Pablo Picasso (Phần 1)

“Tôi vẽ sự vật theo cách tôi nghĩ về chúng, chứ không theo những gì tôi thấy.” – Picasso nói như thế. Và dù khi ông hợp tác với Braque trong trường phái Lập thể và dành thời gian với những nhà thơ mà ông ái mộ, hay những nàng thơ mà ông yêu thương và khao khát, ông đều tìm ra những cách mới để nhìn, và đại diện cho những gì ông nhìn thấy. Cuộc đời của ông là một sự phát triển trực quan của chủ nghĩa Hiện đại, tên tuổi của ông quen thuộc với tất cả mọi người suốt gần một thế kỷ nay, và còn tới sau này – điều đó không thể bàn cãi. Trong loạt bài hai phần, chúng ta tìm hiểu về con người kiệt xuất và cũng rất thức thời này.

  1. “Nghệ thuật là một sự dối trá khiến ta nhìn thấy được sự thật.”
  2. “Mục tiêu của chúng ta chỉ có thể đạt được thông qua phương tiện của một kế hoạch – mà nơi đó chúng ta phải tin tưởng nhiệt thành và theo đó hành động quyết liệt. Không có một con đường nào khác dẫn đến được thành công.”
  3. “Tôi mất bốn năm để vẽ được như Raphael, nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ.”
  4. “Hãy bắt tay vào làm những việc anh không thể. Đó là cách mà anh thực hiện được chúng.”
  5. “Không có thứ gọi là nghệ thuật trừu tượng. Anh phải luôn bắt đầu với thứ gì đó. Sau đó, anh có thể xóa bỏ mọi dấu vết của hiện thực.”
  6. “Ý niệm về nghiên cứu thường khiến việc vẽ tranh đi chệch hướng, và khiến người họa sĩ mất đi tinh thần minh mẫn. Có lẽ đây là lỗi chủ yếu của nghệ thuật hiện đại. Tinh thần nghiên cứu đã đầu độc những người chưa hoàn toàn hiểu thấu tất cả những yếu tố tích cực và quyết định trong nghệ thuật hiện đại và đã khiến họ cố gắng vẽ những thứ vô hình, và vì lẽ đó, những thứ không thể vẽ được.”

Tóm lược về Picasso

Pablo Picasso là một nghệ sĩ vượt trội và có ảnh hưởng lớn của nửa đầu thế kỷ 20. Liên kết trước hết với trường phái Lập thể mang tính tiên phong, cùng với Georges Braque, ông cũng phát minh ra nghệ thuật cắt dán, lắp ghép (collage) và có nhiều đóng góp to lớn cho trường phái Biểu tượng và trường phái Siêu thực. 

Ông nhìn nhận bản thân trên hết là một họa sĩ, nhưng những tác phẩm điêu khắc của ông có sức ảnh hưởng rất lớn, và ông cũng khám phá những lĩnh vực khác, đa dạng từ in ấn tới gốm sứ. Sau cùng, ông nổi tiếng là một người có nhân cách lôi cuốn; nhiều mối quan hệ của ông với phụ nữ không chỉ thể hiện trong nghệ thuật của ông mà có lẽ còn định hướng hướng đi của nó, và hành vi của ông hiện thân cho một người nghệ sĩ theo chủ nghĩa phóng túng hiện đại trong hình dung của công chúng.

