‘Ralph Breaks the Internet’ đã giải bài toán ‘vừa hoài niệm vừa hiện đại’ như thế nào?

Trong phần tiếp theo của “Wreck-it Ralph”, hai nhân vật chính kỳ quặc của chúng ta rời khỏi những chiếc máy chơi game cũ để dấn thân vào thế giới Internet rộng mở. Đạo diễn Rich Moore cùng nhà sản xuất Clark Spencer trở lại với phần hai, đồng biên kịch Phil Johnston cũng tham gia với Moore để cầm trịch bộ phim.

Hãy cùng iDesign nghe câu chuyện từ nhà thiết kế sản xuất Cory Loftis và trưởng bộ phận hoạt họa Renato dos Anjos để tìm hiểu về quá trình nghiên cứu và hình thành nên thế giới Internet cũng như cách họ giải bài toán về một bộ phim “vừa hoài niệm vừa hiện đại” như thế nào nhé.


Nghiên cứu

Thế giới tại Trung tâm Game trong phần một

Thế giới video games ngổn ngang trong phần một khá bé nhỏ so với việc mở rộng ra thế giới mới trong “Ralph Breaks the Internet”. Điều dĩ nhiên sẽ khiến ta đặt câu hỏi: Internet thì nên trông thế nào? Làm thế nào để mô tả thế giới kỹ thật số cơ bản? Liệu chúng có những toà nhà không? Hay con người? Hay tiệm ăn nhanh?

Vậy điều đầu tiên cần làm là gì? Đó là nghiên cứu.

“Với Zootopia, nhóm của chúng tôi đã đi một chuyến nghiên cứu đến khu bảo tồn động vật hoang dã Châu Phi. Với Moana, họ chìm đắm trong văn hóa vùng Nam Thái Bình Dương. Và với Frozen, cả nhóm đi đến Na Uy. Còn với Ralph Breaks the Internet, bộ phim của chúng tôi, chúng tôi đã làm một điều còn phi thường hơn. Đó là lái 9 dặm xa xôi trên cao tốc số 5 đến toà nhà One Wilshire ở Downtown LA. Dù không được ra nước ngoài như Nam Thái Bình Dương hay Châu Phi thì tin hay không, toà nhà phi thường này chính là nơi chứa tất cả các kết nối của mạng lưới Internet Bắc Mỹ.”

“Đúng vậy. Bên trong tòa nhà có hàng dặm và hàng dặm dây nhợ cùng mười ngàn máy chủ kết nối với thế giới,” đạo diễn Johnston nói. “Về cơ bản, tòa nhà này theo đúng nghĩa đen chứa đầy dây nhợ và mấy cái hộp từ đầu đến chân. Nhưng đó là chuyến nghiên cứu đã truyền cảm hứng cho thế giới Internet trên phim. Khi bạn nghĩ đến sự thật rằng Internet tạo nên hàng triệu website, bạn bắt đầu mường tượng thế giới Internet thật giống với các thành phố chính như New York, London hay LA. Một nơi có nhiều quận, như quận “mạng xã hội”, hay quận mua sắm, quận tài chính. Và dĩ nhiên một thành phố không thể vận hành nếu không có những cư dân.”

Làm sao để vừa hoài niệm vừa hiện đại?

Đối với nhà thiết kế sản xuất Cory Loftis, việc tạo ra một thế giới như thế bắt đầu với Matthias Lechner – đạo diễn nghệ thuật về bối cảnh của phim  để tìm ra một khái niệm trừu tượng về việc hình tượng hóa Internet. Trong trường hợp của “Ralph Breaks the Internet”, điều đó có nghĩa là một thủ phủ bao la với vô số con đường, ngang dọc những đám đông, phương tiện giao thông và tất cả những nguồn năng lượng cùng trò giải trí trong một thành phố hiện đại.

“Quy trình bắt đầu với việc quyết định xem Internet sẽ trông như thế nào, chưa cần phải bàn đến các nhân vật chính, mà tự thân Internet trông sẽ như thế nào thôi,” Loftis giải thích. “Chúng tôi đã xem qua rất nhiều những thứ được xem là hiện đại trong thiết kế đồ họa và cả các bảng màu. Sự thật là chúng ta đang ở một giai đoạn rất kỳ lạ, khi những thứ cũ kĩ được làm mới một lần nữa. Ví dụ như có rất nhiều người hứng thú với việc sử dụng lại máy in Risograph với bảng màu rất khác biệt, không hẳn là CMYK. Bên cạnh đó, rất nhiều những chương trình truyền hình hoài niệm xuất hiện, như Mad Men với việc khai phá những khía cạnh thú vị của thời trang thập niên 60. Bạn sẽ đắm mình vào ngành công nghiệp thời trang, vào những kiểu tóc hiện đại. Rất nhiều người cũng dùng các bộ lọc màu cũ kĩ trên Instagram để khiến ảnh của mình trông như được chụp bằng Polaroids hay máy film. Ngay cả trong một bộ phim hiện đại như Her (2013), cũng có những sở thích được làm mới lại mang cảm giác và hình ảnh đồ họa của thập niêm 60. Và đó là nơi chúng ta sẽ bắt đầu.”

