Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)

Vậy là chương cuối cùng trong loạt bài về các họa sĩ Nhật Bản của thế kỷ 20 cũng đã đến. Cùng tìm hiểu xem những họa sĩ cuối của loạt bài viết này là ai nhé!

Trong bài viết cuối này thì chúng tôi sẽ tập trung vào các họa sĩ sinh ra ở tầm giữa và cuối thế kỉ 20. Phần lớn những người này có ảnh hưởng vào giai đoạn cuối của thập kỉ và đang là những tiền bối có vị trí cao và ảnh hưởng tại mỹ thuật Nhật Bản hiện nay. Thế nên ở bài viết này, chúng tôi sẽ thêm vào tài khoản xã hội của mỗi người để các bạn tiện theo dõi nhé!

Hajime Sorayama (1947)

Hajime Sorayama là một họa sĩ minh họa nổi tiếng với những bức vẽ chính xác đến từng chi tiết, cũng như mang nét gợi cảm của những người máy nữ. Ông mô tả phong cách của mình là “chủ nghĩa cực thực”, khi ông muốn đem lại những tác phẩm càng chi tiết về một đối tượng càng tốt. Cảm hứng của ông phần lớn đến từ những tạp chí người lớn Playboy mà ông từng đọc thời còn đi học.

Hai chú robot của Star War được vẽ lại dưới bàn tay của ông.

Năm 1978, ông vẽ con robot đầu tiên của mình. Về câu chuyện này, ông từng chia sẻ: “Một người bạn của tôi, nhà thiết kế Hara Koichi, muốn sử dụng mẫu robot C-3PO từ Star Wars cho buổi giới thiệu áp phích của Suntory. Nhưng deadline quá ngắn và dính vấn đề về phí bản quyền, vì vậy tôi đã được yêu cầu đưa ra một cái gì đó.”

Cuốn sách tranh Sexy Robot được xuất bản năm 1983 đã giúp cho các mẫu robot nữ của ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã sử dụng những ý tưởng từ những bức tranh người mẫu (pin-up model), rồi vẽ lại cơ thể họ trong hình dáng mạ crom bạc với những tư thế gợi cảm. Về sau, các tác phẩm của ông lại được dùng làm bìa cho chính những cuốn tạp chí người lớn là Playboy và Penthouse.

Eijin Suzuki (1948)

Eijin Suzuki làm việc trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo và giám đốc nghệ thuật từ khoảng năm 1971. Sau đó, ông lấn sân sang họa sĩ minh họa vào năm 1980, cùng với Hiroshi Nagai, cả hai đều là những nghệ sĩ tiêu biểu trong thời kì City Pop. Ông từng vẽ nhiều tranh minh họa như bìa album “For You”, “Loveland, Island” và “Come Along” của Tatsuro Yamashita và minh họa bìa tạp chí FM Station nhiều năm liền.

Bìa album “For You” của Tatsuro Yamashita.

Kể từ thập niên 80, ông đã xây dựng một vị thế vững mạnh trong giới hội họa đương đại. Ông đã hăng hái sản xuất và công bố các tác phẩm in ấn bằng thạch bản, và hiện tại số lượng tác phẩm đã vượt hơn con số 300. Các tác phẩm in của ông luôn được đấu giá hàng năm và bức Small hill in Cote d’Azur đạt kỉ lục khi bán được giá 3,683 USD năm 2013. Ngoài vai trò là người vẽ tranh minh họa và in ấn, ông còn thực hiện nhiều dự án bất động sản khác cũng như thực hiện các phòng tranh tại Nhật.

Khác với Hiroshi Nagai, người bị ám ảnh bởi biển và resort, Suzuki bị ám ảnh bởi xe hơi, mặc dù cả hai đều có ảnh hưởng từ Pop Art phương Tây. Và nếu Hiroshi chọn Hawaii làm cảm hứng cho bức vẽ thì Suzuki chọn những vùng miền Tây của nước Mỹ để vẽ. Một trong số những mẫu xe ông thích là 356 Speed Star, một chiếc xe điển hình thường xuất hiện ở vùng Tây nước Mỹ.

Nara Yoshitomo (1959)

Nara Yoshitomo nổi tiếng với loạt tác phẩm về một cô gái nhỏ với cái nhìn như xuyên thấu mọi người. Mặc dù ông tuyên bố chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi nét vẽ manga, nhưng hình ảnh manga và anime về thời thơ ấu những năm 1960 mà ông từng xem thường được trích dẫn khi thảo luận về các nhân vật cách điệu và có đôi mắt to như những đứa trẻ của Margaret Keane. Thoạt nhìn thì vô hại, nhưng Nara đã phá hủy những hình ảnh này bằng cách truyền vào các tác phẩm của mình những hình ảnh kinh dị. Sự xếp chồng giữa cái xấu của con người với đứa trẻ vô tội có thể là một phản ứng đối với các quy ước xã hội cứng nhắc của Nhật Bản.

