/Tách Lớp/ Vì sao Người Mẹ của Whistler lại nổi danh khắp thế giới

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Yên tĩnh, trầm lắng và ung dung – Whistler miêu tả người mẹ trong bức tranh nổi tiếng nhất của ông nhưng ẩn sau đó là những chi tiết nghệ thuật đan xen được họa sĩ người Mỹ khéo léo sắp đặt.

Whistler’s Mother (tạm dịch: Người mẹ của Whistler) được vẽ vào năm 1871 dưới bàn tay họa sĩ người Mỹ, James Abbott McNeill Whistler. Ông được xem là người khởi xướng cho phong cách Tonalism hay chủ nghĩa Sắc Độ phát triển mạnh mẽ vào những năm 1880 – 1910 ở Mỹ. Những bức tranh theo chủ nghĩa này có tông màu tối và trung tính sử dụng gam xám, nâu hoặc xanh lam (còn được gọi là giá trị âm sắc) thường để miêu tả phong cảnh với bầu không khí hoặc sương mù bao phủ.

Arrangement in Grey and Black, No. 1” hay “Whistler’s Mother” của James Abbott McNeill Whistler
Kích thước: 144,3 × 162,4 cm

Bức Người mẹ của Whistler cũng nằm trong tuyến tư duy như vậy của Tonalism, tuy nhiên thay vì miêu tả cảnh quan thì Whistler lựa chọn chủ đề chân dung để nghiên cứu giá trị âm sắc trong thời kì đầu chủ nghĩa này định hình. Lúc này bà Anna Whistler đã chuyển đến Anh để sống cùng ông, khung cảnh của bức tranh mở ra với hình ảnh người mẹ già đang ngồi trên ghế tựa hướng mắt về phía trước, căn phòng của bà được bày trí ngăn nắp tối giản với tấm rèm đen và một vài khung tranh trên tường.

Tựa đề của bức tranh

Thông thường tựa đề dùng để xác định chủ thể, thiết lập bối cảnh, ám chỉ các ý nghĩa có thể có hoặc chỉ ra một khuôn mẫu giúp người xem dễ hiểu. Trước khi được biết đến với cái tên rộng rãi “Whistler’s Mother”, tên gốc của tác phẩm khiến nhiều người liên tưởng đến một bản nhạc “Arrangement in Grey and Black No. 1” (tạm dịch: Biên khúc Xám và Đen, số 1).

Quay ngược trở về Anh thời Victoria, các bức tranh bấy giờ thường chỉ kể những câu chuyện hoặc truyền tải một bài học đạo đức, vì thế, tựa đề là một điểm quan trọng để đánh giá ý nghĩa đó. Whistler lại không hề ưa chuộng những sự ám chỉ như vậy, ông là con người theo đuổi quan điểm “Nghệ thuật vị Nghệ thuật”. Vậy nên bức chân dung tiểu sử vẽ mẹ mình được ông gọi bằng cái tên mang nhiều hình tượng “Âm Sắc” như một cách khiêu khích nhẹ nhàng với xã hội nghệ thuật ở xứ sở sương mù cuối thế kỉ 19.

Không chỉ vậy, Whistler còn được biết đến là người đã tìm thấy sự song hành giữa hội họa và âm nhạc, những giai điệu của âm thanh cho ông sự liên tưởng đến nhịp điệu của màu sắc và bố cục. Bên cạnh chùm tranh “Arrangement – Biên khúc“, ông còn có “Harmony – Hòa âm“, “Nocturne – Khúc đêm” và “Symphony – Bản giao hưởng”.


Vậy “Âm sắc” trong Whistler’s Mother là gì?

Whistler từng viết: “Nghệ thuật… nên đứng độc lập, bởi chỉ có vậy nó mới thực sự thu hút thị giác và thính giác… Như âm nhạc là thơ của âm thanh, còn bức tranh là thơ của ánh sáng”.