*Bật mí với bạn ở Sài Gòn có một studio đầu tiên sử dụng in Risograph mang tên Kho Muc Studio đấy.

Concept art của thế giới Internet

“Google vẽ ra một bản tuyên ngôn thiết kế đồ họa về cách họ nghĩ ra biểu tượng và thiết kế đồ họa như thế nào,” anh tiếp tục. “Chúng tôi thì lại hơi mắc kẹt giữa hai điều này: hoài niệm nhưng phải hiện đại. Chúng tôi dùng những yếu tố bạn thường thấy trong những món đồ điện tử hiện đại. Nó mang tính thẩm mỹ rất mới. Và tránh xa bất cứ thứ gì khiến người ta đánh giá xem tòa nhà được xây dựng năm nào hay quy nó vào bất cứ một giai đoạn thời gian nào. Rồi chúng tôi nuôi dưỡng ý tưởng này áp dụng cho cả các nhân vật.”

Quá trình phát triển hình ảnh nhân vật

Trưởng bộ phận hoạt họa Renato dos Anjos và nhóm của anh dành hơn một năm để khám phá nhiều phong cách hoạt họa khác nhau, kiểm tra cách nhân vật sẽ di chuyển trong thế giới này như thế nào. Khi ai đó online có nghĩa là gì? Nó được diễn đạt thế nào bằng hoạt họa của nhân vật?

Bạn có thể tưởng tượng được đây là cách mình thanh toán khi mua hàng trên mạng?

“Ví dụ như khi tìm kiếm, khi di chuyển chuột xung quanh, nhân vật trong thế giới Internet sẽ làm gì?” anh nói. “Cả nhóm khám phá đủ kiểu website. Khi mua hàng trên Amazon.com sẽ thế nào? Bạn thường thăm trang web nào, nút nào thường nhấn? Điều gì xảy ra khi kết nối Internet bị mất. Rất nhiều họa sĩ hoạt hình có xuất thân từ 2D, thế nên chúng tôi làm những bài kiểm tra đơn giản chỉ để xem hành động nào khả thi, để truyền cảm hứng cho chính mình, cho nhóm biên kịch và cả đạo diễn.”

Nâng tầm nhân vật bằng công nghệ mới

Đối với nhân vật chính của phim – Vanellope, được lồng tiếng một lần nữa bởi Sarah Silverman và Ralph, lồng tiếng bởi John C. Reilly, các công cụ sản xuất mới giúp vẻ ngoài cơ bản của họ được nâng cấp với các chi tiết kỹ lưỡng hơn trước. Ví dụ như việc chúng mô phỏng tốt hơn các chi tiết nếp nhăn trên quần áo. Vanellope có mái tóc tinh tế hơn, không còn cái bờm ngựa trông như đồ giả ở phần một nữa.

“Có rất nhiều thay đổi so với phần đầu,” Loftis nhấn mạnh. “Chúng tôi đã nâng cấp trong việc phát triển ngoại hình, ánh sáng và kết xuất đồ họa cũng được viết mới. Có một số thách thức đối với các nhân vật chính. Ví dụ như chân của Ralph có bề ngang to bằng chiều cao. Khi nhóm hoạt họa cố để Ralph cong đầu gối, nó như thể cố làm cong một quả bóng bowling vậy.”

Trưởng bộ phận hoạt họa Renato dos Anjos, nhà thiết kế sản xuất Cory Loftis, giám sát Moe El-Ali và nhà thiết kế sản xuất Dave Komorowski bàn luận về cách Ralph và Vanellope được cải thiện trong phần phim mới

Hệ thống tùy biến nhân vật khổng lồ

Mới xuất hiện trong “Ralph Breaks the Internet” là hai nhóm nhân vật chính: Người dùng mạngcư dân tại đó.

Người dùng mạng đại diện cho chúng ta  – những ai đã đăng nhập và sử dụng Internet. Họ là hình ảnh đại diện (avatar) phản chiếu các hoạt động của từng người trên Internet.

