Nogaku: Những nét về nhạc kịch Noh (Phần 1)

Là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Nogaku là dạng nhạc kịch bao gồm Noh và xen kẽ với Kyogen. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhạc kịch Noh trước.

Noh ( 能 trong tiếng Nhật nghĩa là “tài năng”) là một trong những hình thức múa kịch có truyền thống lâu đời nhất ở Nhật Bản bắt nguồn từ thế kỉ 14 cho đến nay. Nhạc kịch Noh là sự kết hợp từ mặt nạ, trang phục và nhiều đạo cụ khác nhau trong một màn biểu diễn vũ đạo, đòi hỏi các diễn viên và nhạc công cần được đào tạo chuyên sâu.

Một buổi tìm hiểu về kịch Noh tại nhà hát Kita.

Các vở kịch Noh thường dựa trên những câu chuyện trong văn học truyền thống kể về một hiện tượng siêu nhiên được chuyển hóa thành hình dạng con người, ví dụ như một anh hùng kể lại một câu chuyện.

Lịch sử phát triển của Noh

Xuất xứ

Từ Noh có thể được sử dụng một mình hoặc với gaku (楽; vui vẻ, âm nhạc) để tạo thành từ Nogaku. Khi được sử dụng một mình, Noh đề cập đến thể loại kịch lịch sử có nguồn gốc từ Sarugaku vào giữa thế kỷ 14 và tiếp tục được biểu diễn cho đến ngày nay.

Một trong những tiền thân lâu đời nhất của NohKyogenSangaku được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ 8. Vào thời điểm đó, thuật ngữ Sangaku dùng để chỉ các loại hình biểu diễn khác nhau bao gồm nhào lộn, ca hát và nhảy múa, thậm chí cả truyện tranh. Sự thích nghi sau đó của thể loại với xã hội Nhật Bản đã dẫn đến sự đồng hóa của Sangaku với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Các yếu tố nghệ thuật biểu diễn khác nhau trong Sangaku cũng như các yếu tố của Dengaku (lễ hội ăn mừng liên quan đến việc đồng áng), Sarugaku (hình thức giải trí bao gồm nhào lộn, tung hứng và kịch câm), Shirabyoshi (các điệu múa truyền thống được biểu diễn bởi các vũ nữ trong Triều đình vào thế kỷ 12), Gagaku (âm nhạc và nhảy múa được biểu diễn trong Triều đình từ thế kỷ 7) và Kagura (các điệu múa Thần đạo xa xưa trong các câu chuyện dân gian) đã góp phần phát triển thành NohKyogen.

Tiền thân của Nogaku là Sarugaku du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ 11 đến 14.

Các nghiên cứu về gia phả của các diễn viên Noh vào thế kỷ 14 cho thấy họ là thành viên của các gia đình chuyên về biểu diễn nghệ thuật; những người đã biểu diễn các loại nghệ thuật trình diễn truyền thống khác nhau trong nhiều thế hệ. Nghiên cứu xã hội học của Yukio Hattori cho thấy trường Konparu được cho là trường học lâu đời nhất dạy Noh cũng như là hậu duệ của Mimashi, vị nghệ sĩ đã giới thiệu gigaku (một vở kịch – múa đeo mặt nạ du nhập từ Vương quốc Kurada vào thế kỉ 7, hiện đã không còn).

Một giả thuyết khác của Shinhachiro Matsumoto cho rằng Noh có nguồn gốc từ những người bị ruồng bỏ đấu tranh để đòi địa vị xã hội cao hơn bằng cách phục vụ cho những người nắm quyền, cụ thể là tầng lớp samurai có quyền lực cao trong triều đình. Khi Noh trở thành loại hình nghệ thuật yêu thích của các shogun (mạc phủ), Noh đã có thể trở thành một loại hình nghệ thuật cung đình thông qua mối quan hệ được hình thành này. Vào thế kỷ 14, với sự bảo trợ mạnh mẽ từ Shogun, diễn viên Zeami đã có thể đưa Noh trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Những chiếc mặt nạ dùng trong kịch Gigaku du nhập vào Nhật Bản thời Asuka.

Cha con Kan’ami và Zeami

Vào thế kỷ 14 trong thời kỳ Mạc phủ Muromachi (1336 – 1573), Kan’ami Kiyotsugu và con trai của ông là Zeami Motokiyo đã trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau và hoàn thành Noh theo một hình thức khác hẳn so với trước đó, về cơ bản là đưa Noh về phong cách giống ngày nay. Kan’ami là một diễn viên nổi tiếng với khả năng hoàn thành tốt các vai diễn từ phụ nữ, cậu bé 12 tuổi duyên dáng đến những người đàn ông trưởng thành mạnh mẽ. Khi Kan’ami lần đầu tiên trình diễn tác phẩm của mình cho Mạc phủ Ashikaga Yoshimitsu, Zeami lúc bấy giờ là một diễn viên nhí trong vở kịch khi mới 12 tuổi. Mạc chủ Yoshimitsu đã phải lòng Zeami và cho phép các vở kịch Noh thường xuyên được trình diễn tại nhà hát Yoshimitsu.

