Những trào lưu điện ảnh quan trọng mà người mê phim nên biết (phần 2)

Trào lưu điện ảnh là cách gọi chung của các phim được làm ra theo xu hướng thịnh hành của một thời kỳ lịch sử. Hầu hết những trào lưu điện ảnh vốn được sinh ra ở một quốc gia, nhưng sau đó tác động đến điện ảnh các nước khác. Các bộ phim tiêu biểu cho những trào lưu điện ảnh thể hiện rõ văn hóa đương đại và những vấn đề xã hội.

Sau 6 trào lưu ở phần 1, hãy cùng iDesign đến với những trào lưu quan trọng tiếp theo trong suốt quá trình hình thành và phát triển của điện ảnh thế giới:

7. Làn sóng mới Hồng Kông (Hong Kong New Wave): 1970s-2000s

“A Better Tomorrow” (1986 – Ngô Vũ Sâm)

Thập niên 1980, nền công nghiệp điện ảnh ở xứ sở tỷ dân bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình không có đủ tiền sở hữu TV khiến rạp chiếu là nguồn giải trí chủ yếu của họ. Nhận thức rõ văn hóa và lịch sử của mình vô cùng khác biệt so với phần còn lại của Trung Quốc, các đạo diễn Hồng Kông từng đi học châu Âu quyết tâm làm những bộ phim của riêng mình, để các nhân vật nói tiếng Quảng Đông thay vì Quan Thoại như hầu hết phim ở nước này.

Được truyền cảm hứng bởi điện ảnh Ý và Pháp, các phim thuộc Làn sóng mới Hồng Kông thiếu đi sự kịch tính trong kịch bản và sự mạch lạc trong câu chuyện; thay vào đó, họ chú trọng vào cảm xúc của nhân vật, sử dụng bối cảnh thật và đặt để vào đó tính cá nhân cùng những thông điệp xã hội. Ngoài ra, công nghệ tiên tiến thời bây giờ như âm thanh đồng bộ và phương pháp dựng hiện đại cũng được sử dụng.

“Days of Being Wild” (1990 – Vương Gia Vệ)

Những cái tên tiêu biểu: Vương Gia Vệ, Ngô Vũ Sâm, Hứa An Hoa, Từ Khắc.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Boat People” (1981 – Hứa An Hoa)
  • “Days of Being Wild” (1990 – Vương Gia Vệ)
  • “A Better Tomorrow” (1986 – Ngô Vũ Sâm)
  • “The Butterfly Murders” (1979 – Từ Khắc)

8. Trào lưu ngầm No Wave (No Wave): 1976-1985

“Rome ’78” (1978 – James Nares)

Không chỉ là một trào lưu điện ảnh, No Wave còn là một thể loại âm nhạc và nghệ thuật ngầm được sáng tạo bởi một nhóm thanh niên sống ở khu Lower East Side, New York. Trong những dự án có kinh phí thấp, sự sáng tạo và phá cách vô hạn của các đạo diễn chú trọng vào tâm trạng của nhân vật và kết cấu của bộ phim, lược bỏ hoàn toàn những yếu tố hỗ trợ khác.

Những bộ phim phần lớn được quay bằng phim Super 8 hoặc phim 16mm, với tư duy và cách thể hiện cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ trào lưu Làn sóng mới Pháp. Câu chuyện phim thường được khai thác xoay quanh các chủ đề gây tranh cãi, nhạy cảm và ít khi nhắc tới trong xã hội. Vì thế, No Wave góp phần lớn vào sự phát triển của điện ảnh độc lập ở Mỹ và khuyến khích người ta nói về những chủ đề nhạy cảm nhiều hơn.

“Stranger Than Paradise” (1984 – Jim Jarmusch)

Những cái tên tiêu biểu: Amos Poe, Jim Jarmusch.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Rome ’78” (1978 – James Nares)
  • “Subway Riders” (1981 – Amos Poe)
  • “Stranger Than Paradise” (1984 – Jim Jarmusch)

9. Điện ảnh Mexico Mới (Nuevo Cine Mexicano): 1990s-2010s

“Biutiful” (2010 – Alejandro Gonzalez Inarritu)

Thập niên 1990, trào lưu Điện ảnh Mexico Mới do các nhà làm phim nước này khởi phát với mong muốn thoát khỏi Narcoculture (một dạng văn hóa liên quan đến băng đảng ma túy hình thành ở đất nước này), thay vào đó, họ lấy cảm hứng từ điện ảnh Mỹ và châu Âu. Các đạo diễn, nhà phê bình và học giả đều xem trào lưu này như một sự tái sinh của nền điện ảnh Mexico vì chất lượng và thành công của nó ở thị trường quốc tế.

