René Magritte (Phần 1)

Một “sự ngộ nhận kinh hoàng” là cách Magritte mô tả cách ông thức dậy khỏi một giấc mơ nơi ông nhìn thấy một quả trứng thay cho một con chim khi ông nhìn vào cái lồng chim trong căn phòng của mình. Từ trải nghiệm đó, ông bắt đầu thay đổi những vật thể thông thường, biến chúng thành những bức tranh “thách thức thế giới thực”. Với nền tảng là một hoạ sĩ thương mại, Magritte vẽ ra những bức tranh kêu gọi tới những điều huyền bí nhưng không có nghĩa gì – bởi đó là bản chất của điều huyền bí – bất khả tri. Thực tế, Magritte là một “đứa con hoang” của nghệ thuật Siêu thực, người tuyên bố tách mình ra khỏi tất cả những xu hướng kỳ quái, tăm tối, hỗn loạn, và gây hoảng sợ thường thấy của trào lưu này. Trong loạt bài hai phần, chúng ta dần hé lộ cuộc đời và tác phẩm của tác giả đã tạo ra hình ảnh người đàn ông đội mũ quả dưa ăn sâu vào văn hoá đại chúng này.

  • Tất cả những gì ta thấy đều che giấu thứ gì khác, chúng ta luôn muốn thấy được những gì bị che giấu bởi thứ ta thấy.”
  • Nghệ thuật gọi tới điều huyền bí mà, thiếu nó, thế giới không thể nào tồn tại.
  • Hội hoạ của tôi là những hình ảnh hữu hình mà không che giấu bất cứ điều gì… chúng gọi tới điều huyền bí và hẳn nhiên, khi ai đó thấy một trong những hình ảnh, họ sẽ hỏi chính mình câu hỏi đơn giản ‘điều này có nghĩa gì’? Nó không có nghĩa gì cả, bởi huyền bí cũng không có nghĩa gì, nó là bất khả tri.
  • Chúng ta không được sợ hãi ánh sáng ban ngày chỉ vì nó gần như luôn luôn soi sáng một thế giới khổ đau.

Tóm lược về René Magritte

René Magritte, tên khai sinh là René François Ghislain Magritte, sinh 21/11/1898 ở Lessines, Bỉ và mất 15/08/1957 tại Brussels, Bỉ. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1915 tới khi mất.

René Magritte, người chắc chắn là nghệ sĩ người Bỉ nổi tiếng nhất thế kỷ 20, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của công chúng cho cách tiếp cận độc đáo với chủ nghĩa Siêu thực. Để hỗ trợ chính mình, ông đã dành nhiều năm liền làm việc như một nghệ sĩ thương mại, sản xuất quảng cáo và thiết kế sách, và điều này rất có thể đã định hình phong cách mỹ thuật mà thường có hiệu ứng súc tích kiểu quảng cáo của ông. 

Trong khi một số người Pháp theo chủ nghĩa Siêu thực sống cuộc đời phô trương, Magritte thích sự tồn tại ẩn mình và yên tĩnh của tầng lớp trung lưu, một cuộc sống được biểu tượng hoá bởi những người đàn ông đội mũ quả dưa thường xuất hiện trong các bức tranh của Magritte. Trong những năm cuối đời, ông bị đồng nghiệp chế nhạo vì một số chiến thuật của mình (chẳng hạn như xu hướng tạo ra các bản sao cho các bức tranh của bản thân), nhưng danh tiếng của ông đã được cải thiện từ khi ông mất. Các nghệ sĩ ý niệm ngưỡng mộ cách ông sử dụng văn bản trong hình ảnh, và các họa sĩ những năm 1890 ngưỡng mộ cái kitsch (tạm hiểu là sến súa và rẻ tiền trong nghệ thuật) khiêu khích trong một số tác phẩm sau này của Magritte.

