/Tách lớp/ The Lady of Shalott - Khúc ca bi tráng vượt thời gian

Được lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của Alfred Tennyson, Waterhouse đã hình tượng hóa những con chữ đầy bay bổng để miêu tả vẻ đẹp và số phận bi ai của người phụ nữ trong truyền thuyết Arthurian.

J.W. Waterhouse (1849 – 1917) hay được biết với tên đầy đủ John William Waterhouse, là một trong những họa sĩ người Anh gây dựng được tiếng vang mạnh mẽ ở thế kỷ 19 với các tác phẩm hiện thực lãng mạn mang đậm dấu ấn nghệ thuật hàn lâm và sau này là thời kì Tiền Raphaelite.

Những bức tranh của ông chủ yếu được chuyển thể từ thần thoại cổ điển, truyền thuyết Arthurian hay những câu chuyện từ các tác phẩm văn học của nhiều tác giả nổi tiếng như: Shakespeare, Homer, Ovid,… với hình tượng nổi bật là người phụ nữ mang nét đẹp trong trẻo và trữ tình.

Họa sĩ J. W. Waterhouse trong xưởng vẽ.

Nói về phong cách của của Waterhouse, nhà phê bình nghệ thuật MH Spielmann từng miêu tả: “Sâu lắng nhưng đầy tham vọng, những bức tranh của J. W. Waterhouse mang một vẻ quyến rũ đến mê hoặc và ẩn chứa rất nhiều điều huyền bí. Hiện lên trên đó là những người phụ nữ với vẻ đẹp ngọt ngào, khiến chúng ta chìm đắm vào nét thanh tao của họ. Nhưng, hãy nhìn vào những đôi mắt ấy, chúng như đang muốn kể câu chuyện riêng của mỗi người.”

Và để hiểu rõ hơn về những điều mà MH Spielmann chia sẻ, bài viết lần này chúng mình sẽ cùng đến với một tác phẩm được xem là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của J.W.Waterhouse, bức tranh mang tựa đề – The Lady of Shalott (tạm dịch: Nàng tiên xứ Shalott).

The Lady of Shalott (1888) – John William Waterhouse
Chất liệu: Sơn dầu, Kích thước: 183 x 230cm.

Đôi lời về bài thơ của Alfred Tennyson năm 1842, câu chuyện kể về một cô gái sống dưới lời nguyền bi thảm phải cô độc trong một tòa tháp trên hòn đảo Shalott thượng nguồn vương quốc của Vua Arthur. Không những vậy cô chỉ được nhìn thế giới xung quanh qua một chiếc gương và cô đã dệt những gì mình trông thấy lên một tấm thảm.

Vào ngày nọ, khi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chàng hiệp sĩ khôi ngô Lancelot đang cưỡi ngựa. Không thể cưỡng lại, cô rời khung cửi và quay lại nhìn chàng, ngay lập tức chiếc gương nứt từ bên này sang bên kia và cô nhận ra lời nguyền đã giáng xuống mình. Biết được điều ấy nên cô đã lên thuyền xuôi dòng về Camelot gặp Lancelot để thổ lộ tình cảm của mình, nhưng số phận nghiệt ngã đã khiến cô qua đời trên đường về lâu đài ở Camelot.

Với hình ảnh mà Waterhouse miêu tả trong bức tranh, đây là giây phút nàng lên chiếc thuyền gỗ trở về Camelot, The Lady of Shalott được lấy cảm hứng từ phần 4 với những vần thơ như sau:

Trong gió đông hung hãn không ngừng thổi,
Đôi tay mềm tự ôm mình lẻ loi,
Đứng thanh thản giữa dòng xiết giá trôi,
Là bóng hình nàng tiên Shalott.
Với ánh mắt vô hồn đờ đẫn –
Như kẻ tiên tri giây phút xuất thần
Thấy trước hết mọi tai họa trầm luân,
Câm lặng trong ngây dại bâng khuâng –
Nàng trông về Camelot.
Đã tắt rồi những ánh sáng của ngày:
Tháo xích buộc, nàng nằm xuống thuyền say;
Dòng nước lạnh đưa nàng khỏi chốn đây.

Đoạn thơ được dịch bởi Câu lạc bộ sách Dostoevsky

Đây không phải là lần duy nhất mà Waterhouse hình tượng hóa những vần thơ trong bài The Lady of Shalott của Tennyson. Năm 1894 và 1916, ông đã sáng tác thêm 2 tác phẩm để miêu tả nhân vật chính trong những phân đoạn khác của bài thơ. Tuy nhiên, bức tranh năm 1888 vẫn được xem là một trong những tác phẩm hội họa tuyệt vời nhất ở Vương quốc Anh cũng như trên thế giới cho đến ngày nay.

