Nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất: Umberto Boccioni (Phần 2)

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối cùng của loạt bài về Umberto Boccioni, nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất, chúng ta tìm hiểu về các tác phẩm nổi bật của ông – bao gồm hội hoạ và điêu khắc – sắp xếp theo trình tự thời gian. Dẫu ngắn ngủi, sự nghiệp của ông đã kịp để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc cũng như nhiều văn bản nghiên cứu và lý thuyết nghệ thuật vô cùng giá trị.

  • Tôi sẽ rời bỏ sự tồn tại này với một sự khinh bỉ tất cả những gì không phải nghệ thuật.
  • Đã qua rồi thời kỳ mà chúng ta phải thì thầm về những cảm quan hội hoạ của mình. Trong tương lai, chúng ta muốn được hát vang và vọng lại chúng trên những tấm toan của mình trong sự bùng nở chói lọi và vinh quang.
  • (để dựng lên)… một bàn thờ mới rộn ràng với động năng cũng thuần khiết và mừng vui như những bàn thờ dâng hiến cho mầu nhiệm thiêng liêng bằng những chiêm nghiệm tôn giáo.

Các tác phẩm nghệ thuật quan trọng của Umberto Boccioni

1905: Chân dung tự hoạ

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. 51.4 x 68.6 cm.

Bức chân dung tự hoạ này cho thấy phong cách của Boccioni khi vẫn còn là một sinh viên ở Học viện tại Rome. Mặc dù nó khác biệt rất lớn với phong cách Vị lai khi ông trưởng thành – mềm mại hơn nhiều trong sắc độ và cọ pháp, ông vẫn rất trân trọng tác phẩm này và không bao giờ bán nó. Nó là điển hình cho giai đoạn mà ông chuyển từ một phong cách lấy cảm hứng từ Ấn tượng thời đầu qua một lối tiếp cận thể hiện nhiều thể tích vật thể hơn do nghiên cứu các tác phẩm của Paul Cézanne.

1910: Thành phố dâng lên

Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. 199 × 301 cm.

Mặc dù những yếu tố tả thực vẫn xuất hiện, như là công trình xây dựng ở hậu cảnh và không gian vẫn được kết xuất qua phối cảnh truyền thống, bức Thành phố dâng lên (The City Rises) được nhiều người cho là bức tranh Vị lai đầu tiên. Tuy nhiên nó cũng không có khác biệt đáng kể với một vài tác phẩm trước đó của nghệ sĩ tập trung vào chủ đề vùng ngoại ô mới của thành phố hiện đại. Chủ yếu, ông từ bỏ tầm nhìn tả thực hơn và thay vào đó là một tầm nhìn thể hiện rõ động năng hơn.

Boccioni đã dành một năm để hoàn thành nó và nó đã được trưng bày trước hết tại Mostra d’arte liberta (Triển lãm nghệ thuật tự do) ở Milan vào năm 1911 với tên Il lavoro (Lao động). Sau đó, nó tiếp tục được trưng bày khắp châu Âu.

Tác phẩm này minh chứng cho sự ảnh hưởng của Tân-Ấn tượng và Biểu tượng vẫn tiếp tục đối với các nghệ sĩ đi theo Vị lai sau khi nó được thành lập vào năm 1909. Chỉ tới năm 1911, Boccioni mới đưa vào các yếu tố của Lập thể để tạo ra một phong cách Vị lai riêng biệt. Tuy nhiên, dẫu thế nào, Thành phố dâng lên thực sự đã nắm bắt được tình yêu dành cho sự năng động cũng như niềm yêu thích đối với thành phố hiện đại của nhóm. 