Chủ đề thường được khai thác trong Điện ảnh Mexico mới bao gồm bản sắc, văn hóa truyền thống và xung đột chính trị ở nước này. Không giấu diếm mong muốn đưa điện ảnh Mexico ra thế giới, các đạo diễn đề cao cảm xúc chân thực và những phản ứng gai góc của con người. Qua đó, họ thể hiện tính văn hóa đa dạng, đưa ra các ẩn dụ về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.

“Amores Perros” (2000 – Alejandro Gonzalez Inarritu)

Những cái tên tiêu biểu: Alejandro Gonzalez Inarritu, Alfonso Cuarón, Carlos Reygadas, Guillermo del Toro.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Danzon” (1991 – Maria Novaro)
  • “The Devil’s Backbone” (2001 – Guillermo del Toro)
  • “Amores Perros” (2000 – Alejandro Gonzalez Inarritu)
  • “Battle in Heaven” (2005 – Carlos Reygadas)
  • “Y Tu Mama Tambien” (2001 – Alfonso Cuaron)
  • “Biutiful” (2010 – Alejandro Gonzalez Inarritu)
  • “Japan” (2002 – Carlos Reygadas)

10. Làn sóng mới Hàn Quốc (South Korean New Wave): 1980s-hiện nay

“Memories of Murder” (2003 – Bong Joon-ho)

Năm 1998, điện ảnh nội địa Hàn Quốc đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ khi lấn át hoàn toàn phim nước ngoài tại thị trường trong nước. Những bộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn được yêu thích bởi khán giả trên toàn thế giới. Được cổ vũ bởi điều đó, các nhà làm phim càng trở nên mạnh dạn trong việc thể hiện cá tính của mình.

Điều làm cho điện ảnh Hàn Quốc trở nên đặc biệt chính là văn hóa. Những bộ phim với nội dung độc đáo không chỉ được lấy cảm hứng từ điện ảnh phương Tây, trào lưu Làn sóng mới Nhật Bản mà còn dựa trên Pansori: một hình thức nghệ thuật kể chuyện truyền thống của Hàn Quốc. Dù vậy, ở một số thời điểm, các nhà phê bình cho rằng nhà làm phim đã đi quá xa khỏi vùng an toàn khi chủ đề được khai thác trở nên vô cùng bạo lực và kinh dị.

“A Tale of Two Sisters” (2003 – Kim Jee-woon)

Những cái tên tiêu biểu: Park Chan-wook, Ki-duk Kim, Kim Jee-Woon, Bong Joon-ho.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Memories of Murder” (2003 – Bong Joon-ho)
  • “A Tale of Two Sisters” (2003 – Kim Jee-woon)
  • “Oldboy” (2003 – Park Chan-wook)
  • “Mother” (2009 – Bong Joon-ho)
  • “Pieta” (2012 – Ki-duk Kim)
  • “Secret Sunshine” (2007 – Lee Chang-dong)
  • “Samaritan Girl” (2004 – Ki-duk Kim)

11. Làn sóng mới Nhật Bản (Japanese New Wave): 1950s-1970s

“Branded to Kill” (1967 – Seijun Suzuki)

Sau Thế chiến thứ Hai, nền điện ảnh Nhật Bản đánh dấu sự phát triển vượt bậc. Những bộ phim về đề tài samurai, thể loại tình ái melodrama nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng cho các đạo diễn phương Tây. Đặc biệt, đề tài khoa học viễn tưởng của Nhật Bản được yêu thích trên toàn thế giới và góp phần khiến ngành công nghiệp đồ chơi nước này đem về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Đây là giai đoạn được xem là kỷ nguyên vàng của điện ảnh Nhật Bản. Dù vậy, một số nhà làm phim lại cảm thấy bức bối với những đề tài chính thống và mong muốn được tự do thể hiện mình.

Trào lưu Làn sóng mới Nhật Bản từ đó ra đời. Các nhà làm phim bỏ qua những chủ đề rập khuôn, tìm đến sự gai góc và trần trụi. Họ dũng cảm chạm đến những góc khuất nhạy cảm và gây tranh cãi; họ sử dụng jazz làm nhạc nền cho phim của mình. Tương tự như với trào lưu Hollywood mới, các hãng phim Nhật Bản nhận ra bước chuyển đổi này nên lập tức đầu tư vào các dự án với chủ đề gai góc hơn. Hành vi giết chóc không còn bị giới hạn trong khuôn khổ những quái vật khổng lồ hay samurai anh hùng mà còn thực hiện bởi những tên sát nhân tâm thần bệnh hoạn.