Tượng khắc diễn Zeami (1364 – 1443)

Về sau, chính tác phẩm của người con Zeami đã thu hút được sự bảo trợ của triều đình đối với loại hình nghệ thuật này. Thật không may cho Zeami sau đó, ông không được triều đình ủng hộ nữa và bị đày đến một hòn đảo. Sau cái chết của ông mình, cháu trai Onami và con rể của Komparu Zenchiku, lên làm trưởng đoàn và tiếp tục phát triển nghệ thuật ngay cả khi chiến tranh ập đến, Noh vẫn đóng một vai trò rất tích cực trong cuộc sống của các chỉ huy quân đội. Trong số đó, Toyotomi Hideyoshi, một trong những nhà thống nhất vĩ đại của Nhật Bản đã rất quan tâm đến Noh và theo học bộ môn nghệ thuật này.

Bốn đoàn kịch Noh chính sau đó đã được thành lập và nhận được sự bảo trợ từ các đền thờ. Đến thời kỳ Tokugawa (1603 – 1867), Noh ngày càng trở nên tiêu chuẩn hóa và tập trung vào truyền thống hơn là đổi mới. Một đoàn kịch thứ năm đã được thêm vào trong thời gian này, tạo thành năm đoàn kịch Noh tiêu biểu tồn tại và biểu diễn cho đến ngày nay.

Những đặc điểm của Noh

Thuật ngữ thẩm mỹ

Zeami và Zenchiku mô tả một số phẩm chất riêng biệt được cho là cần thiết để hiểu đúng về Noh như một loại hình nghệ thuật.

Để giúp người học cũng như diễn viên Noh hiểu được giá trị, Zeami đã soạn cuốn sách bao gồm những tố chất mà một diễn viên phải có.

Hana (花, hoa): Trong cuốn Kadensho (Hướng dẫn về tư thế của bông hoa), Zeami mô tả hana rằng: “Sau khi bạn nắm vững bí mật của tất cả mọi thứ và sử dụng hết khả năng của mọi yếu tố, Hana sẽ không bao giờ biến mất mà mãi trường tồn.” Người biểu diễn Noh thực sự sẽ tìm cách vun đắp mối quan hệ hiếm có với khán giả của mình tương tự như cách một người trồng hoa. Điều đáng chú ý về hana là giống như một bông hoa, người diễn sẽ được đánh giá cao bởi khán giả, bất kể diễn viên đó xuất thân ra sao. Hana có hai dạng: cá nhân hana là vẻ đẹp của bông hoa tuổi trẻ và đi theo thời gian, trong khi “hana đích thực” là bông hoa của sự sáng tạo và chia sẻ vẻ đẹp hoàn hảo thông qua việc biểu diễn.

Yugen (幽 玄, vẻ đẹp tiềm ẩn): một khái niệm có giá trị trong nhiều loại hình nghệ thuật trong văn hóa Nhật Bản. Ban đầu được sử dụng để chỉ sự thanh lịch hoặc duyên dáng đại diện cho vẻ đẹp hoàn hảo trong waka, yugen lại là vẻ đẹp vô hình được cảm nhận chứ không phải nhìn thấy trong một tác phẩm nghệ thuật. Thuật ngữ này được sử dụng đặc biệt liên quan đến Noh để chỉ vẻ đẹp sâu xa của thế giới siêu việt, bao gồm vẻ đẹp thê lương liên quan đến nỗi buồn và mất mát.

Rojaku (老弱): Rō có nghĩa là cũ, và jaku có nghĩa là yên tịnh. Rōjaku là giai đoạn phát triển cuối cùng của diễn viên Noh, khi anh ta loại bỏ tất cả các hành động hoặc tiếng động thừa thãi trong màn trình diễn, chỉ để lại bản chất thực sự của cảnh hoặc hành động được bắt chước.

Kokoro hoặc shin (cả hai 心): nghĩa là “trái tim”, “tâm trí” hoặc cả hai. Kokoro của Noh là thứ mà Zeami nói đến trong các bài giảng của mình và được định nghĩa dễ dàng hơn là “tâm trí”. Để phát triển được hana, diễn viên phải bước vào trạng thái vô trí, hay còn gọi là mushin.