“Người dùng mạng là chính chúng ta đang chạy vòng vòng trên Internet,” Loftis nói. “Chúng tôi bắt đầu bằng việc nhìn vào các biểu tượng iOS hiện đại. Các góc vuông bo tròn. Đó là khởi đầu cảm hứng cho hình dạng đầu của họ. Có rất nhiều nơi bạn cần một cái ảnh đại diện cho mình khi tạo tài khoản. Chúng tôi tìm một cách vui nhộn để diễn tả chính bạn theo hình dạng giản lược. Điều này cho phép tạo ra rất nhiều lựa chọn kiểu tóc, phụ kiện và quần áo.”

Phương tiện di chuyển trong thế giới Internet

Trong thế giới Internet, các cư dân giống như “hồn ma trong cỗ máy”. Nếu bạn gửi email, một trong các cư dân sẽ chuyển phát thư bằng chiếc xe chở mail nhỏ. Nếu bạn bỏ một món hàng vào giỏ, họ sẽ đẩy xe hàng đi lấy món đồ cho bạn. Họ thực hiện toàn bộ những thao tác bạn làm khi nhấp vào thứ gì đó trên màn hình. Đối với nhóm thiết kế, điều này bằng với rất nhiều phiên bản cho các nhân vật mới.

“Chúng tôi phải nghĩ ra một vài hệ thống để tùy biến tất cả các nhân vật,” Loftis mô tả. “Các kiểu tóc phải thật khác nhau, khuôn miệng và mũi khác nhau. Bạn sẽ có một bộ lớn các tùy biến chỉ bằng cách thay đổi hình dạng mũi. Bạn làm mũi quá to, nó sẽ đi cùng với một chiếc miệng phù hợp. Rất nhiều râu. Rất nhiều nón. Rất nhiều dáng người. Và liệu họ có móng tay hay không? Những thứ kỳ cục như vậy cứ thế xuất hiện.”

“Rồi tất cả các nhân vật đều phải mặc đồ, đi đôi với một quy trình nản lòng chiến sĩ khác,” anh nói thêm. “Vì thế, chúng tôi nghĩ ra một hệ thống để đảm bảo mọi chiếc áo đều hợp với mọi chiếc quần. Mọi thứ phải ăn ý với nhau trong một hệ thống khổng lồ.”

Các cư dân cũng được thống nhất chi tiết với mạng lưới thiết kế bối cảnh của thế giới, nơi mà các con đường trông giống với các bảng mạch và vỉa hè có đường viền bằng nhôm giống với chiếc điện thoại di động.

“Chất liệu da của các cư dân có phần giống với silicon. Ánh sáng dưới bề mặt chuyển động bên trong da họ mạnh hơn rất nhiều so với da của con người,” Loftis nói. “Chúng tôi thêm mạch điện vàng vào da của họ. Kết cấu da phản chiếu phải hoàn toàn rõ ràng. Đồng thời chúng tôi tránh xa các vật liệu có kiểu dệt đặc biệt như len hay cotton. Mọi thứ đều rất hiện đại, nhưng phải tránh xa các thứ trông giống may vá vì nó sẽ phát sinh câu hỏi tiếp theo rằng: Ai đã tạo nên những bộ đồ này?”

Các cư dân
Người dùng mạng
Dos Anjos và Loftis bàn về các thiết kế tùy biến của người dùng mạng

Khi đặt các nhân vật tùy biến vào bối cảnh, bộ phim “Bolt” (2008) có 57 nhân vật. Trong “Wreck-it Ralph”, với nhiều thế giới game và dân số chung của Trung tâm Game, có 223 nhân vật với 421 tùy biến. “Zootopia” (2016) có ít nhân vật hơn nhưng nhiều tùy biến hơn. Mỗi loài có một bà mẹ, ông bố, bầy con cũng như các nhân vật đi lại trên đường phố và đồng phục cảnh sát.

“Ralph Breaks the Internet” có 434 nhân vật và 6752 tùy biến. Bằng cách thay đổi các yếu tố như tóc, màu da, quần áo, thậm chí là logo trên áo thun, các nhà thiết kế đã phải làm ra hơn 500.000 lựa chọn tùy biến độc nhất.

Các nhân vật quan trọng mới

Một trong những nhân vật mới của phim là Yesss, lồng tiếng bởi Taraji P. Henson. Cô là trưởng ban sắp xếp nội dung và là trái tim cũng như linh hồn của trang tạo xu hướng BuzzzTube.