“Intentions Of Murder” (1964 – Shohei Imamura)

Những cái tên tiêu biểu: Seijun Suzuki, Nagisa Oshima, Shohei Imamura, Hiroshi Teshigahara, Masahiro Shinoda.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Branded to Kill” (1967 – Seijun Suzuki)
  • “Tokyo Drifter” (1966 – Seijun Suzuki)
  • “Intentions Of Murder” (1964 – Shohei Imamura)
  • “The Face of Another” (1966 – Hiroshi Teshigahara)
  • “Japanese Summer: Double Suicide” (1967 – Nagisa Oshima)
  • “Double Suicide” (1969 – Masahiro Shinoda)

12. Điện ảnh song song/ Điện ảnh Ấn Độ mới (Parallel Cinema India): 1952-1992

“Aparajito” (1956 – Satyajit Ray)

Ấn Độ được xem là một trong những thị trường phim ảnh lớn của thế giới. Trong đó, Bollywood nổi tiếng với những trường đoạn nhảy múa xa hoa trên nền nhạc lãng mạn. Những bộ phim điển hình như vậy được sản xuất ào ạt ở đất nước này để phục vụ cho thị hiếu của khán giả đại chúng.

Từ năm 1946, điện ảnh Ấn Độ bắt đầu có sự xuất hiện của những bộ phim đậm tính hiện thực, được lấy cảm hứng từ văn học Bengali và chủ nghĩa Tân hiện thực Ý. Họ chú trọng đến những chủ đề nghiêm túc, đề cao khắc họa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, các yếu tố biểu tượng và sự quan tâm đến môi trường, chính trị và xã hội, từ chối các điệu nhảy và bài hát điển hình. Có thể nói, trào lưu Điện ảnh Song song đã góp phần thay đổi điện ảnh Ấn Độ mãi mãi.

“The Rat Trap” (1981 – Adoor Gopalakrishnan)

Những cái tên tiêu biểu: Satyajit Ray, Ritwik Ghatak, Mrinal Sen.

Một số phim đáng chú ý:

  • “Aparajito” (1956 – Satyajit Ray)
  • “The Rat Trap” (1981 – Adoor Gopalakrishnan)
  • “Parama” (1984 – Aparna Sen)
  • “Ajantrik” (1958 – Ritwik Ghatak)
  • “Akaler Sandhane” (1980 – Mrinal Sen)
  • “Do Bigha Zamin” (1953 – Bimal Roy)
  • “Do Ankhen Barah Haath” (1957 – V. Shantaram)

(còn tiếp)

Bài dịch: Gau Truc.
Nguồn: Taste of cinema

Cùng tác giả

#Tag

cinema cổ điển lịch sử nghệ thuật phim phim tài liệu phim điện ảnh phong trào nghệ thuật Trào lưu điện ảnh tua phim

iDesign Must-try

Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
“Nhà quay phim giống như một chuyên gia tâm lý về thị giác. Họ khiến khán giả nghĩ theo cách họ muốn, vẽ những bức tranh trong bóng tối.” –…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Tập 10 PURE NOW Show (Phần 2): Bàn về tương lai của ngành sáng tạo ‘Chất lượng không còn là yếu tố quan trọng’
Tập 10 PURE NOW Show (Phần 2): Bàn về tương lai của ngành sáng tạo ‘Chất lượng không còn là yếu tố quan trọng’
Trong phần 1 của tập 10 PURE NOW Show, chúng ta đang lắng nghe về hành trình trở thành một nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu của người…
Khi đạo diễn Akira Kurosawa cầm cọ
Khi đạo diễn Akira Kurosawa cầm cọ
Đạo diễn Akira Kurosawa là cái tên đằng sau hàng loạt bộ phim kinh điển của điện ảnh Nhật Bản thời hoàng kim. Nhưng không chỉ làm phim, ông còn…
Vẻ đẹp điêu tàn, bụi bặm trong phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80
Vẻ đẹp điêu tàn, bụi bặm trong phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80
Một số phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80 không có robot hay đô thị cao tầng ngập chìm trong ánh đèn neon mà thường vẽ nên viễn cảnh…