Salvador Dalí (Phần 1)

Dalí, vô cùng tự tin, có lời tuyên bố nổi tiếng là “Tôi, bản thân tôi, chính là chủ nghĩa Siêu thực.” Danh tiếng lẫy lừng của Salvador Dalí cả trong lịch sử hàn lâm của nghệ thuật lẫn thế giới văn hoá đại chúng là không thể bác bỏ. Ông đã vô cùng nổi tiếng, là một ngôi sao đích thực, trong khi còn sống và cả sau đó nữa. Không chỉ trở thành chính hội hoạ Siêu thực đối với nhiều khán giả phổ thông như cách ông tuyên bố về mình, ông cũng để lại vô số dấu ấn trong phim ảnh, nhiếp ảnh, điêu khắc, sắp đặt, và thậm chí là đồ nội thất, thời trang, và phim… hoạt hình. Ông làm tất cả: kể cả dòng nước hoa riêng, logo cho hãng Chupa Chups, phim hoạt hình hợp tác với Walt Disney và bộ bài tarot đầu tiên trên thế giới do một hoạ sĩ nổi tiếng tự vẽ. Chưa cần thế, chỉ nguyên bộ râu của Dalí và cách ông dắt một con thú ăn kiến đi dạo khắp Paris đã đủ để người ta không thể nào bỏ qua nổi ông. Chúng ta tìm hiểu về nhân vật thực sự có một không hai này trong loạt bài 3 phần.

  • Thực tế rằng bản thân tôi, vào lúc vẽ tranh, không hiểu những hình ảnh của chính mình không có nghĩa rằng những hình ảnh này không có ý nghĩa; ngược lại, ý nghĩa của chúng quá đỗi thâm sâu, phức tạp, mạch lạc, và phi tự nguyện tới mức nó thoát được sự phân tích đơn giản nhất của trực giác logic.
  • Khi tôi vẽ, biển gầm thét. Những tia nước khác chỉ ở trong bồn tắm.
  • Chỉ có một sự khác biệt duy nhất giữa kẻ điên và tôi. Kẻ điên nghĩ hắn tỉnh táo. Tôi biết rằng tôi điên.
  • Trí tuệ mà thiếu vắng tham vọng là một con chim không có cánh.
  • Siêu thực mang tính phá huỷ, nhưng nó chỉ phá huỷ những gì được cho là những tầm nhìn hạn chế bị gông cùm.
  • Những người không muốn bắt chước bất cứ cái gì không sản xuất được gì.

Tóm lược về Salvador Dalí

Salvador Dalí là một trong những nghệ sĩ đa năng và sung mãn nhất của thế kỷ 20 và là nghệ sĩ Siêu thực nổi tiếng nhất. Mặc dù ông được nhớ đến chủ yếu vì các tác phẩm hội họa, nhưng trong suốt sự nghiệp dài đằng đẵng, ông đã chuyển hướng thành công sang điêu khắc, tranh in, thời trang, quảng cáo, viết lách, và có lẽ, vang danh nhất chính là làm phim với Luis Buñuel and Alfred Hitchcock. 

Salvador Dalí tên đầy đủ là Salvador Domingo Felipe Jacinto Dalí i Domènech, sinh ngày 11/05/1904 tại Figueres, Catalonia, Tây Ban Nha và mất vào 23/01/1989 cũng tại quê hương. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1918 tới khi mất.

Dalí nổi tiếng với tính cách hào hoa và vai trò kẻ khiêu khích tinh quái cũng như kỹ thuật điêu luyện không thể chối bỏ. Trong giai đoạn đầu sử dụng hình thái học hữu cơ, tác phẩm của ông mang dấu ấn của hai người đồng nghiệp Tây Ban Nha Pablo Picasso và Joan Miró. Tranh vẽ của ông cũng khơi dậy niềm đam mê với nghệ thuật Cổ điển và Phục hưng, có thể thấy rõ qua phong cách cực thực và chủ nghĩa biểu tượng tôn giáo trong các tác phẩm sau này của ông.

