Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện - Gesamtkunstwerk (Phần 1)

Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện – Gesamtkunstwerk, đôi khi được diễn dịch thành Tác phẩm Nghệ thuật Tổng hoà hoặc Tổng lực, là một trong những ý tưởng và khái niệm nền tảng quan trọng của nghệ thuật và thiết kế Hiện đại. Manh nha xuất hiện trong thực hành và lý thuyết từ thế kỷ 17, định hình trong thế kỷ 19 và phát triển rực rỡ tới đầu thế kỷ 20, Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện xoá nhoà ranh giới nghệ sĩ – nghệ nhân, nghệ thuật – thiết kế, mỹ thuật – ứng dụng, kiến tạo nên môi trường sống hài hoà và lý tưởng, thậm chí là không tưởng cho con người và xã hội. Ngày nay, bên cạnh những di sản cụ thể của những trào lưu quan trọng đã tôn vinh Gesamtkunstwerk, khái niệm này vẫn tiếp tục tạo ảnh hưởng tới những người thực hành hướng tới sự toàn diện của nghệ thuật bao chứa nhiều đến tất cả các hình thức có thể.

  • Mục tiêu tối hậu của mọi hoạt động mang tính nghệ thuật là xây dựng!… Kiến trúc sư, nhà điêu khác, hoạ sĩ, tất cả chúng ta đều phải quay về với thủ công!… Nghệ sĩ là một biểu hiện cao cấp hơn của nghệ nhân.” – Walter Gropius
  • Chúng ta hãy cùng nhau tạo ra ngôi nhà mới của tương lai nơi tất cả sẽ trong một: kiến trúc và điêu khắc và hội hoạ.” – Walter Gropius
  • Từ những nhóm đơn lẻ, một ý tưởng phổ quát vĩ đại, bền vững, tâm linh-tôn giáo sẽ trỗi dậy, sẽ tìm thấy biểu hiện kết tinh của nó trong Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện vĩ đại. Và tác phẩm nghệ thuật toàn diện vĩ đại này, Giáo đường của tương lai, sẽ chiếu rọi với vũ điệu của ánh sáng vào từng đồ vật nhỏ nhất của cuộc sống thường nhật.” – Walter Gropius
  • Một kiến trúc hiện đại, hài hoà, và sống động là dấu hiệu trực quan của một nền dân chủ thực chất.” – Walter Gropius
  • Anh ta [người kiến trúc sư] không chỉ thấy rõ hơn hay ít rõ hơn bản chất của vật liệu mà, trong chính trí tưởng tượng được trui rèn và bằng phẩm hạnh của chính cảm xúc của mình, anh ta đánh giá tất cả như một tổng thể.” – Frank Lloyd Wright

Tóm lược về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện

Khái niệm tiếng Đức Gesamtkunstwerk (gesamt – tổng cộng, toàn thể, toàn diện…, Kunst – nghệ thuật, Werk – tác phẩm) miêu tả một tác phẩm, một thiết kế, hoặc một quá trình sáng tạo nơi các loại hình nghệ thuật khác nhau được kết hợp để tạo ra một tổng thể mang tính gắn kết duy nhất. Ý tưởng này được nhà soạn nhạc Richard Wagner phổ biến với lập luận dành cho “tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo của tương lai”, nơi “Không một lĩnh vực nghệ thuật riêng biệt giàu có nào không được sử dụng trong Gesamtkunstwerk của Tương lai”. 

Bayreuth Festspielhaus by Richard Wagner

Khái niệm này nổi tiếng nhất tại Đức vào Áo và được phát triển trong suốt từ thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20 bởi một loạt các trào lưu nghệ thuật châu Âu và trở thành một nguyên lý cốt lõi của nghệ thuật Hiện đại. Mặc dù không còn được ưa chuộng trong thời kỳ hậu hiện đại, ngày nay, khái niệm này đôi khi vẫn được sử dụng để miêu tả những tác phẩm nghệ thuật và sắp đặt đa phương tiện.

Ý tưởng và thành tựu chính

  • Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện tồn tại nổi bật nhất trong kiến trúc, nơi tất cả các khía cạnh của thiết kế bao gồm ngoại thất, nội thất, trang bị nội thất đều được tạo ra để bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Ảnh hưởng này có thể thấy rõ trong thực hành mang tính nghệ thuật của những trào lưu bao gồm Arts and Crafts (Nghệ thuật và Thủ Công), Art Nouveau, Art Deco, Jugendstil, Ly Khai Vienna, Bauhaus, và De Stijl.
  • Những ý niệm của Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện thường phù hợp với các giá trị và niềm tin rộng lớn hơn của các phong trào nghệ thuật áp dụng nó. Sự hợp tác của nghệ thuật và nghệ sĩ tạo ra Gesamtkunstwerk được xem là có tiềm năng kiến tạo xã hội công bằng hơn và, tối hậu là, lý tưởng không tưởng.
  • Một vài hình thức của Gesamtkunstwerk có mối liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc. Ví dụ, phong trào Arts & Crafts đã thúc đẩy nghề thủ công truyền thống Anh Quốc. Kịch tính hơn và bi kịch hơn, một số quan điểm và tác phẩm của Wagner có thể được coi là đã tham gia vào quá trình hình thành nền tảng của triết lý Đức Quốc xã. Những ý tưởng của ông về chủ nghĩa truyền thống trong âm nhạc đã giúp mang lại tính hợp lý và chính thống cho đảng mới này. Sự liên kết ấy khiến khái niệm Gesamtkunstwerk bị nhiều nghệ sĩ từ chối sau Thế chiến II.
Hoạt động tại xưởng dệt hoạt động như một nghiệp đoàn thủ công kiểu Trung Cổ của Morris & Co tại Merton

Những khởi nguồn 

Những xu hướng ban đầu

Những ý tưởng liên quan tới Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện đã tồn tại ngay từ thời kỳ Baroque. Chúng ta có thể được quan sát thấy trong các thiết kế hoành tráng như Cung điện Schönbrunn (1696-1709) của Johan Fischer von Erlach hay điện Versailles (khoảng 1661-1678) – nơi sinh sống của vua Louis XIV – của Charles le Brun và Louis le Vau. Kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế vườn, điêu khắc, và hội hoạ được kết hợp với nhau trong một hiệu ứng tổng thể hoành tráng được phản ánh trong mọi yếu tố từ bộ đồ ăn uống cho tới các mặt vải dệt. 

Điện Schönbrunn
Phía trong điện Schönbrunn

Các kiến trúc sư và nghệ sĩ kế tiếp làm việc với các điền trang hoàng gia nói trên tiếp tục cố gắng để đạt được các hiệu quả toàn diện, mặc dù cũng phản ánh ảnh hưởng của các phong cách thời sau. Việc ấy có thể nhìn thấy trong các xây dựng bổ sung tại Điện Schönbrunn bởi kiến trúc sư Rococo Pacassi. UNESCO, công nhận Điện Schönbrunn là một Di sản Thế giới vào năm 1996, gọi những toà nhà và khu đất “một quần thể Baroque đáng chú ý và một ví dụ hoàn hảo về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện”, chứng minh rằng tác phẩm của Pacassi đã hoà hợp tốt tới mức nào với phần gốc.

Chủ nghĩa Lãng mạn Đức

Chủ nghĩa Lãng mạn đầu thế kỷ 19 đã tạo ảnh hưởng tới sự phát triển của Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện, nổi bật hất là qua nghệ sĩ và nhà lý thuyết Philipp Otto Runge. Runge được tôn vinh nhờ Những thời khắc của Ngày (Tageszeiten) (1803-05), một bột ác phẩm miêu tả những thời khắc cụ thể trong ngày như một hình dung tổng thể của các hình tượng, hình thái tự nhiên, các mẫu hoa văn trang trí và kiến trúc, và phong cảnh. Tác phẩm của Runge được coi như tiền thân của Gesamtkunstwerk và đã có tác động đáng kể tới các nghệ sĩ Đức, đặc biệt với tư cách là một nhân vật hàng đầu đương thời. Johan Wolfgang von Goethe đã trở thành người bảo trợ của Runge.

Nhà sử học đương đại Rudolf M. Bisanz đã viết rằng Runge “mở rộng dưới sự bảo hộ của nghệ thuật thị giác… Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện trên nền tảng là tính ổn định phổ quát của khuynh hướng con người và một Cơ đốc giáo đại kết.” (“đại kết” – “ecumenial” trong tiếng Anh và “oecumenismus” trong tiếng Latin là một khái niệm trong đạo Kitô có thể được hiểu là “trên toàn thể thế giới”).

Richard Wagner

Vào năm 1827, K.F.E Trahndorff, một nhà văn và một triết gia người Đức sử dụng từ Gesamtkunstwerk trong tác phẩm Thẩm mỹ hay Lý thuyết về Thế giới quan và Nghệ thuật. Mặc dù là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này, ông đã xây dựng nó dựa trên quan điểm của các triết gia khác Ludwig Trek và Gottfried Lessing, những người ủng hộ sự tổng hợp của nghệ thuật. Richard Wagner tiếp nhận ý tưởng của Trahndorff một cách lý thuyết và thể hiện trong các vở opera nổi tiếng của mình, từ đó khiến khái niệm nổi tiếng tới mức mà, sau đó, nó thường được gán cho ông. Các bài luận của ông, ví dụ như “Tác phẩm Nghệ thuật của Tương lai” (1849), lập luận rằng, kể từ thời Hy Lạp cổ điển, nghệ thuật đã tách rời nhau một cách không mạch lạc và rằng tác phẩm nghệ thuật của tương lai phải quay trở lại cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật toàn diện.

Chân dung Richard Wagner do Franz Seraph Hanfstaengl chụp thể hiện diện mạo uy quyền của nhà soạn nhạc

Wagner cảm thấy rằng thế kỷ 19 là một thời kỳ hỗn loạn, và đã viết “đây là dành cho Nghệ thuật ở trên tất cả, để dạy cho xung lực xã hội này ý nghĩa cao quý nhất của nó, và dẫn nó về hướng thực thụ của nó.” Các chuỗi opera nổi tiếng của ông, đặc biệt là Chiếc nhẫn của người Nibelung (Der Ring des Nibelungen) (1876), đã khiến ông trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong thời đại của mình – khi ông kết hợp kịch, thơ, âm nhạc, và bối cảnh sân khấu để tạo ra một trải nghiệm thống nhất duy nhất. Vào năm 1857, ông cũng đảm nhận việc thiết kế và xây dựng Nhà hát Bayreuth ở Bavaria, tạo ra một môi trường hoàn chỉnh cho việc trình diễn của những chùm opera của ông.

Xu hướng bài Do Thái của Wagner được thể hiện trong các tác phẩm như Đạo Do Thái trong âm nhạc (Das Judenthum in der Musik), một bài luận được xuất bản dưới một bút danh vào năm 1850, sau đó với chính tên thật của ông vào năm 1869, kết hợp với sự nhấn mạnh của ông vào tính ưu việt của văn hoá Đức mà được coi là nền tảng của chủ nghĩa Quốc xã và Hitler quả thực là một người hâm mộ cuồng nhiệt âm nhạc và các buổi trình diễn của Wagner. Mặc dù chính Wagner mất vào năm 1883, Winifred Wagner, con dâu của nhà soạn nhạc và người nắm quyền sở hữu Nhà hát Bayreuth và lễ hội của nó, là một người bạn thân thiết và một người ủng hộ nhiệt thành của Hitler. Vào năm 1928, bà cùng với người đứng đầu lễ hội tham gia Kampfbund für deutsche Kultur (Liên đoàn Quân phiệt vì Văn hoá Đức của Quốc xã.

Bayreuth Festspielhaus là nhà hát được Richard Wagner xây dành riêng cho Lễ hội Bayreuth – lễ hội âm nhạc thường niên nơi trình diễn các vở opera của Wagner. Wagner đã hoàn thiện Gesamtkunstwerk cho âm nhạc của mình bằng việc thiết kế trọn vẹn cả không gian trình diễn. Tới nay đã có 110 kỳ lễ hội Bayreuth và rất đông đúc các tín đồ âm nhạc Wagner vẫn bay tới đây để xem trình diễn đều đặn mỗi năm.

Trào lưu Arts & Crafts

Một ví dụ ban đầu về Gesamtkunstwerk hiện đại là Toà nhà Đỏ (1859) do William Morris và Phillip Web đồng thiết kế, xây dựng ở Đông Nam London. Ngôi nhà, dựa trên thiết kế Gothic thời Trung Cổ và sử dụng các phương pháp xây dựng và vật liệu truyền thống, cũng là một ví dụ tiên phong của phong trào Arts & Crafts. Dante Gabriel Rossetti và Edward Burne-Jones cũng giúp trang trí và lắp đặt nội thất, trong khi Morris thiết kế phần vườn ngoại thất, tất cả đều nhằm tạo ra một hiệu ứng nghệ thuật đơn nhất. Rossetti miêu tả kết quả là “một bài thơ hơn là một ngôi nhà,” và, như là trung tâm phát triển mạnh mẽ của phong trào Arts and Crafts, cũng như là nơi Morris thành lập công ty thiết kế của mình, toà nhà đã trở thành một ví dụ có tầm ảnh hưởng của Gesamtkunstwerk. Khái niệm về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện của trào lưu nhấn mạnh vào các đồ vật được làm bằng tay thay bằng sản xuất hàng loạt, và tập trung vào truyền thống nghề thủ công Anh Quốc có từ thế kỷ 13, một thời kỳ cũng giúp hình thành thẩm mỹ của Arts & Crafts.

Nội thất của Căn nhà Đỏ với tranh của Edward Burne-Jones

Trào lưu Art Nouveau (1890-1905)

Một trong ví dụ đầu tiên của nghệ thuật Art Nouveau là Hôtel Passel (1893) ở Brussels do Victor Horta thiết kế, một dinh thự riêng mà ông thiết kế cho gia đình Tassel. Cùng năm đó, ngôi nhà Hankar (1893) của Paul Hankar cũng đi tiên phong trong phong cách này, và sau đó là nhà Bloemenwerf (1895) của Henry van de Velde. Trong tất cả những ngôi nhà này thì kiến trúc, đồ đạc, nội thất… đề được thiết kế để bổ sung cho nhau nhằm tạo ra một hiệu ứng nghệ thuật hoàn chỉnh. 

Nội thất thống nhất về ngôn ngữ thiết kế từ hoạ tiết trên sàn, tường, bậc cầu thang, lan can, cột… của Hôtel Tassel

Như nhà sử học nghệ thuật Kenneth Frampton viết, van der Velde đã xây một ngôi nhà cho chính mình mà “không nghi ngờ gì là nhằm thể hiện sự tổng hợp tối hậu của tất cả các loại nghệ thuật, vì ngoài việc tích hợp ngôi nhà với tất cả đồ đạc của nó – bao gồm cả bộ dao dĩa – van de Velde đã nỗ lực làm hoàn hảo đến tận cùng GESAMTKUNSTWERK qua cả những hình thức bồng bềnh của những bộ váy mà ông thiết kế cho vợ mình”.

Ảnh chụp nhà Bloemenwerf năm 1900
Henry van de Velde và vợ là Maria Sèthe ở tầng một của ngôi nhà Bloemenwerf

Art Nouveau đã thống trị Triển lãm Quốc tế Paris năm 1900, một trưng bày quốc tế – với Van de Velde, Bruno Paul, Louis Comfort ​​Tiffany, René Lalique, Fyodor Schechtel, Josef Hoffman, Émile Gallé, Alphonse Mucha, và nhiều người khác nữa. Art Nouveau chấp nhận sử dụng các vật liệu hiện đại, bao gồm sắt, thuỷ tinh, gốm sứ, và cuối cùng là cả bê tông nữa, trong khi nhấn mạnh những nét uốn lượn và các hình thức hữu cơ để tạo ra một cảm giác chuyển động. Nó được sử dụng rộng rãi trong tất cả các yếu tố của thiết kế nội thất, nghệ thuật đồ hoạ, gia công kim loại, đồ trang sức… cũng như kiến trúc.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt, minh hoạ và đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Gesamtkunstwerk Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tác phẩm nghệ thuật Toàn diện

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…