Otto Dix (Phần 1)

Otto Dix là một trong những họa sĩ châm biếm tàn nhẫn nhất của hội họa hiện đại. Là thành viên nòng cốt của trào lưu Neue Sachlichkeit (Khách quan mới) – phiên bản hội hoạ hiện thực phê phán của nước Đức trong thời kỳ đại chiến thế giới đầu thế kỷ 20, Otto dix đi đầu với nhánh phong cách Xác thực châm biếm của chủ nghĩa. Những tác phẩm cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và sự kỳ quái, phúng dụ của ông là những bản cáo trạng rúng động về xã hội suy đồi đạo đức của thế giới hiện đại và bóc trần khuôn mặt những kẻ đứng đầu xã hội ấy. Chúng ta sẽ tìm hiểu về hoạ sĩ tự học xuất sắc này trong loạt bài hai phần.

Tóm lược về Otto Dix

Otto Dix có lẽ là người có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ họa sĩ người Đức nào khác trong việc định hình hình ảnh phổ biến về Cộng hòa Weimar trong những năm 1920. Các tác phẩm của ông là một phần quan trọng của trào lưu Neue Sachlichkeit (“Khách quan mới”), thu hút sự chú ý của George Grosz và Max Beckmann vào giữa những năm 1920. Là một cựu chiến binh với những trải nghiệm đầy ám ảnh trong Thế chiến thứ nhất, những chủ thể vĩ đại đầu tiên của ông là những người lính tàn tật. Nhưng trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, ông cũng vẽ những bức tranh khỏa thân, gái mại dâm, và thường là những bức chân dung trào phúng một cách man rợ của những người nổi tiếng trong giới trí thức Đức. 

Tác phẩm của Otto Dix thậm chí còn trở nên u ám và mang tính phúng dụ cao hơn vào đầu những năm 1930, khiến ông trở thành mục tiêu của Đức Quốc xã. Để đối phó, ông dần chuyển từ các chủ đề về xã hội sang các chủ đề phong cảnh và Cơ Đốc giáo. Sau khi phục vụ trong quân đội trong Thế chiến thứ hai, người nghệ sĩ đã nhận được những sự tôn vinh đáng kể vào những năm cuối đời.

Otto Dix sinh ngày 02/12/1891 tại Untermhaus, Đức và mất vào ngày 25/07/1969 tại Singen, Đức. Ông đã hoạt động nghệ thuật từ năm 1906 cho tới khi qua đời.

Thành tựu

  • Otto Dix là một trong những họa sĩ châm biếm tàn nhẫn nhất của hội họa hiện đại. Sau khi nhiều nghệ sĩ từ bỏ việc vẽ chân dung để chuyển sang trừu tượng vào những năm 1910, Dix lại quay trở lại với thể loại này và vẽ những bức tranh biếm họa gay gắt về một số người đứng đầu xã hội Đức. Các chủ đề tường thuật khác của ông cũng được nhớ đến với cáo trạng về đời sống đồi bại và vô đạo đức ở đô thị hiện đại.
  • Ban đầu, Otto Dix bị thu hút bởi chủ nghĩa Biểu hiệnDada, nhưng giống như nhiều người cùng thế hệ ở Đức vào những năm 1920, ông được truyền cảm hứng bởi các xu hướng ở Ý và Pháp – hưởng ứng một phong cách vẽ tuyến tính, lạnh lùng, với những vốn hình ảnh mang tính tả thực hơn. Sau này, cách tiếp cận của ông trở nên kỳ quái và gia tăng tính biểu tượng, và ông cũng bắt đầu vẽ những nhân vật khỏa thân như là phù thủy hoặc hiện thân của sự sầu muộn.
Một bức chân dung tự hoạ năm 1922 của Otto Dix. Dix từng nói “Tôi có một cảm giác rằng có một chiều kích của hiện thực mà vẫn chưa được xử trí trong nghệ thuật: chiều kích của cái xấu xí.
  • Dix luôn cân bằng giữa hai khuynh hướng của mình –  một phía là chủ nghĩa hiện thực và phía kia, đồng mức, sự kỳ quái và phúng dụ. Ví dụ, tác phẩm của ông về gái mại dâm hay các cựu chiến binh bị thương được xem như là biểu tượng của một xã hội suy thoái cả về vật chất và đạo đức.
  • Mặc dù các tác phẩm của Dix thường gây sự chú ý nhờ miêu tả sắc sảo về hình ảnh con người, sự gắn bó ban đầu của ông với các cựu chiến binh tàn tật và việc ông sử dụng lối vẽ biếm họa cho thấy ông không thực sự thoải mái với việc tán dương cơ thể người – cũng như tinh thần nhân loại vinh quang – trong các bức tranh của mình.