Thành tựu

  • Dalí cố gắng trui rèn một ngôn ngữ trực quan có khả năng biểu thị những giấc mơ và ảo giác của ông trên nền tảng học thuyết của Freud. Điều này giải thích một số hình ảnh mang tính biểu tượng và giờ đã trở nên phổ biến khắp nơi, đem lại cho Dalí tiếng tăm vang dội suốt đời và cả sau đấy.
  • Các chủ đề lặp lại như chủ nghĩa khêu gợi, cái chết, và sự thối rữa tràn ngập tác phẩm của Dalí, thể hiện độ thân thuộc của ông cùng tất cả các học thuyết phân tâm học đương thời. Dựa vào tư liệu tự truyện và các kí ức thời thơ ấu một cách trắng trợn, các tác phẩm của Dalí chứa đầy những biểu tượng sẵn giải nghĩa từ các bái vật và hình ảnh động vật đến biểu tượng tôn giáo.
  • Dalí ban đầu đi theo học thuyết vô thức của nghệ sĩ Siêu thực André Breton, nhưng cuối cùng lại theo một hệ thống tự tạo để chạm đến phần vô thức gọi là “paranoiac critical” (phản biện hoang tưởng), một trạng thái mà người rơi vào có thể mô phỏng các ảo giác trong khi giữ tỉnh táo. Nghịch lý là nó được chính Dalí định nghĩa là một hình thức “tri thức phi lý”. Phương pháp này được các nghệ sĩ cùng thời với ông, chủ yếu là các nhà Siêu thực, áp dụng vào các phương tiện khác nhau, trải dài từ phim ảnh đến thơ ca và thời trang.

Tiểu sử Salvador Dalí

Tuổi thơ

Dalí được sinh ra trong một gia đình trung lưu giàu có ở Figueres, một thị trấn nhỏ ngoại ô Barcelona. Gia đình ông đã trải qua đau khổ cùng cục trước khi ông ra đời, vì con trai cả của họ (cũng tên là Salvador) mất rất sớm. Người nghệ sĩ trẻ thường được bảo rằng người anh đã khuất đã đầu thai thành ông – một ý nghĩ chắc chắn đã gieo vô vàn ý tưởng vào đầu đứa trẻ nhạy cảm đấy. Nhân cách “hơn đời” của ông nảy nở sớm cùng với niềm hứng thú với nghệ thuật. Người ta cho rằng ông có những cơn điên cuồng và giận dữ bộc phát ngẫu nhiên đối với cả gia đình và bạn bè.

Một bức ảnh chụp gia đình của Dalí vào khoảng năm 1910 ở Vịnh Hoa Hồng gần Figueres. Ông ngồi ở chính giữa ảnh, đằng sau lưng là bố mẹ ông cùng một người dì, bên phải ông (bên trái ảnh) là một người dì khác và một em gái, bà ngoại ngồi ở trước, sát mặt đất nhất.

Từ rất nhỏ, Dalí đã tìm thấy cảm hứng từ môi trường Catalan xung quanh tuổi thơ ông và nhiều phong cảnh nơi đó trở thành mô-típ lặp lại trong những bức tranh chủ chốt sau này của ông. Người cha luật sư và người mẹ của ông đã nuôi dưỡng niềm hứng thú với nghệ thuật thuở nhỏ của ông rất kĩ càng. Ông bắt đầu học vẽ khi 10 tuổi và cuối những năm thiếu niên, ông theo học tại trường Mỹ thuật Madrid, tại đó ông thử nghiệm các phong cách của chủ nghĩa Ấn tượng và chủ nghĩa Điểm họa. Mẹ ông mất vì căn bệnh ung thư vú khi ông chỉ mới 16. Đây là một sự kiện mà theo ông là “trải nghiệm nặng nề nhất trong đời”. Khi ông 19 tuổi, cha ông tổ chức một buổi triển lãm cá nhân với các tác phẩm vẽ chì than có kỹ thuật tinh tế của người nghệ sĩ trẻ Dalí ngay tại ngôi nhà của gia đình.

