/Tách Lớp/ The Iron Rolling Mill - Từ tác phẩm hiện thực để thấy tinh thần thép của người Đức

Một bầu không khí sôi sục hiện diện ở mọi ngóc ngách khiến chúng ta như bị cuốn theo nhịp độ dồn dã và đầy căng thẳng mà bức tranh đem lại. Adolph Menzel đã khắc họa chân thực bối cảnh nước Đức thế kỷ 19 trong cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp hóa đang lên cao lúc bấy giờ.

Adolph Menzel (1815 – 1905), họa sĩ theo trường phái hiện thực người Đức, được xem là một trong những con người kiệt xuất của cộng đồng nghệ thuật thế giới với vô số tác phẩm hội họa gây tiếng vang mạnh mẽ và nhận được sự thán phục của các đồng nghiệp cùng thời.

Nhà phê bình có tiếng của Pháp, Edmond Duranty đã không ít lần ca ngợi các tác phẩm kì công của Menzel trong những bài phân tích chi tiết của mình. Trong khi đó, Max Liebermann, họa sĩ trường phái ấn tượng có ảnh hưởng lớn ở Đức thế kỷ 19 coi Adolph là một “thiên tài” xuất chúng. Còn họa sĩ tiên phong người Pháp, Edgar Degas gọi ông bằng danh xưng kính nể “bậc thầy vĩ đại nhất còn sống”.

Chân dung họa sĩ Adolph Menzel được vẽ bởi Paul Meyerheim năm 1839

Những bức tranh của Menzel là hình ảnh ghi dấu lịch sử thể hiện qua khả năng quan sát nhạy bén, tay nghề tài tình trong các chủ đề liên quan đến cuộc đời và thành tựu của Frederick Đại đế, đồng thời ông cũng tập trung vào những con người đương đại được thể hiện qua các khung cảnh cuộc sống thường ngày khác nhau, có thể kể đến như Afternoon in the Tuileries Gardens (1867), The Ball Supper (1878) hay Before Confession (1875).

Trong số Tách Lớp ngày hôm nay chúng mình sẽ đến với tác phẩm The Iron Rolling Mill (Modern Cyclopes) (tạm dịch: Nhà máy cán sắt – Những Cyclop thời hiện đại). Một bức tranh hiện thực về tầng lớp lao động mà Menzel dành rất nhiều tâm huyết để sáng tác và cũng được các nhà phê bình đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất của lịch sử hội họa nước Đức.

Không để các bạn đợi lâu hơn nữa, chúng mình cùng bắt đầu với câu chuyện trong The Iron Rolling Mill nào.

The Iron Rolling Mill (Modern Cyclopes), 1872 – 1875, Adolph Menzel
Kích thước: 158 × 254cm

The Iron Rolling Mill miêu tả một ngày lao động cực nhọc trong xưởng cán sắt đường ray xe lửa của nhà máy Upper Silesian Königshütte với hơn 40 công nhân, nếu để ý kĩ chúng ta sẽ thấy tất cả họ đều không có đồ bảo hộ khi làm việc và chi tiết này sẽ được mình đi sâu hơn ở phần sau.

Lật ngược thời gian trở về nửa sau thế kỉ 19, đây là thời điểm các họa sĩ định hình con đường mới trong nghệ thuật của họ, thay vì miêu tả những yếu tố thần thoại hoặc các nhân vật trong văn chương, những họa sĩ bấy giờ tìm đến những khung cảnh con người đời thường để miêu tả vẻ đẹp chân thực của lao động.

Gustave Courbet với The Stone Breakers (1849) và The Gleaners (1857) của Jean-François Millet là các tác phẩm hiện thực truyền cảm hứng đặc biệt cho Menzel có những bức vẽ đầu tiên của mình, đó là về một khung cảnh công nghiệp Heckmann Brassworks ở Berlin vào năm 1869. Nhưng sự hối thúc lớn nhất để ra đời The Iron Rolling Mill có lẽ đến từ Paul Meyerheim, một người bạn của Menzel, người lúc đó đang thực hiện một loạt tranh về lịch sử đường sắt cho chủ tập đoàn Borsig – Albert Borsig.