Cô gái vũ trụ: Mắt nhắm, mắt mở

Sự giáo dục mà ông có được sau Thế chiến thứ hai đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của và tác phẩm nghệ thuật của ông. Ông lớn lên trong thời kỳ Nhật Bản đang trải qua một sự tràn ngập của văn hóa đại chúng phương Tây; truyện tranh, phim hoạt hình của Warner Bros và Walt Disney, và nhạc rock phương Tây… Ngoài ra, ông còn lớn lên ở vùng nông thôn biệt lập và là một đứa trẻ bế tắc khi có bậc cha mẹ thuộc tầng lớp lao động, vì vậy ông thường chỉ có một mình để khám phá trí tưởng tượng non nớt của mình.

Thắp lửa cho tôi, 2001
Năm 2005, ông vẽ bìa album “Suspended Animation” cho nhóm nhạc Fantômas. Ông cũng tham gia thiết kế toàn bộ các vật phẩm được bán để quảng bá cho album này.

Mặc dù sở hữu nhiều chiến tích vào thập niên 90, ông lần đầu tiên đến với thế giới nghệ thuật trong phong trào Pop art của Nhật Bản vào những năm 1990. Chủ đề trong các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ rất đơn giản: hầu hết các tác phẩm mô tả một chủ đề có vẻ vô hại (thường là trẻ em và động vật thể hiện một sự tự tin, đi kèm lời thoại biếm họa). Những đứa trẻ này, thoạt nhìn có vẻ dễ thương và thậm chí dễ bị tổn thương, nhưng trong tay chúng lại là vũ khí như dao và cưa. Đôi mắt mở to của chúng toát ra vẻ buộc tội hoặc đó có thể là những biểu hiện của sự căm ghét. Được các nhà phê bình nghệ thuật ca ngợi, các tác phẩm hấp dẫn kỳ lạ của Nara đã đạt được thành công trên khắp thế giới. Những bức tranh gốc lớn thường xuyên được bán với giá hàng triệu đô la.

Yamamoto Takato (1960)

Yamamoto Takato là một họa sĩ và họa sĩ truyện tranh Nhật Bản. Vào đầu những năm 90, ông bắt đầu nghiên cứu về tranh in khắc gỗ Ukiyo-e. Đến năm 1994, ông được biết đến nhiều nhất với việc phát triển một phong cách độc đáo mà ông gọi là “Chủ nghĩa thẩm mỹ Heisei”, pha trộn những ảnh hưởng từ hội họa ukiyo-e của Nhật Bản với nghệ thuật gothic phương Tây để tạo ra những hình ảnh đen tối nhưng xinh đẹp. Các tác phẩm mang tính siêu thực và có nhiều chi tiết mà ông thường đưa vào như chủ đề bạo lực, chết chóc và tình dục để tạo ra hình ảnh đáng suy ngẫm và mang tính biểu tượng cao.

Ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng mình bắt đầu vẽ quảng cáo thương mại chủ yếu vào những năm 1980. Ông chỉ bắt đầu thực hiện các tác phẩm cá nhân của mình sau năm 2000. Chất liệu mà ông thường sử dụng là màu acrylic trên vải hoặc giấy, thường mất khoảng một tuần cho một tác phẩm nhỏ và khoảng một tháng cho một tác phẩm lớn hơn, hiếm khi ông mất vài tháng để hoàn thành một thứ gì đó.

Nghệ thuật của Yamamoto thường đề cập đến các chủ đề cấm kị, nhưng khám phá chúng theo một cách tinh tế đáng ngạc nhiên. Chính sự tinh tế này đã lôi kéo người xem đánh giá cao những tác phẩm thường mang nét kinh hoàng theo một góc nhìn khác. Bên cạnh đó, các cuốn artbook của ông cũng được nhiều người đón đọc khi mỗi cuốn lại được ông khám phá về một chủ đề khác nhau của con người.

Makoto Aida (1965)

Độ chi tiết trong các tác phẩm của ông luôn khiến người xem kinh ngạc.

Makoto Aida là một nghệ sĩ đương được biết đến với những tác phẩm manga, minh họa, video, nhiếp ảnh, điêu khắc và sắp đặt mang đầy tính khiêu khích. Mặc dù độ nổi tiếng không thể sánh ngang Takashi Murakami hay Nara Yoshitomo, nhưng tại quê nhà, ông được công nhận là một trong những nhân vật ưu tú của nghệ thuật đương đại Nhật Bản.

Uguisudani-zu (1990) là một tác phẩm vẽ cây anh đào với phần bông hoa được dán bằng những tấm quảng cáo gái gọi.
Độ chi tiết trong tác phẩm “Blender”.

