Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh những ngày giãn cách: ‘Nếu như còn có thể, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục…’

“Nếu như còn có thể, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục…”, câu nói từ nghệ sĩ Ái Như trong những ngày giãn cách do Covid-19 như trả lời cho cả câu hỏi “Với bộ môn nghệ thuật rất kén khán giả như kịch nói, vì sao sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn luôn đứng vững trong suốt hơn một thập kỷ qua?”

Ra đời cũng đã 11 năm, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh hiện đã xây dựng được chỗ đứng nhất định trong ngành kịch nghệ thành phố và cũng đã có một lượng khán giả nhất định. Nhớ về những ngày đầu thành lập sân khấu, nghệ sĩ Ái Như xúc động kể lại.

‘Sau 21 năm, ước muốn có một sân khấu của riêng mình mới trở thành hiện thực’

Năm 1980, nghệ sĩ Thành Hội tốt nghiệp lớp diễn viên của trường Nghệ thuật sân khấu 2, cũng là lúc nghệ sĩ Ái Như mới thi vào trường. Tìm được sự tương giao trong quan điểm nghệ thuật sau khi cùng làm việc ở Nhà Hát Kịch Sân Khấu Nhỏ (hồi đó là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần) và Nhà hát kịch Thành phố; năm 1989, đạo diễn Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như cùng nhau viết nên kịch bản đầu tiên mang tên “Khúc nhạc lòng của vị mục sư”, đánh dấu cơ hội hợp tác đầu tiên của hai nghệ sĩ.

Cho đến năm 2010, khi hai nghệ sĩ cảm thấy đã có khả năng hơn về mặt tài chính cũng là vừa lúc nhận được lời mời của một người bạn, đề nghị mở chung một sân khấu.

Khi nhận được lời đề nghị, chúng tôi mới nói ‘Mình sẽ phải thỏa thuận với nhau. Không làm thì thôi, nếu làm thì phải theo một tiêu chí nghệ thuật, phải đi cùng với nhau, cùng chịu đựng những khó khăn, lỗ lã trong bao nhiêu năm đó. Chúng tôi nghĩ nếu được như vậy thì hẵng làm.’ 

Vậy là từ năm 2010, chúng tôi có được sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Nhưng … cứ lỗ hoài thì ai chịu cho nổi

Hồi mới thành lập sân khấu, chúng tôi đồng ý đi cùng nhau trong vài năm, nhưng tới năm thứ 3 người bạn của chúng tôi chịu không nổi, bởi vì… cứ lỗ miết. Sự nhiệt tình của họ rất đáng ghi nhận, nhưng mà cứ lỗ hoài thì ai chịu cho nổi. Thế là từ năm 2013 đến nay, chỉ còn hai người chúng tôi, vẫn tiếp tục làm kịch với xu hướng nghệ thuật của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh mà chúng tôi đã theo đuổi bấy lâu.”

Và cứ thế, những cánh chuồn chuồn (hình ảnh logo của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) gửi gắm bao tâm tình của những người làm kịch cứ bay không ngừng nghỉ, để mang tới những tác phẩm nghệ thuật thực sự chạm đến ngưỡng cảm xúc của người xem. Nhưng để tìm được sự đồng điệu trong cảm xúc của khán giả đâu có dễ dàng, đó lại là một quá trình tự vấn khắt khe mà những người văn sỹ, nghệ sỹ, đạo diễn và diễn viên tự đặt ra cho chính mình. 

Tác phẩm chỉ thành hình khi bản thân những người làm kịch thực sự rung cảm

Nhắc tới Hoàng Thái Thanh, người ta luôn nhớ tới những vở chính kịch đẫm chất bi nhưng cũng đầy tính nhân văn, đặc biệt tập trung khai thác tận cùng nội tâm nhân vật. Nhắc tới Hoàng Thái Thanh ai nấy cũng đều ngậm ngùi nhớ về thân phận bà Tư oằn mình nuôi con nhưng lại bị các con ruồng bỏ (trong vở Bông Hồng Cài Áo), cuộc đời cô Út Lý và Tư Nhớ cứ lủi thủi một mình như hai cái bóng chẳng thể song hành (trong vở Nửa đời ngơ ngác); hay xót thương cho cô giáo Diệu Hoài 25 năm trời sống trong u hoài, hơn 300 lần đợi ở sân ga chờ chồng trở về, cuối cùng đau xót biết tin chồng mình đã chết ngay trên chuyến tàu đầu tiên (trong vở 29 anh về), …

Khi được hỏi “Việc khai thác tận cùng nội tâm nhân vật có phải là lợi thế của sân khấu không?”, nghệ sỹ Ái Như bộc bạch: 

Tôi không rõ việc khai thác tận cùng nội tâm nhân vật có phải là lợi thế của sân khấu cho tới thời điểm hiện tại hay không. Tôi chỉ biết đó là điều chúng tôi đã được học. Nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật, để mình rung động được thì tác phẩm đó phải có chiều sâu, có sự lắng đọng. Và đó cũng là điều mà tôi luôn làm trong cương vị của một đạo diễn, một diễn viên, hay khi đi tìm chất liệu cho tác phẩm của mình, tôi luôn cố gắng đào sâu vào đời sống, thân phận của nhân vật.”

Phải cảm thấy rung động, phải cảm thấy trái tim rộn ràng, muốn đi cùng tác phẩm đó, muốn sáng tạo ra những thân phận con người thì chúng tôi mới làm… 

Chúng tôi làm bởi vì sự rung cảm.

Trong mỗi tác phẩm, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để qua từng câu chuyện, từng tính cách, từng thân phận, người ta thấy được người nghệ sĩ đã nâng niu, khắc họa cái đẹp, cái chân thiện mỹ như thế nào.

