/Tách Lớp/ Woman with a Parasol - Cuộc dạo chơi trong thế giới màu sắc của Monet

Để tìm người họa sĩ khiến bạn chìm đắm vào từng đường cọ, vệt màu trên mặt vải, hãy nhớ đến Claude Monet.

Nếu có một chuyến xe đưa bạn về thời xưa cũ của Paris thế kỉ 19 như nhân vật Gil Pender trong Midnight in Paris, bạn sẽ tận hưởng nó chứ? Được sống trong thời kì đỉnh cao của nghệ thuật Pháp mà mọi tác phẩm đều đưa bạn vào một thế giới cực kì mơ mộng, đó chắc hẳn là một trải nghiệm thú vị. Điều ấy làm mình nhớ nhiều đến danh họa Claude Monet với những bức tranh Ấn Tượng vô cùng quyến rũ và đầy chất thi vị của ông.

Để bắt đầu bước vào tác phẩm hội họa ngày hôm nay, mình muốn mượn lời tác giả Mary Tompkins Lewis từng viết như sau: “Bức tranh mang đến khung cảnh sinh động và gợi cảm giác tự nhiên, khiến người xem giống như đang có mặt ngay tại thời điểm mà những gì Monet vẽ và trông thấy. Cùng với bố cục đối lập và nét vẽ thả lỏng, Women with a Parasol không chỉ là một bức tranh ngoại cảnh thông thường mà còn đánh dấu cho tác phẩm quan trọng nhất của Trường phái Ấn Tượng.”

Những dòng phê bình của Tompkins trong cuốn Critical Readings in Impressionism and PostImpressionism: An Anthology (2007) đã phần nào nói lên sự đặc biệt của Women with a Parasol với nghệ thuật, và nếu nhìn rộng hơn, bức tranh còn mang trong mình sứ mệnh thay đổi cả góc nhìn về hội họa thế giới lúc bấy giờ mà Monet đóng vai trò là người tiên phong.

Có thể không có chuyến xe nào ngoài thế giới thực đưa chúng ta trở về thời điểm của Monet, nhưng hi vọng đây sẽ là một khoảng không gợi mở đến những ngày xưa cũ ấy. Và không để các bạn đợi lâu hơn nữa, cùng chúng mình ngược dòng thời gian trở về thế kỉ 19, để khám phá câu chuyện và ngắm nhìn nhiều hơn với tuyệt tác của danh họa Claude Monet, tác phẩm mang tựa đề Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son (Tạm dịch: Người phụ nữ với cây dù – Bà Monet và con trai).

Rất vui khi được gặp lại các bạn tại chuyên mục Tách Lớp trên iDesign.

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son, 1875, Claude Monet
Kích thước: 100 x 81 cm

Bức tranh được thực hiện cuối năm 1875, trong một buổi dã ngoại trên ngọn đồi Argenteuil, ngoại ô Paris vào một ngày hè lộng gió của gia đình nhà Monet cùng người vợ Camille và cậu con trai Jean. Với những gì chúng ta được thấy, Woman with a Parasol là một góc nhìn bất chợt mà họa sĩ người Pháp có lẽ ngắt quãng cuộc vui của hai người để thực hiện bức vẽ và đây là khoảnh khắc họ đang thực sự tập trung ánh mắt về phía danh họa. Năm 1876, trong triển lãm lần thứ hai về Trường phái Ấn Tượng của Monet, nó đã nhận được không ít lời ca ngợi về cú bắt cực kì tự nhiên này.

Vậy điều gì đã tạo nên nét quyến rũ đặc biệt trong “Người phụ nữ với cây dù” ?


“Cuộc dạo chơi” trong thế giới sắc màu

Những nét vẽ ngẫu hứng cùng tông màu êm dịu với sắc xanh bầu trời chiếm phần chủ đạo, bóng người phụ nữ thướt tha trong gió là những ấn tượng đặc biệt đầu tiên mà người xem dễ dàng nắm bắt.

Monet đã lựa chọn góc nhìn cận cảnh để miêu tả người vợ và con trai mình, hướng mắt chính diện từ dưới lên đặt đường chân trời nằm ở 1/2 phía dưới bức tranh, mặt trời nằm ở sau lưng Camille cho bóng đổ ra phía trước bụi cây dưới chân nhân vật. Hình ảnh đối lập về chiều cao và tỉ lệ khung hình giữa Camille với cậu con trai Jean là cách Monet khơi gợi nhẹ nhàng về chiều sâu lớp cảnh trong bức tranh.

Nhờ cách sắp đặt bố cục và phối cảnh như vậy, Monet dễ dàng đưa người xem đồng cảm với tính thời điểm, song song với đó là tạo ra những khoảng không gian cho họa sĩ người Pháp thể hiện kỹ thuật đan sắc điêu luyện từ ngoài nắng sang phần bóng râm của mình.