Bức The Gleaners (1857) của Jean-François Millet

Sau khi The Iron Rolling Mill trình làng, rất nhiều họa sĩ cũng tìm đến khung cảnh tương tự để thể hiện tài năng của mình như một sự cộng hưởng và lòng ngưỡng mộ với Menzel. Nghệ thuật thế giới lúc này có thêm Burmeister and Wain Iron Foundry (1885) của Peder Severin Krøyer hay Forge in Sterkrade (1913) của Otto Bollhagen.

Tất cả họ đều tạo nên những tác phẩm hiện thực về lịch sử cực kì thuyết phục và được đánh giá là những tuyệt tác hàng đầu thế giới. Nhưng The Iron Rolling Mill của Menzel vẫn được xem là hình ảnh mang tính biểu tượng về cảnh lao động nhóm trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật. Vậy điều đó đến từ đâu?


Sức hút mạnh mẽ từ bố cục cầu kì và ánh sáng của sắt nung

Toàn bộ bức tranh được phủ bóng một màu tối sậm của không gian làm việc khắc nghiệt với muội sắt và hơi nước khắp nơi. Xa xa là ánh sáng yếu ớt từ bên ngoài đang len lỏi qua từng khe hở trên mái nhà. Hiện lên nổi bật trên khung cảnh tăm tối đó là ánh sáng rực lửa va đập khắp không gian từ trên da thịt những người thợ mướt mát mồ hôi cho đến cỗ máy hiện đại vững chắc.

Menzel lựa chọn góc nhìn trung cảnh và có lẽ vị trí hơi cao hơn so với mặt bằng một chút để có thể bao quát toàn bộ bối cảnh phân xưởng mình định miêu tả. Phần hậu cảnh ông gợi hình bóng người một cách nhẹ nhàng để người xem thấy rõ mật độ đông đúc của các công nhân thời điểm đó.

Đến phần trung cảnh, họa sĩ người Đức bắt đầu phác họa chi tiết hơn nên những cơ thể của các công nhân với hình khối rắn chắc, thể hiện sức mạnh của công việc ngành công nghiệp hiện đại. Chính giữa trung tâm của bố cục, Menzel đặt ở đó một nhóm công nhân chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ quan trọng là cán sắt. Nhờ khả năng điều chuyển ánh sáng và bóng tối do nghệ sĩ tạo ra, người xem gần như có thể cảm nhận được sức nóng của thanh sắt đang nung đỏ hỏn. 

Hướng mắt qua bên phải, chúng ta có thể thấy một nhóm người thợ đang nghỉ giải lao. Những người đàn ông mệt mỏi có vài phút để uống nước và ăn một số đồ ăn gọn nhẹ mà họ mang theo khi đến nhà máy. Hầu hết các nhân vật đều tập trung vào các hoạt động của riêng mình, tuy nhiên, một người phụ nữ đang nhìn thẳng vào người xem và cái nhìn của cô khá sắc sảo.

Với cách lựa chọn bố cục và phối cảnh như vậy, Menzel đặt mắt người xem ở trạng thái luôn chuyển động vì rất những chi tiết nhỏ được ông khắc họa cực kỳ tinh tế khiến chúng ta có thể ngắm mọi ngóc ngách và đảo qua các vị trí một cách liên tục.

Bảng màu trong The Iron Rolling Mill

Bên cạnh đó là ánh sáng tương phản hấp dẫn đến từ tông màu cam nóng và không gian tối của nhà máy cũng là điểm gây tò mò cho thị giác. Tuy nhiên một chi tiết nhỏ có thể người xem bỏ qua nhưng lại đem đến hiệu quả về mặt cảm quan cực kì quan trọng là ánh sáng trắng len lỏi từ bên ngoài vào. Dù là những khoảng nhỏ nhưng nó góp phần tạo nên hòa sắc hài hòa, cân bằng với gam nóng chiếm phần đông của bức tranh và là quãng nghỉ nhẹ nhàng cho bối cảnh có phần căng thẳng.

Ngoài ra, những tia lửa nhấp nháy và phần bóng tối mơ hồ chạy khắp không gian từ xa đến gần khiến toàn bộ khung cảnh của The Iron Rolling Mill giống như một cuộc đấu tranh giữa con người và phe máy móc.