Chân dung của mẹ Dalí do ông vẽ năm 1918

Đào tạo thuở đầu

Năm 1922, Dalí theo học tại trường Hội họa, Điêu khắc và Chạm khắc Đặc biệt San Fernando ở Madrid, và ở tại Ký túc xá Học sinh (Residencia de Estudiantes). Dalí trưởng thành ở đấy và bắt đầu tự tin sống với tính cách hào hoa và khiêu khích của mình. Ông khá nổi tiếng với tính lập dị mà ban đầu thậm chí còn nổi tiếng hơn các tác phẩm nghệ thuật của ông. Ông nuôi tóc dài và ăn mặc theo phong cách thẩm mỹ của nước Anh thế kỷ 19, hoàn chỉnh bằng chiếc quần dài tới gối, nhờ đấy mà ông mang danh người sành điệu. Về mặt nghệ thuật, ông đã thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau lúc bấy giờ, dấn thân vào bất cứ thứ gì khơi gợi cơn tò mò vô tận của mình. Ông vô tình gặp và trở nên thân thiết với một nhóm các nhân vật nghệ sĩ hàng đầu, gồm nhà làm phim Luis Buñuel và nhà thơ Federico García Lorca. Bản thân ký túc xá rất tiến bộ và đưa Dalí tiếp xúc với những trí óc quan trọng nhất lúc bấy giờ như Le Corbusier, Einstein, Calder và Stravinsky. Mặc dù vậy, Dalí bị học viện buộc thôi học vào năm 1926 vì đã xúc phạm giáo sư khi làm bài kiểm tra cuối kỳ trước khi tốt nghiệp.

Giỏ bánh mì (Basket of Bread) (1926) của Salvador Dalí. Sơn dầu trên ván gỗ. Bảo tàng Dalí, St. Petersburg, Florida, Mỹ

Sau khi bị thôi học, Dalí ngưng trệ một vài tháng. Sau đó, ông thực hiện một chuyến đi đổi đời đến Paris. Ông thăm Pablo Picasso ở xưởng vẽ của ông ấy và tìm thấy cảm hứng ở các tác phẩm mà những nghệ sĩ Lập thể đang thực hiện. Ông trở nên vô cùng hứng thú với những cố gắng của nghệ sĩ Vị lai nhằm tái tạo chuyển động và thể hiện vật thể từ nhiều góc độ cùng một lúc. Ông bắt đầu nghiên cứu các khái niệm phân tâm học của Freud cũng như các họa sĩ siêu hình học như Giorgio de Chirico và nghệ sĩ Siêu thực như Joan Miró, và sau cùng bắt đầu sử dụng các phương pháp phân tâm học để đào sâu vào vô thức nhằm tạo ra hình ảnh. Trong suốt một năm sau đó, Dalí khám phá những khái niệm này trong khi làm việc để xem xét một phương tiện tái giải thích thực tế và thay đổi nhận thức một cách đáng kể. Tác phẩm nghiêm túc đầu tiên của ông mang phong cách này là Thiết bị và Bàn tay (Apparatus and Hand) (1927) mang hình ảnh biểu tượng và phong cảnh như mơ mà sau này trở thành một đặc trưng hội họa không thể bắt chước được của Dalí.

Thiết bị và Bàn tay (Apparatus and Hand) (1927). Sơn dầu trên ván gỗ. Bảo tàng Dalí, St. Petersburg, Florida, Mỹ

Giai đoạn trưởng thành

Năm 1928, Dalí hợp tác với nhà làm phim Luis Buñuel cho vở Một con chó Andalusia (Un Chien Andalou), một bộ phim đầy chiêm nghiệm về những ám ảnh tồi tệ và hình ảnh vô lý. Chủ đề về tình dục và chính trị của bộ phim gây kinh ngạc quá đỗi khiến Dalí trở nên tai tiếng, gây xôn xao trong giới những nghệ sĩ Siêu thực Paris. 

