc Âu, Gabo là cảm hứng cho các nghệ sĩ thế hệ trẻ, bao gồm các Nghệ sĩ Cụ thể vào giữa thế kỷ – Theo van Doesburg, Max Bill, Joseph Albers – thông qua việc nhấn mạnh các hình thức cơ bản của ông, và các nhà điều khắc người Anh như Henry Moore và Barbara Hepworth thông qua việc sử dụng kỹ thuật xâu chuỗi và kết hợp phần không gian trống vào thân của bức điêu khắc. Những thí nghiệm tiên phong của Gabo trong lĩnh vực điêu khắc động học được phát triển bởi những người như Marcel Duchamp và Alexander Calder, và phong trào Nghệ thuật Động học của những năm 1950 và 1960.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Naum Gabo Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…