Thành tựu

  • Chính sự kết hợp các luồng tư tưởng – từ Paul Cézanne và Henri Rousseau, đến nghệ thuật cổ xưa và của các bộ lạc – đã khuyến khích Picasso tạo thêm cấu trúc cho nhân vật của mình và cuối cùng hướng ông đến trường phái Lập thể, ở đó ông giải cấu trúc các quan điểm truyền thống đã thống trị hội họa từ thời kỳ Phục hưng. Những cải tiến này sẽ có những hệ quả sâu rộng đối với hầu như tất cả nghệ thuật hiện đại, cách mạng hóa thái độ với việc mô tả hình thức trong không gian.
  • Sự đắm chìm vào trường phái Lập thể của Picasso sau cùng cũng đưa ông đến sự phát minh kỹ thuật cắt dán, ở đó ông từ bỏ quan niệm tranh ảnh là cửa sổ mở ra những vật thể trên thế giới, và bắt đầu nhìn nhận nó đơn thuần là một sự sắp xếp các dấu hiệu mà sử dụng các phương tiện khác biệt, đôi khi ẩn dụ, để chỉ những vật thể ấy. Kỹ thuật này rồi cũng sẽ chứng minh được tầm quan trọng của nó trong vài thập kỉ kế tiếp.
  • Picasso có quan điểm chiết trung đối với phong cách. Mặc dù tác phẩm của ông thường đặc trưng bởi một cách tiếp cận chính, tại bất cứ thời điểm nào, ông cũng thường xuyên chuyển đổi qua lại nhiều phong cách khác nhau, đôi khi còn ngay trong cùng một tác phẩm nghệ thuật.
  • Sự tiếp xúc của Picasso với trường phái Siêu thực không hoàn toàn biến đổi tác phẩm của ông, nhưng nó không chỉ khuyến khích ông tạo ra những bức chân dung có hình thức mềm mại và có vẻ gợi tình dịu dàng về người tình Marie-Therese Walter, mà còn có bức Guernica (1937) – bức họa phản chiến nổi tiếng nhất thế kỷ, có hình ảnh góc cạnh rõ rệt.
  • Picasso luôn mong muốn có chỗ đứng trong lịch sử, và một số các tác phẩm vĩ đại nhất của ông như Những người phụ nữ của Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) (1907) đề cập đến vô số tiền lệ trong quá khứ, kể cả trong khi lật đổ chúng. Khi trưởng thành, ông càng có ý thức hơn về việc đảm bảo di sản của mình, và tác phẩm cuối cùng của ông có đặc trưng là một cuộc đối thoại thẳng thắn với những họa sĩ lớn ở thời đại trước như Ingres, Velazquez, Goya, và Rembrandt.

Tiểu sử của Pablo Picasso

Thời thơ ấu

Pablo Ruiz Picasso được sinh ra trong một gia đình có nền tảng sáng tạo. Cha ông là một họa sĩ, và ông nhanh chóng cho thấy các dấu hiệu mình sẽ nối gót cha: mẹ ông khẳng định lời đầu tiên ông thốt ra là “piz”, viết tắt cho chữ lapiz, nghĩa là bút chì, và cha của ông là người thầy đầu tiên của ông. Picasso bắt đầu chính thức học nghệ thuật vào năm 11 tuổi. Một vài bức tranh từ thuở thiếu thời của ông vẫn còn tồn tại, như bức Rước lễ lần đầu (First Communion) (1895), nếu được hoàn thành thì là một điển hình của phong cách hàn lâm truyền thống. 

Toàn cảnh và trích đoạn bức Rước lễ lần đầu

Cha ông đã chuẩn bị để người thần đồng trẻ tuổi này trở thành một người họa sĩ tài ba bằng cách cho Picasso tiếp nhận nền giáo dục tốt nhất mà gia đình có thể. Ông được đưa đến thủ đô Madrid để xem các tác phẩm của các Bậc thầy Cổ điển Tây Ban Nha. Và khi gia đình chuyển đến Barcelona để cha ông có thể đảm nhận chức vụ mới, Picasso vẫn tiếp tục con đường học nghệ thuật của mình.

Đào tạo thuở đầu

Chính tại Barcelona, Picasso đã trở thành họa sĩ. Ông thường xuyên lui tới Els Quartre Gats, một quán cà phê nổi tiếng với nhiều người theo chủ nghĩa tự do phóng túng, vô chính phủ, và hiện đại. Ông trở nên quen thuộc với trường phái Art Nouveau và trường phái Biểu tượng, những nghệ sĩ như Edvard Munch và Henri Toulouse-Lautrec. Ở nơi đó, ông gặp Jaime Sabartes, người mà những năm sau đó trở thành một thư ký trung thành tuyệt đối với ông. Đây là lần đầu ông tiếp xúc với văn hóa tiền tiến, ở đó những nghệ sĩ trẻ được khuyến khích thể hiện bản thân.

