Nghệ thuật và Sức khỏe tâm lý - (Phần 3)

Neuroaesthetics

Neuroaesthetics – Ngành nghiên cứu thần kinh thẩm mỹ – là một ngành mới gần đây, nghiên cứu về mối quan hệ giữa hệ thần kinh với việc trải nghiệm thẩm mỹ, cụ thể là trong nghệ thuật thị giác (Chatterjee & Vartanian, 2016). Việc sử dụng nhiều kỹ thuật hình ảnh thần kinh khác nhau, ví dụ như chụp cộng hưởng từ chức năng hóa (fMRI), chụp não đồ (MEG), và điện não đồ (EEG), cho ra những kết quả khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào thùy trán (OFC), hay cụ thể hơn là trung tâm thần kinh cảm xúc và hệ thống tưởng thưởng, hay những vùng tương tự liên quan đến trải nghiệm thẩm mỹ nghệ thuật (Kawabata & Zeki, 2004; Di Dio & Gallese, 2009; Ishizu & Zeki, 2013), kết quả đều cho thấy trải nghiệm thẩm mỹ là có ích và tác động tích cực đến cảm xúc và tạo sự thỏa mãn (Leder & al., 2004).

Sử dụng fMRI, người ta đã chỉ ra rằng việc đánh giá thẩm mỹ nghệ thuật có sự tham gia chọn lọc của các vùng ở thùy trán, không phân biệt thể loại (nghệ thuật thị giác, kết cấu hình ảnh, âm nhạc,…) (Blood & al., 1999; Kawabata & Zeki, 2004; Tsukiura & Cabeza, 2011; Jacobs & al., 2012; Zeki & al., 2014). Hơn nữa, chức năng của thẩm mỹ là khiến hoạt động trao đổi chất ở trong những khu vực não bộ này tăng một cách tuyến tính, nhưng khi đánh giá tác phẩm hội họa thì lại khác (Ishizu & Zeki, 2013). Điều này chứng tỏ niềm vui đối với tác phẩm hội họa được tạo một cách trung gian thông qua hệ thống tưởng thưởng của não bộ.

Hình chụp cộng hưởng từ não bộ fMRI

Tương tự, sử dụng MEG – chụp não đồ – để ghi lại các tiềm năng được khơi gợi khi xem hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật và ảnh chụp, nghiên cứu của Cela-Conde và đồng nghiệp (2014) cho kết quả rằng vỏ não trước trán bên trái (DLPFC) phản ứng nhiều hơn với những hình ảnh được đánh giá là đẹp, so với khi xem những hình ảnh xấu. Điều thú vị là, Vartanian và Goel (2014) đã chứng minh được một mô típ não đồ lặp lại tại hệ thần kinh được kích thích khi có cảm giác dễ chịu và khó chịu. Cụ thể, họ phát hiện ra cả hai bên thùy chẩm và thùy đỉnh bán cầu não trái kích thích nhiều hơn khi nhận được cảm giác thoải mái, trái lại với cảm giác khó chịu thì sự kích thích nằm ở nhân đuôi bên phải (Vartanian & Goel, 2004). Với phát hiện về hoạt động trong nhân đuôi giảm khi nhận thấy cảm giác tiêu cực, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết rằng: việc dừng kích thích ở nhân đuôi trái sẽ giảm các kích thích liên quan đến hệ thống tưởng thưởng của não bộ (Vartanian & Goel, 2004).