Tiểu sử Otto Dix

Thời thơ ấu

Wilhelm Heinrich Otto Dix sinh ngày 2 tháng 12 năm 1891 với cha mẹ là Franz và Pauline Dix. Dix được thừa hưởng tính cách mạnh mẽ cùng đôi mắt màu xanh thép của người cha là thợ làm khuôn trong một xưởng đúc sắt. Ông cũng nhận được tình yêu với âm nhạc và thi ca từ người mẹ làm thợ may. Tài năng nghệ thuật của ông, đặc biệt là vẽ, được thể hiện lần đầu trong giai đoạn học tiểu học. Năm 10 tuổi, Otto Dix được làm mẫu vẽ cho họa sĩ Fritz Amann là anh họ của Dix. Trải nghiệm trong xưởng vẽ của Dix đã gây ấn tượng với ông tới mức đưa ông tới quyết định trở thành một họa sĩ. Giáo viên mỹ thuật ở trường của Dix, Ernst Schunke, đã phát hiện ra tài năng của ông, dẫn dắt ông trong quá trình học hội họa và giúp ông nhận được một sự hỗ trợ tài chính. Phần thưởng này buộc Dix phải học một nghề thủ công trong quá trình theo học nghệ thuật cùng Schunke, do vậy ông đã trở thành một thợ trang trí học việc trong vòng bốn năm.

Đào tạo ban đầu

Năm 1909, Dix bắt đầu theo học tại Học viện Mỹ thuật Dresden. Thành phố này là mảnh đất của sự sáng tạo dồi dào, với nền nghệ thuật và âm nhạc lâu đời nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời cũng là nơi diễn ra những triển lãm và sự kiện lớn. Dix không gặp khó khăn về tài chính trong quá trình theo học tại trường; sau học kỳ đầu tiên, ông còn được miễn học phí và nhận được một khoản trợ cấp. Ông cũng kiếm thêm tiền từ việc bán những bức chân dung và tranh sinh hoạt nhỏ, hay ảnh chụp tô màu. Học viện không cung cấp kiến thức về hội họa hàn lâm mà hướng tới việc dạy nghề thủ công hơn. Do đó, Dix về cơ bản là một họa sĩ tự học. Tuy nhiên, ông cũng đã thử điêu khắc dưới sự hướng dẫn của Richard Guhr. Một bức tượng bán thân của Friedrich Nietzsche do ông điêu khắc đã được mua lại cho Bảo tàng bang Dresden, nhưng sau đó đã bị Đức quốc xã phá hủy.

Chân dung tự hoạ với hoa cẩm chướng (Self portrait with carnation) (1912) của Otto Dix

Qua nghiên cứu chuyên sâu về các bậc thầy cổ điển người Hà Lan, Ý và Đức, Dix đã tự học cách vẽ tranh theo phương pháp của họ – xếp chồng các lớp sơn để tạo chiều sâu và hiệu ứng phát quang. Tuy nhiên, ông cũng bị ấn tượng bởi những người theo trường phái Biểu hiện và Hậu Ấn tượng, đặc biệt là triển lãm của Vincent van Gogh mà ông đã xem vào năm 1913. Dix đã thử nghiệm với bút, mực in và thực hiện những bản in đầu tiên của mình vào năm 1913 với chủ đề hầu hết là về chân dung và phong cảnh.