Ảnh chụp Picasso vào khoảng năm 1903

Trong suốt những năm từ 1900 đến 1904, Picasso xê dịch khá thường xuyên, ngoài một đoạn thời gian ở Barcelona, ông còn dành nhiều thời gian ở Madrid và Paris. Mặc dù ông bắt đầu điêu khắc trong khoảng thời gian này, các nhà phê bình mô tả đây là Thời kỳ Xanh, sau khi tông màu xanh dương/xám bắt đầu thường trực trong tranh của ông. Các tác phẩm của ông thường có vẻ u uất. Người xem có thể thấy khởi đầu của thời kỳ này trong nỗi buồn của người họa sĩ về cái chết do tự tử của Carlos Casegemas, một người bạn ông gặp ở Barcelona, mặc dù đối tượng của hầu hết các tác phẩm ở Thời kỳ Xanh được vẽ từ những người ăn xin hay gái làng chơi mà ông bắt gặp trên đường. Người nhạc công ghi-ta già (The Old Guitarist) (1903) là một ví dụ điển hình về chủ đề và phong cách thuộc giai đoạn này.

Người nhạc công ghi-ta già (The Old Guitarist) (1903) – Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mỹ. Sơn dầu trên ván.

Năm 1904, bảng màu của Picasso bắt đầu tươi sáng hơn, và trong vòng một năm hơn ông vẽ theo một phong cách được gọi là Thời kỳ Hồng. Ông tập trung vào những người biểu diễn và các nhân vật trong rạp xiếc, chuyển đổi bảng màu sang các sắc thái đỏ và hồng tươi vui hơn. Vào khoảng 1906, ngay sau khi gặp nghệ sĩ Georges Braque, bảng màu của ông tối đi, hình thức trở nên nặng nề, cô đặc hơn, cứng cáp hơn về diện mạo, và ông bắt đầu tìm đường đến trường phái Lập thể.

Diễn viên nhào lộn trẻ tuổi trên quả bóng (Young Acrobat on a Ball) (1905) – Bảo tàng Pushkin, Moscow, Nga. Một tác phẩm tiêu biểu của Thời kỳ Hồng.

Thời kỳ trường thành

Trong quá khứ, các nhà phê bình đã xác định thời gian bắt đầu của trường phái Lập thể là từ kiệt tác đầu tiên của ông Những người phụ nữ của Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) (1907). Mặc dù tác phẩm đó hiện nay được xem là mang tính chuyển tiếp (thiếu những biến dạng cấp tiến trong những thí nghiệm sau này của ông), nhưng nó rõ ràng rất quan trọng trong đà phát triển của Picasso vì nó chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nghệ thuật điêu khắc châu Phi và nghệ thuật Iberia cổ đại. 

Người ta cho rằng tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho Braque để vẽ nên chuỗi tranh thuộc trường phái Lập thể của mình. Trong những năm sau đó, cả hai người trở thành một trong những cặp hợp tác đáng chú ý nhất trong hội họa hiện đại, có khi học hỏi một cách đầy nhiệt huyết từ nhau, và có khi cố gắng vượt mặt nhau trong cuộc đua đổi mới nhanh chóng và đầy cạnh tranh. Họ đến thăm nhau mỗi ngày trong quá trình hình thành kỹ thuật cấp tiến này. Picasso mô tả mình và Braque là “hai kẻ leo núi, treo người bằng cùng một sợi dây”. 