Thành tựu

  • Magritte mong muốn phát triển một cách tiếp cận mà tránh được những sự mất tập trung về phong cách của hầu hết hội họa hiện đại. Trong khi một số nhà Siêu thực Pháp thử nghiệm các kỹ thuật mới, Magritte gắn bó với kỹ thuật minh họa hài hước khô khan, thứ mà có khả năng thể hiện rõ ràng nội dung các bức tranh của ông. Sự lặp lại là một chiến lược quan trọng của Magritte. Cách này không chỉ giúp nghệ sĩ xử lý các mô-típ trong từng bức tranh, mà còn khuyến khích ông tạo ra nhiều bản sao của một số tác phẩm vĩ đại nhất của mình. Sự quan tâm của Magritte với ý tưởng này có thể một phần đến từ phân tâm học Freud, cho rằng sự lặp đi lặp lại là một dấu hiệu của tổn thương. Nhưng những tác phẩm thương mại của ông có thể đã đóng vai trò nào đó trong việc nhắc nhở Magritte đặt câu hỏi về niềm tin thông thường của chủ nghĩa Hiện đại vào tác phẩm nghệ thuật độc nhất, nguyên bản.
  • Chất lượng minh họa các bức tranh của Magritte thường dẫn đến một nghịch lý mạnh mẽ: những hình ảnh đẹp ở sự rõ ràng và đơn giản thì lại khơi gợi những suy nghĩ bất an. Chúng dường như tuyên bố rằng mình không che giấu bất kỳ điều bí ẩn nào, nhưng lại mang vẻ kì lạ tuyệt diệu. Như nhà viết tiểu sử của Magritte- David Sylvester đã mô tả một cách xuất sắc, tranh của Magritte gây ra “cảm giác kinh hãi như khi xảy ra nhật thực.”
Sự sao chép bị cấm (La Reproduction interdite) (1937)
  • Magritte say mê sự tương tác giữa các dấu hiệu văn bản và hình ảnh, và một số bức tranh nổi tiếng nhất của ông sử dụng cả hai yếu tố này. Trong khi các bức tranh đó thường chia sẻ không khí bí ẩn đặc trưng cho phần lớn các tác phẩm Siêu thực của ông, chúng dường như thường được thúc đẩy nhiều hơn bởi tinh thần của cuộc tìm tòi lý trí – và sự tự vấn – trước những hiểu lầm có thể ẩn chứa trong ngôn ngữ.
  • Những người đàn ông đội mũ quả dưa thường xuất hiện trong tranh của Magritte có thể được hiểu là hình ảnh tự họa. Những sự khắc hoạ vợ của nghệ sĩ, Georgette, cũng rất phổ biến trong các tác phẩm của ông, cũng như những hình ảnh thoáng qua về căn hộ khiêm tốn của hai vợ chồng ở Brussels. Mặc dù điều này có thể gợi ý rằng có nội dung tự truyện trong các bức tranh của Magritte, nhiều khả năng hơn là nó đã chỉ ra những nguồn cảm hứng từ nơi thông thường của ông. Cứ như thể Magritte tin rằng chúng ta không cần phải tìm kiếm sự bí ẩn ở đâu xa cả vì nó rình rập ở khắp mọi nơi trong những điều bình thường nhất của cuộc sống.

Tiểu sử của René Magritte

Thời thơ ấu

Ảnh chụp cha của Magritte cùng các con trai

René Magritte là con cả trong một gia đình khá giả có ba cậu con trai. Bố của ông được cho là làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất, và mẹ của Magritte được biết đến là một thợ làm mũ cho phụ nữ trước khi kết hôn. Sự phát triển của Magritte với tư cách là một nghệ sĩ được truyền cảm hứng bởi hai sự kiện trọng đại trong thời thơ ấu của ông; đầu tiên là cuộc gặp gỡ với một nghệ sĩ vẽ tranh trong nghĩa trang, người mà ông đã tình cờ gặp khi đang chơi với một người đồng hành. Sau đó, Magritte đã viết, “Tôi tìm thấy, ở giữa các cột đá gãy và những tán lá chất chồng lên nhau, một họa sĩ đến từ thủ đô, và trong mắt tôi như đang biểu diễn nghệ thuật.” Sự kiện then chốt thứ hai là việc mẹ của ông tự sát vào năm 1912 khi Magritte mới 14 tuổi. Theo lời thuật lại từ nguồn ẩn danh, Magritte có mặt khi thi thể của mẹ mình được vớt lên khỏi sông, mặt của bà bị che phủ hoàn toàn bởi chiếc váy trắng. Trong khi các học giả hiện tại tin rằng điều này không hơn một câu chuyện truyền miệng được thêu dệt bởi y tá của Magritte, hình ảnh một cái đầu được che giấu một cách kỳ lạ bởi một tấm vải ôm sát đường nét vẫn được tái hiện thường xuyên trong các tác phẩm của nghệ sĩ. 

