Salvador Dalí (Phần 4)

Trong phần cuối cùng của chuỗi bốn bài về Salvador Dalí, chúng ta tìm hiểu những tác phẩm tiêu biểu còn lại của ông. Những tác phẩm này không những chứng minh tâm trí “người Phục hưng” điển hình mà người nghệ sĩ có, thể hiện trong khả năng mở rộng ra nhiều lĩnh vực sáng tạo. Nghệ thuật của Dalí, đến cuối đời, còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ông tới khoa học và toán học, cụ thể là thuyết nguyên tử và hình học không gian mở rộng sang chiều thứ tư trở đi – trong một cuộc vật lộn cá nhân với đức tin.

  • Vẽ là sự thành thực của nghệ thuật. Không có khả năng gian dối. Chỉ có tốt hoặc dở.
  • Có lẽ là với Dalí mà lần đầu tiên những cánh cửa sổ của tâm trí được mở ra hoàn toàn.” – André Breton
  • Dalí đã ưu ái chủ nghĩa Siêu thực với một công cụ có tầm quan trọng hạng đầu, đặc biệt là phương pháp phản biện hoang tưởng mà đã lập tức cho thấy nó có khả năng được áp dụng ngang mức với hội hoạ, thơ ca, phim ảnh, cho tới kiến tạo của những vật thể siêu thực điển hình, thời trang, điêu khắc, cho tới lịch sử nghệ thuật và thậm chí, nếu cần thiết, tất cả các phương thức diễn giải.” – André Breton

1936: Công trình mềm với Đậu luộc (Linh cảm về Nội chiến)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Mỹ

Dalí vẽ tác phẩm Công trình mềm với Đậu luộc (Linh cảm về Nội chiến) (Soft Construction with Boiled Beans (Premonition of Civil War)) này trước khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha năm 1936-1939 bắt đầu và nói rằng nó minh chứng cho năng lực tiên tri của tâm trí tiềm thức của ông. Ông mô tả nỗi lo lắng đương thời, dự đoán một cách trực quan bạo lực, nỗi kinh hoàng, và sự huỷ diệt mà nhiều người Tây Ban Nha cảm thấy dưới sự cai trị sau này của Tướng Franco. Hai hình tượng người ghê tởm bị kéo dài và phóng đại đang vật lộn và bị kẹt trong một cuộc chiến khủng khiếp mà dường như không kẻ nào thắng. Trích lời Dalí, bức tranh thể hiện “một cơ thể người to lớn vỡ thành những khối u quái dị, tay và chân đang đang xâu xé nhau trong cơn mê sảng vì tự bóp cổ mình.” Đậu luộc được nhắc đến trong tiêu đề có khả năng rất cao nhắc tới món hầm đơn giản người dân nghèo thường ăn để sống qua thời điểm khó khăn ở Tây Ban Nha.

Bức tranh của Dalí diễn đạt thành công cơn giận dữ của ông với chính trị nước nhà. Sau này ông tiếp tục vẽ về chính trị và chiến tranh trong chuỗi tranh về Hitler và thỏa thuận với Lãnh chúa Camberlain của Anh Quốc. Hình ảnh này cũng gợi nhớ đến kiệt tác của Pablo Picasso về cùng một chủ đề, Guernica (1937).

Bức Guernica của Picasso

1936: Điện thoại tôm hùm 

Thép, thạch cao, cao su, nhựa thông và giấy – Bộ sưu tập của Tate, Vương quốc Anh

Điện thoại tôm hùm (Lobster Phone) của Dalí là một trong những vật thể nổi tiếng nhất từng được tạo ra của trường phái Siêu thực. Cách đặt hai vật thể không liên quan gì với nhau là một sự kết hợp các ý tưởng của chủ nghĩa Dada và Siêu thực. Ở đây, Dalí kết hợp điện thoại, một vật thể được tạo để cầm nắm, đặt sát tai, với một con tôm hùm lớn với chiếc càng sắc nhọn, bộ phận sinh dục của nó thẳng hàng với ống nói. Nó thể hiện một cách lắp ghép theo đúng nghĩa đen giữa một sinh vật dưới nước kì dị với một chiếc máy bình thường của đời sống thường nhật theo cách ghép cặp trong giấc mơ. Ở đấy, chúng ta bối rối khi thực tế của chúng ta bị rung chuyển và kinh hãi trước sự hiện diện của những thứ vô nghĩa ở mức độ ý thức.

Nhà sưu tập tranh của Dalí, Edward James, đã đặt sản xuất bốn chiếc Điện thoại tôm hùm để trong nhà. James cũng đặt ghế sofa Bờ môi của Mae West từ Dalí, đơn giản là một đôi môi rất lớn được dùng là chiếc ghế ngồi. Những giải nghĩa mang tính tình dục của việc ngồi trên một đôi môi tuyệt đẹp dễ dàng được gợi ra.