Trong tầm nhìn chung của họ, nhiều góc nhìn về một vật thể được mô tả đồng thời bằng cách phân mảnh và sắp xếp lại nó theo các cấu hình rời rạc. Hình thức và không gian trở thành hai yếu tố quan trọng nhất, và vì vậy cả hai họa sĩ đều hạn chế bảng màu của họ chỉ trong tông màu đất, đối lập rõ rệt với màu sắc tươi sáng được sử dụng bởi trường phái Dã thú trước đó. Picasso sẽ luôn có một người hay một nhóm họa sĩ để cùng hợp tác, nhưng như Alex Danchev, người viết tiểu sử cho Braque, đã viết: “Thời kỳ Braque” của Picasso là “thời kỳ tập trung và nhiều thành quả nhất sự nghiệp của ông.”

Picasso từ chối cái tên “trường phái Lập thể”, nhất là khi các nhà phê bình bắt đầu phân biệt hai cách tiếp cận chủ yếu mà ông được cho là theo đuổi – Phân tích và Tổng hợp. Ông xem các tác phẩm của mình như một thể liên tục. Nhưng nghi ngờ gì rằng vào khoảng 1912, các tác phẩm của ông có sự thay đổi. Ông trở nên ít quan tâm với việc bố trí các vật thể trong không gian hơn mà quan tâm đến việc sử dụng các hình dạng và họa tiết làm dấu hiệu ám chỉ sự hiện diện của chúng một cách tinh nghịch.

Pablo Picasso trước bức tranh The Aficionado (Người đấu bò tót cuồng nhiệt) ở Villa les Clochetts, Sorgues, Pháp, năm 1912

Ông phát triển kĩ thuật cắt dán, và từ Braque ông học được một phương pháp dán giấy (papiers collés) tương tự, tức sử dụng những mảnh giấy đã cắt để thêm vào với các mảnh vật liệu đã có. Giai đoạn này kể từ đó được biết đến là giai đoạn “Tổng hợp” của trường phái Lập thể, do sự phụ thuộc của nó vào các ám chỉ vật thể khác nhau nhằm mô tả vật thể đó. Cách tiếp cận này mở ra khả năng tạo ra các tác phẩm trang trí và vui tươi hơn, tính linh hoạt của nó cũng thúc đẩy Picasso tiếp tục tận dụng hiệu quả nó vào những năm 1920.

Nhưng niềm yêu thích chớm nở của người họa sĩ đối với ba lê cũng đưa tác phẩm của ông đi theo những hướng mới vào năm 1916. Đây một phần được thúc đẩy bởi cuộc gặp gỡ với nhà thơ, họa sĩ, và nhà làm phim Jean Cocteau. Qua người này, ông gặp Sergei Diaghilev, và tiếp tục sáng tác thêm nhiều bộ thiết kế khác nhau cho đoàn Ballets Russes.

Hai trong những thiết kế trang phục của Picasso cho đoàn Ballet Russes (dịch ra là đoàn Ba-lê Nga)

Picasso trở về hình tượng cổ điển trong vài năm, và ông bắt đầu tự do sáng tác vào đầu những năm 1920. Nhân vật của ông trở nên nặng nề, to lớn hơn, và ông thường tưởng tượng họ dựa vào bối cảnh của Thời kỳ Hoàng kim Địa Trung Hải. Từ lâu chúng đã liên kết với các xu hướng bảo thủ rộng lớn ở châu Âu được gọi là rappel à l’ordre (trở về với trật tự), một thời kỳ nghệ thuật hiện được biết đến là chủ nghĩa Cổ điển giữa các cuộc chiến (Interwar Classicism).

Tiếp xúc với trường phái Siêu thực vào giữa những năm 1920 đã thúc đẩy ông đổi hướng sáng tạo. Các tác phẩm của ông biểu hiện nhiều hơn, và thường mang tính bạo lực hoặc gợi tình. Giai đoạn này có thể được liên hệ với một thời kỳ trong đời sống cá nhân của ông khi cuộc hôn nhân của ông với vũ công Olga Khokhlova bắt đầu đổ vỡ và ông bắt đầu qua lại với Marie-Theresa Walter.