Myo (妙 sự quyến rũ) của một diễn viên diễn xuất hoàn hảo và không có cảm giác đang bắt chước; anh ta vào vai của mình một cách hiệu quả.

Monomane (物 真似, bắt chước hoặc tài bắt chước): mục đích của một diễn viên Noh là mô tả chính xác các chuyển động của vai diễn anh ta, trái ngược với lý do thẩm mỹ để đánh lạc hướng hay tô điểm. Monomane đôi khi tương phản với yugen, mặc dù cả hai đại diện cho những phần tiếp nối hơn là tách biệt hoàn toàn.

Kabu – Isshin (歌舞 一心 một trái tim hát và nhảy): giả thuyết cho rằng bài hát (bao gồm cả thơ) và vũ đạo là hai nửa của cùng một tổng thể và diễn viên Noh cố gắng biểu diễn cả hai với sự thống nhất hoàn toàn của trái tim và tâm trí.

Những thành phần trong vở kịch

Có 5 vai trò trong một vở kịch Noh gồm:

Shite – nhân vật chính. Tùy thuộc vào vở kịch, các shite có thể vào vai là một ông tiên, một vị thần, một con quỷ, một linh hồn hoặc một người sống. Những chuyển động của nhân vật sẽ thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau.

Các Shite sẽ đeo những chiếc mặt nạ khác nhau tùy vào nhân vật.

Waki – diễn viên phụ. Các waki đóng các vai trò như thầy tu, nhà sư hoặc samurai. Trái ngược với shite, waki luôn là những vai người phàm.

Vì vào vai người phàm nên các Waki hiếm khi được đeo mặt nạ.

Hayashi – các nhạc sĩ. Bốn nhạc công đệm đàn cho màn biểu diễn bằng sáo (fue), trống đeo vai (kotsuzumi), trống đeo hông (otsuzumi) và trống gậy (taiko).

Jiutai – dàn đồng ca điệp khúc. Dàn đồng ca ngồi bên trái sân khấu và hỗ trợ shite trong việc tường thuật câu chuyện.

Vị trí của các Jiutai là nằm ở bên trái sân khấu.

Koken – nhân viên hậu cần. Họ được mặc đồ đen và có mặt trên sân khấu không phải là một phần của vở kịch mà hỗ trợ người biểu diễn theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đưa đạo cụ cho họ.

Gần như không có bất cứ một diễn viễn nữ nào có trong đoàn kịch Noh, kể các vai diễn nữ cũng được các diễn viên nam thực hiện. Ngoại trừ một số phụ nữ (chẳng hạn như các cô gái cung đình) biểu diễn các bài hát trong các tình huống ngoài lề của vở kịch.

Vào thời Minh Trị, các nghệ sĩ biểu diễn Noh đã dạy những người giàu có và quý tộc, và điều này dẫn đến nhiều cơ hội hơn cho nữ giới vì họ yêu cầu được dạy bởi giáo viên nữ. Vào đầu những năm 1900, sau khi phụ nữ được phép đi học Trường Âm nhạc Tokyo, các quy tắc cấm phụ nữ tham gia các lớp học và các đoàn kịch Noh đã được nới lỏng. Năm 1948, những người phụ nữ đầu tiên tham gia Hiệp hội những người biểu diễn Nogaku. Năm 2004, những phụ nữ đầu tiên tham gia Hiệp hội các vở kịch Noh Nhật Bản. Năm 2007, Nhà hát Noh Quốc gia bắt đầu trình chiếu các chương trình hàng năm do các nữ nghệ sĩ biểu diễn. Năm 2009, có khoảng 1200 nam và 200 nữ biểu diễn Noh chuyên nghiệp.

Ryoko Aoki là một trong những nữ diễn viên Noh nổi bật hiện nay.

Tính đến năm 2012, có năm trường dạy diễn xuất Noh còn hoạt động gồm Kanze (観 世), Hosho (宝 生), Komparu (金 春), Kongo (金剛) và Kita (喜 多) đào tạo các diễn viên Shite. Mỗi trường đều có dòng họ Iemoto riêng mang tên trường và được coi là những trường lớn nhất. Dòng họ Iemoto có quyền viết các vở kịch mới hoặc sửa đổi lời bài hát và các cấp độ biểu diễn (bao gồm 9 cấp độ do Zeami biên soạn). Các diễn viên phụ Waki ​​được đào tạo tại các trường như Takayasu (高 安), Fukuou (福王) và Hosho (宝 生). Còn lại là 11 trường đào tạo các nhạc công, mỗi trường chuyên về một đến ba nhạc cụ.