Đào tạo ban đầu

Magritte bắt đầu vẽ lần đầu tiên vào năm 1915 và ghi danh vào Học viện Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts) ở Brussels vào năm tiếp theo. Tuy nhiên, Magritte khá mất hứng với những lớp học của mình và kết quả là ảnh hưởng đến việc đi học của ông. Ông trở thành bạn thân với một sinh viên đồng môn, Victor Servranckx, người đã giới thiệu Magritte đến với chủ nghĩa Vị lai, chủ nghĩa Lập thể và chủ nghĩa Thuần túy (Purism). Đặc biệt, Magritte bị thu hút bởi tác phẩm của Jean Metzinger và Fernand Leger, cả hai người đều có ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm ban đầu của ông, thể hiện rõ qua những thử nghiệm với chủ nghĩa Lập thể chẳng hạn như tác phẩm Người tắm (Bather) năm 1925 của mình.

Tác phẩm Người tắm của Magritte

Thời kỳ trưởng thành

Vào năm 1921, Magritte thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc và trở về nhà vào năm 1922 để kết hôn với Georgette Berger, một cô gái mà ông đã quen biết từ thời thơ ấu. Ông cũng bắt đầu làm việc dưới sự giám sát của Servranckx với tư cách là thợ vẽ trong một nhà máy sản xuất giấy dán tường. Công việc này kéo dài khoảng một năm, sau đó Magritte trở thành nhà thiết kế tự do chuyên thiết kế áp phích và quảng cáo. Vào năm 1926, ông ký hợp đồng với Phòng trưng bày Nhân mã (Galerie le Centaure) ở Brussels và có thể kiếm sống như một nghệ sĩ mỹ thuật trong thời gian ngắn. 

Magritte thiết kế bìa sách bản nhạc, bao gồm bìa cuốn bản nhạc dành cho dương cầm vào năm 1924 Cuộc hành quân của những người trưởng giả (Marche des Snobs) này

Thời kỳ đầu này được đánh dấu bằng những thay đổi sâu sắc trong tác phẩm của Magritte. Vào khoảng năm 1925, lần đầu tiên ông nhìn thấy tác phẩm của Giorgio de Chirico và bắt đầu làm việc cụ thể hơn với các phương pháp biểu hiện đặc trưng của Siêu Thực. Những hình ảnh của Magritte từ giữa những năm 1920 không chỉ gợi nhớ đến tâm trạng hoang vắng và bí ẩn mà de Chirico đã tạo ra trong tác phẩm của mình, mà người nghệ sĩ trẻ tuổi này còn tiến xa hơn khi thực sự đưa những vật thể yêu thích của De Chirico như quả cầu, xe lửa và bàn tay thạch cao vào các bức tranh của chính ông.

Bình minh Cayenne (The dawn of Cayenne) (1926) của Magritte

Từ năm 1927 đến năm 1930, Magritte sống ở Pháp và tạo dựng được mối quan hệ bền chặt với nhóm những nhà Siêu thực chủ nghĩa Paris của André Breton, bao gồm các nghệ sĩ như Max Ernst và Salvador Dalí vào thời điểm đó. Ông bắt đầu kết hợp các hình thức hữu cơ mơ hồ hơn trong tác phẩm của mình và thử nghiệm với chủ đề Siêu thực thuần túy như sự điên rồ và cuồng loạn. Tuy nhiên, Magritte ngày càng vỡ mộng trước những chủ đề “đen tối” của các đồng nghiệp theo chủ nghĩa Siêu thực. Có lẽ đáng kể nhất là, Paris cũng là nơi Magritte bắt đầu thử nghiệm với việc sử dụng từ và ngôn ngữ trong các bức tranh của mình.

