Những đặc sắc nghệ thuật trong ‘Tro Tàn Rực Rỡ’ - phim Việt tranh giải Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo

Vừa qua, tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo (TIFF) lần thứ 35, lần đầu tiên, “Tro Tàn Rực Rỡ” – một bộ phim điện ảnh của Việt Nam được chọn tranh giải ở hạng mục chính. “Tro Tàn Rực Rỡ” là tác phẩm được chuyển thể từ hai truyện ngắn “Củi Mục Trôi Về” và “Tro Tàn Rực Rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được lên kịch bản và đạo diễn bởi nhà làm phim Bùi Thạc Chuyên.

Trước khi được mang tranh giải tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo, bộ phim đã xuất sắc sở hữu một bảng thành tích đáng nể.

Năm 2017, “Tro Tàn Rực Rỡ” nằm trong số 20 dự án, được lựa chọn từ trên 350 dự án gửi về, để tham gia chợ dự án ASIAN PROJECT MARKET, thuộc liên hoan phim quốc tế BUSAN, nhận được giải thưởng đặc biệt BUSAN AWARD cho dự án xuất sắc nhất.

Tháng 5/2018, “Tro Tàn Rực Rỡ” là một trong 15 dự án trên thế giới được lựa chọn tham gia CINEFONDATION L’ATELIER, CANNES 2018.

Tháng 8/2019, LORCANO OPEN DOOR HUB, nằm trong khuôn khổ Liên Hoan Phim Quốc tế Lorcano diễn ra tại Thụỵ Sĩ, “Tro Tàn Rực Rỡ” cùng 7 dự án xuất sắc khác của Đông Nam Á được mời đến để trình bày tại chợ dự án nghệ thuật tại đây.

Phim cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ hỗ trợ điện ảnh Đông Nam Á và Quỹ hỗ trợ điện ảnh thế giới. 

“Tro Tàn Rực Rỡ” kể về tình yêu của những người đàn bà ở vùng nông thôn sông nước miền Tây. Đó là ba người phụ nữ, ba câu chuyện tình yêu phi lý. Họ cứ yêu và nỗ lực tìm cách để giữ người đàn ông của mình mà không bao giờ ngừng lại. 

Câu chuyện trong phim càng về cuối càng bạo liệt với những đám cháy, lửa và những hành động bạo lực. Nhưng kịch tính hay căng thẳng không phải là những thứ mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chủ ý đi tìm. Anh đi tìm vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết của những nhân vật. Những nhân vật của phim hoang sơ và bản năng, hệt như miền đất hoang sơ mà họ đang sống. Anh đi tìm những ứng xử rất khác biệt, tinh tế và đầy tình cảm của những người phụ nữ này khi đối diện với sự ghẻ lạnh, ghen tuông, hay lớn hơn là bạo lực, là những tai hoạ xảy ra trong đời sống của họ.   

Ngay sau đây, hãy cùng chúng mình phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong phim để đi tìm lời giải cho cho câu hỏi “Vì sao tác phẩm xứng đáng đại diện cho phim Việt tranh cử tại một liên hoan phim quốc tế uy tín như thế?

1. Kỹ thuật quay phim

Trong phim, Bùi Thạc Chuyên lựa chọn cách kể chuyện khách quan một cách cực đoan, thể hiện qua sự tối giản từ hình ảnh, chuyện động máy quay, màu sắc hay nhịp điệu. Làm sao trong phim có những khoảng lặng để khán giả cảm nhận một tiếng thở cũng trở nên thô bạo. Bộ phim “tĩnh” đến độ mà một cái nhìn của hai nhân vật cũng làm khán giả xao động. 

Nhưng, đối lập với sự “tĩnh” đó là một thế giới nội tâm đầy xáo động của các nhân vật, đặc biệt là ba người phụ nữ mà nhà làm phim muốn khắc họa. Bùi Thạc Chuyên hoàn toàn dành sự phức tạp cho diễn xuất của các diễn viên, cho sự biểu đạt đầy tương phản giữa vẻ bình lặng bề ngoài với sự náo động bên trong mỗi nhân vật. Cảm xúc bên trong nhân vật tuy rất mãnh liệt, nhưng thể hiện ra ngoài lại vô cùng thản nhiên. Những mối quan hệ mà nội tâm người trong cuộc rất căng thẳng, nhưng biểu hiện ra ngoài của họ lại rất hời hợt, thậm chí không cần hoặc không muốn biểu hiện.

Để thể hiện được điều này, bộ phim chỉ quay bằng một ống kính duy nhất, không thay đổi tiêu cự từ đầu đến cuối, nhằm thể hiện sự “tĩnh” cho câu chuyện. K’Linh – DOP bộ phim chia sẻ:

“Trong quá trình tiền kỳ, tôi và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bàn bạc với nhau rất nhiều để tìm cách thể hiện tốt nhất cho tác phẩm. Sự lựa chọn cuối cùng là sử dụng khung hình 16:9 bình thường, và toàn bộ phim quay bằng một ống kính 35ly với tiêu cự 40mm trên máy ARRI LF (Medium format) để đem lại hiệu quả đặc biệt về DOF thống nhất cho toàn bộ phim. Ngoài ra, với cách chuyển động máy chậm cũng ngụ ý nhằm thể hiện góc nhìn khách quan cho câu chuyện được kể.” 

