Những điều có thể bạn chưa biết về tác phẩm ‘The Last Supper’ của danh họa Leonardo da Vinci

Bức bích họa The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, được thực hiện bởi danh họa Leonardo da Vinci. Danh tiếng và những lời ca tụng người ta dành cho bức bích họa không đơn thuần vì nó thực hiện bởi một danh họa mà còn ở khả năng tái hiện sống động sự kiện Kinh Thánh vô cùng quan trọng của ông, đề tài ít họa sĩ bấy giờ có khả năng thể hiện trọn vẹn.

1. Sự ra đời và quá trình thực hiện

Dưới sự bảo trợ của Công tước xứ Milan lúc bấy giờ là Ludovico Sforza, danh họa Da Vinci thực hiện tác phẩm trên tường nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Ý từ năm 1495 đến 1498. Đến nay, đây được xem là một trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất thế giới.

Bức bích họa “The Last Supper” của danh họa Leonardo da Vinci

Vào năm 1495, vị danh họa bắt đầu thực hiện những bước phác họa đầu tiên. Tuy nhiên, do thói quen cầu toàn đến từng chi tiết, có nhiều khoảng thời gian gián đoạn khiến quá trình thực hiện trở nên chậm chạp. Phần nữa là do vấn đề chất liệu của bề mặt và đặc trưng của thể loại tranh bích họa. Kỹ thuật truyền thống đối với loại tranh này là các họa sĩ dùng bột màu nước pha với vôi để quét lên mảng tường ướt, nhờ vậy, lớp màu sẽ trở nên bền vững khi vôi khô. Riêng Da Vinci cảm thấy nó đòi hỏi ông phải vẽ nhanh, tạo ra nhiều hạn chế trong việc thể hiện màu sắc và mảng sáng tối. Vì vậy, ông quyết định sáng tạo ra phương pháp của riêng mình.

Da Vinci sử dụng hỗn hợp màu keo hoặc sơn dầu phủ lên hai lớp nền khô ráo đã được ông chuẩn bị sẵn trước đó. Dù nó giúp ông có thể linh hoạt trong phương pháp thể hiện, nhưng cũng khiến cho các lớp màu không hoàn toàn dính chặt trên tường. Tệ hơn nữa, chỉ trong vài năm, lớp màu trên bức vẽ bắt đầu bong tróc và hư hỏng. Quá trình ấy càng khiến bức bích họa trở nên xuống cấp qua thời gian, bên cạnh ảnh hưởng từ ống khói và ống nước từ khu bếp cũng như các hoạt động của nhà thờ.

Tình trạng tác phẩm hiện nay ở nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Ý

Trải qua hai cuộc thế chiến, bức bích họa nhiều lần bị phá hủy nặng nề bởi các trận bom và trận chiến khốc liệt. Năm 1999, cuộc đại tu bức tranh kéo dài trong 20 năm đã hoàn tất. Những nghệ sĩ được yêu cầu làm việc trên các chi tiết của bức bích họa để nó trở nên giống nhất với những gì Da Vinci đã làm.

2. Đề tài liên hệ mật thiết đến Kinh Thánh

Nội dung bức bích họa The Last Supper thể hiện một sự kiện quan trọng được đề cập trong Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đồ rằng trong số họ có người phản bội và sẽ nộp Thầy cho các lực lượng đối lập lúc bấy giờ để đổi lấy 30 đồng bạc.

“The Last Supper” thể hiện một sự kiện quan trọng được đề cập trong Kinh Thánh

Đoạn này được mô tả trong cả 4 sách Tin mừng:

Tin mừng Mat – thêu 26, 20 – 25: “Chiều đến, Chúa Giêsu ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Khi các ông đang ăn, Người nói: ‘Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy’. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi: ‘Thưa Thầy, có phải con không?’ Người trả lời rằng: ‘Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy. Thực ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ sẽ nộp Con Người! Thà người đó đừng sinh ra thì hơn!’ Giuđa, kẻ phản bội, cũng thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, có phải con chăng?’, Chúa đáp: ‘Ðúng như con nói’.”

Tin mừng Mac – cô 14, 17 – 21: “Chiều đến, Chúa Giêsu cùng mười hai môn đệ tới. Khi mọi người đang ngồi ăn, Chúa Giêsu nói: ‘Ta bảo thật các con, một trong các con đang ăn cùng Ta, sẽ nộp Ta’. Các ông đều buồn rầu và lần lượt từng người thưa Ngài: ‘Thưa Thầy, có phải con không?’ Người đáp: ‘Là một trong mười hai, kẻ cùng chấm một đĩa với Thầy. Con Người phải ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn’.”

Tin mừng Luca 22, 21 – 23: “‘Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Ðành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!’ Bấy giờ các Tông Đồ bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó.”

