Những bài học sáng tạo đắt giá từ nữ nhiếp ảnh gia Jessica Zollman

Nhiếp ảnh gia sống tại Los Angeles – Jessica Zollman, nghệ danh Jayzombie, nhớ về tình yêu nhiếp ảnh từ thuở ấu thơ cùng với sự ám ảnh của cha cô trong việc lưu giữ những khoảnh khắc qua ảnh phim.

Sau khi cha cô qua đời đột ngột, mọi sự việc xảy ra đều dẫn lối cô về với niềm đam mê đầu tiên, nhiếp ảnh, với rất nhiều chặng dừng chân dọc đường, như học ngành thương mại âm nhạc và quản lý cộng đồng Instagram cùng 4 nhân viên khác. Trong bài viết này, cô sẽ chia sẻ với chúng ta về vai trò của sức sáng tạo, về việc chăm sóc bản thân quan trọng như thế nào, những thách thức và phần thưởng của việc biến đam mê thành công việc trọn đời.

Xin chào Jessica, hãy kể một chút về quê hương của bạn, nơi bạn lớn lên và thời thơ ấu đã ảnh hưởng thế nào đến những ý tưởng sáng tạo của bạn nhé!

Gia đình tôi sống tại Detroit trong 3 năm và phần lớn ký ức của tôi là hình ảnh cha mình luôn cầm một chiếc máy ảnh. Khi tôi lên bốn, chúng tôi chuyển đến sống tại California vì cha bắt đầu kinh doanh ở đó. Một thời gian ngắn sau khi chuyển đến, cha tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và qua đời 3 tháng sau. Những bức ảnh ông chụp, nhất là bức ảnh tôi chụp cùng cha, trở nên đặc biệt quan trọng với tôi. Sau khi cha qua đời, tôi đã chụp rất nhiều ảnh bằng máy ảnh phim Kodak, đây là cách tôi giữ những kỷ niệm bên mình và cũng là những mảnh kí ức đầu tiên trong hành trình tôi đến với công việc sáng tạo.

Vậy bạn bắt đầu bị nhiếp ảnh thu hút sau khi cha qua đời, nhưng bạn có tiếp tục chụp ảnh khi lớn lên không? Tôi sẽ chia sẻ chút thông tin cá nhân và lý do vì sao tôi lại hỏi như vậy. Mẹ tôi mất khi tôi mới 10 tuổi, việc chấn thương tâm lý sớm khiến tôi tin rằng tôi phải thực tế lên để có thể chăm sóc bản thân. Luôn có sự giằng co giữa thực tế – việc tự trang trải kiếm tiền cho bản thân và mong muốn mạo hiểm – làm điều gì đó sáng tạo. Bạn có phải đối mặt với chuyện đó không?

Hẳn nhiên là tôi có chật vật với nó. Mẹ tôi đã làm việc hết mình nhằm giúp tôi có thể thử cả triệu thứ khác nhau. Trước khi bà ổn định với sự nghiệp hiện tại, bà là một thợ may, sau đó là một giáo viên dạy tiểu học, sau đó làm việc trong ngành nhà hàng, và khi chuyển đến California bà bắt đầu làm công việc lên kế hoạch các buổi gặp mặt. Bà không bao giờ dạy tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể làm một việc cố định nào đó. Bà khuyến khích tôi sống nhiều cuộc đời và tìm ra điều gì tôi hứng thú, vì nó sẽ thay đổi theo năm tháng. Bà muốn tôi dấn thân, khám phá.

Tôi sẽ kể với bạn rằng tôi phải điều trị tâm lý sau khi cha mất, và vì còn quá nhỏ, tôi vẽ rất nhiều. Trong quá trình điều trị từ năm 4 đến 6 tuổi, tất cả đều xoay quanh sự sáng tạo. Là một đứa trẻ, tôi rất khó nói ra những xúc cảm của mình, vì vậy sáng tạo trở thành công cụ tuyệt vời. Đối với tôi, thể hiện sự sáng tạo cũng là một phương pháp điều trị vì đó là cách tôi được nuôi dạy và cách tôi tiếp nhận mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của mình.

Tôi không hoàn toàn chối từ sự sáng tạo, nhưng bằng cách nào đó tôi hoàn toàn từ bỏ nó khi đang vật lộn với nỗi đau của bản thân. Lúc đó tôi 17 tuổi, trước khi cầm lên bất cứ chiếc máy ảnh nào và tìm lại niềm đam mê của mình. Thời điểm này đúng với mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên của tôi, thứ tôi rất muốn ghi lại, nhưng đó là một quyết định tiềm thức tại thời điểm đó.

Khi nhiếp ảnh lần nữa trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, bạn có quyết định kiếm sống bằng nghề này không?