Các toà nhà đang trong quá trình xây dựng với những ống khói vươn cao đặc trưng cho vùng ngoại ô mới có thể được nhìn thấy ở phần phía trên của bức tranh, nhưng phần lớn không gian hình ảnh được chiếm trọn bởi người và ngựa, hoà vào làm một trong một lực động năng. Một con ngựa lớn phi vào tiền cảnh trong khi một vài công nhân vật lộn để điều khiển được nó, gợi liên tưởng tới mâu thuẫn nguyên thuỷ giữa con người và thú vật. Con ngựa và những hình tượng người đều được làm mờ ảo, truyền tải những chuyển động nhanh, trong khi các yếu tố khác, chẳng hạn như toà nhà trong nền, được chiết xuất chân thực hơn. Đồng thời, các phối cảnh thay đổi đáng kể trong các phần khác nhau của bức tranh.

Boccioni do vậy đã nhấn mạnh vào một vài trong những yếu tố Vị lai chủ nghĩa tiêu biểu: tôn vinh lao động con người và mức độ quan trọng của thành phố hiện đại, được kiến tạo quanh những nhu cầu hiện đại. Bức hoạ miêu tả việc xây dựng một thành phố mới với những phát triển và công nghệ. 

Vùng ngoại ô, và môi trường đô thị nói chung, hình thành cơ sở của rất nhiều tranh của Boccioni, từ việc nắm bắt những âm thanh tung nảy của công trường trong Những người lát đường (The Street-Pavers) (1914) cho tới cuộc bạo động của âm thanh và màu sắc được đưa tới với kẻ quan sát những cảnh trí của đường phố mà Con đường đi vào căn nhà (The Street Enters the House) (1912) là tiêu biểu.

Những người lát đường (The Street-Pavers) (1914). Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. 100 x 100 cm.

1911: Con đường đi vào căn nhà

Bảo tàng Sprengel, Hanover, Đức. Sơn dầu trên toan. 100.0 × 100.5 cm.

Vào khoảng năm 1910, Boccioni bắt đầu một loạt tranh về đô thị hiện đại theo lối vẽ sẽ trở thành đặc trưng của Vị lai. Giống như bức Thành phố dâng lên mà nghệ sĩ tự miêu tả là “một hợp đề vĩ đại của lao động, ánh sáng, và chuyển động”, các bức khác có thể coi là thuộc loạt này là Những thế lực của đường phố (The Forces of a Street) (1911), Con đường đi vào căn nhà, Những tầm nhìn đồng thời (Simultaneous Visions) (1911), Những người lát đường và Nghiên cứu về một người phụ nữ giữa những toà nhà (A Study of a Woman Among Buildings) cũng đã được xây dựng cùng một chủ đề thành phố mới và việc xây dựng chúng.

Những tầm nhìn đồng thời (Simultaneous Visions) (1911). Bảo tàng Von der Heydt, Wuppertal, Đức. 70 x 75 cm.

Hình tượng trung tâm của Con đường đi vào căn nhà (The Street Enters the House) là một người phụ nữ mặc váy xanh và trắng, được nhìn từ đàng sau trên cao. Cô đứng trên ban công nhà mình nhìn xuống một khung cảnh phố xá bận rộn, một cuộc bạo động của những màu sắc, đường nét, và góc độ. Trên con đường trước mặt cô, những công nhân nâng và trồng những cây cột sẽ dựng thành những bức tường của một toà nhà mới, được bao quanh bởi một đống gạch. Ở mọi phía của công trình này, những ngôi nhà trắng và xanh ngả mình về phía con đường. Có hai ban công khác cũng có những người đang đứng nhìn xuống đường. Một hàng những con ngựa bay qua phía dưới bức tranh, nơi tiền cảnh.

Danh tính của người phụ nữ trong tác phẩm này cũng là một chủ đề tạo ra những tranh cãi. Trong khi một số học giả cho rằng cô hoàn toàn là một nhân vật tưởng tượng, một số người khác cho rằng Boccioni đã thuê ai đó trong gia đình mình làm mẫu. Và điều đó cũng dẫn tới một số người tới kết luận rằng hình tượng này chính là mẹ của Boccioni, và dùng tác phẩm làm bằng chứng cho việc thay đổi quan điểm về phụ nữ nói chung và những người mẹ nói riêng của Boccioni. (Hãy nhớ rằng tuyên ngôn Vị lai của Marinetti theo đúng nghĩa đen đã kêu gọi chống lại chủ nghĩa nữ quyền, đến 2 lần!)