Tài năng của Da Vinci thể hiện rõ ràng những gì đang diễn ra trong tâm trí các nhân vật

Tin mừng Gio – an 13, 21 – 30: “Chúa Giêsu nói thế rồi, tâm hồn Ngài xao xuyến và nói: ‘Amen, amen, Thầy cho các con biết: một người trong các con sẽ nộp Thầy’. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Ngài đang nói về ai. Đang ở bàn ăn, trong số các môn đệ có một người được Chúa Giêsu yêu mến, đang tựa vào lòng Chúa Giêsu, Simon Phêrô ra dấu cho môn đệ ấy để hỏi xem: ‘Ai đó, Thầy nói về ai vậy?’. Môn đệ ấy nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu và nói với Ngài: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’. Chúa Giêsu trả lời: ‘Đó là kẻ Thầy sẽ trao miếng bánh đã chấm trong đĩa này’. Ngài chấm miếng bánh và trao cho Giuđa, con của Simon Iscariốt. Và khi nhận miếng bánh ấy, Satan nhập vào người ông. Chúa Giêsu nói với ông: ‘Con muốn làm gì thì làm mau đi’. Những người đồng bàn không hiểu tại sao Ngài lại nói với ông ta như vậy; vì Giuđa giữ túi tiền chung nên vài người cho rằng Chúa Giêsu muốn bảo ông: ‘Hãy mua những gì chúng ta cần trong dịp lễ, hoặc bố thí cho người nghèo’. Sau khi nhận miếng bánh, Giuđa liền ra đi và bấy giờ trời đã tối.”

Đối với bức bích họa này, tài năng của Da Vinci thể hiện qua việc ông đi sâu vào thể hiện tư thế, cử chỉ, cảm xúc của Chúa Giêsu và từng môn đồ, cho thấy rõ ràng những gì đang diễn ra trong tâm trí họ. Cả mười hai môn đồ đều đang trong trạng thái khác nhau dựa trên những phẩm chất đặc trưng của họ. Qua đó, ta cảm nhận được sự căng thẳng của giây phút quan trọng ấy. Đây được xem là kết quả của quá trình nghiên cứu chuyên sâu vào tâm trí và cảm xúc phức tạp của con người, chuyển hóa thành tư thế và trạng thái trong bức tranh dạng tĩnh.

Phân tích cho thấy bố cục đăng đối có chủ ý của Da Vinci

Về bố cục, The Last Supper cho thấy sự đăng đối khi đặt Chúa Giêsu vào chính giữa của chiếc bàn tiệc dài và hai bên là những môn đồ của mình. Ông chú trọng sử dụng những đường thẳng, ngang song song để thể hiện không gian xung quanh. Với cách chọn góc nhìn ngang tầm mắt và trực diện với chủ thể, Da Vinci như đưa khán giả vào một buổi tường thuật, nơi mà thông báo quan trọng vừa được đưa ra. Khán giả nhìn thấy rõ những gì đang xảy ra bên trên và dưới bàn, cũng như những món ăn đang được bày ra. Ở đó, tất cả mọi người đều phải đối diện trực tiếp với người xem, không cách nào có thể giấu giếm ngoài việc… quay mặt đi. Và chính như ta thấy, Giuđa, kẻ đang nắm trong tay một túi tiền là người duy nhất làm điều đó.

Ngoài mỹ thuật, Da Vinci còn cho thấy tài năng trong nhiều lĩnh vực khoa học, tự nhiên và xã hội

Ngoài là một họa sĩ, Da Vinci còn nổi tiếng với tài năng và vốn kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khoa học, tự nhiên, xã hội khác như kiến trúc, sinh học, y học, giải phẫu học và cơ khí, vv. Chúng là công cụ giúp ông tạo ra những bức họa có sức ảnh hưởng vượt thời gian. Và The Last Supper, với lối bố cục đăng đối cổ điển, đường nét mạnh mẽ, chân thực và phóng khoáng, cách chọn màu rõ rệt theo từng mảng và khối tạo nên cảm giác ba chiều dù là trên bề mặt phẳng.

3. Di sản còn mãi

Chân dung danh họa Leonardo da Vinci (1452 – 1519)

Các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố làm nên chuẩn mực nghệ thuật của Da Vinci như màu sắc pha trộn, hình khối mềm mại và cách thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt dường như đã không còn thấy rõ. Tuy vậy, người xem vẫn có thể thấy được không gian tổng thể cùng hành vi và cử chỉ của các nhân vật để hiểu được cách kể chuyện bậc thầy qua hình ảnh của ông. 

Như đã đề cập trước đó, bức bích họa vì một số lý do dần trở nên xuống cấp theo thời gian, dù rằng đã có nhiều nỗ lực gìn giữ và tu sửa. May mắn thay, trong lúc vẽ bức bích họa, Da Vinci đã cho phép hai học trò của ông sao chép tác phẩm. Hai họa sĩ Giampietrino và Giovanni Antonio Boltraffio đã thực hiện phiên bản sơn dầu được lưu trữ tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London.

Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: britannica, How to think like Da Vinci.

Cùng tác giả

#Tag

danh họa di sản gấu trúc hội hoạ leonardo da vinci nghệ thuật tác phẩm tác phẩm nghệ thuật tác phẩm nổi tiếng Tách lớp

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…