Cùng từ phát hiện trên, một nghiên cứu gần đây của Ishizu và Zeki (2017) đã chỉ ra rằng, những hình ảnh được đánh giá là đẹp nhưng khơi gợi cảm xúc trái ngược (vui – buồn) đã điều chỉnh hoạt động trong thùy trán trước não, đồng thời cũng kích thích các khu vực được cho là có liên quan đến trạng thái cảm xúc tích cực – chẳng hạn tại như thùy thái dương (TPJ) và hồi trên viền (SMG), và những trạng thái cảm xúc tiêu cực – chẳng hạn tại tiểu thùy đỉnh dưới (IPL) và thùy trán giữa (MFG). Tương tự với những phát hiện này, các lý thuyết nhận thức biểu hiện – Embodied Cognition – cho rằng cảm xúc của con người với tác phẩm nghệ thuật có thể được thể hiện qua hình thức mô phỏng biểu hiện (Freedberg & Gallese, 2007; Azevedo & Tsakiris, 2017) và hành động (Gerger & al., 2018). Ủng hộ giả thuyết này, các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh phát hiện ra rằng, sự đánh giá thẩm mỹ của con người trước những bức tranh đề tài “con người và thiên nhiên” được điều chỉnh bởi sự kích thích của một hệ thần kinh vận động. Đó chính là hệ thống vận động vỏ não, bao gồm cả vùng đỉnh và vùng tiền vận động (Di Dio & al., 2015). Điều này cho thấy rằng các tác phẩm nghệ thuật “tràn đầy sức sống” có thể tác động tới hệ thần kinh vận động thông qua các chức năng điều chỉnh hành động và cảm xúc (Freedberg and Gallese, 2007).

Hình chụp não đồ MEG của trẻ em

Vì vậy, trải nghiệm nghệ thuật là một hành động tự thưởng cho bản thân, không phân biệt nội dung, cảm xúc của tác phẩm. Phát hiện này được khẳng định bởi các nghiên cứu trước đó cho thấy khi đặt trong bối cảnh nghệ thuật, cảm xúc tích cực của người xem khi đối diện với một tác phẩm có tính tiêu cực có xu hướng tăng (Gerger & al., 2014). Áp dụng một cái nhìn khách quan, sâu rộng trong việc tiếp nhận nghệ thuật có thể tạo ra trạng thái cảm xúc tích cực, bất kể nội dung cảm xúc của tác phẩm (Leder et al., 2004; Menninghaus et al., 2017). Hơn nữa, có vẻ như cảm xúc nghệ thuật và cảm xúc thực dụng sử dụng cùng một chất nền thần kinh trong hệ thống não bộ liên quan đến cảm xúc và tưởng thưởng.

Đến nay, các nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình đánh giá thẩm mỹ nghệ thuật sẽ gợi ra trạng thái cảm xúc cho người xem tương đồng với trạng thái cảm xúc được miêu tả trong tác phẩm (Freedberg & Gallese, 2007; Azevedo & Tsakiris, 2017; Ishizu & Zeki, 2017).

Phê bình mà nói, cảm xúc tích cực hay tiêu cực của tác phẩm không liên quan đến giá trị thỏa mãn của trải nghiệm nghệ thuật. Một bức chân dung, một tác phẩm điêu khắc hay một bản nhạc truyền tải cảm xúc đau buồn thì vẫn có thể được coi là đẹp, và sẽ tác động đến hoạt động ở vùng thùy trán (OFC) và trung tâm hệ thống tưởng thưởng của não bộ, tương tự như cách các tác phẩm truyền tải cảm xúc tích cực, như niềm vui hay sự thỏa mãn. Những kết quả này củng cố thêm cho khẳng định rằng, khoảng cách tâm lý trong bối cảnh nghệ thuật giúp người xem cảm nhận được sự tiêu cực trong tác phẩm, qua đó khơi gợi sự đồng cảm, tạo ra cảm giác thỏa mãn (Menninghaus & al., 2017).

