Nghệ sĩ, đạo diễn sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - Ái Như: ‘Không một thứ gì có thể tách rời tôi theo nghiệp đạo diễn.’

“Mỗi lần đến sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, là những lần bản thân được trần trụi với cảm xúc của chính mình. Có lẽ người trẻ ngại sướt mướt, nhưng với mình nó như một cơ hội để thanh tẩy tâm hồn, gỡ bỏ những gánh nặng cảm xúc để bắt đầu cho những thứ cảm xúc mới tích cực hơn. Thật sự biết ơn những người đứng đằng sau sân khấu đã luôn cố gắng khai mở tia sáng trong nhân cách con người, dù các nhân vật đó đang rơi vào những tình cảnh éo le, tăm tối nhất của cuộc sống.”  

Nhắc đến sân khấu kịch miền Nam, chắc chắn không thể không kể đến cái tên Ái Như. Nghệ sĩ Ái Như tên đầy đủ là Hồ Thị Ái Như, sinh năm 1961 tại thành phố Huế. Hơn 11 năm trong vai trò đạo diễn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, cô cùng với nghệ sĩ Thành Hội đã thai nghén và thành hình hơn 50 tác phẩm. Nửa đời ngơ ngác, Nửa đời hương phấn, Bông hồng cài áo, Hãy khóc đi em, 29 anh về,… đều là những tựa kịch thành công trong việc lưu giữ những cảm xúc sâu xa, khắc khoải trong tâm trí khán giả. Thậm chí, có những khán giả mê kịch Hoàng Thái Thanh tới mức xem đi xem lại vở “Nửa đời ngơ ngác” tận 58 lần, hay vở “Hãy khóc đi em” ngót nghét cũng 40 lần.

Tâm sự về cơ duyên theo nghiệp đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như chia sẻ:

“Ban đầu tôi theo học diễn viên, theo được mấy tháng tôi đã phải nghỉ học rồi. Mấy năm trời sống trong ray rứt dằn vặt. Thật ra lúc đầu tôi cũng muốn học đạo diễn, nhưng nghĩ mình còn nhỏ quá, có thể suy nghĩ chưa được vào đâu. Sau đó khi quay lại tôi cũng đã 26 tuổi, tôi nghĩ bây giờ mình đã phù hợp hơn để học đạo diễn. Rồi may mắn thi đậu. Lúc đó tôi nghĩ chắc sẽ không có một điều gì có thể tách rời tôi theo nghiệp đạo diễn.”

Nhưng để theo đuổi đam mê không phải là điều dễ dàng, bởi lúc đó, tiềm lực kinh tế của nghệ sĩ Ái Như dường như không có!

Bán cả gia tài vẫn chưa đủ tiền làm vở tốt nghiệp

“Quả đúng vậy, đến lúc dựng vở tốt nghiệp, tôi làm vở Khúc nhạc lòng của vị mục sư nhưng lại không đủ kinh phí. Gom hết gia tài cũng chưa đủ, tôi quyết định bán chiếc xe honda duy nhất của gia đình, vay thêm tiền của một người quen và đi bán vé ở Hội hoa xuân Tao Đàn thì mới đủ tiền dựng vở.

Chiếc Honda đối với người ta thì có lẽ nhỏ bé thôi, nhưng đối với tôi, nó là cả một gia tài. Tôi còn được một người bạn thân ở Đức gửi tặng 300 Marks để làm vở tốt nghiệp (hồi đó tiền tệ chưa là Euro mà là Marks).

Dù đã cố gắng hết sức nhưng mà vẫn chưa đủ, lúc đó tôi vay thêm 2 chỉ vàng từ một người bạn của chồng tôi (cười). Hồi đó ảnh đang là kỹ sư trưởng của công ty cây xanh (còn ông xã tôi đang học cao học ở Thái). Lúc đó tôi chở con gái ở sau lưng, gặp ảnh giữa đường, tôi chặn anh lại và hỏi: ‘Anh, anh có thể tìm giúp em một công việc gì đó có thể làm ra tiền và anh có thể cho em mượn 2 chỉ vàng được không?’

Anh ấy bất ngờ lắm nhưng vẫn trả lời: ‘Ờ thôi được, có gì tôi hỏi bà xã tôi!’. Hôm sau, anh ấy mang cho tôi mượn 2 chỉ vàng và tìm cho tôi được một công việc là bán vé ở Hội hoa xuân Tao Đàn. Lúc đó, tôi diễn ở Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần. Ban ngày tôi lo dựng vở tốt nghiệp, trưa chiều về thì đi bán vé, tối cuối tuần thì tôi vẫn tiếp tục diễn tại 5B Võ Văn Tần. Suốt mấy tháng trời, tôi dành hết thời gian để bán vé ở Tao Đàn, dựng vở và biểu diễn. 

Đến ngày 26/03/1991, tôi tốt nghiệp vở Khúc nhạc lòng của vị mục sư. Đó là những kỷ niệm mà tôi vô cùng nhớ. Hồi ấy, anh Thành Hội cùng viết, cùng dựng và diễn với tôi. Con gái tôi cũng có một vai trong đó – một cô bé 7 tuổi – và khán giả rất thích thú. Hồi đó, đi đâu tôi cũng đưa con gái theo, ngoài những lúc đi học, thời gian còn lại, con gái tôi đều cùng tôi ở sân khấu hết.”

Nói về nghệ sĩ Thành Hội, có lẽ đây là người ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự nghiệp của nghệ sĩ Ái Như.