Bảng màu trong Woman with a Parasol được tiết chế nhất định để ông tập trung miêu tả bầu không khí của buổi dã ngoại. Có thể thấy hòa sắc ở những phần ngoài nắng cũng như trong bóng râm đều được ông tinh chỉnh đạt cường độ và nhiệt độ màu ở mức gần tương đương. Bên cạnh đó là những nét vẽ đan xen, ‘quyện’ vào nhau giúp Monet gợi hình dung về cảm giác nheo mắt khi chúng ta nhìn vật thể ngoài nắng.

Trong những nghiên cứu cận cảnh về tác phẩm của Monet, người ta nhận ra rằng ông chỉ sử dụng 9 màu sắc cơ bản bao gồm: trắng Titan (trắng chì), vàng Chrome (vàng sáng-cam), vàng Cadmium, xanh Viridian, xanh ngọc lục bảo, Ultramarine của Pháp, xanh Coban, đỏ alizarinđỏ Vermilion. Nếu zoom kĩ trong Woman with a Parasol, chúng ta sẽ tìm thấy hết những sắc này trong bức tranh.

Đến với nhân vật chính của bức tranh, hai mẹ con nhà Monet, hình ảnh đối lập không chỉ thể hiện ở tỉ lệ khung hình để tạo luật xa gần mà còn thấy rõ ở độ chi tiết miêu tả nên họ. Với cậu bé Jean ở phía xa, Monet gợi hình bằng những nét và màu sắc nhẹ nhàng, tối giản. Trong khi đó, người vợ Camille được ông khắc họa một cách tỉ mỉ hơn với những nếp gấp mềm mại từ chiếc váy và mạng che mặt đang bay trong gió.

Một chi tiết đắt giá đã được Monet sử dụng ở đây, bằng phương pháp ước lệ mà sắc xanh của trời và màu vàng ánh hiện diện trên bộ trang phục của Camille là cách cực kì tinh tế để Monet xây dựng nên cảm giác “Ấn Tượng” cho nhân vật chính.

Dễ dàng nhận ra đây là sự tán sắc của các vật thể lên nhau trong môi trường cùng một nguồn chiếu sáng, ánh phản chiếu đến từ bầu trời và màu hoa vàng từ dưới mặt đất đã tạo nên hình ảnh cực kì cuốn hút và bắt mắt, khiến người xem vô tình bị ‘mê mệt’ với “vẻ quyến rũ không rõ đến từ đâu” trong Woman with a Parasol.


Vượt qua những quy tắc hàn lâm

Trước khi trường phái Ấn Tượng lên ngôi, nghệ thuật thế giới là câu chuyện của Hiện Thực và Cổ điển. Mọi tác phẩm ở giai đoạn này luôn tuân theo những quy tắc khắt khe về mặt kỹ thuật và hình ảnh để được xem là một tác phẩm chất lượng. Chính vì vậy, một vài nghệ sĩ ở Pháp đã nung nấu tìm đến con đường sáng tạo được ‘thả lỏng’ hơn để đạt trạng thái tự do trong nghệ thuật và người dẫn đầu là Monet.

Tuy nhiên ông vẫn luôn đề cao tính kỷ luật và sự tận tâm khi thực hiện một bức tranh. Đằng sau sự ngẫu hứng và đôi khi là nét vẽ nguệch ngoạc ấy là quá trình dài nghiên cứu, học hỏi từ nhiều tiền bối đi trước như Johan B. Jongkind, Eugene Boudin,…

Monet thường vẽ hàng loạt bức tranh vào các thời điểm khác nhau trong ngày để ghi lại hiệu ứng của ánh sáng qua từng mốc thời gian. Khác với nhiều nghệ sĩ, ông cố gắng vẽ lại những gì nổi bật trong những buổi vẽ ngoài trời, sau đó tiếp tục tìm hiểu sâu hơn và hoàn thành nó một cách ưng ý tại xưởng của mình.

Không những vậy, một chủ đề cũng được Monet vẽ lại rất nhiều lần để tìm ra phương pháp xử lí tốt nhất cũng như ghi chép lại cảm xúc ở mỗi giai đoạn. Woman with a Parasol là một ví dụ điển hình, bên cạnh tác phẩm 1875, ông cũng sáng tác thêm 2 phiên bản khác với khung cảnh tương tự vào năm 1886.