Các yếu tố hình học và sự biến dạng phối cảnh trong Con đường đi vào căn nhà (The Street Enters the House) chứng tỏ sự chuyển dịch khỏi phong cách mang đậm tính Tân Ấn tượng sang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Biểu hiện và Lập thể. 

Theo thông tin trong danh mục triển lãm của tác phẩm, “Cảm giác thống trị là cảm giác mà một người trải qua khi mở ra cánh cửa sổ: tất cả các cuộc sống, và những tiếng ồn của đường phố ập đến cùng lúc với chuyển động và thực tại của những vật thể bên ngoài kia.” Sự gia tăng của niềm say mê của nghệ sĩ đối với các khái niệm khoa học cũng được nhắc tới, nói “các nguyên tắc của tia ​​Röntgen (X-quang) được áp dụng vào trong tác phẩm, cho phép những nhân vật được nghiên cứu từ mọi góc độ, các vật thể ở phía trước và phía sau đều nằm trong ký ức của người nghệ sĩ.

Ngoài những thí nghiệm rõ ràng với kỹ thuật của Lập thể, Boccioni cũng đưa vào những tham chiếu đến các tác phẩm trước của mình. Ví dụ, ông đã chơi chữ bằng hình ảnh khi cho xuất hiện một con ngựa ngay trên… mông của người phụ nữ, gợi nhớ tới một câu trong tuyên ngôn đã viết trước đó của mình: “Liệu bao lâu mới được một lần mà chúng ta nhìn thấy con ngựa băng qua cuối nơi con đường ngay trên má của người ta đang nói chuyện cùng.”

1911: Những trạng thái của tâm trí I: Lời từ biệt

Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan. 70.5 x 96.2 cm.

Lời từ biệt (The Farewells) là tác phẩm đầu tiên trong chuỗi ba tác phẩm Những trạng thái của tâm trí (States of Mind), được nhìn nhận từ lâu là một trong những kiệt tác hàng đầu của phong cách Vị lai trong hội hoạ. 

Tâm điểm của bức tranh được tạo ra bởi chính chuyển động – đầu tàu, máy bay, cỗ xe: những máy móc hiện đại đã cung cấp cho “tốc độ” một nghĩa mới. Trong tác phẩm này, được đặt vào bối cảnh nhà ga tàu, Boccioni ghi lại sự năng động của chuyển động và sự hỗn loạn, miêu tả những con người đang bị ăn ngấu bởi, hoặc hoà làm một với, luồng hơi nước từ đầu tàu khi nó chạy qua, lan vào bầu trời. Những đường chéo ẩn giấu trong Những người ra đi, bức thứ 2 trong 3 bức, tìm cách thể những điều mà theo Boccioni mô tả là “cô đơn, đau khổ, và hoang mang đến choáng váng”. Trong Những người ở lại, bức cuối cùng, những đường chạy dọc truyền tải sức nặng của nỗi buồn mà những người bị bỏ lại phía sau phải gánh vác. 

Cùng với nhau, chuỗi ba bức tranh tìm cách miêu tả những khía cạnh tâm lý và xúc cảm của du hành hiện đại. Khi đặt trong tổng thể tác phẩm của Boccioni, những bức tranh này trở nên nổi trội không chỉ với bố cục phức tạp hơn bao giờ hết, bảng màu đôi khi trở nên tối giản đến hà khắc (đặc biệt là bức Những người ở lại), mà còn mức độ biểu cảm và lòng thương xót tới những mặt u tối của bài ca ca ngợi sự hiện đại, vùng tương lai.

1913: Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian

Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ. Đúc 2 lần vào năm 1931 và 1934. Đồng. 111.2 x 88.5 x 40 cm.