Vậy điều gì đã tạo nên sức hút đặc biệt trong The Lady of Shalott của Waterhouse?


Vẻ đẹp không thể rời mắt của ‘Nàng tiên xứ Shalott’.

Ấn tượng đầu tiên khi người xem nhìn thấy The Lady of Shalott là một nét buồn sâu thẳm và đầy chất chứa. Để miêu tả nên cảm xúc man mác và số phận trắc trở cho nhân vật chính, Waterhouse đã khéo léo xây dựng nó từ ngay những chi tiết không gian thiên nhiên xung quanh.

Ở phần hậu cảnh phía xa, mặt trời đang dần khuất sau chân trời, những đám mây mù sầm tối chiếm trọn không gian là gợi mở để người xem cảm nhận ánh sáng màu trầm sẽ phủ khắp bức tranh. Hàng cây câm lặng ở khu vực trung cảnh cùng bụi cỏ sậy héo úa đổ rạp ở phần cận cảnh là những báo hiệu đầu tiên về số phận bi ai của Nàng sắp kéo đến.

Kỹ thuật xử lí ánh sáng cực kì cao đã cho phép Waterhouse xây dựng nên những lớp cảnh trong tối với sắc độ đa dạng và hình khối rõ ràng khiến chúng không bị rối vào nhau. Một nét tinh tế để thấy độ nhạy cảm với ánh sáng của Waterhouse so với những họa sĩ khác, nhiều người sẽ lúng túng khi gặp không gian như vậy dẫn đến biến những lớp cảnh trong tối cực kì thu hút này gần như chìm vào làm một.

Sau khi đã xây dựng được toàn bộ không gian mang một màu u tối và trầm buồn, Waterhouse đặt vào đó một hình ảnh đối lập hoàn toàn về màu sắc, đó là nhân vật chính của bức tranh: Nàng tiên xứ Shalott.

Trong bộ váy trắng, Nàng hiện lên nổi bật trong toàn bộ không gian điêu tàn, với mái tóc dài ánh đỏ cùng chuỗi dây chuyền vàng lấp lánh trên cổ. Những lớp màu chuyển nhẹ phần bóng râm trên bộ váy trắng cùng bút pháp điêu luyện và mềm mại góp phần gợi nên vóc dáng ‘ngọt ngào’ và sự trong sáng của nhân vật chính.

Đặc biệt, sức quyến rũ khó cưỡng khi chúng ta chiêm ngưỡng tác phẩm đến từ gương mặt thanh tao của nàng. Chiếc cổ cao cùng góc mặt 3/4 với cằm hướng lên là một trong những vị trí chân dung cực kì thuyết phục để miêu tả nên vẻ đẹp tiêu chuẩn của người phụ nữ trong nghệ thuật cổ điển.

Tuy nhiên cầu mắt của nàng lại hơi hướng xuống và khuôn miệng khẽ hở, đây là cách để Waterhouse xây dựng nên biểu cảm ngẩn ngơ mang tâm trạng hững hờ với nỗi buồn đang nặng trĩu. Thấp thoáng trong ánh mắt nàng, ta thấy sự tuyệt vọng khi những suy nghĩ cứ ập tới một cách dồn dập về những điều đã, đang rồi sẽ xảy đến với mình tiếp theo.

Bên cạnh hai chi tiết chính là không gian và Nàng tiên Shalott được tác giả tập trung miêu tả một cách kỹ càng thì những chi tiết phụ cũng góp phần vô cùng quan trọng để xây dựng nên tổng thể tuyệt vời của bức tranh.

Chiếc thuyền của Nàng được đặt ở hướng chéo của khung hình nhằm xây dựng góc hút, tăng tính hiện thực cho hình ảnh. Ngoài ra là tấm thảm với màu sắc sặc sỡ, chiếc đèn lồng phần mũi thuyền, bộ đèn nến và đôi chim bay lượn là những hình ảnh được Waterhouse điểm xuyến để xây dựng nên đặc trưng cho một tác phẩm hội họa thời kì Tiền Raphaelite mà mình sẽ nói ở phần sau. Song song với đó là làm tăng tính chi tiết gây thu hút thị giác và giúp bảng màu của bức tranh có hòa sắc đa dạng phong phú hơn.

Bảng màu trong The Lady of Shalott.