Đối với nhiều nghệ sĩ, cảm hứng sáng tác có thể được lấy từ các sự kiện đang diễn ra hoặc trong quá khứ, bối cảnh lịch sử hoặc tôn giáo, các vấn đề xã hội hay chính trị. Nhưng James Whistler luôn bỏ mặc điều đó, ông chú ý đến đồ vật hay phong cảnh ở đời thực, nắm bắt tâm trạng thơ mộng của sự hài hòa giữa hình ảnh và âm nhạc để thể hiện âm vang những nét đẹp thẩm mỹ dưới dạng nghệ thuật trừu tượng.

Một ví dụ điển hình về điều này có thể nhắc đến là Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket (tạm dịch: Khúc đêm đen và vàng: Pháo hoa) năm 1875, trong đó Whistler mô tả một sự kiện mà ông đã chứng kiến, một màn bắn pháo hoa ở London Cremorne Gardens. Tương tự là bức tranh Symphony in Grey and Green: The Ocean (tạm dịch: Bản giao hưởng xám và lục: Đại dương) (1866) được lấy cảm hứng từ chuyến thăm đến vùng biển Valparaiso, Chile.

Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket, 1875

Trở lại Whistler’s Mother, nét tinh nhạy này được họa sĩ người Mỹ thể hiện ở cách sắp đặt bố cục và sử dụng màu sắc uyển chuyển để tạo nên tổng thể hài hòa cho toàn bộ khung cảnh.

Về phần bố cục, bức tranh không hề cho thấy sự phức tạp trong không gian, chúng được đơn giản hóa bằng những mảng màu khổ lớn với nhiều hình dạng chữ nhật: bức tranh trên tường, sàn nhà và tấm rèm cửa. Không những vậy chúng còn đan xen bởi các chi tiết văn hóa khác nhau, từ tấm rèm có họa tiết mang âm hưởng đất nước Nhật Bản cho đến bộ trang phục của bà Anna là đặc trưng thời kì Victoria.

Bên cạnh đó, vị trí miêu tả tư thế ngồi của nhân vật chính không hề khơi gợi chiều sâu cho bức tranh. Nếu muốn làm điều đó, Whistler sẽ chọn góc chéo trong không gian để có những khoảng gấp ánh sáng tạo hiệu ứng 3D. Nhưng ông lại chọn góc nhìn ngang để kéo dài khung hình, đặt hình ảnh bà Anna giống như trên một mặt phẳng và tách lớp này ra khỏi bức tường xám phía sau bằng quầng bóng đổ êm dịu.

Nhờ vậy mà Whistler’s Mother xây dựng được nét gần gũi mang tính biểu tượng, hình ảnh hiệu ứng 2D với nhiều khoảng màu lớn giúp người xem dễ dàng bao quát một cách nhanh nhất.


Về phần màu sắc, có thể nhận xét khách quan bảng màu êm đềm trong Arrangement in Grey and Black No. 1 không hề gây chú ý thị giác. Nhất là so với những bức tranh cùng thời kì ở Pháp hay sau đó là các tác phẩm rực rỡ của Vincent van Gogh Paul Gauguin.

Độ chuyển màu êm trong Whistler’s Mother.

Bảng màu của Whistler mang đến cảm giác an toàn, đối lập với tinh thần náo nhiệt ở trường phái Ấn tượng sử dụng các màu bổ sung mạnh mẽ. Và thay vì các nét đứt quãng để truyền tải khả năng biến đổi của thiên nhiên, bức tranh của Whistler là kỹ thuật sử dụng các lớp sơn mỏng để đạt được độ hài hòa, cân bằng và ổn định về âm sắc.