Tôi muốn mang cả cái đẹp và cả những cái xấu từ cuộc sống lên sân khấu. Làm sao để người ta đến xem, người ta thấy được những mảng đen và những mảng trắng, những mảng tối và những mảng sáng. Giống như một điều gì đó mà chúng tôi gửi gắm đến cuộc đời và công chúng, để họ có thể mang về suy nghĩ cho riêng mình.” 

Có lẽ chính bởi những sự tận tâm ấy mà khán giả mới thấy thương người nghệ sĩ. Thương tới mức chẳng hề chấp nhặt những sự cố ngoài ý muốn mà họ vô tình trải nghiệm ở sân khấu. Nói có sách mách có chứng, nghệ sỹ Ái Như kể lại:

“Tôi nhớ một lần nọ, đang diễn giữa chừng, tự nhiên bị cúp điện. Trong lúc đang cúp điện, khán giả vẫn cứ ngồi trong bóng tối vậy đó. Biết là sự cố ngoài ý muốn, khán giả vỗ tay để ủng hộ tinh thần cho mình (cười). 

Sân khấu kịch chúng tôi có những ngọn đèn dầu đạo cụ hay là những cây đèn cầy trang trí  nên chúng tôi mang ra thắp lên trong lúc chờ đợi. Thấy vậy, khán giả cũng vỗ tay – những tiếng vỗ tay đầy sự khích lệ.

Do cúp điện, máy lạnh không hoạt động, chừng 5 -10 phút trôi qua là ngột ngạt  liền nên chúng tôi cố gắng mở hết các cửa ra vào để thông gió và mở nhạc cho khán giả nghe bằng chính những chiếc điện thoại của mình. Bạn biết đó, âm lượng của những chiếc điện thoại trong một khán phòng lớn, thì rất nhỏ nhưng chính sự im lặng như thấu hiểu đó của khán giả làm mình cảm thấy thương. 

Tôi nhớ khi đó đang diễn đến cảnh kết, chỉ còn một chút xíu nữa thôi là hết vở. Bên ngoài trời đang mưa gió, khán giả đã phải đợi nửa tiếng đồng hồ rồi. Chờ đợi trong sự cố nó dài lắm! Chúng tôi cũng không biết phải làm sao vì nếu đi về thì thật rất tội cho khán giả. Chúng tôi bèn quyết định trình bày với khán giả rằng: 

‘Kính thưa quý khán giả, chúng tôi có thể nào xin phép diễn tiếp đoạn cuối này  không ạ vì chỉ còn chừng 20 phút nữa thôi là vở kịch đã kết thúc rồi? Chỉ còn 20 phút nữa thôi ạ... Chúng tôi  cũng mong quý khán giả sẽ chịu xem biểu diễn trong ánh sáng này, với những cây đèn sạc và ngọn đèn dầu như thế này.’ 

Chưa nói xong khán giả đã vỗ tay rào rào rào rào (nghệ sỹ Ái Như nghẹn ngào). 

‘Diễn đi cô Như ơi, diễn đi chị Như ơi,…’

Và…vẫn là những tràng vỗ tay. 

Cả khán phòng đứng dậy. 

Tiếng vỗ tay đó rất lâu, rất lâu. 

Chúng tôi cảm nhận được trong tiếng vỗ tay đó có sự thương yêu và những tình cảm ấm áp.

Một sự đồng lòng mà chỉ có lòng yêu mến, sự trân trọng nghệ thuật thực sự thì mới có được. May mắn sao vừa mới bắt đầu thì điện lại sáng lên. Có lẽ là ông Tổ cũng thấy thương quá nên cho chúng tôi lại được diễn tiếp. (cười).

Những lúc cảm thấy khó khăn và mệt mỏi nhất, chính những kỷ niệm đó đã khiến cho chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Trong hơn một thập kỷ qua, tình trạng thưa vắng khán giả đến rạp có lẽ là tình hình chung đối với ngành nghệ thuật sân khấu. Covid-19 lại khiến cho bức tranh kịch nghệ càng trở nên ảm đạm hơn. Nhưng qua những lời tâm sự của nghệ sĩ Ái Như, nhưng dường như điều đó chẳng thể ngăn cản những người nghệ sĩ thôi say sưa với sứ mệnh của mình.

Chúng tôi đã đối diện với thực trạng lượng khán giả ngày càng sụt giảm cả 10 năm nay rồi. Sau dịch, nếu có thì nó trầm trọng hơn thôi. Cho nên nếu như còn có thể, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục. Còn nếu không thể hơn được nữa, vì nhiều lý do, thì  phải đành chấp nhận thôi.

Tôi cũng muốn làm một cái gì đó, trong quãng thời gian này. Thấy các bạn ca sĩ có thể hát được, tôi thèm lắm, cảm thấy các bạn có thể mang sản phẩm của mình đến được nhiều nơi. Tôi cũng rất là thèm, nhưng khả năng và sức khỏe của mình không cho phép. Có lẽ  trong lúc này, bản thân tôi thấy nếu mình ở nhà để được bình yên cho mình, cho gia đình mình thì cũng là điều có thể đỡ đần cho xã hội rồi.”

Trong thời điểm này, tôi cũng chỉ biết chúc các bạn có nhiều sức khỏe, để còn gặp lại và cùng đi với nhau trên con đường nghệ thuật, để còn được cùng nhau thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu.

(Còn tiếp)

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Cùng tác giả

#Tag

chính kịch Covid-19 kịch nói may Nghệ sĩ Thành Hội Nghệ sỹ Ái Như sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…