Chân dung của Yesss

Theo Loftis, Yesss là người phụ trách những thứ rất ngầu trên Internet. Khi thiết kế Yesss, nhóm của anh đã mở rộng nghiên cứu với các trang web và tạp chí thời trang. Họ thậm chí còn nhìn vào các bức ảnh trong văn phòng của tổng biên tập Vogue Anna Wintour.

“Các đạo diễn muốn Yesss thời thượng nhất trong phim,” anh nhấn mạnh. “Cô ấy luôn sống trong hiện tại, luôn thay đổi vẻ ngoài của mình, thay đổi kiểu tóc cũng như nội dung trên website của mình.”

Một trong những chiếc áo choàng của cô thật sự được mô phỏng theo chiếc áo được cho là nổi tiếng nhất trong lịch sử phim hoạt hình của Disney. “Áo của cô được làm từ các sợi cáp quang học,” anh tiếp tục. “Nó mô phỏng theo chiếc áo lông của nhân vật phản diện Cruella de Vil. Nó bồng bềnh và tạo cảm giác thời thượng. Bông tai của cô không thật sự được đeo lên mà chỉ lơ lửng. Cô còn có một chiếc vòng tay cũng luôn lơ lửng trên tay. Trang phục phát sáng – nó được hoạt họa các vòng ánh sáng chạy liên tục. Còn tóc cô thì có những luồng dữ liệu chạy xuyên qua.”

Phát triển hình ảnh của Yesss
Hình ảnh của Yesss trên phim

Một nhân vật quan trọng khác nữa là KnowsMore – công cụ tìm kiếm được lồng tiếng bởi Alan Tudyk. KnowsMore là logo của một website làm ta liên tưởng đến AskJeeves.com vào cuối những năm 90.

Chân dung KnowsMore

Theo Loftis “Ông ấy có thiết kế hoài cổ hơn. Ông hơi hậu đậu. Ý tưởng ban đầu là ông ấy nên có hình dạng như một chiếc bóng đèn nhỏ. Hay như một giáo sư. Đồng thời trông như một con cú. Chúng tôi thử ông to hơn và nhỏ hơn. Cuối cùng mới bắt đầu với chiếc logo. Nó có hơi hướng của phong cách minh họa thập niên 60. Có những chi tiết rất tuyệt về độ phẳng và tính cách điệu của nó. Chúng tôi thật sự muốn giữ những thứ đó trong thiết kế. Nhưng khi đặt một đôi mắt lên, ông ít giống một nhân vật minh họa mà lại giống các nhân vật khác trông phim. Vì thế chúng tôi thử đi thử lại các phong cách cho đôi mắt và kính của ông.”

“Đối với KnowsMore, thiết kế của ông thật sự rất đơn giản,” dos Anjos giải thích. “Nhưng nhân vật trong phim được phát triển để trải qua rất nhiều cảm xúc phức tạp, nên chúng tôi quyết định hoạt họa đôi mắt của ông bằng 2D. Theo cách đó, ông có thể biểu cảm rõ ràng bất kể chúng tôi cần gì, đặc tả được trong từng cảnh, thay vì phải phụ thuộc vào những gì được xây dựng trong máy tính. Cũng vì thế mà các đôi mắt này được vẽ tay. Phong cách hoạt họa của Ward Kimball được sử dụng rất nhiều. Tôi nghĩ rất khó để không khỏi ngưỡng mộ thời đại hoạt họa của ông với nhiều tình yêu và sự kính trọng. Có rất nhiều sáng tạo và đổi mới có thể áp dụng với phong cách đó.”


Phát triển hình ảnh của KnowsMore
Hình ảnh của KnowsMore trên phim

“Ralph Breaks the Internet” hiện đang được công chiếu tại các rạp ở Việt Nam.

Nguồn: awn, screenrant
Ban biên tập iDesign 

Cùng tác giả

#Tag

idesign Ralph Breaks the Internet thiết kế nhân vật tua phim Wreck-it Ralph

iDesign Must-try

Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Xinê Xem Fest 2023 và lễ trao giải Golden Door Awards tiếp tục là chuỗi sự kiện đáng lưu tâm trong lĩnh vực điện ảnh, được tổ chức thành công…
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Những tác phẩm pha trộn giữa thơ haiku và nghệ thuật thị giác có thể mang đến gợi ý gì cho những người thực hành nghệ thuật đa phương tiện,…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Người ta thường thấy một số diễn viên chuyển hướng làm ca sĩ hoặc diễn viên đi làm kinh doanh. Hiếm có diễn viên nào chuyển hướng làm họa sĩ.…