Chân dung của Olga ngồi trên chiếc ghế bành (Portrait of Olga in an Armchair) (1918) của Picasso. Sơn dầu trên toan. Bảo tàng quốc gia về Picasso, Paris, Pháp

Thật vậy, các nhà phê bình thường ghi nhận những thay đổi về phong cách trong các tác phẩm của Picasso khi các mối quan hệ lãng mạn của ông có sự thay đổi; sự hợp tác của ông với Khokhlova đã kéo dài niềm hứng thú với khiêu vũ của ông trong nhiều năm và sau này, quãng thời gian ông qua lại với Jacqueline Roque có liên hệ với giai đoạn cuối đời khi ông còn trở nên bận tâm với di sản của mình đặt cạnh các Bậc thầy Cổ điển. Picasso thường vẽ những người phụ nữ mà ông yêu, và như vậy, cuộc sống cá nhân đầy sóng gió của ông được thể hiện rõ nét trên tranh. Ông được biết là có nhiều nhân tình, nổi tiếng nhất là Eva Gouel, Dora Maar, và Françoise Gilot. Ông bước qua hai cuộc hôn nhân, và có bốn đứa con, Claude, Paloma, Maia, và Paulo.

Vào cuối những năm 1920, ông bắt đầu hợp tác với nhà điêu khắc Julio González. Đây là sự hợp tác sáng tạo có ý nghĩa to lớn nhất của ông sau lần hợp tác với Braque, và nó đạt đến đỉnh cao trong các tác phẩm điêu khắc kim loại hàn mà sau này gây tiếng vang lớn.

Người phụ nữ trong vườn (Woman in the Garden) (1929-30)

Khi những năm 1930 trôi qua, những lo ngại về chính trị bắt đầu phủ đầy lên tầm nhìn của Picasso, và chúng tiếp tục khiến ông bận tâm thêm một thời gian nữa. Cảm giác ghê tởm trước cảnh tượng ném bom vào dân ở thị trấn Guernica, xứ Basque trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đã thúc đẩy ông vẽ nên bức Guernica năm 1937. 

Trong Thế chiến II, ông ở Paris, và các nhà chức trách Đức đã để ông đủ thoải mái để ông có thể tiếp tục công việc mình. Tuy nhiên, chiến tranh đã tác động Picasso nặng nề. Bộ tranh ở Paris của ông bị Đức Quốc xã tịch thu và một số người bạn Do Thái thân thiết nhất của ông đã bị giết. Picasso đã sáng tác tranh để tưởng nhớ họ – những bức điêu khắc sử dụng các vật liệu cứng như kim loại, và một tác phẩm đặc biệt bạo lực theo sau Guernica, được đặt tên là Nhà mồ (The Charnel House) (1945). Sau chiến tranh, ông cũng gắn bó mật thiết với Đảng Cộng sản, và một số bức tranh lớn từ thời kỳ này như Thảm sát ở Hàn Quốc (Massacre in Korea) (1951) làm rõ lòng trung thành mới đó.

Những năm cuối đời và cái chết

Trong suốt những năm 1950 và 1960, Picasso tạo ra phiên bản riêng của mình từ những kiệt tác kinh điển của những họa sĩ như Nicolas Poussin, Diego Velázquez, và El Greco. Vào những năm cuối đời, Picasso tìm kiếm niềm an ủi từ tiếng tăm của mình, kết hôn với Jacqueline Rogue vào năm 1961. Những bức tranh sau này của ông chủ yếu dựa trên chân dung và bảng màu của chúng gần như có màu sắc rực rỡ. Các nhà phê bình nhìn chung thấy chúng kém hơn các tác phẩm trước, mặc dù những năm gần đây chúng đã được đón nhận nhiệt tình hơn. Ông cũng cho ra đời nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gốm và đồng trong giai đoạn sau này. Picasso qua đời vì một cơn đau tim ở miền Nam nước Pháp năm 1973.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Pablo Picasso Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…