Thời kỳ trưởng thành

Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Dix – một phần nào đó háo hức – tình nguyện phục vụ trong quân đội, và được biên chế vào một trung đoàn pháo binh dã chiến; nhưng cho đến năm 1915, ông là một xạ thủ súng máy ở tiền tuyến Pháp và trải nghiệm với một số trận đấu thảm khốc bắt đầu làm giảm đi sự nhiệt huyết. Ông đã bị thương nhiều lần, nhưng vẫn cố phác thảo về nhiều cảnh bi thảm mà ông phải chứng kiến. Sau chiến tranh, Dix tiếp tục việc học nghệ thuật với Max Feldbauer và Otto Gussman tại Học viện Nghệ thuật Dresden (1919 – 1922).

Những người lính tấn công tiến bước dưới một cuộc tấn công bằng hơi ngạt (Sturmtruppe geht unter Gas vor) (1924). Một bản in chìm điểm khô và aquatint trong chuỗi 50 bức có tên chung là Chiến tranh (Der Krieg) của Otto Dix

Hậu quả của chiến tranh đã khiến Dresden chỉ còn là một cái bóng của quá khứ. Không còn là trụ sở của chính phủ, thu nhập ở đây bị sụt giảm nghiêm trọng cũng như khẩu phần ăn bị hạn chế khắt khe. Tuy nhiên, giới nghệ thuật đã dần thích nghi và quay trở lại một cách mạnh mẽ. Trong dòng chảy thay đổi liên tục của giá trị đồng tiền và các ý tưởng chính trị, Dix được thôi thúc để thử nghiệm. Ông đã tiếp nhận một số yếu tố của chủ nghĩa Vị laichủ nghĩa Lập thể trong những năm tháng chiến tranh; và từ đó ông bắt đầu tích hợp các yếu tố của Dada và chủ nghĩa Biểu hiện vào tác phẩm của mình. Năm 1919, ông trở thành một trong những nhà sáng lập nhóm Ly khai Dresden (Dresdner Sezession Gruppe) và tham gia hai cuộc triển lãm của nhóm tại Galerie Emil Richter. Ông cũng đã tạo ra những bức chân dung và tranh khắc gỗ siêu thực, và thậm chí còn đi sâu vào tranh cắt dán và các tác phẩm nghệ thuật đa chất liệu.

Sau năm 1920, Dix đã tổng hợp và biến những phong cách này thành chủ nghĩa hiện thực mang thương hiệu cá nhân của mình. Trong vài năm tiếp theo, ông đã vẽ một số tác phẩm gây sốc về bạo lực tình dục, giết chóc, và sự tàn bạo. Tác phẩm Người chơi bài xcat (Ba kẻ tàn tật do chiến tranh chơi bài) (1920) của ông là một ví dụ về hình ảnh kỳ dị nhưng đầy sâu sắc. 

Người chơi bài xcat (Ba kẻ tàn tật do chiến tranh chơi bài) của Otto Dix

Năm 1921, ông tham gia các cuộc triển lãm ở Berlin và Dresden trước khi chuyển đến Düsseldorf vào năm 1922. Việc di dời này là một sự thay đổi quan trọng khi ông được học với những người thầy mới, Heinrich Nauen và Wilhelm Herbeholz, và trở thành một phần trong những cuộc triển lãm tranh của Johanna Ey, cũng như nhóm nghệ sĩ Đức hiện đại Rhineland trẻ (Das Junge Rheinland). 

Năm 1923, Dix kết hôn với Martha Koch và họ có với nhau ba người con trong một thập kỷ sau đó. Hình ảnh của cả ba người con đều được ghi lại bằng tranh vẽ trong suốt thời thơ ấu của họ.