Theo Markovic (2012), trải nghiệm thẩm mỹ là một trạng thái đặc biệt của tâm trí, phản đối trải nghiệm thực dụng hàng ngày và “bảo vệ” cá nhân khỏi những tác động của thực tế áp bức. Từ đó, ta có thể giả thiết rằng cảm xúc thẩm mỹ là đặc trưng của đánh giá thẩm mỹ, biểu thị một phản ứng cảm xúc nghệ thuật được sinh ra từ cảm xúc sinh học cơ bản (Leder & al., 2004). Do đó, bản chất tự thưởng của trải nghiệm thẩm mỹ có thể giải thích cho khả năng nâng cao sức khỏe tâm sinh lý nhờ vào quá trình tận hưởng thẩm mỹ. Ngoài ra, có thể trạng thái cảm xúc tích cực không chỉ đến từ sự đồng cảm mà còn đến từ mức độ mơ hồ trong nhận thức về tính thẩm mỹ của tác phẩm. Trong ‘lý thuyết chuyển hóa trạng thái tâm lý trước trải nghiệm thẩm mỹ’ cũng nêu ra rằng, người xem càng cảm nhận tính thẩm mỹ dễ dàng thì cảm xúc phản ứng với tác phẩm càng cao, và càng dễ đưa ra những nhận xét và quan điểm ủng hộ tác phẩm (Reber & al., 2004). Theo góc nhìn này, giá trị tích cực của cảm xúc nghệ thuật là phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân của người xem, dù ấy có được coi là trải nghiệm thẩm mỹ hay không.

“Quá trình đánh giá thẩm mỹ nghệ thuật sẽ gợi ra trạng thái cảm xúc cho người xem tương đồng với trạng thái cảm xúc được miêu tả trong tác phẩm”
Photo © Jessica Pamp on Unsplash

Do đó, sự thỏa mãn về thẩm mỹ có thể phụ thuộc vào việc thỏa mãn sự kích thích, phản ứng cảm xúc hoặc cả hai (Mastandrea & al., 2009; Chirumbolo & al., 2014). Như đã nói ở trên, các thuyết giải thích cho nghịch lý tận hưởng niềm vui từ cảm xúc nghệ thuật tiêu cực là tổ hợp phản ứng từ nhiều yếu tố khác nhau (Juslin, 2013; Menninghaus et al., 2017), chẳng hạn như sự khôi phục cân bằng nội môi (Sachs et al., 2015).

Trạng thái tích cực gợi ra bởi cảm xúc thẩm mỹ, không quan trọng là nguồn gốc từ đâu, có thể do có một chất nền thần kinh chung trong mạch não, liên quan đến hệ thống tưởng thưởng.

Tuy nhiên, việc gu thẩm mỹ mỗi người một khác lại gây ra trở ngại trong việc áp dụng nghệ thuật để cải thiện sức khỏe tâm sinh lý. Chiếu theo ‘lý thuyết chuyển hóa trạng thái tâm lý trước trải nghiệm thẩm mỹ’, hội họa trực quan sẽ hiệu quả hơn nghệ thuật trừu tượng trong việc nâng cao khả năng tiếp thu trong quá trình giáo dục và đào tạo sử dụng phương pháp liên quan tới nghệ thuật. Tương tự, các tác phẩm nghệ thuật dễ hiểu sẽ hiệu quả hơn trong chăm sóc sức khỏe hay cải thiện môi trường làm việc. Mặt khác, trải nghiệm một bức tranh trừu tượng hiện đại trong bảo tàng nghệ thuật (một nơi mà cái nhìn nghệ thuật sâu rộng và khách quan hơn) có thể khơi gợi cảm xúc nghệ thuật một cách mạnh mẽ. Điều này có thể nâng cao nhận thức thẩm mỹ (Freedberg & Gallese, 2007; Gerger & al., 2014, 2018; Menninghaus & al., 2017).