“Khi tôi học đạo diễn, có những bài vở mà tôi vẫn chưa thấu hiểu được cốt lõi. Năm cuối học đạo diễn, tôi được đi thực tập ở Nhà hát kịch thành phố. Đó là lớp diễn viên mà anh Thành Hội chủ nhiệm. Khi được trợ giảng, tôi có cơ hội va chạm với những kinh nghiệm thực tế trên sàn học để hiểu hơn về kết cấu của từng tiểu phẩm, từng trích đoạn hay kịch ngắn. Lúc đó, tôi mới vỡ ra được những điều trên lý thuyết mà trước giờ tôi chưa tường tận. Thậm chí những điều cơ bản về hành động, khai thác sao chép hành động [1], mục đích tối cao [2], tới lúc này tôi mới thật sự thấu hiểu đến tận cùng của vấn đề được.

Tôi thực sự rất mang ơn nghệ sĩ Thành Hội vì những ngày tháng ấy.”

Chia sẻ với các đọc giả của iDesign, nghệ sĩ Ái Như cũng bày tỏ quan điểm về những tiêu chí cần có đối với một diễn viên kịch nói:

 Đam mê phải song hành cùng trình độ

“Để trở thành diễn viên kịch nói, đam mê là điều hiển nhiên, nhưng phải có căn bản của trình độ. Nếu chỉ nói ‘Tôi đam mê sân khấu lắm’ nhưng không có chuyên môn hay trình độ cơ bản thì khó có thể đi xa. Nền tảng cùng với sự khổ luyện mới có thể mang lại những thành quả. Nhưng cho dù khổ luyện mà không có đam mê cũng không thể nào làm được.

Điều đó ta thấy rõ ràng bên âm nhạc, ví dụ một ca sĩ nói rằng: ‘Tôi đam mê ca hát lắm!’ mà anh hát chênh phô thì làm sao được đúng không? Ở mảng kịch nói, nếu anh có tướng tá bên ngoài tốt một chút, anh có thể đi đóng phim truyền hình, điện ảnh, vân vân,.. nhưng điều đó chưa nói được gì đâu. Bởi trên phim có thể nhờ những kỹ thuật, kỹ xảo, cắt ghép, lồng tiếng,… Còn ở trên sân khấu, bản thân người diễn viên phải đối diện với khán giả bằng chính tài năng của họ. Tài năng đó ban đầu chỉ là năng khiếu thôi, phải rèn luyện, khổ luyện bằng tất cả niềm đam mê của mình thì mới trở thành tài năng.”

Chia sẻ về hành trình làm nghề của mình, nghệ sĩ nhớ lại với nhiều tiếc nuối

Tôi còn nhiều kế hoạch dang dở lắm

“Trong một tác phẩm, chuyện đầu tiên là kịch bản, chúng tôi đã bỏ khá nhiều. Giống như ý tưởng nửa chừng, phải làm đi làm lại, làm hoài không được rồi phải lưu lại đó. Biết đâu vài tháng sau hoặc vài năm sau mình làm được. Trong đó có lẽ buồn cười nhất là khi cùng làm việc với tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc. Chúng tôi có một dự án bỏ dở mà tới giờ vẫn chưa tiếp tục được. Dự án đã có tựa trước rồi, là ‘Đời hổng có tên tụi mình’. Bây giờ khi nhắc lại chúng tôi lại cười phá lên: ‘Đó bởi vậy nói chi cho giờ nó ra không được, ‘Đời hổng có tên tụi mình‘ nên bây giờ không có.” (cười)

Nhưng điều khiến nghệ sĩ không hề nuối tiếc đó là:

“Khi nhìn lại, điều làm tôi hài lòng nhất đó là tôi đã làm hết sức, và tôi cũng rủ những người bạn của mình cố gắng hết sức. Tất nhiên không phải ai cũng đồng lòng như mình nhưng trong mỗi chặng đường đi cùng với nhau, chúng tôi luôn khuyến khích điều đó. Cũng có những hối tiếc, nhưng trong cái hối tiếc đó, mình nhìn thấy rằng mình sống không giả dối.

Chân thành cảm ơn nghệ sĩ Ái Như đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật sân khấu. Cảm ơn người nghệ sĩ đã không bỏ cuộc ngay cả những khi khó khăn vô cùng, để đâu đó trong những góc tối u khuất nhất, người ta vẫn nhìn thấy vẻ đẹp của tình người, của cái chân thiện mỹ. Và cũng cảm ơn cô đã dốc hết sức lực đào tạo rất nhiều nghệ sĩ tài năng, để những lớp thế hệ sau còn có cơ hội được nổi chìm trong bể cảm xúc mà bộ môn nghệ thuật kịch nói mang lại.

Chúc nghệ sĩ có nhiều sức khỏe để tiếp tục chắp bút thật nhiều kịch bản mang đậm giá trị nhân văn.

(Còn tiếp)

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

[1] Sao chép hành động: Sao chép hành động là khi người diễn viên quan sát một nhân vật ngoài đời và thực hiện lại một cách chân thật nhất

[2] Mục đích tối cao: Mục đích tối cao của nhân vật chính là hướng phát triển của tiềm thức nhân vật về một mục tiêu theo hoàn cảnh tính cách và bối cảnh sống của nhân vật.


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Cùng tác giả

#Tag

may nghệ thuật sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói Đạo diễn Ái Như

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…