Một bức chân dung đôi của vợ chồng Otto – Martha Dix do August Sander thực hiện và đưa vào loạt tác phẩm Con người của thế kỷ 20. Martha là một thợ kim hoàn vàng và bạc.

Trong suốt những năm 1920, Dix đã tham gia nhiều cuộc triển lãm quan trọng về nghệ thuật mới ở Đức. Đặc biệt, ông đã được đưa vào triển lãm Neue Sachlichkeit tại Kunsthalle Mannheim vào năm 1925, nơi khai sinh cho phong trào nghệ thuật mà Dix sẽ luôn được gắn với. Neue Sachlichkeit phát triển từ chủ nghĩa Biểu hiện, nhưng mang những phẩm chất của chủ nghĩa hiện thực tuyến tính và cổ điển thịnh hành ở Ý và Pháp lúc bấy giờ.

So với các phong cách trước đây, phong trào này có phần tỉnh táo và thực tế hơn, mặc dù dưới bàn tay của các nghệ sĩ như Dix và Grosz, nghệ thuật cũng không kém phần chỉ trích. Một số nghệ sĩ được gọi là những người theo chủ nghĩa Xác thực (Verism) với tính cách hung hãn và châm biếm, trong khi những người khác, ít gay gắt hơn, được gọi là những nhà Hiện thực huyền ảo. Dix là một người theo chủ nghĩa Xác thực, và với tinh thần phê phán, ông đã sử dụng kỹ năng vẽ chân dung của mình để minh họa cho sự suy đồi và trụy lạc của xã hội Weimar, với các tác phẩm như tam liên hoạ Đô thị (Metropolis) (1927 – 1928). Các bức tranh sơn dầu đáng chú ý khác của ông ở thời kỳ này có thể kể đến như tam liên hoạ Chiến tranh (The War) (1929 – 1932).

Tam liên hoạ Đô thị
Tam liên hoạ Chiến tranh

Năm 1931, Dix được bổ nhiệm làm thành viên của Học viện Nghệ thuật Phổ ở Berlin. Cũng trong năm đó, ông trưng bày tác phẩm của mình trong các cuộc triển lãm trên khắp nước Đức và tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này diễn ra tương đối ngắn ngủi do Đức quốc xã bắt đầu nhắm vào ông, và coi nghệ thuật của ông là suy đồi đạo đức. Do vậy, ông bị cấm tham gia triển lãm ở Đức, nhưng ông đã đến Thụy Sĩ vài lần vào giữa những năm 1930 và tham gia một số cuộc triển lãm ở đây.

Dù bị buộc phải tham gia Viện Mỹ thuật Đế quốc của chính phủ Đức Quốc xã vào năm 1934, Dix vẫn cố gắng thể hiện quan điểm của bản thân. Tác phẩm Thất đại tội (Seven Deadly Sins) (1933) châm biếm Adolf Hitler như là hiện thân của Đố kỵ. Ông bị điều đến một tiền đồn ở nông thôn và vẽ lại những phong cảnh xung quanh trong tác phẩm của mình. Năm 1939, Dix bị bắt vì tội âm mưu giết Hitler, nhưng cáo buộc đã bị bãi bỏ. Ông bị Pháp bắt vào cuối chiến tranh và bị giam giữ cho đến năm 1946. Không lãng phí thời gian chút thời gian, ông đã vẽ một tam liên hoạ cho nhà nguyện của trại tù. 

Thất đại tội của Otto Dix

Sau khi trở về Đức, Dix tiếp tục hoạt động tại nơi Thế chiến đã làm gián đoạn sự nghiệp của mình. Ông quay trở lại việc trưng bày các tác phẩm và bắt đầu làm các bản in thạch bản, đồng thời ghi lại những trải nghiệm trong chiến tranh cũng như ảnh hưởng của nó trong các tác phẩm của mình.

Nguyên bản tiếng Anh do Ashley Remer tổng hợp và viết, Những Cộng sự của The Art Story hiệu đính. Bản tiếng Việt do Thuý An dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Otto Dix Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…