Để miêu tả những sự vật ở không gian như vậy là một thử thách cực kì khó khăn đối với mỗi họa sĩ muốn chinh phục. Bởi, chúng cần một đôi tay điêu luyện để có những nét màu chuẩn xác và độ chuyển sắc vô cùng tinh tế nhưng cũng phải thật sự thuyết phục để lột tả chân thực bầu không khí hỗn loạn và luôn chuyển động không ngừng đó.


Từ tác phẩm hiện thực để nhìn rộng hơn về bối cảnh nước Đức

Trường phái hiện thực ra đời như là cái nhìn sâu sắc của người nghệ sĩ với xã hội đương thời, tập trung vào những vấn đề diễn ra hiện tại thay vì tìm niềm cảm hứng ở những lý tưởng văn học nghệ thuật truyền thống.

Những năm 70 của thế kỉ 19 là thời kì các nước châu âu chạy đua trong cuộc cách mạng công nghiệp, hầu hết nông nghiệp hay xã hội nông thôn đều dần thay thế bởi ngành công nghiệp sắt và dệt với sự phát triển của động cơ hơi nước đóng vai trò trung tâm.

Đức không nằm ngoài làn sóng “Trendy” đó và hệ lụy kéo theo của cuộc chạy đua căng mình này là người lao động bị bóc lột một cách trầm trọng không thương tiếc. Những đồ bảo hộ dường như là vật dụng quá xa xỉ so với nơi đây, còn giới chủ thì ung dung dạo bước trong bộ đồ lịch lãm như đó là điều hiển nhiên.

The Iron Rolling Mill là bức tranh đầu tiên ở Đức miêu tả rõ nét nhất hậu quả vô nhân đạo và hà khắc của chính sách công nghiệp Bismarck đè nặng trên vai những người dân đáng thương.

Bên cạnh việc khắc họa chân thực môi trường độc hại mà những người lao động phải chịu đựng, bức tranh còn là hình ảnh ghi nhận công lao của những con người nhỏ bé không tên nhưng trực tiếp đem đến thành quả to lớn để gây dựng nên một nước Đức hùng mạnh sau này. Cái tên Modern Cyclopes hay Những cyclop thời hiện đại là chút ví von mà Menzel bày tỏ lòng kính trọng dành tới họ. Ở thần thoại Hi Lạp, Cyclopes là những bậc thầy về chế tạo vũ khí, góp công lớn tạo nên chiến thắng của các vị thần trên đỉnh Olympia với các Titan.

Còn ở đây, những con người phàm trần bằng da bằng thịt này đang oằn mình hết sức lực để giúp nước Đức có những công trình và phát kiến đi đầu thế giới, Vậy những gì họ nhận được có xứng đáng ?


Ngả mũ trước Adolph Menzel

Bước qua câu chuyện về thế thời, hiện lên nổi bật ở bức tranh là một tinh thần thép của người Đức được gửi gắm xuyên suốt tác phẩm và thể hiện rõ nhất ở hình ảnh những người lao động với sức mạnh, kiên cường và tính kỷ luật.

Nhưng trên tất cả, chúng ta phải dành sự thán phục kính nể dành cho người đã tạo nên hình ảnh biểu tượng này. Adolph Menzel mất 4 năm thực hiện bức tranh với hơn 100 bản kí họa, phác thảo bằng chì ở nhà máy cán sắt. The Iron Rolling Mill được tạo nên bởi các nghiên cứu chi tiết từ chuyển động riêng lẻ của các công nhân trong quá trình gia công cho đến quan sát tổng thể nhà máy của lò cao, máy móc và các công cụ với ánh sáng khác nhau.

Thêm vào đó, Menzel không lựa chọn ngành công nghiệp nặng của vùng Ruhr nổi tiếng cho bức tranh của mình mà ông đến vùng ở Upper Silesia, bởi nơi đây có điều kiện làm việc khắc nghiệt vô cùng và đó mới là chất liệu ông tìm kiếm để miêu tả rõ nét nhất những gì người lao động phải trải qua.

The Iron Rolling MillAldoph Menzel không chỉ là tượng đài về nghệ thuật mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho một tinh thần quật cường, luôn hết mình vì lí tưởng của đất nước được mệnh danh Những Cỗ Xe Tăng.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Adolph Menzel Hoàng Modern Cyclopes Nghệ thuật Đức phân tích tranh Tách lớp The Iron Rolling Mill thế kỷ 19 trường phái hiện thực

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…