Áp phích Một con chó Andalusia

Những nghệ sĩ Siêu thực cân nhắc tuyển mộ Dalí vào hội của họ và vào năm 1929, gửi Paul Eluard và vợ là Gala, cùng với René Magritte và vợ là Georgette, đến thăm Dalí ở Cadaques. Đây là lần đầu tiên Dalí và Gala gặp mặt nhau và sau đó không lâu cả hai bắt đầu qua lại, dẫn đến cuộc ly hôn giữa bà với Eluard. Gala, sinh ra ở Nga như Elena Dmitrievna Diakona, trở thành nàng thơ xuyên suốt cả đời và quan trọng nhất của Dalí, đồng thời cũng là vợ tương lai của ông, là niềm đam mê mãnh liệt nhất, và là quản lý kinh doanh của ông. Sau cuộc gặp đầu tiên đấy, Dalí chuyển đến Paris và được André Breton mời gia nhập vào hội nghệ sĩ Siêu thực.

Từ trái qua: Salvador Dalí, Gala, Paul Éluard, và Nusch (Maria Benz). Gala chia tay với Éluard vào năm 1929 và kết hôn với Dalí vào năm 1934 – cũng là năm mà Éluard cưới Nusch. Paul Éluard là một nhà thơ và một trong những người sáng lập phong trào Siêu thực trong thi ca. Bức ảnh này thì được chụp vào năm 1931 ở Tây Ban Nha.

Dalí theo học thuyết chủ nghĩa vô thức của Breton nơi nghệ sĩ buông bỏ quyền kiểm soát ý thức trong quá trình sáng tạo khi họ để cho phần vô thức và trực giác dẫn lối tác phẩm. Song, vào đầu những năm 1930, Dalí đẩy khái niệm này đi xa hơn bằng cách tạo ra Phương pháp Phản biện Hoang tưởng của riêng mình. Với phương pháp này, người nghệ sĩ có thể chạm vào phần tiềm thức bằng suy tưởng phi lý mang tính hệ thống và trạng thái hoang tưởng tự tạo.

Sau khi thoát khỏi trạng thái hoang tưởng, Dalí sẽ tạo ra “những bức ảnh vẽ tay về giấc mơ” từ những gì ông chứng kiến, với cao trào thường nằm ở những tác phẩm chứa những vật thể không liên quan tới nhau nhưng lại được vẽ vô cùng chân thật (đôi khi chúng được nhấn mạnh bằng các kỹ thuật ảo ảnh quang học). Ông tin rằng trực giác của người xem sẽ có sự kết nối với tác phẩm của ông vì ngôn ngữ tiềm thức là phổ quát, và rằng “nó có bộ từ vựng của những hằng số vô cùng quan trọng – bản năng tình dục, cảm giác về cái chết, khái niệm vật lý về bí ẩn của không gian – những hằng số quan trọng này vang vọng trong mỗi con người.” Ông sử dụng phương pháp này cả cuộc đời mình, phổ biến nhất ở những bức tranh như Sự bền bỉ của Kí ức (The Persistence of Memory) (1931) và Công trình mềm với Đậu luộc (Linh cảm về Nội chiến) (Soft Construction with Boiled Beans (Premonition of Civil War)) (1936).

Sự bền bỉ của Kí ức (The Persistence of Memory) (1931) có elx là bức tranh phổ biến nhất của Dalí
Công trình mềm với Đậu luộc (Linh cảm về Nội chiến) (Soft Construction with Boiled Beans (Premonition of Civil War)) (1936)