Bố cục với những chi tiết ẩn dụ

Những năm giữa thế kỉ 19 ở Anh là thời kì phát triển mạnh mẽ của nhóm nghệ sĩ Tiền Raphaelite – họ bao gồm những họa sĩ, nhà thơ và nhà phê bình đi tìm sự cải cách trong nghệ thuật bằng việc đổi mới cách tiếp cận với hội họa, vốn vẫn được ưa chuộng bởi các nghệ sĩ thời kỳ phục hưng như Michelangelo hay Raphael.

Các tác phẩm của họ luôn mang nhiều những biểu tượng nổi bật để góp phần truyền đạt ý nghĩa một cách sâu xa và The Lady of Shalott của Waterhouse không phải là một ngoại lệ.

Nếu chia bức tranh thành 3 khoảng theo lớp không gian, ở đó ta sẽ phần nào thấy được cuộc đời đầy trắc trở của Nàng.

Từ cạnh trái đến đuôi thuyền là Quá Khứ. Đó là nơi nàng bị kìm hãm cả cuộc đời mình vì lời nguyền oái oăm. Tòa lâu đài với những mảng tường rêu mốc, cũ kĩ đã giam cầm khát vọng sống mãnh liệt của cô gái trẻ.

Tiếp đó đến hết tấm thảm là Hiện Tại. Đây là những điều cô hằng mong mỏi và nay đã chạm nhẹ vào nó – Sự tự do. Chi tiết nhỏ ở phần rủ mạn thuyền trên tấm thảm ta có thể thấy là hình ảnh chàng Lancelot cưỡi ngựa cùng nhân vật chính trong lâu đài ở tư thế phải quay lưng. Nếu trước đó, tấm thảm là công việc, một thói quen hàng ngày mà nàng không có quyền lựa chọn thì nay nó trở thành một vật không còn quan trọng để nàng bận tâm.

Lúc này nàng đã phá bỏ mọi sự kìm kẹp để đi theo tiếng gọi của bản thân là tình yêu đời mình. Bàn tay buông nhẹ sợi xích giữ thuyền là hình ảnh ẩn ý về sự gạt bỏ những điều đã ngăn cản nàng suốt bấy lâu đến với tự do. Và để nhấn mạnh thêm khát vọng ấy, Waterhouse đã thêm vào đó chi tiết đôi chim bay lượn trong gió đầy ân ái như tô đậm thêm niềm mong ước tột cùng của nhân vật chính.

Phần mũi thuyền đến cạnh phải là Tương Lai. Hình ảnh 3 ngọn nến ở phần mũi thuyền cùng bức tượng Chúa Kitô nằm trên Thập tự giá là chi tiết chúng ta đáng lưu tâm. Hai trong số ba ngọn nến thấp hơn đã bị thổi tắt và chiếc còn lại đang mong manh trong cơn gió và dường như nó có thể bị dập tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng ngọn nến cuối cùng lại cao hơn một cách đầy kiêu hãnh. Dù biết rằng đó là điềm báo về một tương lai u tối, nhưng ngọn lửa vẫn níu giữ lấy sợi bấc để không bị tan biến bởi ngọn gió hung tợn kia, tựa như Nàng Shalott quyết đương đầu với những thử thách ngặt nghèo phía trước để giành lại khát vọng của đời mình.


Hình tượng vượt thời gian

Với tất cả những chi tiết đầy ẩn ý được Waterhouse dày công xây dựng, bức tranh là một bài ca truyền cảm hứng về sự tự do dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là phái nữ. Nổi tiếng với những tác phẩm miêu tả vẻ đẹp trong trẻo của những cô gái với số phận bi thương, nhưng ở The Lady of Shalott ẩn chứa câu chuyện về tinh thần không lùi bước trước số phận ngang trái, dấn thân để được sống với những điều hằng mong muốn.

Để kết cho số tách lớp lần này, mình xin mượn lời của nhạc sĩ Nabihah Iqbal viết về The Lady of Shalott như sau: “Có điều gì đó vô cùng chân thực và đầy cảm xúc trên gương mặt của cô ấy. Bức tranh này khiến tôi nhận ra rằng một cái gì đó có thể đẹp và buồn cùng một lúc. Dù được lấy cảm hứng từ bài thơ của Tennyson, nhưng nó đã kể câu chuyện của riêng mình. Ở đó Lady of Shalott là hiện thân của sức mạnh và lòng quyết tâm”.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Hoàng nghệ thuật Anh phân tích tranh Tách lớp The lady of shalott waterhouse

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…