/Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng các bạn khám phá các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Một kiệt tác được tạo nên từ thế kỷ 17 và đến nay nó vẫn vẹn nguyên giá trị như lúc mới sinh ra. Ở đó là kỹ thuật, tinh thần và vô vàn câu chuyện bí ẩn xoay quanh khiến nhiều thế hệ không ngừng đặt câu hỏi về bức tranh này.

Las Meninas – 1656, Diego Velázquez

Trong số ‘Tách Lớp’ lần này, chúng mình sẽ đến với một trong những đóa hoa rực sáng nhất trên bầu trời nghệ thuật của danh họa Diego Velázquez – Tác phẩm Las Meninas.

Diego Velázquez được biết đến là một trong những bậc thầy hội họa của thời kỳ Baroque, các tác phẩm của ông chủ yếu xoay quanh lịch sử và gia đình hoàng tộc Tây Ban Nha. Las Meninas cũng thuộc chủ đề như vậy, bức tranh được vẽ vào năm 1656, mô tả khung cảnh gia đình vua Philip IV với nhân vật trung tâm là công chúa nhỏ 5 tuổi – Infanta Margarita Teresa, xung quanh là các thị nữ đang chăm sóc cho cô.

Madlyn Millner Kahr, tác giả cuốn Velázquez: The Art of Painting, đã nhận xét về Las Meninas như sau: Velázquez đã tạo ra một thứ gì đó thật phi thường, bức tranh này vượt qua mọi giới hạn các tác phẩm trước kia của chính Velázquez.

Còn danh họa Thomas Lawrence, người nổi tiếng với những bức chân dung, đã gọi Las Meninas như một Triết Lý của Nghệ Thuật.

Một bức tranh về gia đình hoàng tộc nhưng được đánh giá là một trong những kiệt tác vĩ đại của lịch sử nghệ thuật, có điều gì đặc biệt trong tác phẩm này? Chúng ta sẽ cùng ‘tách lớp’ Las Meninas ngay sau đây.


Bối cảnh xây dựng

Như đã nói ở trên, Velázquez là họa sĩ hoàng tộc của vua Tây Ban Nha – Philip IV trong hơn 30 năm. Với tài năng của mình, ông luôn nhận được sự ngưỡng mộ và vua Philip thường xuyên lui tới xưởng để xem ông vẽ. Nhờ vậy Velázquez đã rất nhiều lần vẽ chân dung cho Đức Vua và được ưu ái giữ chức quan thị vệ trong cung điện với trách nhiệm trang hoàng cho lâu đài Alcazar ở Madrid.

Đó cũng là lý do vì sao, khung cảnh chính trong Las Meninas được lấy từ chính nơi đây, căn phòng này trước kia của thái tử Don Baltasar Carlos, nhưng do ngài mất sớm nên nó đã được chuyển thành xưởng vẽ của Velázquez trong chính cung điện.

Không gian mang đậm tính nghệ thuật với rất nhiều bức tranh được treo trên khắp các mảng tường của căn phòng, nhưng đặc biệt nhất là 2 tấm lớn ở trên cao. Có thể trong Las Meninas chúng ta không thể nhìn rõ hình ảnh nhưng theo ghi chép lịch sử, 2 tác phẩm lớn ấy là bản sao của ‘Pallas and Arachne’‘Apollo as Victor over Pan’ vẽ bởi danh họa Peter Paul Rubens.

Ở bối cảnh chính của tác phẩm chúng ta có thể thấy được tất cả có 11 nhân vật xuất hiện bao gồm:

  • Công chúa Infanta Margarita Teresa, 5 tuổi – đứng giữa khung hình.
  • Maria-Agustina Sarmiento – Người bưng nước cho công chúa.
  • Isabel de Velasco – Người đứng cạnh phía bên phải công chúa.
  • Diego Velázquez đang đứng sau bức tranh lớn.
  • 2 người lùn là Mari BarbolaNicolas de Pertusato .
  • 2 người giám sát Marcela de UlloaGuardadamas đứng phía xa trong bóng tối.
  • Thống soái của cung điện Jose de Nieto Velazquez – Đứng ở ô cửa hành lang.
  • 2 người trong hình ảnh phản chiếu qua gương là Vua và Hoàng hậu Philip IV.