Hiệp hội biểu diễn Nogaku gồm các chuyên gia đã đăng ký bản quyền và bảo vệ nghiêm ngặt các truyền thống được truyền lại từ tổ tiên của họ. Tuy nhiên, một số tài liệu bí mật của trường phái Kanze do Zeami viết, cũng như tài liệu của Konparu Zenchiku đã được phổ biến khắp cộng đồng các học giả về sân khấu Nhật Bản.

Mặt nạ

Một trong những yếu tố quan trọng của Noh là những chiếc mặt nạ mà các Shite sẽ đeo. Họ cho khán giả biết thể loại nhân vật nào đang được khắc họa. Mặt nạ thường được sử dụng đại diện cho ma quỷ và linh hồn, cũng như phụ nữ và nam giới ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với đặc tính thay đổi theo góc nhìn ba chiều, những chiếc mặt nạ cho phép các diễn viên có thể tạo ra nhiều biểu cảm khác nhau.

Đa góc chụp của cùng một chiếc mặt nạ nữ cho thấy biểu cảm thay đổi như thế nào khi nghiêng đầu và thay đổi góc chiếu sáng.
Mỗi loại mặt nạ sẽ có những tên riêng và không chiếc nào giống nhau.

Những chiếc mặt nạ được chạm khắc từ những gỗ bách của Nhật Bản và được sơn bằng bột màu tự nhiên trên nền trung tính của keo và vỏ sò vụn. Có khoảng 450 mặt nạ khác nhau chủ yếu dựa trên 60 loại, tất cả đều có tên riêng. Một số mặt nạ đại diện chính thường được sử dụng trong nhiều vở kịch khác nhau, trong khi một số mặt nạ cụ thể chỉ được sử dụng trong một hoặc hai vở kịch. Bên cạnh đó, các loại mặt nạ biểu thị giới tính, tuổi tác và giai cấp xã hội của các nhân vật, và bằng cách đeo mặt nạ, các diễn viên có thể vào vai các nhân vật từ trẻ đến già, đàn ông, phụ nữ hoặc không phải con người (thần thánh, ma quỷ hoặc động vật). Chỉ có Shite được phép đeo mặt nạ trong hầu hết các vở kịch, mặc dù các Tsure cũng có thể đeo mặt nạ trong một số vở kịch để đại diện cho các nhân vật nữ.

Một video nói về cách thực hiện mặt nạ Noh của một nghệ nhân lâu đời.

Mặt nạ Noh được các gia đình và tổ chức Noh trân trọng và các trường dạy có quyền lực sẽ giữ những chiếc mặt nạ Noh lâu đời nhất, có giá trị nhất trong bộ sưu tập cá nhân của họ và hiếm khi cho công chúng nhìn thấy. Chiếc mặt nạ cổ xưa nhất được cho là một kho báu được cất giấu bởi ngôi trường lâu đời Konparu. Theo người đứng đầu hiện tại của trường Konparu, chiếc mặt nạ được thực hiện bởi Hoàng tử nhiếp chính Shotoku (572 – 622) hơn một nghìn năm trước. Mặc dù có những tranh cãi về độ chính xác lịch sử của truyền thuyết về chiếc mặt nạ của Hoàng tử Shotoku, chính truyền thuyết này đã có từ xa xưa vì nó được ghi chép lại lần đầu tiên trong vở kịch của Zeami được viết vào thế kỷ 14. Một số mặt nạ của trường Konparu hiện thuộc Bảo tàng Quốc gia Tokyo và được trưng bày ở đó.

Trang phục

Các diễn viên Noh mặc trang phục làm bằng lụa gọi là shozoku (áo choàng) cùng với tóc giả, mũ và các đạo cụ như quạt. Với màu sắc nổi bật, đường khâu tỉ mỉ, cách dệt và thêu tinh xảo, áo choàng Noh thực sự là một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Trang phục cho Shite nói riêng là những tấm gấm lụa xa hoa, lung linh, nhưng dần dần ít xa hoa hơn đối với các Tsure, Wakizure và Aikyogen.

Trong nhiều thế kỷ, để phù hợp với tầm nhìn của Zeami, trang phục của Noh mô phỏng trang phục mà các nhân vật thực sự sẽ mặc, chẳng hạn như áo choàng các cho cận thần và trang phục đường phố cho nông dân hoặc thường dân. Nhưng vào cuối thế kỷ 16, trang phục đã được cách điệu hóa với những biểu tượng và quy ước phong cách nhất định. Trong thời kỳ Edo, những chiếc áo choàng cầu kỳ được các nhà quý tộc và samurai tặng cho các diễn viên và họ đã phát triển thành trang phục.