2. Tạo hình nhân vật 

Để sắm vai các nhân vật trong phim, các diễn viên phải bỏ toàn bộ công việc để đến bối cảnh trước một tháng nhằm tập dượt sinh hoạt, sống đời sống của một người dân đất mũi thực sự. Quang Tuấn (vai Tam) phải học làm lò than; Phương Anh Đào (vai Nhàn) học làm bếp núc; Lê Công Hoàng (vai Dương) học nghề chài; Bảo Ngọc Doling (vai Hậu) học lái ghe, bổ củi, nghề làm bánh chuối. Thậm chí, diễn viên Bảo Ngọc thành thục việc lái ghe đến mức cô nhiều lần dùng ghe để chở đoàn phim di chuyển trong suốt quá trình quay.

Ngoài ra, được biết, để kể câu chuyện một cách chân thực nhất, trong quá trình phát triển dự án, mỗi năm, chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều về Cà Mau một lần, sinh hoạt và theo chân những người dân địa phương trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Trong phim, thoát ra khỏi tạo hình rập khuôn của những bộ phim về người miền Tây sông nước, các nhân vật trong “Tro Tàn Rực Rỡ” không khoác lên người chiếc áo bà ba nữa, tuy nhiên vẫn rất đậm chất Nam Bộ, điển hình như chiếc áo thun bông, áo chấm bi, sơ mi, quần đũi, nón lá…

3. Bối cảnh miền Tây sông nước

Bối cảnh trong phim được thực hiện ở hai tỉnh thành là Cà Mau và Đồng Tháp, trong đó, Đồng Tháp là bối cảnh chủ yếu. Không gian nhà người Chăm và Khmer là cảm hứng chính để đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và thiết kế Lê Văn Thanh thực hiện các ngôi nhà trong phim, đặc biệt là nhà của hai nhân vật Tam – Nhàn. 

“Khung cảnh miền Tây trên phim được tạo ra sau quá trình dài tìm kiếm bối cảnh của cả ekip, cùng sự thống nhất của đạo diễn và DOP. Phần thiết kế chỉ đóng vai trò tạo dựng thêm cho bối cảnh chân thật nhất với nội dung câu chuyện. Dự án thành hình nhờ sự phải lòng của đạo diễn và nhà sản xuất với vùng đất miền Tây. Đoàn tìm bối cảnh trong 5 năm và dựng cảnh trong 3 tháng. 

Chúng tôi tìm bối cảnh ở nhiều địa phương thuộc khu vực miền Tây, vài ba tỉnh chứ không riêng Cà Mau, miễn đến khi nào đạo diễn ưng ý. Có bối cảnh được chọn rồi nhưng sau mấy năm khung cảnh xung quanh không còn như cũ, cái cây đẹp nhất bị chặt mất, vị trí chùa trước đây không phải ở đó.” – Lê Văn Thanh – Art Director bộ phim chia sẻ.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, cảnh đốt nhà diễn ra tổng cộng 5 lần, nhưng trong phim chỉ còn 3 lần, thực tế cảnh đốt nhà được quay 4 lần. Trong đó, ngôi nhà làm bối cảnh phải đốt và dựng lại để tiếp tục đốt cho nhiều take quay. Art Director Lê Văn Thanh cho hay:

“Lửa trong phim là vấn đề tốn nhiều thời gian và công sức thực hiện. Các cảnh cháy phải đốt nhà thật. Chúng tôi mất hơn 3 tuần cho 4 lần quay cháy.

Quay các cảnh cháy gây nhiều mệt mỏi cho đội thiết kế và ekip. Xem đã thấy mệt thì làm càng mệt hơn. Nhiều lúc quay chưa đạt yêu cầu, chúng tôi phải set lại như lúc chưa cháy. Đó là công việc cực nhưng xác định về độ an toàn ngay từ đầu, có nhiều đồ hỗ trợ như bao tay cách nhiệt. 

Chúng tôi khống chế lửa về độ lớn – nhỏ, chỗ nào cháy chỗ nào không. Một cảnh cháy quay nhiều lần. Lúc nào hỏng, phải dập lửa và đốt lại. Đoàn quay hết các cảnh lúc căn nhà nguyên vẹn rồi mới chuyển qua các cảnh cháy. Lúc đầu, căn nhà lớn chiếm hết diện tích nền. Sau trận cháy đầu tiên, căn nhà còn vài cột cháy, diện tích thu lại. Tôi cố tình để lại cái nền nhà để khán giả thấy mỗi lần cháy xong, nhà nhỏ dần.” 