Hoàn toàn không, phải mất rất lâu sau đó tôi mới thực sự làm được. Năm 17 tuổi, tôi vẫn còn lạc lối và hoang mang. Tôi không biết mình là ai cả.

Tôi đến học tại Đại học California, Santa Barbara. Vài người bạn tôi đi học tại Viện nhiếp ảnh Brooks, nhưng chuyên ngành của tôi lại là ngôn ngữ Anh. Một lần nữa, tôi chẳng biết tôi muốn làm gì cả. Tôi tập trung vào thần học, nghiên cứu tôn giáo bên cạnh học ngôn ngữ Anh. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ việc bố muốn nuôi dạy tôi trở thành một người Do Thái. Trong niềm tin Do Thái, có rất nhiều câu hỏi, và vô thần chiếm phần lớn văn hoá như một tín ngưỡng mộ đạo nhất. Tôi bị mê hoặc bởi điều này và giáo sĩ Do Thái của tôi luôn yêu cầu tôi phải chất vấn Chúa. Tôi tò mò và muốn đào sâu hơn, thế nên đi theo con đường nghiên cứu tôn giáo.

Tôi bắt đầu tìm thấy bản thân mình và trở lại trị liệu với tư cách một người 20 tuổi tìm kiếm ý nghĩa trong những sự kiện lớn đã xảy ra trong đời, sự sáng tạo tiếp tục lớn dần và tôi cũng sẵn sàng trở nên dễ tổn thương hơn, tôi muốn kiếm sống bằng công việc sáng tạo.

Hãy kể cho tôi nghe nhiều hơn về thời gian sau Đại học. Bạn tiếp xúc với thế giới công nghệ và là nhân viên top 5 tại Instagram. Điều gì đã dẫn bạn đến vị trí đó?

Tôi trở về quê nhà sau khi tốt nghiệp và làm việc cho mẹ một năm. Tôi bị tai nạn xe rất nặng vào thời điểm đó, bị gãy mũi và chệch vách ngăn. Đó là một trong những thời điểm tồi tệ nhưng cũng tuyệt vời nhất. Thật sự rất kinh khủng! Tôi phải phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi. Tôi đã vật lộn với diện mạo của mình sau khi phẫu thuật mũi. Trước đó, sở hữu chiếc mũi khoẻ khoắn từ người cha Do Thái của mình khiến tôi tự hào, giờ đây, tôi xuất hiện với một chiếc mũi dễ thương và “bình thường” như mẹ.

Cuộc đấu tranh danh tính và nỗi đau đi kèm đã tác động rất lớn đến đời tôi. Khuôn mặt tôi nhìn chẳng giống tôi chút nào và nó khiến việc chụp hình khó khăn khủng khiếp – hoá ra khi chụp ảnh bạn tì lên mũi rất nhiều. Tôi ghi lại quá trình hồi phục, cảm thấy ổn hơn, và chuyển đến San Francisco. Tôi chụp ảnh ban nhạc của bạn mình và bắt đầu theo lớp học tại Đại học San Francisco. Họ có lớp học buổi tối để lấy bằng trong ngành âm nhạc và thu âm. Tôi nghĩ rằng nếu muốn làm gì đó liên quan đến nhiếp ảnh trong ngành âm nhạc, tôi phải biết về ngành này đã. Tôi nghĩ đó là khi mặt sáng tạo và thực tế đối chọi lẫn nhau. Tôi lấy được bằng và tự hỏi, giờ làm gì nữa? Nó có nghĩa gì? Nó quan trọng thế nào, và tôi sẽ làm gì để kiếm tiền?

Trong thời gian đó, tôi nhận thử việc tại Spin magazine. Tôi là nhân viên thử việc không lương làm công việc quản lý cộng đồng và đến cuối kỳ thử việc họ sẽ cho tôi làm nhân viên chính thức, nhưng nó không thành sự thật. Tôi đang sắp cạn kiệt tiền tiết kiệm từ lương làm việc cho mẹ và vụ tai nạn mà tôi không có lỗi.

Bạn tôi làm việc tại Second Life và nói rằng tôi có thể làm việc trong bộ phận hỗ trợ nếu tôi thật sự cần một công việc. Tôi vứt bỏ hết sự do dự của mình và viễn cảnh mơ hồ về việc làm trong ngành sáng tạo để bắt đầu kiếm sống. Tôi còn trẻ và đã dằn vặt bản thân, nhưng nếu không vì làm cho Second Life một năm, tôi đã không nhận được việc tại Formspring qua một người bạn khác khi biết họ cần hỗ trợ để tương tác tốt với cộng đồng. Tôi chuyển sang vai trò đó và cóp nhặt được rất nhiều kỹ năng làm quản lý cộng đồng, và sau đó Instagram tiếp cận tôi vì họ đang phát triển quá nhanh và không có nhóm quản lý cộng đồng.