Trong bức thư gửi nhà phê bình nghệ thuật Gustave Geffroy, Monet có viết: “Tôi làm việc chăm chỉ với một loạt các hiệu ứng khác nhau, nhưng vào thời điểm này trong năm mặt trời lặn nhanh đến mức không thể theo kịp nó … càng vẽ, tôi càng thấy rằng có rất nhiều việc phải làm để lột tả những gì tôi đang tìm kiếm: ‘tính tức thời’… “

Woman with a Parasol là bức tranh tiêu biểu về niềm khao khát nắm bắt khoảnh khắc và sự ám ảnh muốn biểu hiện những điều mình đã trải qua của Monet. So với những tác phẩm thuộc thời kì trước 1870 khi vẫn có mang nhiều âm hưởng của cổ điển thì giai đoạn 1870 – 1873 là những thử nghiệm bắt đầu với phong cách mới.

Từ 1874 trở về sau này là thời kì Monet thực sự thăng hoa với nghệ thuật và “Người phụ nữ với cây dù” đóng vai trò bản lề cho bước chuyển mình đó. Được xây dựng nền tảng dựa trên những thực hành mà mình đã nghiên cứu, Monet đã tìm thấy những gam màu trong sáng kết hợp nét vẽ uyển chuyển cùng cách xử lí không gian tinh tế và hòa sắc mang đậm chất “bầu không khí tức thời”. Tất cả đã giúp Monet định hình được phong cách của bản thân và phát triển nó lên đỉnh cao ở những năm kế tiếp.


Tình yêu dành cho Camille

Woman with a Parasol ngoài là một tác phẩm quan trọng với nghệ thuật, ở đó chúng ta còn được thấy câu chuyện tình cảm nhiệt thành mà Monet dành cho Camille. Sau những ngày dài trắc trở vì chia cách và khó khăn khiến họ rong ruổi khắp châu âu, đây là khoảng thời gian gia đình Monet chuyển về sinh sống tại Argenteuil, gần sông Sein. Nơi Monet, Camille và cậu con trai Jean được thực sự cùng nhau tận hưởng cảm giác tình yêu gia đình.

Gia đình Monet trong khu vườn ở Argenteuil được vẽ bởi họa sĩ Edouard Manet .

Với cách miêu tả vợ mình trong Woman with a Parasol, Camille hiện lên như một biểu tượng, sự tôn trọng đặc biệt dành cho ‘nàng thơ’ có ý nghĩa vô cùng lớn trong cuộc đời của danh họa người Pháp. Vì tình yêu với Monet mà Camille đã từ bỏ cuộc đính hôn với một thương gia giàu có để cùng Monet viết nên câu chuyện rực rỡ và đầy thử thách của hai người.

Để rồi khi Camille qua đời năm 1879, những ngày tháng sau của Monet thực sự khó khăn và ông không khỏi nhớ thương về bà. Monet vẫn luôn vẽ lại vợ mình bằng những mảng kí ức đẹp nhất trong tâm trí nhưng những nét vẽ giờ đây hỗn loạn và đầy day dứt. Những chất chứa trĩu nặng được đong đầy lên mặt toan bởi lát cắt cảm xúc mờ ảo dành cho tình yêu lớn nhất đời mình.

Và… khi nhìn thấy dòng tâm sự bằng sắc màu ấy, người ta hiểu rằng... Monet yêu Camille rất nhiều.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

camille claude monet Hoàng Hội họa Pháp Hội họa thế kỉ 19 phân tích tranh Tách lớp trường phái ấn tượng Woman with the parasol

iDesign Must-try

Đoạn phim hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc Claude Monet vẽ tranh tại khu vườn của ông ở Giverny
Đoạn phim hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc Claude Monet vẽ tranh tại khu vườn của ông ở Giverny
Claude Monet là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất trong nhiều thế kỷ qua. Những hình ảnh đầy màu sắc, mang tính biểu tượng của ông đã khởi…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Các nhà khoa học thần kinh hiện biết rằng những gì chúng ta nhìn thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một thứ gọi là quá trình xử lý từ…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
"Dù cố gắng đến đâu, Cézanne vẫn không thể thoát khỏi những diễn dịch xảo quyệt của não mình. Trong những bức tranh trừu tượng của ông, Cezanne muốn thể…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy - (Phần 3)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy - (Phần 3)
"Từ chủ nghĩa ấn tượng, tôi muốn tạo ra thứ gì đó chắc chắn và trường tồn, giống như nghệ thuật trong các bảo tàng." Paul Cézanne tự tường trình…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy - (Phần 2)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy - (Phần 2)
Ở phần đầu tiên của chuỗi bài, ta đã cùng biết về danh hoạ Paul Cézanne cũng như hiểu thêm một vài nhận định của các nhà nghiên cứu và…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 1)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 1)
Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên Sinh năm 1839 tại Aix-en-Provence, Paul Cézanne là một họa sĩ người Pháp, thành viên của trường…