Vài năm sau đó, các bức vẽ của Dalí minh họa rõ rệt các học thuyết của ông về trạng thái tâm lý hoang tưởng và tầm quan trọng của chủ đề này. Ông vẽ cơ thể, xương, và những vật thể biểu tượng nào phản ánh nỗi sợ bị tình dục hóa về hình ảnh người cha và sự bất lực, cũng như các biểu tượng ám chỉ nỗi lo lắng khi thời gian trôi qua. Nhiều bức vẽ nổi tiếng nhất của ông được thực hiện trong giai đoạn sáng tạo đỉnh cao này. Trong khi sự nghiệp ông đang trên đà phát triển, đời sống cá nhân của Dalí trải qua nhiều biến đổi. Mặc dù Gala là nguồn cảm hứng cũng đồng thời là cơn mụ mị của Dalí, cha ông lại không mấy hứng thú với mối quan hệ của con mình với người phụ nữ lớn hơn mười tuổi. Khi Dalí đến gần hơn tới phong cách avant-garde, cha ông không còn quá ủng hộ con đường phát triển nghệ thuật của ông như ngày trước. Cọng rơm cuối cùng làm gãy con làm đà xuất hiện khi một tờ báo Barcelona thuật lại lời của Dalí rằng, “đôi khi, tôi nhổ nước bọt vào chân dung của mẹ cho vui.” Cha Dalí từ mặt và đuổi con khỏi nhà vào cuối năm 1929.

Ảnh Man Ray chụp Dalí vào khoảng năm 1929

Cuộc chiến chính trị được đặt lên hàng đầu trong các cuộc hùng biện của giới nghệ sĩ Siêu thực. Năm 1934, Breton đuổi Dalí ra khỏi hội Siêu thực vì quan điểm của họ về chủ nghĩa Cộng sản, Phát xít, và Tướng Franco trái chiều nhau. Đáp lại sự khai trừ này, Dalí nổi tiếng với câu phản hồi: “Tôi, bản thân tôi, chính là chủ nghĩa Siêu thực.” Trong nhiều năm trời, mối quan hệ giữa Breton cùng một số thành viên của nhóm Siêu thực với Dalí trải qua nhiều thăng trầm, đôi khi họ tôn vinh ông, và đôi khi thì tách mình khỏi ông. Tuy nhiên, những nghệ sĩ khác liên quan đến chủ nghĩa Siêu thực đã làm bạn với Dalí và tiếp tục thân thiết với ông trong nhiều năm.

Dalí và Man Ray năm 1934

Những năm sau đó, Dalí du lịch khắp nơi và thực hành các phong cách hội họa truyền thống hơn nhờ niềm yêu thích của ông với các họa sĩ được phong thánh như Gustave Courbet và Jan Vermeer, tuy chủ đề và tư tưởng chủ đạo của ông vẫn lạ lùng như cũ. Danh tiếng của ông vang xa đến nỗi ông được giới nhà giàu, người nổi tiếng, thời trang ưa chuộng. Năm 1938, Coco Chanel mời Dalí tới ngôi nhà “La Pausa” của bà, trên vùng bờ biển Riviera của Pháp ông đã vẽ vô số bức tranh mà sau này được trưng bày tại Phòng trưng bày Julien Levy ở New York. Nhưng có một điều chắc chắn, khoảnh khắc kì diệu thật sự của Dalí đến vào năm đó khi ông gặp người hùng của mình, Sigmund Freud. Sau khi vẽ chân dung của ông ấy, Dalí đã rất xúc động khi khám phá rằng Freud từng nói, “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng những nghệ sĩ Siêu thực, những người tôi nghĩ xem tôi như vị thánh bảo hộ, hoàn toàn điên rồ. Thế nhưng chàng trai trẻ Tây Ban Nha này đây với con mắt thẳng thắn, cuồng tín và trình độ kỹ thuật không thể phủ nhận đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ.” 

Vào khoảng thời gian đó, Dalí cũng gặp một nhà bảo trợ lớn khác, nhà thơ Anh giàu có Edward James. James không những mua tác phẩm của Dalí mà còn hỗ trợ tài chính cho ông trong hai năm và hợp tác với một số tác phẩm nổi tiếng nhất của Dali như Điện thoại Tôm hùm (The Lobster Phone) (1936) và Ghế sofa Bờ môi của Mae West (Mae West Lips Sofa) (1937) – cả hai đều được trang trí trong nhà của James ở Sussex, Anh.

Điện thoại Tôm hùm 
Ghế sofa Bờ môi của Mae West

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Nhã Văn. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi salvador dalí Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…