“Tôi thường đùa thế này, khi mọi người hỏi tôi đang chạy dự án cá nhân nào năm ngoái, tôi bảo tôi là dự án cá nhân của chính mình. Chẳng có điều gì sai khi thừa nhận vậy cả.”

Thật tuyệt vời khi nhìn lại cuộc đời bạn và cách mọi thứ trở nên hợp lý. Nhìn về tương lai, đôi khi chúng ta có cảm giác như mình đang thất bại, nhưng thực tế, nhiều sự kiện ngẫu nhiên sẽ dẫn đến đích đến hạnh phúc mà chính ta cũng không ngờ.

Chính xác. Bạn biết không, tôi đã từng ép bản thân mình phải tự lập. Mẹ tôi vô cùng thành công và luôn luôn là nơi hỗ trợ tôi. Nếu có điều gì không ổn, bà sẽ giúp tôi. Hơn nữa, tôi cảm thấy biết ơn vì sự đảm bảo của bà khi làm việc tại hai công ty tôi nhắc đến trước đó. Con đường này luôn đi cùng với một lưới an toàn và tôi không biết mình sẽ đi đến đâu mà thiếu đi nó.

Bạn làm việc tại Instagram vài năm trước khi rời đi để theo đuổi nhiếp ảnh toàn thời gian. Hãy kể tôi nghe về những gì diễn ra trong tâm trí bạn, có phải đó là giây phút “Aha!” không, khi bạn không cảm thấy sợ hãi nữa, hay vì bạn đã quá mong muốn điều đó?

Tôi thật sự rất ghét làm việc tại Facebook. Tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu của mọi việc. Tôi thích làm việc tại Instagram và vẫn yêu cộng đồng này, nhưng khi Facebook tiếp quản, tôi là kẻ hoài nghi nhất trong nhóm 13 người. Tôi kháng cự.

Thường tôi sẽ không kể chuyện này đâu, nhưng tôi sẽ kể cô nghe. Nhóm Instagram được cho tiền thưởng, nhưng chúng tôi phải làm việc một năm tại Facebook để giữ nó. Họ đưa chúng tôi tiền ngay lập tức và nói rằng chúng tôi có thể xài nó, nhưng phải trả bằng hết nếu như chúng tôi nghỉ việc trước một năm.

Tôi yêu quản lý của mình, người đã trở thành bạn từ những ngày đầu tại Instagram, nhưng anh ấy có quản lý mới đến từ Facebook. Theo người quản lý mới, tôi không làm tốt việc của mình. Thái độ của tôi rất tệ – tôi đồng ý – như tôi vẫn làm cả ngàn thứ, có nghĩa là tôi không tự nguyện làm những việc họ thấy cần. Họ phán xét rằng tôi không làm tốt việc, một điều rất đau lòng khi nghe. Tôi cố gắng thuyết phục họ rằng quá trình chuyển đổi rất khó cho tôi, nhưng trong vài tháng tới tôi sẽ trở về làm những thứ sáng tạo tôi luôn đam mê. Họ quyết định rằng điều đó không đủ. Quản lý mới muốn đưa tôi vào một dự án kế hoạch. Trong công ty, điều này có nghĩa là bạn có 3 tháng để chứng tỏ rằng mình làm tốt việc. Nếu đến cuối kỳ, bạn thất bại, bạn sẽ bị yêu cầu rời khỏi công ty.

Vậy nên tôi hỏi rằng mình có thể giữ phần tiền thưởng, nếu như tôi nghỉ việc ngay vì tôi đã dành rất nhiều tâm huyết cho công ty. Họ đồng ý và tôi rút lui.

“…nếu bạn đủ may mắn để đam mê trở thành nghề nghiệp, hãy cố gắng có một niềm đam mê phụ trợ. Dành toàn bộ tâm huyết vào thứ mình yêu thích có thể khiến niềm đam mê lụi tàn rất nhanh.”

Tôi không thể tưởng tượng cảm xúc của bạn lúc đó. Bạn cảm thấy thế nào?

Tôi chưa sẵn sàng. Tôi không muốn rời khỏi cộng đồng Instagram. Tôi không muốn rời công việc của mình. Mặc dù nó rất chán và tôi chẳng thích điều mình đang làm, tôi vẫn biết rằng sẽ có ánh sáng cuối đường hầm. Tôi cảm giác mình có thể thay đổi thái độ, nhưng họ không sẵn sàng cho tôi thời gian. Vì vậy tôi rời đi với một chiếc lưới an toàn khiêm tốn. Rất đau đớn và khổ sở.