Với kích thước của bức tranh là 3,18 m x 2,76 m, tỉ lệ hình mẫu gần như 1:1, sắp xếp 11 con người với tỉ lệ như vậy trong một khung hình thực sự là một công trình nghệ thuật và cách Velázquez xử lí không gian không thể tuyệt vời hơn.

Một điểm nữa mà chúng ta ấn tượng đầu tiên đó là những ‘cái nhìn’, ánh mắt của 7/11 nhân vật đang hướng về phía trước và bằng những cảm nhận thị giác những đôi mắt ấy đang chằm chằm hướng tới người xem.

Vậy điều gì đã diễn ra trong Las Meninas?


Nghệ thuật thị giác trong Las Meninas

Mang ‘dáng dấp’ của nghệ thuật Baroque, ánh sáng trong Las Meninas vẫn mang nét đặc trưng của thời kì này.

Phần sáng chính được nhấn vào vào khu vực tiền cảnh cũng là nơi xuất hiện nhân vật chính của bức tranh – công chúa Margarita Teresa.

Bảng màu của Las Meninas đã cho ta thấy rõ điều đó, khi có độ tương phản cao giữa khu vực sáng và khu vực tối gợi nhiều liên tưởng đến cách bố trí ánh sáng trong các vở kịch sân khấu.

Màu sắc mà Velázquez sử dụng cũng có độ tiết chế nhất định và rất hiếm khi ông dùng nguyên màu cơ bản, ví dụ như chi tiết dải ruy băng đỏ trên váy của Margarita. Sắc tố được sử dụng ở đây không phải là đỏ Vermillon (đỏ son) như mọi người vẫn nghĩ, mà là đỏ Ochre (đỏ đất)

Màu đỏ tươi mà chúng ta nhìn thấy đến từ sự tương phản của những màu lân cận là màu xám lạnh bao quanh nó và điểm vàng bên trong biến màu đỏ đất tươi hơn. Mặt khác, màu đỏ son cũng được sử dụng nhưng trộn với trắng Titan, để tạo ra màu hồng nhạt mát mẻ trên má và giúp liền mạch liên kết màu sắc cho toàn bộ khung hình.

Tuy nhiên điểm đặc biệt nhất xuất hiện ở phần hậu cảnh, khác với các bức tranh bình thường theo mô tuýp thời Baroque đây sẽ là phần không gian luôn tối hơn để tôn lên vùng sáng.

Nhưng ở đây ta có thể thấy, phần hậu cảnh có xuất hiện ô cửa sáng nổi bật phá vỡ đi quy tắc thường lệ của nghệ thuật Baroque và khiến anh mắt của chúng ta bị chú ý nhiều vào điểm này.

Đến đây có một câu hỏi nữa được đặt ra, ánh sáng như một phương thức để làm rõ những nhân vật chính của câu chuyện, vậy tại sao ánh sáng mạnh như vậy lại được đặt ở vị trí này?

Để giải thích cho câu hỏi trên, chúng ta cần đến với phần thú vị nhất của bức tranh và cũng khiến nhiều thế hệ tranh cãi nhất – bố cục không gian trong Las Meninas.

Để xử lí tốt trong một không gian có nhiều nhân vật, cách tốt nhất là chia nhóm người lớn đó ra thành nhiều nhóm nhỏ, công việc này giúp người họa sĩ có thể bao toàn quát toàn bộ câu chuyện trong tác phẩm đồng thời cũng góp phần tạo nên không khí tức thời và độ đa dạng cho mắt người xem.

Las Meninas, chúng ta không chỉ có một cách chia mà có tới 3 cách phân nhóm như sau:

  • Theo lớp cảnh: Nhóm tiền cảnh (công chúa, 2 thị nữ, 2 người lùn) – Nhóm trung cảnh (Velázquez và 2 giám sát) – Nhóm hậu cảnh (vua, hoàng hậu và thống soái)
  • Theo nhóm 2: Velázquez và thị nữ bưng nước – 2 người lùn – 2 giám sát – thị nữ bên phải và thống soái – cuối cùng là đức vua và hoàng hậu.
  • Theo nhóm 3: Velázquez, Đức vua, Hoàng hậuCông chúa, hai thị nữThống soái, 2 giám sát2 người lùn và chú chó.