Mặc dù Boccioni trước hết và trên hết là một hoạ sĩ, nhưng những bước tiến diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi của ông trong lĩnh vực điêu khắc rất có ý nghĩa. Tốc độ và tính lưu động của chuyện động – mà Boccioni miêu tả là một “sự liên tục mang tính tổng hợp” – được ghi lại một cách xuất sắc trong tác phẩm bằng đồng này, với hình tượng người lướt trong không quan, gần như thể chính con người trở thành một cỗ máy, lao thẳng vào những cơn gió mạnh mẽ. 

Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian (Unique Forms of Continuity in Space) đã tích hợp quỹ đạo của tốc độ và lực vào hình tượng đang sải bước này. Nó không mô tả một người cụ thể ở một thời điểm cụ thể, mà thay vào đó là tổng hợp quá trình bước đi hợp thành một cơ thể duy nhất. Đối với Boccioni, đây là một hình thức lý tưởng: một hình tượng trong trạng thái chuyển động liên tục, đắm mình trong không gian, tương tác với các lực tác động lên nó.

Boccioni không có bất cứ sự ưa thích nào với điêu khắc cổ điển hay Phục hưng. Trong tác phẩm tuyên ngôn Hội hoạ và điêu khắc Vị lai xuất bản năm 1914, ông viết rằng “bất cứ ai ngày hôm nay mà cho rằng Ý là một đất nước của nghệ thuật thì đều là những kẻ ái tử thi mà cho rằng nghĩa trang là một góc nhỏ thú vị.” Ông tuyên bố rằng nghệ thuật cần “có một mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với thời điểm mà nó xuất hiện”; ông cảm thấy điêu khắc đầu thế kỷ 20 phải chuyển tải tốc độ và động năng của quá trình công nghiệp hoá đương thời của nước Ý. Một trong các mong muốn của Vị lai là mang con người với máy móc lại gần với nhau hơn, và điều đó thể hiện rõ ràng trong tác phẩm điêu khắc này.

Có thể là một sự tôn kính tới tượng Người đàn ông đi bộ (Walking Man) (1877-8) của Auguste Rodin và thậm chí là một thách thức tới bức tượng Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Nike của Samothrace (220-190 TCN) (Marinetti từng viết một chiếc ô tô có động cơ đang gầm rú còn vĩ đại hơn Nike), Boccioni để cho tác phẩm này của mình không có cánh tay.

Người đàn ông đi bộ (Walking Man) (1877-8) của Auguste Rodin.

1915: Cuộc xung kích của những kỵ binh

Bộ sưu tập cá nhân. Cắt dán, tempera, bìa cứng. 50 x 32 cm.

Bức Cuộc xung kích của những kỵ binh (The Charge of the Lancers) là tác phẩm duy nhất của Boccioni được biết tới là dành hoàn toàn cho chủ đề của chiến tranh. Đây là một tác phẩm có yếu tố cắt dán (có thể thấy rõ ở phần góc trên bên phải của bức tranh là một mảnh báo lớn), do vậy, nó cũng là một sự mở rộng khám phá hiếm có của Boccioni về mặt phương tiện thể hiện. 

Trong những tác phẩm trước đó, Boccioni đã sử dụng hình tượng ngựa như một biểu tượng cho lao động, nhưng trong tác phẩm này, con ngựa trở thành biểu tượng của chiến tranh và sức mạnh tự nhiên. Chúng dường như đang vượt lên một đám đông chia chỉa những lưỡi lê của quân Đức. Nếu, thực sự, Boccioni muốn thể hiện sức mạnh tàn bạo của ngựa đối đầu thậm chí thắng thế trước những vũ khí nhân tạo, nó có thể gợi ý một sự rời bỏ phần nào khỏi những nguyên tắc Vị lai của Marinetti.

Tác phẩm này cuối cùng lại là một dự báo lạ thường về cái chết của chính người nghệ sĩ – chết do bị ngựa dẫm lên, diễn ra chỉ một năm sau đó.

Dịch: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Boccioni Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…