Tôi bị quẳng vào một thế giới mới, vừa đau đớn vừa sợ hãi. Tôi tìm đến nhiếp ảnh gia Michael O’Neal, một trong những người bạn thân của tôi. Tôi kể về chuyện mình đã trải qua và quyết định của mình. Anh nói, “Tớ biết tớ đã nói với cậu về hội nhiếp ảnh có tên Tinker Street. Để tớ sắp xếp cho cậu một buổi gặp mặt với Jesse, người sáng lập. Tớ muốn cậu tham gia. Tớ nghĩ rằng thu nạp một người có kinh nghiệm xây dựng cộng đồng Instagram trong một agency mới luôn tập trung tạo nên nội dung tốt hơn, đẹp hơn, nhắm vào cộng đồng là quyết định tuyệt vời nhất mà chúng tớ từng làm.” Tôi đã khóc và anh ấy nói rằng đừng lo lắng vì anh sẽ hỗ trợ và nâng đỡ tôi. Đó là một trong những giây phút tuyệt vời và quyết định nhất trong sự nghiệp mới của tôi trên con đường trở thành nghệ sĩ. Tôi gặp Jesse và cảm giác rằng mọi chuyện sẽ ổn.

Bạn đã có một hành trình dài để đến được nơi mình muốn. Mọi thứ như đi một vòng tròn khi trở về lại với nhiếp ảnh. Bạn có thấy hài lòng không?

Như tôi đã nói ban đầu, nếu không ở trong vị thế tốt, tôi sẽ bị ngắt kết nối với nghệ thuật của mình.

Tôi kết hôn vào năm 2016 và điều này đặt tôi vào hoàn cảnh lạ lẫm vì tôi đã chứng kiến cảnh mẹ mình tìm thấy tình yêu đời mình và đánh mất ông. Tôi chứng kiến mẹ đau khổ, thấy cảnh bà vật lộn đến giờ và sau đó hoàn toàn thoải mái với việc ở một mình. Tôi hình thành một quan điểm vô cùng mạnh mẽ về việc này.

Tôi bắt đầu hẹn hò chồng mình, Anthony, vào thời điểm mới làm việc tại Instagram, vì vậy đây là hai hành trình đan xen nhau. Một năm sau, chúng tôi kết hôn và điều này tác động rất lớn đến bộ não sáng tạo của tôi, nhưng vật lộn với ý nghĩ mất mát và nỗi sợ phải đánh mất người này, người đồng hành trong cuộc đời và tình yêu đời tôi chiếm trọn tâm trí mình lúc đó.

Tôi cảm thấy sợ hãi và lo lắng và đã phải đi điều trị tâm lý để giải toả những cảm xúc xung quanh sự việc lớn lao này, cái chết của cha tôi. Tôi phải giải quyết chúng bằng một cách mới. Tôi ngừng đi trị liệu vào cuối năm 2016 và đang trong trạng thái tuyệt vời. Sự nghiệp sáng tạo của tôi nở rộ tại LA và tôi gặp gỡ rất nhiều nhiếp ảnh nữ tài năng. Tôi đã cảm thấy hân hoan trở lại, chúng thúc đẩy tôi sáng tạo và tạo ra những tác phẩm đẹp hơn.

Tôi có một câu hỏi cuối cùng. Lời khuyên nào cô sẽ dành cho một người trẻ mới bắt đầu – hay bất cứ suy nghĩ trong nghề nào mà cô tích luỹ được qua năm tháng?

Điều quan trọng nhất tôi từng muốn nghe khi còn trẻ là, nếu bạn quá hứng thú với một điều gì đó mà không đạt được nó theo cách mình muốn, hãy tập cách hài lòng. Hãy để cuộc sống đưa bạn đến bất kì đâu. Tuy nhiên, kiểm soát cuộc đời mình cũng là điều cần thiết. Điều này có nghĩa, dù tôi đang là một nhiếp ảnh gia, tôi sẽ chọn công việc khác nếu nhiếp ảnh không giúp tôi trả hoá đơn hoặc cảm thấy đủ đầy. Tôi sẽ không xem đây là một thất bại.

Đó là bài học mẹ đã dạy tôi và cũng là điều tôi mong mình có thể nói với mọi người khi họ cảm thấy thất vọng với mong ước sáng tạo không thành hiện thực. Hãy thử, sống cùng đam mê, tận hưởng công việc khi có cơ hội, nhưng nếu ước ao trong bạn không thành hiện thực, đó là sự kiện đã xảy ra. Đừng dằn vặt bản thân vì điều này. Tôi đã làm điều tương tự rất nhiều trong những ngày đầu, thậm chí với những công việc tôi chẳng màng quan tâm. Tôi nghĩ điều này xuất phát một phần từ áp lực xã hội và tôi tin bạn không cần phải sống như vậy mãi.


Nguồn: thegreatdiscontent

Cùng tác giả

#Tag

cộng đồng instagram nghệ sĩ nhiếp ảnh phỏng vấn sáng tạo thiết kế

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’  là một trong những cuộc thi hội tụ các tài năng thiết kế thuộc cộng đồng…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…