Thế nhưng, chính điều này lại được các nhà chuyên môn đánh giá cao, quan sát cận cảnh ta có thể nhận ra sự tinh tế của lớp sơn mỏng. Whistler đã sử dụng sơn dầu rất loãng, được pha với nhựa thông, nhằm tạo ra màu bán trong mờ giống như màu nước. Lớp sơn lỏng này được quét nhẹ lên canvas đã góp phần nhấn mạnh tính phẳng cho tác phẩm. Và việc Whistler giới hạn màu sắc trên bảng màu của mình nhằm mục đích giảm độ tương phản tông màu, qua đó chủ nghĩa hiện thực được mài dũa tinh xảo để làm tăng vẻ ngoài trừu tượng cho bức tranh. 

Giản lược những khoảng màu lớn để phần nào thấy được tính trừu tượng và biểu tượng trong bức tranh.
Chi tiết tấm rèm với họa tiết văn hóa Nhật Bản
Bức tranh trên tường miêu tả sông Thames ở Anh

Hình tượng người mẹ

Whistler đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ phong cách hội họa hiện thực sang phong cách hội họa trừu tượng. Nghệ thuật của ông là sự thể hiện thuần túy của các giá trị hình thức, bất kỳ phép ngoại suy nào về cảm xúc của con người hoặc những câu chuyện ẩn ý đều dư thừa và cản trở cho sự thưởng thức thị giác.

Thế nhưng, cũng giống như người họa sĩ đồng hương sau này Edward Hopper, càng không đặt nặng giá trị ý nghĩa thì bức tranh của họ lại càng có sức mạnh lan tỏa khủng khiếp. Hình ảnh người mẹ đã quá in sâu trong tâm trí của mỗi người, nhưng cách Whistler miêu tả mẹ mình mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bà ấy ngồi đăm chiêu nhìn chằm chằm về phía trước, có lẽ người phụ nữ này đang chìm đắm trong suy tư nghiêm khắc về cuộc sống của mình cùng sự hỗn loạn xung quanh.

Để rồi khán giả chợt nhận ra, thời gian được thấy người mẹ của mình với tâm thế ung dung như vậy là khoảnh khắc chúng ta bình yên nhất, đáng trân quý nhất trong suốt cuộc đời. Arrangement in Grey and Black No. 1 là hình ảnh cho toàn bộ những người mẹ trên khắp thế giới, hiện thân cho tình cảm gia đình, và khi nhìn vào đó, chúng ta thấy được hình bóng người thân ở ngay đây.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa sắc độ hiện thực Hoàng James Whistler Nghệ thuật thế kỉ 19 Tonalism trừu tượng

iDesign Must-try

James Whistler (Phần 3)
James Whistler (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài về James Whistler, chúng ta sẽ tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu còn lại của ông, bao gồm: Biên khúc tông xám và…
James Whistler (Phần 2)
James Whistler (Phần 2)
Trong phần thứ hai của loạt bài về James Whistler, chúng ta sẽ tìm hiểu phần còn lại về thời kỳ trưởng thành, giai đoạn cuối sự nghiệp, và các…
James Whistler (Phần 1)
James Whistler (Phần 1)
James Abbott McNeil Whistler là người tiên phong quan trọng chiến đấu cho cương lĩnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” đấu tranh giải phóng nghệ thuật khỏi nhiệm vụ tái…
Chủ nghĩa Sắc độ/ Tonalism (Phần3)
Chủ nghĩa Sắc độ/ Tonalism (Phần3)
Trong phần cuối của loạt bài ba phần về chủ nghĩa Sắc độ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm và tác giả tiêu biểu còn lại của trào lưu,…
Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 2)
Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 2)
Trong phần hai loạt bài về chủ nghĩa Sắc độ, chúng ta tìm hiểu khái niệm, phong cách, xu hướng, các phát triển hậu trào lưu, và những tác phẩm…
Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 1)
Chủ nghĩa Sắc độ/Tonalism (Phần 1)
Kế thừa di sản và cộng hưởng từ trường phái Sông Hudson và chủ nghĩa Quang chiếu, các nghệ sĩ chủ nghĩa Sắc độ tiếp tục đẩy xa thành công…