Sự phản bội của hình ảnh (Đây không phải là một cái tẩu) vẽ năm 1929 của Magritte

Vào năm 1930, hợp đồng của ông với Galerie le Centaure kết thúc, và sau năm này, phòng trưng bày đóng cửa hoàn toàn. Magritte trở về Brussels để nhận công việc quảng cáo thương mại một lần nữa. Các học giả tranh cãi liệu Magritte có bổ sung thu nhập của mình trong thời gian này bằng cách sản xuất các bức tranh giả của các nghệ sĩ thành danh và thậm chí có thể là làm tiền giả hay không. Dù thế nào, từ năm 1930 đến năm 1937, Magritte có rất ít thời gian để cống hiến cho nghệ thuật của riêng mình. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1930, sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà sưu tầm quốc tế, bao gồm Edward James ở London, khiến Magritte ngày càng độc lập về tài chính, và cuối cùng ông có thể từ bỏ công việc thương mại gần như hoàn toàn.

Thời kỳ cuối đời

Ngay khi Magritte đạt được thành công và sự đón nhận, Chiến tranh Thế giới Thứ hai nổ ra. Mặc dù vẫn tiếp tục phát triển phong cách đặc trưng của mình, ông cũng dần dần triển khai một bảng màu sáng, ấn tượng như một phản ứng lật đổ đối với sự ảm đạm của chiến tranh. Ông cho biết, “Cảm giác hỗn loạn, hoảng sợ, cái mà chủ nghĩa Siêu thực hy vọng sẽ nuôi dưỡng để mọi thứ có thể được đặt câu hỏi đã đạt được thành công hơn nhiều bởi những kẻ ngu ngốc như Đức quốc xã… Để chống lại chủ nghĩa bi quan phổ biến, giờ đây tôi đề xuất một cuộc tìm kiếm niềm vui và sự giải trí.” Vào năm 1946, Magritte kí một tuyên ngôn có tên là Chủ nghĩa Siêu thực trong ánh sáng đầy đủ (Surrealism in Full Sunlight), và đoạn tuyệt với Breton. Giai đoạn này được tiếp nối bởi cuộc thử nghiệm ngắn của ông với một phong cách “mọi rợ” khiêu khích có chủ đích mà Magritte gọi là “con bò” (“vache”) được đặc trưng bởi những chủ đề thô tục, màu thô, và thường được coi là nhại lại nhóm Dã thú. 

Dịp may bất ngờ (A Stroke of Luck) (1945), một tác phẩm từ thời kỳ con bò của Magritte

Như ông dự kiến, các tác phẩm theo phong cách này đặc biệt không được ưa chuộng. Trong phần còn lại của những năm 1950 và 1960, Magritte quay lại với phong cách và chủ đề đặc trưng. Vào những năm cuối đời, ông tận hưởng thành công rực rỡ và có sáu cuộc triển lãm hồi tưởng lớn về các tác phẩm của mình chỉ trong những năm 1960.

Di sản của René Magritte

Bảo tàng Magritte ở Brussels, Bỉ mở cửa vào tháng 6 năm 2009

Các tác phẩm của Magritte có tầm ảnh hưởng quan trọng đến một số phong trào sau khi ông qua đời, bao gồm cả Pop Art, Chủ nghĩa Vị niệm và hội họa những năm 1980. Đặc biệt, các tác phẩm của ông được ca ngợi như một báo hiệu về các xu hướng sắp tới trong nghệ thuật vì sự nhấn mạnh vào khái niệm hơn là sự thực thi tác phẩm, sự liên kết chặt chẽ với nghệ thuật thương mại và sự tập trung vào các vật thể hàng ngày thường được lặp lại trong không gian hội họa. Có thể dễ dàng hiểu tại sao các nghệ sĩ như Andy Warhol, Martin Kippenberger, và Robert Gober lại coi Magritte là người có ảnh hưởng sâu sắc.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Sophia Powers, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Tố Uyên. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi rene magritte Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…