Phong cách của ông thay đổi liên tục một phần đến từ chứng bệnh tâm lý ADHD, “Về cơ bản, tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải vẽ lặp đi lặp lại cùng một bức tranh,” ông nói. Bên cạnh đó, sự khiêu khích trong tác phẩm của ông cũng từng khiến vị họa sĩ gặp không ít rắc rối, tiêu biểu là triển lãm năm 2012 bị chỉ trích nặng nề vì dính vào nhiều vấn đề quấy rối tình dục. Cũng chính vì tính tranh cãi trong các tác phẩm nên Makoto Aida không sử dụng mạng xã hội.

Hisashi Tenmyouya (1966)

Một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật hiện nay, Hisashi Tenmyouya đã làm sống lại phong cách vẽ truyền thống của Nhật bằng cách cải tiến thành “Neo-Nihonga.” Và vào năm 2000, ông cũng tạo ra phong cách mới “Butouha” thể hiện thái độ phản kháng đối với hệ thống nghệ thuật độc quyền thông qua các bức tranh của mình.

“Cách tân tranh truyền thống Nhật Bản” là một khái niệm nghệ thuật do ông sáng lập vào năm 2001. Đây là một cách để phản đề đối hội họa Nhật Bản hiện đại. Mặt khác, phong cách Neo-Nihonga là một loại tranh mới, sử dụng chất liệu mới như sơn acrylic, v.v. Ngoài ra, phong cách còn đề cập đến một số nét đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản như đường nét truyền thống, cũng như những nét trang trí và biểu tượng. Nói tóm lại, Neo-Nihonga tiếp nhận tinh thần của Ukiyo-e thời Minh Trị và các bức tranh cổ điển khác của Nhật Bản để phát triển chúng.

Được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ tiên phong Taro Okamoto, ông cũng tìm hiểu sâu về lịch sử Nhật Bản và áp dụng chúng vào phong cách và khái niệm hội họa của mình.

Akira Yamaguchi (1969)

Nghệ sĩ đương đại cuối cùng trong loạt bài này sẽ là Akira Yamaguchi, cũng lấy cảm hứng từ Ukiyo-e, ông sử dụng lối vẽ của nhánh Yamato-e cho phong cách của mình. Đây là phong cách vẽ đặc trưng gồm nhiều hình vẽ nhỏ và mô tả cẩn thận các chi tiết của các tòa nhà và các đối tượng khác bên trong, thường được vẽ ở góc bao quát để người xem thấy nội thất bên trong và mô tả phong cảnh rất cách điệu.

Cửa hàng tiện lợi: Nihonbashi Mitsukoshi (2004)
Tokyo nhìn từ trên cao, 2012

Nhiều tác phẩm được vẽ với những ý tưởng tự do và hài hước, chẳng hạn như một samurai cưỡi trên một chiếc mô tô hình con ngựa hoặc đặt một mái ngói trên một tòa nhà chọc trời hiện đại. Ông cũng thực hiện nhiều bản vẽ gốc cho bìa sách và áp phích quảng cáo, trong đó có bìa album của nhóm nu-jazz United Future Organization.

Tokei: Đồi Roppongi (2012)

Mặc dù được đánh giá là đậm chất truyền thống Nhật Bản, Akira từng chia sẻ rằng ông ảnh hưởng từ lối vẽ và cách dùng màu của phương Tây nhiều hơn.

Cám ơn các bạn đã đồng hành cùng với chuyên mục này!

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

Akira Yamaguchi Eijin Suzuki Hajime Sorayama Hisashi Tenmyouya Họa sĩ Nhật Bản TK 20 hội họa Nhật Bản lịch sử mỹ thuật lịch sử nghệ thuật Makoto Aida Nara Yoshitomo văn hóa nhật bản Yamamoto Takato

iDesign Must-try

Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Yoshitomo Nara sinh năm 1959 tại Aomori, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trong thế giới ảo với vườn thiền cát của Yuki Kawae
Gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trong thế giới ảo với vườn thiền cát của Yuki Kawae
Rời khỏi màn hình điện thoại tràn ngập những tin tức tiêu cực, vườn thiền cát được tạo ra bởi Yuki Kawae là liều thuốc giúp giải toả những mối…
Hiroyuki Doi: ‘Bằng cách vẽ vòng tròn, tôi cảm thấy mình đang sống và hiện hữu trong vũ trụ.’
Hiroyuki Doi: ‘Bằng cách vẽ vòng tròn, tôi cảm thấy mình đang sống và hiện hữu trong vũ trụ.’
Hình tròn trong tác phẩm của Hiroyuki Doi ẩn chứa điều gì? Vì sao ông lại vẽ hình tròn cả đời mình?
Paul Binnie và những bức tranh ukiyo-e theo phong cách phương Tây
Paul Binnie và những bức tranh ukiyo-e theo phong cách phương Tây
Khám phá những bức tranh in khắc gỗ của Paul Binnie kết hợp với hội họa ukiyo-e của Nhật Bản.