Các dàn nhạc công thường mặc kimono montsuki trang trọng (có màu đen và được khâu năm gia huy) đi kèm với hakama (một loại quần mặc giống váy) hoặc kami-shimo (kết hợp giữa hakama và áo khoác thắt lưng có vai rộng. Cuối cùng, các Koken mặc trang phục màu đen và hầu như không trang điểm.

Đạo cụ

Bên cạnh mặt nạ nói riêng, việc sử dụng đạo cụ trong Noh được tối giản và cách điệu. Đạo cụ phổ biến thường được sử dụng nhất trong kịch Noh là quạt, vì nó được trang bị cho tất cả các nghệ sĩ biểu diễn bất kể vai diễn nào. Các ca sĩ và nhạc sĩ hợp xướng có thể cầm theo chiếc quạt của họ khi bước vào sân khấu hoặc vắt nó vào trong obi (chiếc thắt lưng quanh hông). Quạt thường được đặt ở phía người biểu diễn khi họ vào vị trí và thường không được đưa lên lại cho đến khi rời sân khấu. Trong các đoạn múa, quạt thường được sử dụng để đại diện cho bất kỳ các đạo cụ cầm tay, chẳng hạn như kiếm, bình rượu, sáo hoặc bút viết. Quạt có thể đại diện cho các đồ vật khác nhau trong một vở kịch.

Khi diễn viên không cần sử dụng đến quạt, các Koken sẽ chạy ra và thu hồi đạo cụ. Giống như ở phương Tây, các diễn viên hậu cần cho Noh theo truyền thống cũng mặc đồ đen, nhưng họ có thể xuất hiện trên sân khấu trong một cảnh hoặc trong toàn bộ vở kịch. Trang phục màu đen của Koken ngụ ý rằng họ không phải là một vai diễn trên sân khấu cũng như không nổi bật để bị nhìn thấy.

Chiếc chuông lớn thường được sử dụng để các diễn viên có thời gian thay đổi trang phục giữa các phân đoạn.

Các đạo cụ khác trong Noh như thuyền, giếng, bàn thờ và chuông thường được đưa lên sân khấu trước khi bắt đầu trích đoạn mà chúng cần đến. Những đạo cụ này thường chỉ là phác thảo cho các đối tượng thực tế. Mặc dù vậy, chiếc chuông lớn là một ngoại lệ lâu năm đối với hầu hết các quy tắc của Noh về đạo cụ, nó được thiết kế để che diễn viên và cho phép thay đổi trang phục trong lúc các vở kịch Kyogen xen lẫn.

Sân khấu

Sân khấu Noh truyền thống (butai) là không gian mở hoàn toàn để đem lại trải nghiệm chung giữa người biểu diễn và khán giả trong suốt buổi biểu. Không có bất kỳ màn che hoặc rèm che khuất tầm nhìn, khán giả nhìn thấy từng diễn viên ngay cả trong những lúc trước khi họ bước vào và đi ra khỏi trung tâm (honbutai, “sân khấu chính”). Bản thân nhà hát được coi là biểu tượng và được nhận sự tôn kính của cả người biểu diễn và khán giả.

Sân khấu Noh lâu đời nhất lịch sử thuộc đền thờ Itsukushima ở Miyajima.
Thiết kế của một nhà hát Noh.

Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của sân khấu Noh là mái che độc ​​lập của nó treo trên sân khấu ngay cả trong các rạp kín. Được hỗ trợ bởi bốn trụ cột, mái nhà tượng trưng cho sự tôn nghiêm của sân khấu với kiến ​​trúc bắt nguồn từ gian thờ cúng (haiden) hoặc gian khiêu vũ thờ cúng (kagura-den) của các đền thờ Thần đạo. Phần mái cũng kết nối không gian nhà hát và xác định sân khấu như một thực thể kiến ​​trúc.

Bốn trụ đỡ mái nhà được đặt tên là shitebashira (trụ của nhân vật chính), metsukebashira (trụ của nhân vật chính), wakibashira (trụ của nhân vật phụ) và fuebashira (trụ của người thổi sáo) lần lượt theo chiều kim đồng hồ từ phía trên bên phải. Mỗi trụ cột được liên kết với những người biểu diễn và vai trò của họ.

Chiếc cầu hashigakari nơi mà các Shite sẽ bước vào sân khấu chính (butai)
Nhiều người nói rằng thế giới nằm sau bức màn và sân khấu chính được coi là nhân gian.