Với cả 3 cách phân nhóm như vậy, Velázquez sắp xếp nhóm 11 người này với một số bất thường những mối liên kết và tương phản, đẩy mắt người xem về phía sau cũng như phía trước của bức vẽ.

Có thể thấy, nhóm 6 người của 2 lớp trung cảnh và hậu cảnh đều nằm trên một mặt ngang và đồng thời tạo nên toàn bộ không gian ba chiều cho Las Meninas. Mắt chúng ta dịch chuyển từ Velázquez ở trung cảnh sang viên thống soái ở hậu cảnh khi họ đều đứng một mình trong không gian và thẳng hàng với 2 ô cửa ở phía sau. Tiếp theo đó là mối liên kết giữa 2 giám sát với Đức Vua và Hoàng Hậu ở trong gương ở nền sau.

Chính nhờ điều này đã tạo nên trục Z (chiều sâu) vượt lên trước cả chính tấm hình, gợi lên chiều sâu mà chính chúng ta không thể thấy được. Với chiếc gương phản chiếu hình ảnh cùng với những ánh mắt nhìn trực diện, Velázquez đã tạo nên một không gian lớp cảnh thứ 4, phía sau vùng quan sát của được gọi là Ngoại Trường Ảnh.

Không chỉ vậy, chiếc gương ngoài vai trò gợi thêm lớp phối cảnh mà còn là một vật liên kết cho toàn bộ đường dây hình ảnh của toàn bộ bức tranh.

Để ý kỹ chúng ta sẽ thấy bộ ba khung hình chữ nhật phía sau gồm 2 cánh cửa với chiếc gương có liên kết chặt chẽ với bộ ba 2 người thị nữ và công chúa nhỏ. Khi cạnh bên phải của mỗi khung hình chữ nhật đối ứng với một nhân vật của bộ ba ở dưới và bằng cách sắp xếp có chủ ý, điều này đưa mắt người xem một cách tự nhiên từ Đức Vua và Nữ Hoàng đến con gái của họ.

Ngoài ra, từ chiếc gương mắt người xem cũng được hướng sang bên phải, phía ô cửa có hành lang được chiếu sáng của viên thống soái. Khoảng không gian chiếu sáng này tạo nên mạch tam giác trọng tâm khi có độ ngang tương đương giữa chiếc gương với ô cửađộ sáng gần giống nhau giữa khu hành lang và công chúa Teresa.

Bây giờ sẽ đến lúc trả lời cho câu hỏi được đặt ra lúc nãy “Vì sao ô cửa kia lại có ánh sáng mạnh như vậy ?”

Bên cạnh việc nằm trong mạch tam giác trọng tâm của bức tranh, nó còn mang đến hiệu ứng chiều sâu cho không gian. Với phối cảnh một điểm tụ, điểm nhìn của Las Meninas nằm ở trong chính ô cửa đó.

Giả sử nếu vùng hành lang này có tông màu tương tự với nền tối, thì không gian này sẽ gần như cùng mặt phẳng với bức tường và mất đi điểm hút thị giác cho người xem. Nhưng Velázquez đã vô cùng tinh tế khi biến hóa nó thành vùng sáng vừa để tăng chiều sâu cũng vừa tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ không gian bức tranh.

Ý nghĩa hình tượng

Las Meninas, người xem được nhìn thấy những gì tinh hoa nhất trong sự nghiệp cầm cọ của Velázquez.

Sử gia nghệ thuật E H Gombrich đã viết trong cuốn The Story of Arts rằng Velázquez đã nắm bắt cái khoảnh khắc chớp nhoáng ấy cực kì tài tình và điều này giống như chiếc máy ảnh của thời kỳ này chụp lại.”

Bằng kỹ thuật Alla Prima (vẽ chồng lớp sơn ướt), ông đã bắt ngay trực tiếp thần thái các nhân vật trong hoạt cảnh, cùng với đó là nét vẽ uyển chuyển đã đem lại cho hình ảnh này một cảm giác rất tự nhiên như một tấm ảnh chụp nhanh. Velázquez đã nắm bắt khoảnh khắc các nhân vật đang để ý điều gì đó, có thể đó chính là sự xuất hiện của Đức Vua và Hoàng Hậu.