Thật không may, theo những gì chúng ta biết, chỉ có một vài nghiên cứu khám phá ra các mối tương quan giữa hệ thần kinh với cảm xúc hay trải nghiệm thẩm mỹ có thể mở lối cho việc sử dụng nghệ thuật như liều thuốc nâng cao sức khỏe tâm sinh lý. Hơn nữa, hầu hết các thực nghiệm khảo cứu về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hạnh phúc cũng không xem xét các dấu hiệu thể hiện sự căng thẳng, như độ dãn của da, sự thay đổi nhịp tim hay nhịp thở. Chẳng những thế, bất kì kết luận nào về mối quan hệ giữa quá trình chiêm nghiệm nghệ thuật và hạnh phúc đều thiếu thuyết phục, bởi các nghiên cứu này sử dụng nhiều biện pháp đo lường hạnh phúc khác nhau nhưng mang nhiều tính chủ quan cá nhân, ví dụ như các câu hỏi và các câu phỏng vấn được chỉ soạn thảo bởi người hỏi.

” Các tác phẩm nghệ thuật dễ hiểu sẽ hiệu quả hơn trong chăm sóc sức khỏe hay cải thiện môi trường làm việc.”
Photo © Pauline Loroy on Unsplash

Ngày nay, chúng ta đều biết từ các tài liệu rằng niềm vui từ trải nghiệm thẩm mỹ có thể được điều khiển bởi trạng thái cảm xúc của người xem, hay khi họ thành công trong việc nhận thức một kích thích thẩm mỹ hoặc nhờ vào một quá trình thay đổi tâm lý phức tạp nào đó. Hiểu rõ hơn về mối quan hệ sâu sắc giữa các đặc tính kích từ cơ thể truyền lên hệ thống thần kinh và đánh giá từ não bộ truyền xuống đối với trải nghiệm cảm xúc trong quá trình đánh giá thẩm mỹ trước một tác phẩm nghệ thuật, có thể hữu ích trong việc ứng dụng nghệ thuật trong cải thiện sức khỏe và tâm lý con người. Việc tìm hiểu mối quan hệ giữa nghệ thuật và hạnh phúc tuyệt đối không được bỏ qua các phân tích tâm sinh lý về sự căng thẳng, chẳng hạn như các phản ứng tự chủ (thói quen). Những nghiên cứu sau này nên giải quyết mối quan hệ giữa phản ứng cảm xúc nghệ thuật với phản ứng cảm xúc phi nghệ thuật và tập trung đo lường độ “hạnh phúc”, chẳng hạn như thông qua việc kết hợp các phản ứng thần kinh với các chỉ số căng thẳng tự chủ.

Tổng kết

Trải nghiệm thẩm mỹ, trong nhiều trường hợp, có thể nâng cao hạnh phúc. Nghiên cứu thần kinh thẩm mỹ chỉ ra rằng, thỏa mãn thẩm mỹ có được từ sự tương tác giữa các quá trình xử lý cảm xúc liên quan đến hệ thống tưởng thưởng của não bộ và quá trình xử lý não bộ truyền xuống có từ hiểu biết của người xem với tác phẩm văn hóa. Bản chất tự thưởng của trải nghiệm thẩm mỹ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của người xem, có thể cải thiện trạng thái hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi mà các nghiên cứu trong tương lai cần giải quyết để làm rõ hơn các yếu tố quyết định liên quan đến thỏa mãn thẩm mỹ và mối quan hệ tới sức khỏe. Đầu tiên, tác động của cảm xúc thẩm mỹ trong đo lường “hạnh phúc” được đánh giá thông qua việc phỏng vấn các câu hỏi, chưa có các chỉ số khách quan được ghi lại bằng các phương pháp tâm sinh lý. Hơn nữa, vẫn chưa rõ rằng liệu việc sử dụng nghệ thuật để cải thiện sức khỏe nên đến từ sự đồng cảm với cảm xúc nghệ thuật, hay cần chú trọng vào việc giúp người xem tăng khả năng nhận thức cái đẹp trong tác phẩm. Việc ứng dụng nghệ thuật trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Art and Psychological Well-Being: Linking the Brain to the Aesthetic Emotion, Stefano Mastandrea, Sabrina Fagioli, và Valeria Biasi

Cùng tác giả

#Tag

Artplas nghệ thuật nghệ thuật và tâm lý Series Nghệ thuật và ? Sức khỏe tâm lý

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence.