/Tách Lớp/ ‘Christmas Homecoming’ - Hình ảnh từ 73 năm trước và giờ là mong ước quý giá của hiện thực

Norman Rockwell được biết đến là người mang đến những hình ảnh biểu tượng cho ngày giáng sinh của nước Mỹ với tình cảm dịu dàng và gần gũi trong không khí cổ điển. Được thể hiện qua con mắt sắc sảo và ngòi bút minh họa lôi cuốn, ông đã phác họa chân thực những câu chuyện nhân văn hiện diện trong đời sống xã hội.

Khi thế giới trải qua những tháng ngày u ám vì dịch bệnh ập đến theo cách chẳng ai ngờ tới; lệnh giãn cách được siết chặt để người dân an toàn trước mối đe dọa vô hình có thể tấn công bất cứ ai; đó là khoảnh khắc chúng ta chợt nhận ra, tình yêu là liều thuốc tuyệt vời, cho con người năng lượng tích cực để vượt qua mọi biến cố. Thế nhưng, khoảng cách gần gũi nhất để những người thân yêu lan tỏa món quà vô giá ấy giờ đây lại chính là khoảng cách đến màn hình chiếc điện thoại nhỏ bé.

Và khi những ngày lễ cận kề, với phương tây là dịp giáng sinh – cuối năm còn với văn hóa á đông chúng ta là tết nguyên đán, niềm vui đoàn tụ bên gia đình là điều mà nhiều triệu người lúc này đang cực kì mong ước. Và, sự hân hoan vỡ òa ấy bất giác được nhìn thấy trong bức tranh “Christmas Homecoming(tạm dịch: Trở về nhà) của Norman Rockwell.

“Christmas Homecoming” – tác phẩm minh họa trang bìa tạp chí The Saturday Evening Post số 25/12/1948 của Norman Rockwell.

Normal Rockwell là ai?… Ông là “Nghệ sĩ của nước Mỹ“, một nhà minh họa nổi tiếng của thế kỷ 20, người định hình nên phong cách minh họa cho thời kỳ hoàng kim ở xứ sở cờ hoa. Các tác phẩm của Rockwell là cái nhìn chính diện đối với văn hóa nước Mỹ, chúng phản ánh những câu chuyện của đời sống hiện thực mang đậm tính thời sự mà người dân vô cùng quan tâm. Nếu Edward Hopper chọn những khung cảnh u sầu để bóc trần điều đó thì Norman Rockwell lại thể hiện chúng dưới lăng kính của sự châm biếm, hài hước trên những trang bìa tạp chí The Saturday Evening Post hay sau này là LOOK.

Mọi chủ đề đều được nhà minh họa đào sâu bằng các góc nhìn ở những vị trí khác nhau từ chính trị, xã hội cho đến thể thao hay nghệ thuật, tất cả được miêu tả rõ nét khiến khán giả khi nhìn thấy chúng đều tìm thấy âm hưởng giá trị thời đại tồn tại bên trong. Cái hay ở ngôn ngữ minh họa của ông đó là những sự kiện luôn được nhẹ nhàng, lồng ghép vào nhau đầy tinh tế và lôi cuốn không kiên cưỡng. Vậy nên, mảnh đất sáng tạo “giáng sinh” – màu mỡ ý tưởng đâu thể “trốn thoát” khỏi bàn tay tài hoa của Rockwell.

Là nghệ sĩ sung mãn, trong suốt sự nghiệp của mình ông tạo ra hơn 4000 tác phẩm gốc và hơn 100 bức tranh trong đó là về ngày giáng sinh. Nếu bạn chưa biết thì công việc đầu tiên mà Norman Rockwell nhận được khoản hoa hồng là đến từ thiết kế bưu thiếp giáng sinh. Một mối lương duyên đối với họa sĩ người Mỹ và khi ông làm việc tại The Saturday Evening Post, cũng là thời điểm mà tổng biên tập George Horace Lorimer bắt đầu quan tâm nhiều đối với các ngày lễ lớn của đất nước và ông giao cho các họa sĩ tạo ra những hình ảnh trang bìa đặc biệt để kỷ niệm các ngày lễ đó.

Điều ấy lý giải vì sao Rockwell lại sáng tác nhiều hình ảnh cho chủ đề giáng sinh như vậy. Cố gắng gửi gắm những hình ảnh ấm áp về gia đình và bạn bè nhưng không quên kể câu chuyện song song về mối bận tâm của xã hội đương thời, Rockwell luôn nỗ lực tạo ra các bức tranh của mình với cảm giác chân thực mạnh mẽ nhất có thể, góp phần lột tả ý tưởng rằng chúng được vẽ từ chính cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, những sáng tác phức tạp của nghệ sĩ đã được lên kế hoạch và dàn dựng một cách kỹ lưỡng.

Năm 1937, được giới thiệu bởi thế hệ họa sĩ minh họa trẻ bao gồm Steven DohanosJohn Falter, Rockwell cũng bắt đầu sử dụng nhiếp ảnh để hỗ trợ thiết kế bố cục. Ông thường bắt đầu quá trình sáng tạo bằng cách phác thảo khung cảnh theo những gì mình tưởng tượng. Sau khi có được các đạo cụ, chọn những người mẫu mong muốn và tìm kiếm không gian phù hợp để đạt được cảnh trong ý tưởng, các buổi chụp ảnh mới thực sự bắt đầu, có thể diễn ra trong xưởng vẽ của Rockwell hoặc bất kỳ một nơi nào khác.

Với “Christmas Homecoming” thì sao?

Bảng màu trong bức tranh.

Quan sát ánh sáng trong bức tranh, chúng ta dễ dàng nhận ra “Christmas Homecoming” được vẽ lại từ ảnh chụp khi các nhân vật được đánh sáng đều và rộng do cách sắp đặt đèn chủ ý diễn ra trong studio. Với sắc vàng hoài niệm ám toàn bộ khung hình để gợi cảm giác cổ điển – vintage, không khí của ngày giáng sinh không chỉ thể hiện trên nét mặt rạng rỡ của các nhân vật và bối cảnh, chúng còn được họa sĩ người Mỹ xây dựng từ hai sắc nổi bật là lục và đỏ, biểu tượng cho mùa Noel.

Để tạo độ chân thực, Norman Rockwell đã sử dụng các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và những người bạn tốt của mình để làm người mẫu. Ông xây dựng ý tưởng của mình về một cuộc đoàn tụ giáng sinh hạnh phúc bằng cách tập hợp cả ba cậu con trai trong một khung hình duy nhất. Chúng ta thấy bóng lưng của cậu con trai lớn Jerry, nhận được cái ôm vui mừng từ người mẹ, Mary. Bên trái bà, trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc là con trai thứ Tommy, còn cậu út Peter đeo kính cận xuất hiện bên trái. Bên phải Mary, với chiếc tẩu đã thành thương hiệu, là người cha với nét mặt hạnh phúc – Norman Rockwell.

Hình ảnh gia đình nhà Rockwell đoàn tụ.

Không chỉ vậy, Rockwell đã mời bạn bè và những người hàng xóm của ông ở Arlington, Vermont để làm cho khung cảnh này trở nên vui vẻ hơn nữa. Nhiều người trong số này đã xuất hiện trên các trang bìa khác mà ông minh họa, như cậu bé cầm chiếc mũ, nhân vật chính trong “A Day in the Life of a Boy(tạm dịch: Một ngày của bé trai). Rockwell cũng mời người trông trẻ của cậu bé (cô gái tóc vàng ở ngoài cùng bên phải) cùng với mẹ và em trai cậu mặc áo len màu hồng.

Hai cô bé sinh đôi mặc váy đỏ thực chất là một người, đó là con gái của bác sĩ riêng cho gia đình nhà Rockwell. Hướng mắt lên góc trên bên trái đó là người bạn thân của ông, họa sĩ Mead Schaeffer tại The Saturday Evening Post. Và buổi sum họp gia đình sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng hình bóng của người bà… Hạnh phúc khi đảm nhận vai này không ai khác chính là bà Moses (Grandma Moses), một họa sĩ nổi tiếng – người bắt đầu vẽ tranh ở tuổi 67.

Rockwell đã chọn các nhân vật của mình một cách cẩn thận. Ông muốn tạo ra khung cảnh vừa quen thuộc vừa sâu lắng, một hình ảnh để gây được đồng cảm cho những gia đình đang phải chịu đựng sự chia ly trong thời chiến khi chiến tranh vùng Trung Đông nổ ra giữa Ả Rập – Israel năm 1948. 

Đó chính là câu chuyện song song thứ hai trong “Christmas Homecoming” mà Rockwell muốn kể – Những cuộc chiến vô nghĩa khiến gia đình ly tán và không có gì làm cho kỳ nghỉ của gia đình trở nên tuyệt vời hơn là chuyến trở về từ những người thân của họ.

Norman Rockwell đã mang đến một “khoảnh khắc hội ngộ gia đình” được mong ngóng từ 73 năm trước và giờ là 2021, hình ảnh ấy lại bừng lên tinh thần mà trong số chúng ta đều muốn nhìn thấy và đang chờ đợi những người thân ở phương xa trở về nhưng chưa thể vì cuộc chiến ý nghĩa vô cùng của thời đại ngày nay – Cuộc chiến với dịch bệnh.

Từ “Christmas Homecoming” cũng như nguồn cảm hứng của tác giả Norman Rockwell, Tách Lớp xin chia sẻ sự ấm cúng đến những ai đang còn xa xứ trong dịp Noel này vì bất cứ điều gì. Chúc mọi người sẽ có một mùa giáng sinh an lành, những ngày cuối năm ấm áp và sớm đoàn tụ bên người thân yêu.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

christmas Giáng Sinh Hoàng Hội họa Mỹ Homecoming minh họa tạp chí Norman Rockwell Tách lớp

iDesign Must-try

Điều gì sẽ xảy ra nếu vi khuẩn tổ chức lễ Giáng sinh? Họa sĩ minh họa Wenjing Yang sẽ cho bạn câu trả lời
Điều gì sẽ xảy ra nếu vi khuẩn tổ chức lễ Giáng sinh? Họa sĩ minh họa Wenjing Yang sẽ cho bạn câu trả lời
Wenjing Yang là một họa sĩ minh họa hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố New York, Mỹ với hàng loạt giải thưởng danh giá. Niềm đam…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…