Sân khấu được làm hoàn toàn bằng gỗ bách (hinoki) chưa hoàn thiện và hầu như không có trang trí thêm. Một điểm độc đáo khác của sân khấu là hashigakari, một cây cầu hẹp ở phía trên bên phải được các diễn viên sử dụng để vào sân khấu. Hashigakari có nghĩa là “cầu treo”, biểu thị một thứ gì đó trung gian kết nối hai thế giới riêng biệt trên cùng một nơi. Cây cầu tượng trưng cho tính chất thần thoại của vở kịch Noh, trong đó các hồn ma và linh hồn ở thế giới khác thường xuyên xuất hiện. Khác với hanamichi trong các rạp Kabuki theo nghĩa đen là một con đường (michi) kết nối hai không gian trong một thế giới duy nhất.

Bên cạnh các sân khấu Noh trong không gian kín, sân khấu ngoài trời Takagi Noh (sân khấu thắp đuốc) đã trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản. Được tổ chức trong khuôn viên chùa, miếu hoặc công viên công cộng, những buổi biểu diễn này kết hợp với vẻ đẹp và cảm giác của thiên nhiên xung quanh cùng với vẻ đẹp của màn trình diễn trên sân khấu. Vào đầu buổi tối, lễ thắp đuốc diễn ra tạo tiền đề cho một buổi tối huyền diệu.

Một buổi trình diễn ngoài trời tại đền Heian Jingu ở Kyoto.

Âm nhạc

Một nhóm hợp xướng và hòa tấu hayashi (Noh-bayashi) sẽ biểu diễn trong các vở kịch. Dù một số người bình luận Noh như kiểu “opera của Nhật Bản”. Tuy nhiên, giọng hát trong Noh là một dải âm hạn chế với những đoạn dài, lặp đi lặp lại trong một dải động hẹp. Lời bài hát có chất thơ, chủ yếu dựa vào nhịp điệu 7/5 được phổ biến cho gần như tất cả các thể thơ tại Nhật. Phần hát của Noh được gọi là “Utai” và phần nói là “Kataru”. Bản nhạc có nhiều khoảng trống (gọi là ‘ma’) ở giữa các âm thực và những khoảng trống âm này trên thực tế được coi là trái tim của bài nhạc. Ngoài utai, dàn nhạc Noh-hayashi bao gồm bốn nhạc công còn được gọi là “hayashi-kata”, bao gồm ba tay trống, người chơi shime-daiko, otsuzumi (trống hông) và kotsuzumi (trống vai) và một người thổi sáo nohkan.

Dàn nhạc không phải lúc nào cũng trình diễn khi nhập tâm trong nhân vật; đôi khi diễn viên sẽ nói lời thoại hoặc mô tả sự kiện từ quan điểm của một nhân vật khác hoặc thậm chí là một người kể chuyện không liên quan. Không phá vỡ nhịp điệu của màn trình diễn là điều phù hợp với cảm giác nhữ thế giới khác của nhiều vở kịch Noh, đặc biệt là trong những vở kịch được mô tả như vô tận.

Những thể loại kịch Noh

Trong số khoảng 2000 vở kịch được tạo ra cho Noh đến ngày nay, khoảng 240 vở được năm trường dạy Noh còn đang biểu diễn. Có hai cách để phân loại các vở kịch Noh:

Chủ thể

Tất cả các vở kịch của Noh có thể được phân loại thành ba loại lớn.

Thuộc nhóm kịch Genzai, Yuya là một vở kịch về một chủ nhà trọ tên Yuya muốn về nhà thăm người mẹ đang bệnh nặng của mình. Chồng cô là Munemori đã không đồng ý và muốn giữ cô lại để đi ngắm hoa anh đào. Sau khi nghe bài thơ của Yuya nói về nỗi nhớ mẹ, Munemori đã cảm động và cho phép cô về quê…

Genzai Noh (現在 能, Kịch Noh hiện thực) gồm các nhân vật và sự kiện con người diễn ra theo một dòng thời gian tuyến tính trong vở kịch.

Được viết bởi Zeami, Taksago kể về Engi (901- 923) có một vị linh mục Thần đạo tên Tomonari đã dừng chân tại một bãi biển Takasago-no-ura tuyệt đẹp. Ở đây, vị linh mục gặp một cặp vợ chồng già và yêu cầu họ kể sự tích về cây thông Takasago. Sau đó, cặp vợ chồng tiết lộ rằng họ chính là hiện thân của cây thông ngàn năm và chỉ những ai được ban phước mới được nghe họ kể chuyện…

Mugen Noh (夢幻 能, Kịch Noh siêu nhiên) liên quan đến các thế giới siêu nhiên nơi các vị thần, linh hồn, ma hoặc ảo ảnh trong vai chính (shite). Thời gian thường trôi qua theo kiểu phi tuyến tính và hành động có thể chuyển đổi giữa hai hoặc nhiều khung thời gian theo từng thời điểm, bao gồm cả hồi tưởng. Zeami là người đã viết nhiều tác phẩm kịch theo thể loại siêu nhiên này và đây cũng là thể loại phổ biế nhất trong Noh.

Trong khi Genzai Noh sử dụng xung đột bên trong và bên ngoài để thúc đẩy cốt truyện và mang lại cảm xúc, Mugen Noh tập trung vào việc sử dụng hồi tưởng về quá khứ và những người đã khuất để khơi gợi cảm xúc.

Ryokake Noh (両 掛 能, Kịch Noh hỗn hợp), mặc dù hơi không phổ biến, nhưng đây là sự kết hợp của màn kịch đầu là Genzai Noh và màn thứ hai là Mugen Noh.

Phong cách biểu diễn

Ngoài ra, tất cả các vở kịch Noh có thể được phân loại theo phong cách của chúng gồm:

Phong cách nhảy múa trong Noh còn được gọi là Mai.

Geki Noh (劇 能) là vở kịch nhiều vở dựa trên sự phát triển của cốt truyện và tường thuật của hành động.

Furyu Noh (風流 能) không chỉ là một tác phẩm múa được đặc trưng bởi các biểu diễn sân khấu phức tạp như nhào lộn, tính chất sân khấu và nhiều nhân vật khác nhau.

Chủ đề

Tất cả các vở kịch Noh được chia theo chủ đề thành năm loại sau. Cách phân loại này được coi là thiết thực nhất và vẫn được sử dụng trong các lựa chọn chính thức ngày nay. Theo truyền thống, một chương trình gồm 5 vở diễn chính thức bao gồm sự lựa chọn từ mỗi nhóm.

Được viết bởi Zeami, Yoro là vở kịch kể về một tiều phu già và con trai ông tìm thấy suối nguồn tươi trẻ, triều đình biết vậy nên đã cho người xuống điều tra. Một vị thần của một ngọn núi, người tự xưng là hóa thân của Bồ tát Liễu Hạnh sau đó xuất hiện và nhảy múa để ban phước cho thế gian.

Kami mono (神物, vai Thần) hoặc Waki Noh (脇 能) thường sử dụng các shite trong vai trò của một vị thần để kể câu chuyện thần thoại về ngôi đền hoặc ca ngợi một vị thần cụ thể. Nhiều người trong số họ được tạo hình là vị thần mang hình dạng con người ngụy trang trong vở đầu và lộ dạng con người thật trong vở hai.

Vở kịch Yashima kể về một đoàn tùy tùng đã đi thăm chiến trường cũ ở vịnh Yashima, nơi gia tộc Genji và Heike chiến đấu. Ở đây họ gặp một ông già đánh cá và xin phép ông cho ở lại qua đêm, rối ông già bắt đầu kể lại trận chiến của hai gia tộc cũng như ca tụng vị tướng Yoshitsune. Trong giấc mơ, họ gặp hình ảnh ông già trong bộ giáp chiến đấu và tự xưng là hồn ma tướng Yoshitsune…

Shura mono (修羅 物, vai chiến binh) hoặc Ashura Noh (阿 修羅 能) lấy tên từ một vị thần của Phật giáo. Nhân vật chính xuất hiện như một hồn ma của một samurai nổi tiếng, và cầu xin nhà sư để được cứu và vở kịch lên đến đỉnh điểm khi tái hiện lại cảnh anh ta chết trong trang phục thời chiến.

Được viết bởi Kan’ami và thể hiện bởi Zeami, Matsukaze là một trong những vở Noh nổi tiếng. Hai nhân vật chính là linh hồn của hai chị em Matsukaze từng sống trên Vịnh Suma nơi họ làm muối. Họ tồn tại như những linh hồn hoặc bóng ma trong thế giới phàm trần bởi sự ràng buộc tình cảm tội lỗi (theo giáo lý Phật giáo) với những ham muốn phàm tục…

Katsura mono (鬘 物, vai đội tóc giả) hoặc Onna mono (女 物, giả phủ nữ) mô tả Shite trong một vai nữ và giới thiệu một số bài hát và điệu múa tinh tế nhất trong tất cả các vở Noh nhằm phản ánh những chuyển động uyển chuyển của các nhân vật nữ .

Có khoảng 94 vở kịch “linh tinh” theo truyền thống được biểu diễn ở vị trí thứ tư trong một chương trình gồm năm vở kịch. Những vở kịch này bao gồm các thể loại phụ như Kyoran mono (狂乱 物, kịch điên cuồng), Onryo mono (怨 霊 物, kịch hồn ma báo thù), Genzai mono (現在 物, kịch hiện thực), cũng như những vở kịch khác.