“Nhất thủy, nhì hỏa. Ngoài các cảnh cháy thì các cảnh sông nước cũng làm bộ phận thiết kế mất sức, phải tập trung. Trên mặt nước làm chủ rất khó, ví dụ khoảng cách giữa hai thuyền, nước chao. Tôi phải tính toán làm sao các đạo cụ nằm dưới nước sao cho đẹp. Đôi khi thuyền đi ngược dòng, đội thiết kế phải dùng dây kéo. Số lượng thuyền, ghe không nhiều nhưng nhiều đạo cụ.” – anh chia sẻ thêm.

Trong phim, Chùa Thổ Sầu cũng được dựng hoàn toàn chứ không phải bối cảnh thật, nhưng nó thật đến nỗi nhiều người còn nhầm tưởng đây là nơi thờ phụng thực sự. 

Chất liệu gỗ, gạch, ngói là yếu tố giúp bối cảnh ngôi chùa trở nên đặc biệt. Nhưng để kết cấu những vật liệu “không giống ai”, đội ngũ thợ cũng là yếu tố quan trọng. Để dựng chùa Thổ Sầu thì 20 người thợ đặc biệt (Thợ mộc Phú yên) phải đi chuyển từ địa phương cách xa bối cảnh cả ngàn kilomet để phục dựng ngôi chùa.

4. Nhạc phim, âm thanh

Nhạc phim được soạn bởi nhạc sĩ Tôn Thất An – người từng soạn nhạc cho phim “Ròm”. Âm nhạc trong “Tro Tàn Rực Rỡ” là thứ âm nhạc phi giai điệu, không giống như âm nhạc thông thường trong phim Việt, tầng lớp, đa nghĩa như các nhân vật, sử dụng chất liệu nhạc cụ địa phương như đàn kìm, đàn tranh… Nhạc phim cũng là thành tố để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem bởi sự khắc khoải của các giai điệu.

Bên cạnh đó, âm thanh trong phim cũng được giản lược nhất có thể, để phản ánh chân thực một vùng quê sông nước yên bình, và cũng để tôn lên âm thanh của hai hình tượng đối lập là LỬA (tiếng lửa cháy trong lò than, tiếng Tam bật quẹt tự đốt cánh tay mình sau cái chết của con gái, tiếng củi gỗ cháy trong đám cháy nhà Nhàn) và NƯỚC (tiếng sóng vỗ ở con sông đi ngang nhà Nhàn, hay tiếng sóng biển ở cái lều Dương ở).

5. Màu phim

Có lẽ, một bộ phận khán giả sẽ đặt câu hỏi “Tại sao màu phim lại không có sự đồng đều giữa các shot quay?” hay “Vì sao đạo diễn lại chọn một tông màu có phần đượm buồn cho Tro tàn rực rỡ?”. Trả lời cho những câu hỏi này, DOP K’Linh cho biết:

“Cách sử dụng màu cho cả bộ phim là điều tôi thích nhất. Sức sống và sự chịu đựng của các nhân vật càng về cuối càng cạn kiệt dần, về màu sắc cũng như vậy, càng về cuối phim màu sắc càng ít dần và chỉ thực sự rực rỡ khi được soi bằng ngọn lửa.”

Ra đời năm 1985, Liên Hoan Phim (LHP) Quốc Tế Tokyo được đánh giá là một trong các LHP uy tín và có tính cạnh tranh nhất tại châu Á, bên cạnh LHP quốc tế BusanLHP quốc tế Thượng Hải. Từ 1985 đến 1991, sự kiện diễn ra hai năm một lần. Về sau, LHP được tổ chức thường niên. “Tro Tàn Rực Rỡ” là bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt được chọn vào đề cử hạng mục chính thức (Main Section) tại LHP quốc tế Tokyo. Đại diện Việt Nam tranh giải với 14 tác phẩm khác đến từ các quốc gia Nhật Bản, Chile, Kazakhstan, Macedonia, Iran, Lebanon…

Khép lại buổi chiếu thuộc khuôn khổ LHP phim, “Tro Tàn Rực Rỡ” nhận được tràng vỗ tay kéo dài của giới chuyên môn, giới truyền thông quốc tế và khán giả tại Tokyo. Nhiều người dành cho phim lời khen, đặt câu hỏi trong buổi giao lưu với ekip. 

Khi được hỏi về lý do thực hiện bộ phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi rất thích truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư – một nữ nhà văn của đất Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Việt Nam. Trong truyện của Tư có những người phụ nữ với những tình yêu rất đặc biệt, thứ tình yêu không gì làm dừng lại được. Và tôi nghĩ tình yêu là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là tình yêu của những người phụ nữ”.

“Tro Tàn Rực Rỡ” đã chính thức công chiếu tại các cụm rạp của CGV trên toàn quốc.

Thực hiện: May

Cùng tác giả

#Tag

Bùi Thạc Chuyên góc nhìn nghệ thuật idesign signature Liên hoan phim quốc tế Tokyo may nguyễn ngọc tư review phim Tro Tàn Rực Rỡ

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…