Chi tiết chiếc gương là hình tượng có lẽ đắt giá nhất của cả bức tranh, không chỉ phản chiếu hình ảnh những người quyền lực nhất đất nước mà vô hình chung đưa người xem ở vị trí ngang hàng với họ. Ở đây như thể Velázquez muốn nói rằng, trong nghệ thuật không phân biệt mọi người là ai, địa vị ra sao – tất cả đều bình đẳng trước giá trị cao quý mà nghệ thuật đem lại.

Các bạn còn nhớ hình ảnh 2 bức tranh khổ lớn mình có nhắc tới ở phần đầu chứ? Chúng không hề vô nghĩa.

Bức “Pallas and Arachne” phía bên trái và “Apollo as Victor over Pan” phía bên phải

“Pallas and Arachne”“Apollo as Victor over Pan” đều là những câu chuyện được lấy trong bài thơ Sự biến hóa của Ovid. Ở “Apollo as Victor over Pan” là sự thách thức của Marsyas với thần Apollo trong cuộc thi thổi sáo, còn “Pallas and Arachne” là thần Athena thách đấu Arachne trong cuộc thi dệt vải.

Nói cách khác, đây là hai cuộc thi giữa con người và các vị thần trong lĩnh vực nghệ thuật, Marsyas thua còn Arachne thắng nhưng cuối cùng họ vẫn bị trừng phạt bởi các vị thần vì họ không nhận ra giá trị thiêng liêng của ‘lao động’ nghệ thuật. Và trong hoàn cảnh này rất đúng với Las Meninas, khi đây là bức tranh về chính nghệ thuật.

Quay ngược thời gian trở về thời kỳ của Velázquez, khi hội họa không đóng vai trò quan trọng như thơ ca hay âm nhạc. Las Meninas xuất hiện như lời khẳng định mạnh mẽ cho giá trị của hội họa, là chạm đến trái tim của mọi người.

Biên tập: Hoàng
Nguồn tham khảo: Nerdwiter, Artsy, visual-arts-cork, mymodernmet, phaidon.com, factoryartebilbao

Cùng tác giả

#Tag

baroque Diego Velázquez Las Meninas phân tích tranh Tách lớp

iDesign Must-try

/Tách Lớp/ ‘Christmas Homecoming’ - Hình ảnh từ 73 năm trước và giờ là mong ước quý giá của hiện thực
/Tách Lớp/ ‘Christmas Homecoming’ - Hình ảnh từ 73 năm trước và giờ là mong ước quý giá của hiện thực
Norman Rockwell được biết đến là người mang đến những hình ảnh biểu tượng cho ngày giáng sinh của nước Mỹ với tình cảm dịu dàng và gần gũi trong…
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
Tuyệt tác của họa sĩ Emma Meyer đưa người xem trở về những năm cuối thế kỷ 19 với ánh nắng rực rỡ ngập tràn không gian và cho chúng…
/Tách Lớp/ Vì sao ‘View of the Flower of Greece’ là kiệt tác phong cảnh của hội họa Đức
/Tách Lớp/ Vì sao ‘View of the Flower of Greece’ là kiệt tác phong cảnh của hội họa Đức
Nghệ thuật đôi lúc vượt lên trên sự đẹp vốn cố, người ta có thể tạm quên đi tính thẩm mỹ thượng thừa tồn tại trong tác phẩm vì những…
/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele
/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele
Mỗi bức chân dung tự họa của Egon Schiele là một mảnh ghép tâm hồn thấu cảm, đưa người xem lang thang trong thế giới dị biệt của vô vàn…
/Tách Lớp/ Pollice Verso - Bài phê bình đặc tính xã hội của Jean-Léon Gérôme
/Tách Lớp/ Pollice Verso - Bài phê bình đặc tính xã hội của Jean-Léon Gérôme
Lột tả chân thực hình ảnh thời kỳ La Mã cổ đại, những gì Gérôme miêu tả không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tái hiện lịch sử. Đó còn…
/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
Nghệ thuật của Homer ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sĩ kế tục, chúng mang đậm “tính toàn vẹn của tự nhiên”, lột tả hiện thực tràn…