1949: Trâm cài áo Mae West 

Hồng ngọc và ngọc trai – Bảo tàng Trang sức Dalí, Figueres, Tây Ban Nha

Trí tuệ Dalí là điển hình của một “người Phục hưng” (khái niệm chỉ một người xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, cả toán học, khoa học, và nhân văn). Ông đặc biệt sáng tạo, giàu ý tưởng, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác vượt ngoài hội họa. Ví dụ, xuyên suốt sự nghiệp của ông, ông đã thiết kế đủ trang sức để lấp đầy một bảo tàng. 

Trong chiếc trâm cài áo The Mae West, chúng ta thấy chủ nghĩa Siêu thực được nối dài trong hàm răng đúng nghĩa là bằng ngọc trai, nằm giữa hai bờ môi căng nhẹ, có chút méo mó đủ khiến người xem không thoải mái. Hầu hết nhà thiết kế trong giới thời trang không thể nào được chấp nhận khi dám chơi một cuộc méo mó với sự hoàn hảo như vậy. Nhưng Dalí khẳng định rằng ông được truyền cảm hứng bởi câu nói cliché: “Các nhà thơ của mọi thời đại và mọi vùng đất đều viết về đôi môi hồng ngọc và hàm răng đều như ngọc trai”, cũng như nụ cười của ngôi sao Hollywood được nhắc đến trong tên của chiếc trâm. Thú vị là, các ngôi sao nghệ thuật New York như Willem de Kooning, Andy Warhol và vô vàn những người khác sau đó tiếp tục tạo ra vô vàn khắc hoạ những đôi môi nổi tiếng, khêu gợi của riêng họ. 

1951: Chết trong sung sướng

In bạc gelatin

Khi mới nhìn thoáng bức ảnh (In Voluptas Mors) này, người xem sẽ nhìn thấy một chiếc đầu lâu. Nhưng nếu quan sát kĩ hơn, họ sẽ thấy chiếc đầu lâu thực chất được tạo từ bảy nữ người mẫu khỏa thân. Dalí đã thiết kế bản vẽ chính xác cho tác phẩm này và nhiếp ảnh gia Philippe Halsman phải tốn hơn ba tiếng để hiện thực hoá hình ảnh đó. Tiêu đề của bức ảnh có thể được dịch thoát là “Cái chết hoan lạc”. Dalí nói, “Tôi vô cùng trân trọng cái chết. Sau chủ nghĩa khoái lạc, cái chết là chủ đề khiến tôi hứng thú nhất.”

Tác phẩm này là một ví dụ xuất sắc minh chứng cho nhiều thí nghiệm của Dalí với các hiệu ứng quang học và nhận thức trực quan. Ở đây người xem có thể nhìn thấy đầu lâu hoặc bảy người khỏa thân, nhưng sẽ không thấy được cả hai cùng một lúc. Các đặc thù nhận thức thị giác cá nhân của chúng ta là thứ Dalí vô cùng hứng thú vì ông cảm thấy chúng ta có thể tìm thấy manh mối về tâm lý bên trong của mình qua các liên hệ khác nhau mà tác phẩm nghệ thuật khơi gợi. Ông sử dụng các thí nghiệm hình ảnh kép này trong nhiều tác phẩm trong suốt sự nghiệp.

Halsman là một nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh có tiếng, giữ kỉ lục là người có nhiều bức ảnh lên trang bìa tạp chí Time nhất. Sau cuộc gặp gỡ năm 1941, Dalí và Halsman hợp tác với nhau 37 năm, cho đến cuối đời Halsman. Cuộc hợp tác của họ cũng cho ra đời bức ảnh nổi tiếng Nguyên tử Dalí (Dalí Atomicus) (1948), và quyển sách Bộ ria của Dalí (Dalí’s Mustache) (1954) gồm 28 bức ảnh khác nhau về bộ ria đặc biệt của người nghệ sĩ.

Chắc không ngoa khi nói bộ ria của Dalí là một trong những bộ ria nổi tiếng nhất thế giới

1954: Young Virgin Auto-Sodomized by the Horns of Her Own Chastity

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Cá nhân

Bức họa này ghi nhận hứng thú của Dalí trong việc phóng đại những tái hiện về hình tượng nữ giới và cách sử dụng phong cảnh trừu trượng. Động lực chính trong bức họa này rõ ràng là ám chỉ tình dục: sừng tê giác, một hình ảnh thường được Dalí sử dụng, trong bức tranh này không hề che đậy là thực thể dạng dương vật, cả những phần tạo thành bờ mông và những phần khác nhau nhăm nhe đe dọa sẽ xâm nhập nó. Tiêu đề của bức tranh đưa ra một manh mối trực tiếp về sắc thái kích dục mạnh mẽ của tác phẩm. Trong quyển sách Dalí của Dawn Ades, giáo sư lịch sử nghệ thuật Elliot King được trích dẫn với câu nói, “khi những chiếc sừng đồng thời hình thành và đe dọa sẽ xâm nhập bờ mông lý tưởng của nhân vật trong tranh, hệ quả là cô ta (tự – tự động) kê gian mình bằng cấu trúc của chính cô ta.” Bức tranh vì vậy củng cố quan điểm mâu thuẫn của Dalí về phụ nữ rằng họ là những vật thể bí ẩn của quyền lực, sự quyến rũ và nỗi khiếp sợ.