Được viết bởi Zeami, Aya no Tsuzumi kể về người làm vườn tại cung điện đã phải lòng công chúa. Cô gửi một thông điệp cho người làm vườn rằng cô sẽ gặp anh ta ở ao nếu anh ta đánh được chiếc trống mà cô đã đặt trên cây nguyệt quế trong vườn. Anh ta cố gắng nhưng trống đã được làm bằng sợi chéo và không thể phát ra âm thanh. Nhận ra rằng mình đã bị biến thành kẻ ngốc, người làm vườn gieo mình xuống ao và biến thành một hồn ma độc ác báo thù công chúa.

Kiri Noh (切 り 能, vở kịch cuối cùng) hoặc Oni mono (鬼物, vở kịch quỷ) thường có Shite trong vai quái vật, yêu tinh hoặc ác quỷ và thường được chọn vì màu sắc tươi sáng và chuyển động cuối cùng có nhịp độ nhanh, căng thẳng. Kiri Noh được biểu diễn cuối cùng trong một chương trình gồm năm vở kịch. Có khoảng 30 vở kịch trong thể loại này, hầu hết trong số đó ngắn hơn các vở kịch trong các thể loại khác.

Ngoài năm loại trên, Okina (翁) (hay Kamiuta) thường được biểu diễn vào đầu chương trình, đặc biệt là vào năm mới, ngày lễ và các dịp đặc biệt khác. Kết hợp nhảy múa với nghi lễ Thần đạo và được coi là loại hình kịch Noh lâu đời nhất.

Những khác biệt giữa Noh và kịch phương Tây

Văn hóa xem kịch dành cho khán giả tương tự như các nhà hát ở phương Tây là người xem lặng lẽ theo dõi. Phụ đề không được áp dụng, nhưng một số khán giả sẽ hiểu nội dung vở kịch qua cuốn libretto (một cuốn sổ viết nội dung vở kịch). Vì không có rèm trên sân khấu, buổi biểu diễn bắt đầu với việc các diễn viên bước vào sân khấu và kết thúc bằng việc rời khỏi. Ánh đèn thường được bật sáng trong suốt buổi biểu diễn, tạo cảm giác thân mật và trải nghiệm chung giữa người biểu diễn và khán giả.

Vào cuối vở kịch, các diễn viên sẽ rời đi thật chậm và giữ khoảng cách giữa mỗi người, và trong khi họ ở trên cầu (hashigakari), khán giả phải vỗ tay một cách hạn chế. Khi tiếng vỗ tay chấm dứt, các diễn viên của vở tiếp theo sẽ tiếp tục buổi diễn. Khác với nhà hát phương Tây, các diễn viên Noh sẽ không cúi chào và cũng không quay lại sân khấu sau khi đã rời đi. Một vở kịch có thể kết thúc với việc nhân vật Shite rời sân khấu như một phần của câu chuyện thay vì kết thúc với tất cả các nhân vật trên sân khấu, trong trường hợp đó mọi người sẽ vỗ tay khi một diễn viên rời sân khấu.

Những món đồ ngọt wagashi được phục vụ ở sảnh đợi.

Trong lúc soát vé, các món như trà, cà phê và wagashi (đồ ngọt) sẽ được phục vụ tại sảnh đợi. Vào thời Edo, khi Noh kéo dài cả ngày thì người xem sẽ được phụ vụ hẳn hộp cơm bento. Vào những dịp đặc biệt, khi buổi biểu diễn kết thúc, o-miki (お神酒, rượu nghi lễ) sẽ được phục vụ ở tiền sảnh trên đường ra, giống như nghi lễ Thần đạo.

Đứng trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nhiều nhà hát đã không thể diễn được Noh. Hiện tại, một số đoan kịch chuyển sang biểu diễn online để có thể duy trì di sản văn hóa cũng như tiếp cận những người trẻ hơn.

Biên tập: Navi Nguyễn


/Nghệ thuật cổ điển Nhật Bản/ là loạt bài chia sẻ kiến thức về các loại hình nghệ thuật cổ điển ở Nhật Bản, bao gồm: nhạc kịch, kịch rối, vũ kịch. Bài viết đi sâu vào phân tích xuất xứ, lịch sử phát triển, thành phần cấu thành một vở kịch cũng như vị thế của các loại hình nghệ thuật này trong thời đại ngày nay.

Cùng tác giả

#Tag

Kịch Noh Kyogen Navi Nguyễn nghệ thuật sân khấu nhật bản Nogaku series nghệ thuật cổ điển Nhật Bản văn hóa nhật bản

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?