Mối bận tâm của Dalí với dương vật là chủ đề trọng tâm trong suốt sự nghiệp của ông, mặc dù mức độ hung hãn hay thụ động của các tác phẩm sẽ khác nhau giữa các thời kỳ. Không quá ngạc nhiên, tác phẩm này được Hugh Heffner sở hữu và treo ở lối vào Biệt thự Playboy nhiều năm trước khi được bán vào năm 2003.

*Người dịch quyết định không chuyển ngữ tên tác phẩm sang tiếng Việt vì sẽ làm mất đi quá nhiều tầng nghĩa chơi chữ. Young Virgin Auto-Sodomized by the Horns of Her Own Chastity nếu dịch mặt nghĩa đơn thuần là “trinh nữ trẻ tuổi tự kê gian bằng những chiếc sừng của sự trinh trắng của cô ta“. Tuy nhiên, sự chơi chữ xuất sắc xảy ra ít nhất hai lần ở đây: 1. “Sodomize” là một từ tiếng Anh có nghĩa phổ biến là quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Nhưng nguồn gốc của nó xuất phát từ “Sodom” – một thành phố tội lội ở Palestine cổ đại trong kinh thánh. Những cư dân của Sodom được cho là có những “quan hệ tình dục không tự nhiên”, do vậy “sodomy” hay “sodomie” từ khoảng 1300 dùng chỉ những quan hệ tình dục như vậy, bao gồm quan hệ đồng giới (qua đường hậu môn) và cả giữa người và dã thú. Thuật ngữ Ki-tô giáo này thường được dịch là “kê gian” (chữ Hán: 雞姦) trong tiếng Việt theo nghĩa “kê” là con gà và “gian” là dâm loạn. Đào Duy Anh giảng kê gian là “con trai với con trai hoặc với con gái gian dâm với nhau nơi lỗ đ.í.t như gà” (theo Hán Việt Từ điển, 2005, Đào Duy Anh). 2. “Horns” đúng nghĩa đen là những cái sừng, nhưng chúng vừa gợi tới ý “dã thú” và chơi chữ với “horny” là từ chỉ tình trạng bị kích thích, khao khát tình dục.

1954: Đóng đinh (Corpus Hypercubus)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Người ta nói rằng khi còn đi học, hồi nhỏ, Dalí là một học sinh khá kém, nhất là môn toán. Nhưng khi những đầu đạn hạt nhân đầu tiên phát nổ ở Nhật, Dalí trở nên đam mê với thuyết nguyên tử và các chủ đề liên quan vô cùng. Hứng thú mới này xảy ra cùng thời điểm phong cách nghệ thuật của ông có sự biến đổi, đưa ông quay trở về với địa hạt của các kỹ thuật cổ điển. Từ đó cho ra đời các bức tranh kết hợp niềm đam mê với chủ nghĩa Công giáo và văn hóa Catalan với các khám phá mới trong toán và khoa học của ông – ông gọi học thuyết nghệ thuật mới này trong tác phẩm của ông là “chủ nghĩa bí ẩn hạt nhân”. 

Dalí trở nên đặc biệt hứng thú với việc thể hiện chiều không gian thứ tư như có thể thấy trong tác phẩm này. Chúng ta thấy hình ảnh Đóng đinh quen thuộc, nhưng thay vì vẽ cây thánh giá bình thường, Dalí sử dụng một hình dạng toán học gọi là khối tesseract (hay còn gọi là khối siêu lập phương). Khối tesseract là dạng bốn chiều của hình lập phương trong không gian ba chiều, một khái niệm không gian khá cao cấp. Trên thực tế, Dalí đã làm việc với Giáo sư Thomas Banchoff của Đại học Toán học Brown nhiều năm trong sự nghiệp của mình để nắm vững kiến thức.

Thú vị là, Dalí kết hợp sự quan tâm với hình học không gian với cuộc đấu tranh cá nhân ngày càng tăng với tôn giáo. Những năm sau đó, ông thể hiện cảm xúc của mình về Công giáo rằng: “Tôi tin vào Chúa nhưng tôi không có đức tin. Toán học và khoa học đã chứng minh như đinh đóng cột rằng Chúa phải tồn tại, nhưng tôi không tin điều đó.” Với những bức tranh như Đóng đinh, Dalí khám phá tường tận hai điều này trong một miêu tả mộ đạo. Trên thực tế, bức tranh Chúa của Thánh John trên Thánh giá (Christ of Saint John of the Cross) (1951) tương tự cũng đề cập tới toán học thần thánh và được nhiều người xem là bức tranh tôn giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 20. 

Bức Chúa của Thánh John trên Thánh giá

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Nhã Văn. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi salvador dalí Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…